CỘI NGUỒN CỦA HẠNH PHÚC LÀ SỰ HÒA ĐIỆU

![]()
Ths. Nguyễn Quốc Dũng *
- Hạnh phúc là mục đích tối thượng của con người
Con người khi mới sinh ra, ai cũng cất tiếng khóc chào đời. Theo lẽ thường, đã nói “cất tiếng” như trong “cất tiếng hát”, “cất tiếng gáy”, “cất tiếng khen ngợi” là nói đến niềm hân hoan, vui sướng, cho nên, không ai nghĩ rằng tiếng khóc chào đời lại là tiếng khóc của khổ đau mà chính là tiếng khóc của hạnh phúc, hạnh phúc của những người thân chung quanh và của chính bản thân người mới được sinh ra. Như vậy, hạnh phúc là niềm hân hoan, vui sướng tồn tại trong mối quan hệ tình thân giữa mọi người với nhau. Hạnh phúc không phải của riêng ai, mà của tôi, của bạn, của tất cả những người sống chung quanh chúng ta trong mối quan hệ yêu thương. Bạn cướp đi hạnh phúc của người khác thì không chỉ người ấy chịu đau khổ mà chính bạn, trong mối quan hệ liên đới, cũng không thể sống trọn vẹn trong niềm hạnh phúc bất chính ấy được. Người ta không thể xây dựng hạnh phúc và an lạc của mình dựa trên sự đau khổ hay mồ hôi nước mắt, xương máu của người khác. Hạnh phúc và đau khổ trong một cộng đồng luôn hòa quyện với nhau, không thể tách rời nhau. Cho nên, suy rộng ra, có thể nói, kẻ hạnh phúc nhất không phải là người giành lấy được hạnh phúc từ nhiều người khác mà “là người tạo ra nhiều hạnh phúc cho kẻ khác” (Diderot).
Trong đời sống, hạnh phúc là điều ai cũng mong mỏi ước muốn. Nó là mục đích tối thượng, đồng thời là giá trị cao nhất của cuộc sống con người, của từng dân tộc, mở rộng ra, là của toàn nhân loại trên
--------------------------------------------------------
* Giảng viên HVPGVN tại Huế
Trái Đất này, một hành tinh nhỏ bé, nhưng vô cùng xinh đẹp và thân yêu. Mọi hoạt động dù vật chất hay tinh thần của con người chung quy đều hướng đến mục đích cuối cùng là Hạnh Phúc. Spinoza, một nhà toán học đồng thời là triết gia phương Tây thế kỷ 17, đã có một nhận xét chí lý: “Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác thoải mái, và sự vắng mặt của khổ đau”. Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt đối lập nhau của cuộc sống. Do vậy, để cuộc sống được an lạc hạnh phúc, thì rõ ràng không có con đường nào khác là phải tiêu diệt khổ đau. Đó là một chân lý vô song mà Đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ đã dạy cho các môn đồ, mà về cuối đời Ngài chỉ nói ngắn gọn như tổng kết triết thuyết của mình: “Trong suốt 45 năm thuyết pháp, xưa cũng như nay, Ta chỉ dạy có hai điều: Sự khổ và sự diệt khổ”. Cho nên “giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó vạch ra con đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con người sống hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn” (Thích Minh Châu)1.
Hạnh phúc không phải chỉ là ước mơ, mà là một hiện thực có thể đạt được trong cuộc sống. Vậy, làm thế nào để có được hạnh phúc cho mình, cho người?
- Đạo đức là nền tảng của hạnh phúc
Đạo đức là một vấn đề lớn của văn hóa xã hội loài người. Trên thế giới, hầu như không có dân tộc nào là không có những câu châm ngôn, tục ngữ về đạo đức để giáo dục con người hướng thiện, làm điều tốt đẹp cho mình, cho người, để cùng nhau xây dựng một xã hội nhân ái, yêu thương, cùng nhau phát triển cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình và thân thiện. Chẳng hạn ở Việt Nam:
- Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
- Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
- Thương người như thể thương thân

![]()
- Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Nxb. Tổng hợp Tp HCM, 1912, tr. 112.
Đạo đức chính là nền tảng của hạnh phúc con người. Không có đạo đức, trật tự xã hội sẽ bị đảo điên, con người sẽ sống trong sự sợ hãi lo âu và bất an (sợ hãi, bất an về nhiều phương diện như: sinh mạng, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…). Cho nên, sinh thời, Albert Einstein, nhà vật lý học vĩ đại thế kỷ 20, đã từng cảnh báo: “Điều quan trọng nhất trong nỗ lực của con người là đạt đến đạo đức trong hành động. Thăng bằng nội tâm và thậm chí chính sự sinh tồn của chúng ta tùy thuộc vào nó”2. Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, không ai không biết đến tội ác tày trời của chế độ Pôn Pốt - Iêng Sari ở Campuchia. Dưới sự cai trị tàn bạo, độc tài, vô đạo đức, vô nhân tính của bọn chúng, nếu không có bàn tay trợ giúp của người Việt, cả dân tộc Campuchia suýt nữa đã rơi vào thảm họa đẫm máu của diệt chủng! Trong thiên niên kỷ của chúng ta đang sống, đây đó đang tiềm ẩn hay đang chấp chứa không biết bao mầm mống của bất trắc, hiểm nguy, của sự hủy diệt mà con người khó bề tránh khỏi nếu chưa sớm biết thức tỉnh. Tất cả những bất trắc, hiểm nguy ấy, rõ ràng không thể chối cãi, đều bắt nguồn từ sự suy thoái trầm trọng, xuống cấp đến độ báo động của trật tự xã hội, đạo đức con người hiện nay! Nào là các tệ nạn ma túy, tham nhũng, buôn người, buôn lậu; nào là các tệ nạn cờ bạc, trộm cướp, đĩ điếm, ấu dâm; nào là giả danh giả nghĩa, mua danh bán tước, mua điểm bán bằng, bạo động học đường; nào là ô nhiễm môi trường, bất an toàn thực phẩm, dược phẩm, mất an toàn giao thông. Vân vân và vân vân… Hàng ngày, nghe và đọc báo đài, báo mạng, chúng ta thật đau lòng thấy tràn lan đây đó bao chuyện bức xúc, bất bình với những lời kêu cứu khao khát công bằng, trật tự an sinh xã hội. Tai nạn xe cộ như cơm bữa trên các tuyến lộ huyết mạch giao thông; ngộ độc thực phẩm ở các quán ăn, xí nghiệp, học đường; ô nhiễm môi sinh gần như vượt ngoài tầm kiểm soát do rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, chất thải độc hại công nghiệp... Không những con người mà cả vật nuôi, cây trồng lương thực, thực phẩm cho đến đất đai, rừng núi, sông ngòi, biển cả, không khí … đều bị tác động tiêu cực, ở nhiều mức độ khác nhau, làm tổn thương đến chất lượng sống, sự an toàn, hạnh phúc của con người ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở các nước châu Á, trong đó không loại trừ Việt Nam!

![]()
- Walt Martin & Magda Ott, Vũ trụ quan của Albert Einstein, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr. 30.
Sự tiến bộ vượt bậc của tri thức khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại là niềm vui, sự tự hào của nhân loại, vì nó đem đến biết bao tiện nghi, lợi ích thiết thực cho cuộc sống và đồng thời giảm nhẹ đi không ít mồ hôi công sức tiền bạc của con người. Nó giúp con người rút ngắn không gian, thời gian làm việc mà lẽ ra con người phải tốn phí gấp trăm, gấp ngàn lần mới có thể hoàn tất nổi! Nhưng tiếc thay, con người đã quên rằng chỉ các tri thức khoa học, kỹ thuật tiến bộ không thôi là chưa đủ và không thể đưa cuộc sống con người đến bến bờ hạnh phúc thật sự có ý nghĩa và đầy phẩm giá. Nó đã bị con người lạm dụng làm phương tiện để mưu cầu “hạnh phúc” cho riêng mình, hay phe cánh của mình, vô tình làm suy thoái, băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, tiếp tay cho cái xấu lên ngôi, vùi lấp cái thiện lành xuống vực thẳm. Công bằng mà nói, tri thức khoa học và công nghệ không có tội. Mà chính con người là tội đồ và vô tình tự biến mình thành nô lệ vì thiếu hay không có ý thức làm chủ khoa học kỹ thuật do mình tìm kiếm, khám phá, phát minh ra! Cho nên, điều thiết yếu cần được rút ra là lương tâm con người nhất thiết phải được đánh thức, bởi vì “Lương tâm là ánh sáng của trí thông minh để phân biệt điều hay điều dở” (Khổng Tử). Trái đất sẽ rơi vào bóng tối nếu lương tâm con người chưa được thức tỉnh!
Theo quan niệm nhà Phật, tất cả các sai lầm, tội lỗi của con người đều do sự che lấp của vô minh. Vô minh ở đây không có gì khác là sự ràng buộc của tham, sân, si. Vì tham, sân, si mà con người đã đánh mất lương tâm, lương tri, làm suy thoái đạo đức truyền thống lâu đời của cha ông. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrate cũng có cùng nhận định như Đức Phật: “Tất cả tội lỗi đều do vô minh mà ra”. Và cũng đồng quan điểm với Đức Phật, ông nói: “Người trí huệ cũng bị cám dỗ bởi tham, sân, si như người vô minh, nhưng họ biết chế ngự cám dỗ và không rơi vào vòng tội lỗi”3. Vậy, vấn đề hệ trọng đặt ra ở đây là làm thế nào để thoát khỏi sự kiềm tỏa của vô minh? Theo đạo Phật, đó là con người cần phải nỗ lực cởi bỏ tham, sân, si bằng ý thức rèn luyện đạo đức của bản thân mình để thành người có trí huệ.
3. Giải pháp của Phật giáo và con đường đi đến hạnh phúc
Vì sự cám dỗ của dục vọng, luôn bị lôi kéo theo những ham muốn

![]()
- Dẫn theo Will Durant, Câu chuyện Triết học, Tu thư Vạn Hạnh, 1971, tr. 20.
bất tận của sự lạc thú giàu sang và quyền chức, con người hiện đại có chiều hướng đánh mất chính mình, bị tha hóa trầm trọng, không còn nhận ra phải trái, biết đủ để dừng lại cho đúng lúc. Nhiều bi kịch thảm cảnh xảy ra trong xã hội, thật đáng tiếc, đều do sự mờ ám ngu si của lòng tham vị kỷ, sân hận… Hơn hai ngàn rưỡi năm rồi, đạo Phật đã đi vào đời sống và rất gần gũi, gắn bó một cách thiết thực với con người mọi thời đại. Đạo Phật không tán thành cuộc sống nghèo đói và khổ hạnh, nhưng đồng thời cũng không đề cao cuộc sống chạy theo vật dục đê hèn thấp kém. Để giải thoát con người ra khỏi sự mê muội trầm luân, đạo Phật kêu gọi con người hãy trở về với chính mình: “trở về với con người thật của chính mình, với bản tính chân thật của chính mình, trở về với đời sống hài hòa với xã hội, hài hòa với thiên nhiên, giữa thân với tâm, giữa từ bi với trí tuệ, giữa cảm giác với lý trí”4.
Con người được mệnh danh là con vật có lý trí. Có lý trí là có nhận thức phân biệt đúng sai, thiện ác. Chỉ vì vô minh che lấp lý trí, con người mới tự đánh mất chính mình. Cho nên, muốn quay trở về với con người thật của chính mình, chúng ta phải tìm cách dứt bỏ tấm màn vô minh, chiến thắng tham, sân, si, các dục vọng sai lầm bất chính, nghĩa là phải chiến thắng cho được chính bản thân mình, bởi vì các thứ ấy luôn bài binh bố trận sẵn ở trong ta. Chiến thắng được bản thân mình, thực ra, không phải dễ. Người ta thường nói: “Trăm trận trăm thắng không bằng chiến thắng được bản thân”, cho nên chiến thắng được chính bản thân mình thì không còn gì vẻ vang cho bằng! Đúng như lời Phật dạy:
Dầu tại bãi chiến trường Thắng ngàn ngàn quân địch Tự thắng mình tốt hơn, Thật chiến thắng tối thượng.
(Kinh Pháp cú)
Chiến thắng được bản thân mình, lúc ấy, con người thực sự trở về với chính mình và sẽ có được cuộc sống hạnh phúc và an lạc. Đó là cuộc sống hài hòa giữa thân và tâm, hài hòa với mọi người trong xã hội, với thiên nhiên vạn vật chung quanh ta. Người nào có được cuộc sống hài hòa như thế, nhà Phật cho rằng người ấy đã chứng đạt được

![]()
- Thích Minh Châu, Sđd, tr. 280.
“trí tuệ giải thoát” hay cái tâm “vô ngã”, “vô chấp”. Cái tâm vô ngã, vô chấp là cái tâm đã hòa điệu cùng vạn vật, thiên nhiên làm một, không còn phân biệt Ta với không phải là Ta. Bởi vì, nói như Đạo giáo: “vạn vật giai bị ư ngã” hay “vạn vật là nhất thể”. Hòa điệu chính là cội nguồn của hạnh phúc, vì sự hòa điệu đem đến sự cân bằng, yên tịnh cho cuộc sống tâm hồn. Đạt được sự hòa điệu tuyệt diệu ấy, con người sẽ thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não bởi vì “tất cả những sự xấu xa ở đời đều do sự thiếu hòa điệu giữa con người với vũ trụ, giữa con người với con người, và giữa các yếu tố trong tâm hồn của mỗi người”5. Với cái tâm vô ngã hay sự hòa điệu ấy, con người sẽ được cuộc sống tự do, chan hòa với muôn người, muôn vật bằng tấm lòng rộng mở vị tha, vô lượng, từ bi hỷ xả.
Như vậy, hạnh phúc an lạc hoàn toàn tùy thuộc vào chính mình, do mình. Địa ngục hay Niết bàn không ở đâu xa, mà chính ở nơi ta, ở ngay nơi cõi trần gian này!
Tóm lại, cội nguồn của hạnh phúc là sự hòa điệu theo quy luật tự nhiên vốn có của muôn loài, muôn vật trong vũ trụ. Thoát ra khỏi sự hòa điệu ấy, sẽ bị lỗi nhịp, chới với, mất cân bằng và tất nhiên khó tránh khỏi tai họa nổ tung như một hành tinh bay lạc khỏi quỹ đạo của mình! Để xây dựng một xã hội trật tự, an toàn, hạnh phúc và an lạc cho con người trên mỗi đất nước, ở mỗi dân tộc hay cho toàn nhân loại trên hành tinh xanh, nhỏ bé và vô cùng thân yêu của chúng ta, điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải có ý thức xây dựng cho mình một cuộc sống cân bằng, hòa hợp, hòa điệu một cách tích cực với hết thảy mọi người, muôn vật chung quanh. Bởi vì sự an bình, hạnh phúc của mỗi người không thể tách rời hạnh phúc của người khác trong mối quan hệ của quy luật tự nhiên sinh tồn. Từ ngàn xưa, Đức Phật đã dạy:
“Ai cũng muốn xa tránh điều khổ, ai cũng muốn có hạnh phúc. Vậy, hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng gây điều khổ cho người khác, đừng phá hoại hạnh phúc của người khác”6.
Huế, tháng 6/2019

![]()
- Lời Platon, triết gia Hy Lạp cổ đại. Dẫn theo Will Durant, Câu chuyện Triết học, Tu thư Vạn Hạnh, 1971, tr. 60.
- Dẫn theo Thích Thiện Siêu, Vô ngã là Niết bàn, Nxb. Đại học Huế, 2017, tr. 19
Tài liệu tham khảo
- Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012.
- Will Durant, Câu chuyện Triết học, Tu thư Vạn Hạnh, 1971.
- Walt Martin và Magda Ott, Vũ trụ quan của Albert Einstein về cuộc sống Nghệ thuật, Khoa học và Hòa bình, Nxb. Hồng Đức, 2018.
- Thích Thiện Siêu, Vô ngã là Niết bàn, Nxb. Đại học Huế, 2017.
- Thích Chơn Thiện, Tư tưởng Việt Nam, Nhân bản thực tại luận, Nxb. Trẻ, 2016.
Đạo đức là một vấn đề lớn của văn hóa xã hội loài người.
“Tất cả tội lỗi đều do vô minh mà ra. Người trí huệ cũng bị cám dỗ bởi tham, sân , si như người vô minh nhưng họ biết chế ngự cám dỗ và không rơi vào tội lỗi” (Socrate). (Theo Will Durant, Câu chuyện Triết học, Tu thư Vạn Hạnh, 1971, tr. 20)
“Mỗi cá nhân là một sự phối hợp của các ước muốn, các tình cảm và ý nghĩ. Nếu các yếu tố ấy được điều hòa thì cá nhân sẽ tồn tại và thành công… Tất cả những sự xấu xa ở đời đều do sự thiếu hòa điệu giữa con người và vũ trụ, giữa con người với con người, và giữa các yếu tố trong tâm hồn của mỗi người” (Platon) (W Durant, tr.60)
Th h Chơn Th nhận xét: “Với Platon, đạo đức là thể hiện sự hòa điệu ở mỗi cá nhân. Tình người và ý sống sẽ tiết ra từ sự hòa điệu ấy như sức sống đã tiết ra từ một bản đại hợp tấu. (Vô ngã là Niết bàn, Nxb. Đại học Huế, 2017, tr. 161)
Aristote; “Mục đích trực tiếp của cuộc đời không phải là cái hay, cái đẹp, mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người” (Ibid, tr. 92)
Spinoza (Do Thái, tk 17, triết gia, nhà toán học: “Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác thoải mái, và sự vắng mặt của khổ đau” (Ibid, tr.228)
“Hạnh phúc không phải là phần thưởng của đạo đức. Hạnh phúc và đạo đức chỉ là một” Ibid, tr.246
Schopenhauer (tk 19), nhà tư tưởng lớn của Đức: “Ý dục càng ít kích động bao nhiêu, chúng ta càng ít khổ đau bấy nhiêu” (Ibid, tr. 172)
Thích Chơn Thiện: “Nếu hiểu hạnh phúc là đạo đức hay đạo đức là ít ý dục thì toàn bộ giáo lý nhà Phật là một hệ thống đao đức mà đỉnh cao là lòng đại từ, đại bi và trí tuệ giải thoát khổ đau” (tr.164)
“Con người là vật có lý trí chánh tư duy. Phật giáo cổ xúy chánh tư duy.
Chánh tư duy để xây dựng nền văn hóa nhân bản.
“Nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng anh” (Whitman)
“Lương tâm là ánh sáng của trí thông minh để phân biệt điều hay dở”
(Khổng Tử)
“Người hạnh phúc nhất là người tạo ra nhiều hạnh phúc cho kẻ khác”
(Diderot)
Hạnh phúc tùy thuộc vào chính bản thân mình (Boece)
-
- Einstein
- “Đời sống một cá nhân chỉ có ý nghĩa bao lâu nó ra sức giúp đời sống mọi sinh linh khác cao thượng và đẹp đẽ hơn. Cuộc sống vốn thiêng liêng, phải nói là có giá trị siêu việt, so với nó mọi giá trị khác đều được đặt thấp hơn”. tr 9
- “Dưới cái nhìn lịch sử, người ta có khuynh hướng xem khoa học và tôn giáo như hai cựu thù”. tr. 25
- “Thời đại chúng ta trổi bật nhờ các thành tựu tuyệt vời trong lĩnh vực tri thức khoa học và những ứng dụng kỹ thuật từ các phát kiến đó […]. Song chúng ta cũng chớ quên rằng kiến thức và kỹ năng không thôi không thể đưa con người đến cuộc sống hạnh phúc và đầy phẩm giá. Nhân loại có đủ lý do để đặt các hiền nhân rao giảng các tiêu chuẩn và giá trị đao đức cao cả bên trên các nhà khám phá sự thật khách quan. Với tôi, những gì nhân loại nợ các vị như Đức Phật, Ngài Moses và Chúa Jessus thì lớn hơn mọi thành tựu do trí tuệ tìm kiếm và xây dựng. Chúng ta phải đem tất cả sức mạnh ra duy dưỡng những gì các bậc thánh này trao cho, bằng không nhân loại không chỉ đánh mất phẩm giá, sự yên ổn trên đời mà còn mất cả niềm vui sống nữa”. (tr 29-30)
- “Thành ra tôi thành thực tin rằng người giúp ích nhất cho nhân loại chính là những ai đã cho người ta cơ hội làm thăng hoa cuộc sống và gián tiếp nâng bước họ”. (tr.30)
- “Điều quan trọng nhất trong nỗ lực của con người là đạt đến đạo đức trong hành động. Thăng bằng nội tâm và thậm chí chính sự sinh tồn của chúng ta tùy thuộc váo nó”. (tr.30)
- ”Giá trị thực sự của con người trước hết quyết định bởi mức độ và ý nghĩa theo đó người ấy đã tự do thoát khỏi bản thân mình”. (tr.33)
- “Đừng làm gì trái ngược với lương tâm, ngay cả khi bị ép buộc bởi cường quyền”. (tr. 33)
- “Luận điểm của tôi giết chóc, dù nhân danh chiến tranh, vẫn là hành động sát nhân”. (tr. 36)
- “Với tôi, điều cốt tủy của tôn giáo là biết đi sâu vào tâm hồn tha nhân, vui cùng nỗi vui và đau cùng nỗi đau với người ấy”. (tr. 40)