PHẬT GIÁO VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

![]()
HT. Thích Viên Thanh *

![]()
Đức Phật là một bậc Giáo chủ độc nhất sinh ra dưới cây Vô ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni ngoại thành Ca tỳ la vệ, hành trì Thiền định trong rừng cây, giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Nai ở Ba-la-nại và cuối cùng nhập Niết bàn dưới hai cây Sa-la tại Kusinara. Trong 45 năm thuyết pháp độ sanh, Ngài để lại cho chúng ta hình ảnh một bậc Đạo Sư đi bộ từ làng này qua làng khác, từ đô thị này qua đô thị khác. Sau khi khất thực trở về Ngài thường ngồi dưới gốc cây trong một khu rừng gần đấy để thọ trai và an nghỉ. Buổi chiều thuyết pháp, hoặc ngồi thiền, Đức Phật luôn luôn tán thán núi rừng, bảo vệ núi rừng và xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo.
“Làng mạc hay rừng núi, thung lũng hay đồi cao, La-hán trú chỗ nào Đất ấy thật khả ái. Khả ái thay núi rừng, chỗ người phàm không ưa
Vị ly tham ưa thích, Vì không tìm dục lạc” (Pháp cú, 98-99)
Trước trình trạng tàn phá rừng, đốt rừng để làm rẫy, chặt cây để có củi đun nấu, xuất khẩu gỗ, nạn phá rừng đạt quy mô rộng lớn với phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhiều loại cây quý hiếm, cùng với một số chim muông, dã thú đã bị mất tích, nhiều nơi người dân rơi vào cảnh nghèo đói, thiếu nước ăn, nước uống, đất bị xói mòn sụp lở, mùa màng thất thu, hủy hoại, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Trước tình trạng này, tổ chức Liên Hiệp Quốc và tất cả các nước trên thế giới cùng kêu gọi bảo vệ môi trường sống, bởi vì vấn đề ô nhiễm môi trường càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Phật giáo cũng
--------------------------------------------------------
* Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban HP GHPGVN tỉnh Lâm Đồng.
rất coi trọng việc bảo vệ môi trường sinh thái, ý thức tốt thì cuộc sống được an lạc hạnh phúc, ý thức xấu dẫn đến cuộc sống tối tăm, đau khổ. Đức Phật dạy:
“Trong các Pháp Tâm dẫn đầu, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe”.(kinh Pháp cú, phẩm song yếu số 1 ).
Nghiệp lực hay hành động của con người dẫn đến mọi hiện tượng của xã hội. Con người đang gánh chịu nhiều tai họa, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, đói nghèo, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, chiến tra- nh thù hận, xa đọa, biến chất, lừa đảo. Tất cả điều do nghiệp của con người chiêu cảm và tích tụ mà có. Thiên nhiên thay đổi theo nhân quả của tất cả mọi chúng sanh hữu tình và vô tình do ô nhiễm tâm gây ra sự ô nhiễm về môi trường. Chính tâm muốn làm hại môi trường hay ô nhiễm môi trường. Đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hoặc hành động sự vui vẻ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình”. (Pháp cú 2)
Chính do hành động tốt hoặc xấu của tâm con người sẽ gặt hái những kết quả đã gieo, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc hạnh phúc hay khổ đau đều chính do con người tạo ra. Phật giáo luôn luôn tôn trọng sự sống, không gây tổn hại cho sự sống và tôn trọng muôn loài, không những sự sống của con người mà còn tôn trọng sự sống của tất cả muôn loài. Đức Phật với trí tuệ sáng suốt và từ bi cứu khổ của Ngài, với trách nhiệm của bậc Đạo Sư cần tạo ra một môi trường tu học thích hợp cho những đệ tử xuất gia và tại gia. Đức Phật đã chủ động tìm cách xây dựng cho mình và cho Hội chúng Tăng già một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, một đạo tràng tu tập thích hợp hướng tới giác ngộ và Niết bàn.
Vì thế Phật giáo luôn luôn kêu gọi Tăng Ni, Phật tử và toàn dân cùng nhau bảo vệ môi trường. Trồng rừng, không lấn chiếm rừng nữa, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ lá phổi của mình. Xem thiên nhiên như người mẹ hiền nuôi dưỡng mình bằng thức ăn, áo mặc, nhà ở
…v.v, chớ không phải khai thác thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham của mình. Đạo Phật vừa đề cao một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, nếp sống hài hòa với con người. Từ nếp sống hài hòa với thiên nhiên,
với con người, đạo Phật tiến tới bước nữa, đề cao lòng từ bi đối với loài vật và cây cỏ. Một thái độ tạo nên tình cảm giữa loài người, loài vật và thiên nhiên. Đức Phật dạy:
“Làng mạc hay rừng núi, thung lũng hay đồi cao La-hán trú chỗ nào, đất ấy thật khả ái
Khả ái thay núi rừng, chỗ người phàm không ưa Vị ly tham ưa thích, đồi núi ấy ta thích
Tràn đầy hoa cây gai, như trời phủ làn mây Đầy mọi loài chim chóc, đồi núi ấy ta thích Dưới tảng đá, hang đá, có nước suối trong chảy Có khỉ và có nai, lai vãng sống gần bên
Cỏ cây bao trùm nước, đồi núi ấy ta thích.”
(Trưởng lão tăng kệ, 252, 253 )
Đức Phật luôn luôn tán thán núi rừng, tán thán thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên là nơi trú ẩn an lạc cho mọi loài. Chính do thiếu ý thức, hoặc vì lợi nhuận của một số người đã tàn phá rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng không theo quy hoạch, đô thị hóa, xây dựng các khu công nghiệp xả nước thải công nghiệp, rác thải công nghiệp – rác thải y tế, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc sâu, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chính do ý thức xấu dẫn đến cuộc sống đau khổ. Do đó chúng ta cần có biện pháp để khắc phục môi trường, xử lý nghiêm các đơn vị làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người cùng hiểu cùng, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Trong Trăm pháp chúng học dạy rằng: “Không được đại tiểu tiện, hỷ nhổ trên rau cỏ tươi và không được đại tiểu tiện, hỷ nhổ trong dòng nước” (Điều 49, 50, Trăm pháp chúng học luật Tỳ kheo).
Chúng ta ngày nay hãy học theo nếp sống của đức Bổn Sư. Hãy sống bảo vệ môi trường, hãy sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên, gần cỏ cây hoa lá, thở hít khí trời trong sạch và nếu có thể thì sống xa lánh những nơi ồn ào, bụi bặm. Trong trường hợp đang sống giữa thành phố, nếu có chút đất gần nhà thì hãy trồng cây, tạo cảnh mát. Hãy đưa thiên nhiên vào tận trong nhà, lên lầu với những giàn hoa, những cây cảnh. Đặc biệt tại các chùa, tư gia Phật tử, chư Tôn đức
Tăng Ni và Phật tử hãy tạo mỗi cảnh chùa, mỗi nhà (tư gia) tạo thành như một ốc đảo yên tịnh, sạch sẽ. Trồng cây, trồng hoa, tạo dựng cảnh quan đẹp, dọn sạch sẽ các loại rác xung quanh khu vực mình sống, kể cả việc nhỏ như không nên đổ thức ăn thừa trên cỏ xanh và nguồn nước xung quanh vì điều đó sẽ làm hại cỏ cây và côn trùng, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp ngay tại tự viện của mình, tại nhà (tư gia) đó cũng là góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Làm như vậy tức là chúng ta đã góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, đồng thời cũng góp phần truyền đạo và hành đạo, vì yên tĩnh ở ngoại cảnh dẫn tới yên tĩnh trong tâm hồn. Yên tĩnh trong tâm hồn là tự do, tự tại, hạnh phúc, an lạc.
Tóm lại, đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với loài người, loài vật và cảnh quan xung quanh. Vì thế cần phải giáo dục cho mọi người có ý thức trách nhiệm, ý thức vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác lung tung trồng thêm cây xanh, xử lý triệt để ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, biến đổi khi hậu thì ô nhiễm môi trường cũng được giảm đáng kể. Bảo vệ môi trường chính bảo vệ sự sống của chính chúng ta, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ hạnh phúc của chính chúng ta. Đạo Phật tán dương đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường trong sạch. Xây dựng được một môi trường như vậy thì thật là tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta trong hiện tại và tương lai./.