ĐƯA GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO THẨM THẤU VÀO ĐỜI SỐNG LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP THỜI HỘI NHẬP TOÀN CẦU

![]()
TT. Thích Thiện Thuận *

![]()
Đi cùng bề dày lịch sử dân tộc, hơn hai ngàn năm qua kể từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã nghiễm nhiên được xem là một phần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần người dân Việt. Trong cuộc vận hành lịch sử hơn hai mươi thế kỷ, Phật giáo Việt Nam đã từng chứng kiến bao sự thăng trầm của đất nước. Và trong dòng chảy thăng trầm đó, Phật giáo Việt Nam rất tự hào không đứng ngoài cuộc thế, mà luôn có mặt với tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần văn hóa của dân tộc. Và khi đất nước mở cửa, với bao điều thách thức, bao khó khăn thời hội nhập; đạo Phật Việt Nam càng cố gắng minh chứng vai trò và sức mạnh lan tỏa, không thể thiếu trong sự nghiệp góp sức cùng cả nước, xây dựng một môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn với những con người Việt Nam lấy sự giác ngộ làm mục tiêu hướng đến; sống tỉnh giác, có ý thức tự chế phục mình trong bối cảnh đầy nhiễu nhương của xã hội thời hội nhập và phát triển.
- Bài học người đi trước.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước, nhưng vẫn có dấu ấn của những triều đại thái bình, phồn vinh, hạnh phúc đỉnh cao đặc biệt là các thời Lý - Trần. Triều Lý (1009-1225) và triều Trần (1226-1400), hai thời kỳ này đều được lịch sử đánh giá là hai triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam, đời sống xã hội vô cùng phát triển.
--------------------------------------------------------
* Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lý giải cho điều này là một sự thật lịch sử rất đáng ghi nhận: cả 2 triều tồn tại khá lâu dài và đều là những triều đại mà vua, quan và thứ dân hầu hết đều quy ngưỡng Phật-đà. Các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông… đều là những Thiền sư vừa lo việc triều chính, vừa học đạo, hành Thiền. Đặc biệt, đây cũng là thời kỳ của một nền giáo dục đạo đức Phật giáo được giáo dưỡng, khuyến tấn bởi những bậc Thiền sư vô cùng đức độ, phẩm hạnh siêu việt, mang tinh thần vô ngã nhập thế, phụng sự nhân dân và đất nước như Thiền sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Huyền Quang, Từ Đạo Hạnh…
Quan điểm Phật giáo nhập thế của các vị Thiền sư thời Lý - Trần đã đưa Phật giáo đi vào lòng người, có sức hiệu triệu mạnh mẽ khi cần chung sức chống giặc ngoại xâm và khi đất nước thái bình thì nên tạo một cuộc sống thấm nhuần giáo lý đạo Phật. Vua quan lấy đức trị dân, người dân biết sống từ bi - vị tha, tôn trọng giới luật người Phật tử.
Cho nên, vừa lên ngôi, Lý Công Uẩn lập tức hạ lệnh hủy bỏ mọi hình cụ tra tấn trong nhà tù và cho xây nhiều chùa chiền mới. Lý Thánh Tông thể hiện lòng từ bi, thương dân như con: “Lòng Trẫm yêu dân như con Trẫm vậy; Hiềm vì trăm họ làm càn cho nên phải tội, Trẫm lấy làm thương lắm; vậy từ nay về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi…”1
Một đời sống mà đạo đức Phật giáo lan tỏa sâu rộng đã có tác động to lớn đến bối cảnh chính trị, đời sống xã hội để xây dựng nên một dân tộc Đại Việt đoàn kết, tương thân tương ái, sống với nhau có nghĩa có tình. Đó cũng là sức mạnh tinh thần hun đúc nên một quốc gia cường thịnh sau 3 cuộc chiến tranh chống Nguyên -Mông đầy hung hãn.
Bài học giáo dục đạo đức Phật giáo thời đại Lý - Trần quả là điều mà ngành Hoằng pháp Phật giáo chúng ta cần nghiên cứu, học hỏi với trách nhiệm xây dựng một trường sống theo tinh thần giáo dục đạo đức Phật giáo, lấy trí tuệ làm nền tảng căn bản, lấy từ bi nhiếp phục con người, góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa - đạo đức của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà sự xâm nhập của các nền văn hóa khác ngày càng khó kiểm soát, đã mang lại nhiều hệ quả khó lường.

![]()
-
- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược.
- Thực trạng đời sống đạo đức, giáo dục đạo đức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tại Đại lễ Vesak 2019 đã có nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia, bày tỏ sự lo lắng bất an về một xã hội toàn cầu đầy biến động. Đại biểu Việt Nam - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - báo động với thực trạng: “Gần đây, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao nhưng lòng người thì không yên, những biểu hiện vô minh ngày một nhiều, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, các tệ nạn xã hội gia tăng, những hiểm họa truyền thống và phi truyền thống ngày càng nhiều… Trong khi đó, mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang diễn ra liên tục, nhiều thảm họa nhân đạo bùng phát, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng…” Thủ tướng Nepal, K.P Sharma Oli kêu gọi: “Hãy tìm ra con đường trung dung để tránh cho thế giới khỏi sự hỗn loạn. Thông điệp của Đức Phật đã nhấn mạnh sự cân bằng con người và thiên nhiên, vật chất và tinh thần, công việc hằng ngày và tương lai. Phật giáo không ủng hộ tham, sân, si vì điều này là nguyên nhân gây ra khủng hoảng thế giới.”
Thực tế, nước ta không nằm ngoài biến động xã hội toàn cầu đó, có một thống kê cho thấy 55 - 65% số người phạm tội những năm gần đây là thanh, thiếu niên, trong đó có không ít học sinh, sinh viên. Kết quả điều tra gần đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Việt Nam cũng cho thấy: Càng học lên cao thì số học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức càng tăng lên. Điều này thật dễ hiểu, vì càng có trình độ càng dễ tiếp cận, gần gũi với internet và mạng xã hội.
Cuộc sống được cổ súy bằng lối sống ảo trên các trang mạng xã hội đã làm nảy sinh thiên hướng đề cao cá nhân, lối sống ích kỷ dẫn đến xu hướng giải quyết các mâu thuẫn xung đột cá nhân, gia đình, xã hội theo cái nhìn đầy tranh chấp và cái đầu đầy sân hận. Và tất nhiên, hệ quả kéo theo đó là tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, lối sống tha hóa, suy đồi ngày một gia tăng đáng lo ngại. Sự thể hiện cái “tôi” hung hãn, ngạo mạn lại được đánh đồng một cách sai lầm với cái gọi là “khí chất đại ca” đất không sợ, trời không sợ. Để rồi, chỉ vì lời nhắc nhở phải dừng xe khi đèn đỏ mà một thanh niên vừa cưới vợ đã phải mãi mãi ra đi bởi nhát dao chí tử, cố tình cướp mạng người của gã thiếu niên 16 tuổi ở Quảng Trị ngày 4/4/2019 vừa qua gây hoang mang, kinh hãi trong cộng đồng.
Mạng xã hội Việt Nam với những kiểu ca tụng, thần tượng hóa
các “đại ca giang hồ xăm trổ”, “Thánh chửi lầy lội” kiểu Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… đã lôi kéo không ít thanh thiếu niên, có khá đông học sinh - sinh viên ca ngợi, học theo cách sống thích chửi rủa, quậy phá, hành xử thô tục, vô văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục.
Khi sự vô văn hóa được công khai ca tụng học theo, thì những lời dạy về đạo đức xã hội trong gia đình, trong nhà trường trở nên lạc lõng. Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Thật đau lòng khi xem những video clip về những người trẻ, rất trẻ, nam có, nữ có, tỏ ra thích thú thực hành cái ác đến mức điên rồ, đánh đập, lột xé bạn bè hết mức mà họ có thể làm được. Một số khác hả hê nhìn thấy cái ác, dửng dưng đứng quay phim chụp hình rồi tung hô, chia sẻ cái ác trên mạng xã hội như một chiến tích cần được biểu duơng ca ngợi.
Cả xã hội đau lòng trước một lớp người trẻ vô tình, hờ hững, sẵn sàng làm đến cùng cái điều mà chính họ không hề muốn người khác làm với mình. Tiếc thay, với thời đại của Google, Instagram, Facebook… thì sự xuống cấp về đạo đức lối sống đó đã trở thành hiểm họa toàn cầu với tính chất lây lan nhanh chóng, không thể kiểm soát.
Rõ ràng, hơn bao giờ hết, xã hội ngày nay, đang cần có một giải pháp hữu hiệu, cần thiết để xây dựng một nền tảng giáo dục đạo đức mới, phù hợp với thời đại. Trong trách nhiệm chung đó, Phật giáo Việt Nam và ngành Hoằng pháp sẽ làm gì để đạo đức Phật giáo lan tỏa trong đời sống thời hội nhập toàn cầu, tạo được sự chuyển hóa và hướng con người đến các giá trị sống đẹp đẽ, phong phú dựa trên các chuẩn mực đạo đức mang giá trị truyền thống dân tộc, nhưng đã được kết hợp, nâng tầm giá trị bởi những chuẩn mực đạo đức tôn giáo mang tính nhân bản sâu sắc của đạo Phật?
- Vai trò, nhiệm vụ mới của công tác hoằng pháp thời hội nhập.
- Một số thuận lợi của công tác hoằng pháp:
Có thể thấy rõ rằng, bối cảnh hiện tại là Đảng, Chính phủ rất ủng hộ Phật giáo trong các hoạt động mang tính giáo dục. Chính vì thế, ngay trong lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2019 tổ chức vào tháng 5/2019 tại Chùa Tam Chúc - Hà Nam, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trịnh trọng tuyên bố trước 1.650 chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, nhà
nghiên cứu... đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến tham dự như: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc... và hơn 20.000 đại biểu là Phật tử, nhân dân trong nước: “Việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, thêm một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, phù hợp với văn hóa, đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.” Tại diễn đàn chung đó, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam chính thức kêu gọi: “Mỗi người chúng ta chính là sứ giả của Đức Phật. Hãy cùng quan tâm chia sẻ, hiện thực hóa thông điệp về hòa bình, đoàn kết và yêu thương vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đẩy lùi những xung đột khổ đau, đói nghèo, đưa con người tới cuộc sống an vui , làm tỏa sáng ý nghĩa Vesak trong khắp cõi nhân gian, kiến tạo một cõi Niết bàn trong thế giới hiện thực.”
- Khi ngôi chùa là một Trung tâm tu học và nương tựa tâm linh đầy an lạc và hoan hỷ của số đông.
Từ ngàn xưa, hình ảnh về làng quê Việt Nam bao giờ cũng có hình ảnh mái chùa như một phần không thể thiếu. Chùa và làng tuy hai mà một - đó là quê hương, là nỗi nhớ của những khách xa quê. Ngôi chùa nhỏ không chỉ là nơi người dân đến quy ngưỡng Phật-đà trong tiếng kinh cầu giải thoát mà còn tìm cho mình nơi nương tựa tâm linh đầy tin tưởng.
“...Vì vậy làng tôi sống thái bình,
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông kinh Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm, Xây dựng tương lai xứ sở mình!”2
Chùa là nơi kết nối cộng đồng, là nơi người ta đến sinh hoạt văn hóa tâm linh. Trong ngôi chùa, người thầy tu là nhà giáo dục chuyển tải lời Phật dạy, đưa những giá trị văn hóa nhân văn của đạo Phật qua tư tưởng từ bi - hỷ xả - vô ngã - vị tha đến với đại chúng là những con người đã đặt trọn niềm tin vào sự dẫn dắt đời sống tâm linh, đời sống tinh thần nơi vị Thầy.

![]()
- Hòa thượng Thích Mãn Giác, Nhớ chùa.
Sau giai đoạn đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc sống yên bình đã đưa số lượng tín đồ Phật tử đến chùa ngày càng đông đảo hơn. Đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên với những Khóa tu mùa hè quy tụ hàng vạn các bạn trẻ. Và mùa Vu lan báo hiếu vẫn luôn là mùa thu hút cả chục vạn người đủ mọi thành phần xã hội, giới tính, cùng đổ về tập hợp dưới các mái chùa để tìm phút lắng đọng tâm linh hướng về cha mẹ. Thực hiện lời dạy của chư Phật “Tâm hiếu là tâm Phật”.
Đáng ghi nhận ở đây, tất cả đều là một sự tập hợp tự nguyện, tự giác, không cần vận động, không cần làm công tác tư tưởng. Điều không phải dễ thấy ở những đợt vận động văn hóa - tư tưởng các cấp. Và với công tác Hoằng pháp Phật giáo, đây chính là lực lượng cổ động, lực lượng tham gia có sức mạnh nhân rộng, phổ biến, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Phật giáo vào trong đời sống. Hình thành nhân cách đạo đức hướng thiện cho các thế hệ trẻ Việt Nam.
III.3. Đưa giáo dục đạo đức Phật giáo thẩm thấu vào đời sống.
Tất cả những thuận lợi đó chính là yếu tố hỗ trợ cho ngành Hoằng pháp Phật giáo Việt Nam thực hiện trách nhiệm trên cơ sở tận dụng sức mạnh của truyền thông, phổ biến những quy tắc đạo đức Phật giáo gắn liền với đời sống thế tục, nắm giữ vai trò chủ động đưa nền văn hóa Phật giáo phổ cập trong đời sống nhân dân.
Với thực trạng xuống cấp của đạo đức xã hội ngày nay, đòi hỏi công tác Hoằng pháp không chỉ đơn thuần truyền dạy kinh điển, giáo lý mà phải nâng lên vai trò giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp thị hiếu của mọi người nói chung và giới trẻ nói riêng trong thời đại công nghệ
4.0. Giải thích triết lý vô thường, vô ngã để giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ, thấp hèn. Giải thích mối quan hệ nhân-quả để con người biết sợ điều ác, điều bất thiện. Đưa những giá trị đạo đức nhân văn như tâm hiếu thuận, tâm từ bi, tôn trọng sự sống muôn loài để khích lệ, động viên con người quan tâm đến các mối quan hệ tình thân, quan tâm đến cộng đồng, sống bao dung, nhân ái… Thông qua những đề tài thuyết giảng, sử dụng những bài học đạo đức luân lý từ lời Phật dạy làm sáng tỏ thêm lên tính thực tiễn, tính logic của vấn đề đặt ra, từ đó tu bồi, giáo dưỡng nhân cách, tâm hồn những con người trẻ. Những bài thuyết giảng xoáy sâu vào lời dạy của Đức Phật về từ bi - hỷ xả - vị tha - vô ngã thẩm thấu vào đời sống sẽ giúp con người thoát khỏi vô minh của chính mình, sống đạo đức, yêu thương, vượt qua các cám dỗ dục lạc tầm thường.
Chúng ta đều biết mục đích cuối cùng mà giáo dục Phật giáo hướng tới là tạo nên cuộc sống bằng cách làm mới mình bằng sức lan tỏa của từ bi - trí tuệ. Con người sống với tự tánh Phật của mình. Quán sát tâm để nhận chân sự thật, loại bỏ những quan điểm sai lầm dẫn đến khổ đau cho mình và cho người. Trong một cuộc sống hiện đại đầy tất bật và căng thẳng, những đề tài thuyết giảng gắn bó nhiều hơn với các vấn đề xã hội, vấn đề phát sinh từ cuộc sống gia đình dưới góc nhìn Phật giáo, sẽ có tác dụng hướng dẫn con người tập an tịnh thân tâm, giải quyết những phiền não phát sinh trong ánh sáng trí tuệ, chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc.
Lời kết:
Hiện nay, ngành Hoằng pháp Việt Nam có khá đông giảng sư tài giỏi, chiêu cảm đối tượng người nghe với những con số người theo dõi khá lớn, mở rộng ra khỏi biên giới Việt Nam. Đây là một thuận lợi rất lớn. Các giảng sư chính là những tấm gương sáng mẫu mực về đạo đức, lối sống để mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên thực hành theo lời giảng dạy quý báu của các vị mà đối mặt và giải quyết những vấn đề xảy ra trong gia đình, trong môi trường xã hội bằng cái nhìn tuệ giác - “Một tâm thức an bình và thanh thản giúp ta phát huy tình thương và lòng từ bi dễ dàng hơn, đấy là hai phẩm tính giúp ta loại bỏ mọi sự ganh tỵ, sợ hãi và nóng giận.”3
Chúng ta, những người đệ tử Phật thật là tự hào, hạnh phúc với lời nhận định của một học giả nghiên cứu về đạo Phật “… Xung đột giữa hạnh phúc của bản thân và người khác không hề xuất hiện trong đạo Phật với tôn chỉ thực hành tôn giáo đem đến lợi ích cho chính mình và người khác.”4 Còn đó, lời Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, Ta không tranh chấp với đời. Chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỳ-kheo, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời.”5
Tư tưởng, lời dạy về tinh thần từ bi - hỷ xả - vô ngã - vị tha của Đức Phật, người Thầy, nhà giáo dục vĩ đại sẽ giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chánh pháp để trở thành những con người của Chân - Thiện - Mỹ, những con người có đời sống thanh cao, với hai phẩm chất nổi bật là từ bi và trí tuệ.

![]()
- Đạt Lai Lạt Ma.
- Melvin McLeod, theo Tri thức trẻ.
- Kinh Tương Ưng III, 165.