41 TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
Thứ năm - 01/08/2019 00:19
TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
HT. Thích Thiện Tấn *
TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

HT. Thích Thiện Tấn *

![]()
Nói đến Phật giáo Việt Nam là nói đến quá trình gần hai ngàn năm tồn tại và phát triển. Từ hình ảnh của chư Tổ truyền giáo cho đến các triều đại Đinh, Lê, Lý Trần, chư vị Cao Tăng Thạc Đức đã vận dụng các phương tiện đưa đạo vào đời, khiến đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc, đạo đức nhân sinh được cải thiện, biến đất nước thành quốc giáo, an hưởng thái bình. Trong thời cận đại, là giai đoạn đất nước đang đối mặt với các thế lực đế quốc hùng mạnh; Tăng Ni, Phật tử đã cùng toàn dân đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Cho đến hôm nay, tinh thần nhập thế của Phật giáo vẫn không ngừng đổi thay và phát triển, đó là sự ra đời của Tổ chức Phật giáo toàn quốc năm 1981, thể hiện qua tinh thần Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội.
Hôm nay, nhân buổi Hội thảo Hoằng pháp hải ngoại với chủ đề: “Sứ mệnh hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu hóa”, tôi xin trình bày vài điểm xung quanh vấn đề “Tinh thần nhập thế của Phật giáo trong thời hiện đại”.
- Ý nghĩa đề tài:
Trước hết, nói đến tinh thần nhập thế của Phật giáo là một vấn đề vừa mới vừa cũ: cũ bởi đây chính là mục đích cứu khổ ban vui cho chúng sanh muôn đời của Phật giáo; mới ở đây, là Phật giáo luôn vận hành hiệu quả với đầy đủ bốn yếu tố: Khế lý, Khế cơ, Khế thời và Khế xứ; Lý và Xứ thì không đổi thay, nhưng Cơ và Thời thì có sai khác nên điểm luận bàn sai khác. Mục đích nhằm đưa ra phương tiện hữu hiệu phù hợp với từng sự đổi thay đó, đem lại hiệu quả hoằng pháp một
--------------------------------------------------------
* Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị.
cách cao nhất trong thời hiện đại ngay trên đất nước, sau đó mới có cơ hội lớn lan tỏa khắp năm châu.
- Vài điểm về xã hội đương đại:
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã và đang phát triển mạnh về mọi mặt như: Khoa học, kinh tế, chính trị, văn hóa, công nghệ, thông tin v.v…, nhờ đó mà đời sống nhân dân ngày một nâng cao; hầu hết mọi người đều an hưởng trong xã hội thái bình, thịnh vượng. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội càng cao thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực. Bởi lẽ, con người càng chìm đắm trong danh vọng, dục lạc thì họ càng xa rời thực tế, tình thương và trí tuệ ngày một hao mòn; đây là nguyên nhân đẩy họ càng lún sâu vào những cạm bẫy của cuộc đời; những tà kiến, mê lầm phát sinh, đằng sau đó là những hố thẳm khổ đau, tuyệt vọng. Cụ thể, gia đình là một hạt nhân của xã hội, gia đình lành mạnh, hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, an bình; gia đình bất an, lo sợ, bạo lực, ly tán thì dẫu sống trong cung son lụa gấm, cao lương mỹ vị cũng không thể có chút an nhàn. Đối với xã hội, nạn rượu chè, cờ bạc, cướp giật, bạo lực, lừa đảo, ma túy, mại dâm, môi trường sinh thái, an toàn giao thông…, trở thành một nỗi bất an thường trực, bủa vây đời sống con người. Thiết nghĩ, với mục đích đem lại ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát cho nhân loại; hơn lúc nào hết, hành giả Phật giáo cần dấn thân vào cuộc đời, đem tình thương vô hạn xoa dịu những tâm hồn đau khổ, dùng chánh pháp nhiệm mầu để đẩy lui tà kiến mê lầm, định hướng cuộc đời, giúp nhân loại vượt thoát tất cả những khổ đau trần lụy trong xã hội đương đại.
- Thực tại phong trào nhập thế của Giáo hội:
Nói đến thực trạng về phong trào nhập thế của Giáo hội: Hiện nay, phong trào nhập thế là một chiến lược mũi nhọn của Phật giáo, đem đạo vào đời, cứu vớt những tâm hồn cô đơn, tuyệt vọng là nhiệm vụ của người con Phật. Chúng ta có thể thấy, từ chư Tôn giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội, quý vị Cư sĩ trí thức dấn thân đảm nhận các trách nhiệm trong các tổ chức xã hội, mở rộng các mô hình hoằng pháp bằng nhiều phương tiện hữu hiệu; cho đến chư vị Tăng Ni trẻ cũng biết phát tâm trở về những nơi thâm sơn cùng cốc, cao nguyên hải đảo, thành thị nông thôn để xiển dương chánh pháp. Có thể nói, đây là điểm tích cực đối với trách nhiệm hoằng pháp trong thời đại mới.
Trong Văn Cảnh sách, chư Tổ đã dạy:
“Phàm người xuất gia thì phải bước đến chân trời cao rộng, tâm và hình khác thế tục, nhiếp phục các ma quân, mong báo đáp bốn ân nặng, cứu vớt khổ đau cho ba cõi, nếu không làm vậy thì xen lẫn vào hàng Tăng chúng, lời nói, đạo hạnh sai lầm, uổng cơm áo của đàn na tín thí”.
Từ ý nghĩa ấy, trên thì chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, hàng Cư sĩ trí thức Phật giáo, dưới có hàng vạn Tăng Ni phát nguyện nắm giữ giềng mối Phật pháp trên từng đơn vị cơ sở với chức vụ Trụ trì; có thể nói, Trụ trì là điểm gạch nối giữa Lãnh đạo Giáo hội và quần chúng Phật tử nói riêng và toàn nhân dân nói chung. Vậy nên, nhất cử, nhất động của Trụ trì trong sinh hoạt đời sống, đi đứng nằm ngồi đều ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần nhập thế của Phật giáo.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn diễn ra những điều đáng tiếc: việc Trụ trì xem ngôi chùa và Phật pháp như là phương tiện mưu sinh, ngôn hạnh không chuyển tải được những chất liệu từ bi và trí tuệ, đã không chấn nhiếp được ma quân mà lại bị ma quân đồng hóa; có những người xuất gia học Phật, cũng phát tâm nhập thế cứu đời, quý vị Cư sĩ, Huynh trưởng Gia đình Phật tử không thể giáo hóa nổi con em tu tâm hành thiện. Thực lòng mà nói, chúng ta hiểu và biết Phật giáo là suối nguồn an lạc, sao không ban trải cho người thân, gia đình. Chúng ta đang ban trải chất liệu yêu thương sao không thể thương những người bên cạnh. Trân trọng hơn, bởi si mê, tà kiến dẫn dắt hành giả nhập thế càng ngày càng lún sâu vào tham ái, ngã mạn; như người xưa nói: “càng tu lâu thì càng dễ thương”, dễ thương ở đây là dấu hiệu của sự vô ngã, vị tha. Nhưng không hiểu sao, càng tu học, càng giữ chức vụ cao thì càng khó gần gũi .v.v..; khó ở đây là dấu hiệu của sự ngã mạn, tự cao v.v… Ngàn lý do để giải thích không bằng công nhận là mình chưa đủ phẩm chất tối thiểu của một hành giả nhập thế cứu đời. Đây chính là một trong những chướng ngại lớn cho chủ trương nhập thế hoằng pháp của Giáo hội.
- Hành trang hành giả nhập thế:
Để thực hiện việc nhập thế có kết quả tích cực và không bị trần đời ô nhiễm, đòi hỏi hành giả Phật giáo phải có đầy đủ những hành trang sau:
- Đạo thể: Đạo thể là thể của đạo, đây là nhân tố được hình thành
do nghiêm trì Giới luật. Đức Phật dạy: “Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ”. Vậy, hành giả nhập thế mà xa lìa Giới luật thì còn đâu Phật pháp để hoằng hóa chúng sanh.
-
- Đạo tâm: Đạo tâm tức là Tâm đạo. Là nói đến tâm Bồ đề, nung nấu chí nguyện “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”, đem tình thương yêu và hiểu biết cảm thông đến cùng nhân loại. Thiết nghĩ, hành giả nhập thế mà không kiên cố Bồ đề tâm, không một lòng cầu đạo giải thoát thì tám ngọn gió: Lợi (lợi lộc), Suy (hao tổn), Hủy (chê bai chỉ trích), Dự (gián tiếp khen ngợi người), Xưng (trực tiếp ca tụng người), Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người), Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não), Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan) của cuộc đời sẽ cuốn trôi hành giả vùi dập trong biển khổ trần ai. Như vậy, không chỉ mình ta chịu khổ mà còn hệ lụy đến cho tha nhân.
- Đạo hạnh: Đạo hạnh là nói đến oai nghi tế hạnh, dáng vẻ thanh cao thoát tục trong ăn nói, đi đứng nằm ngồi; hình thành phong cách đĩnh đạc, an nhàn. Đây là một bài pháp không lời bằng thân giáo đem lại niềm tin tưởng tuyệt đối vào Phật giáo, đồng thời tạo sự bình an cho những tâm hồn đau khổ, bất an; nhiếp phục mọi thế lực cường quyền, xua tan mọi cám dỗ của thế gian hiện tại.
- Đạo lực: Đạo lực là nói đến nội lực tu hành. Ngoài vốn kiến thức Giáo lý đòi hỏi hành giả cần phải có nhiều kinh nghiệm tu tập chuyển hóa phiền não khổ đau. Tất cả hành vi nhiếp hóa chúng sanh qua thân giáo, khẩu giáo đều được vận dụng một cách khoa học mang đầy tính nghệ thuật trong tình thương yêu và hiểu biết. Đạo lực giúp hành giả thắng vượt mọi cám dỗ của ma quân, những danh vọng, tiền tài phù du hư ảo. Có ích gì chăng khi hành giả nhập thế cứu khổ ban vui mà chính tâm hồn mình lại đầy ắp những bất an, sợ hãi; tràn ngập những phiền não tham sân, ngã mạn!
- Ý kiến:
- Bằng tất cả phương tiện: Tại Tự viện, học đường, thông tin đại chúng, các buổi hội thảo, tập huấn… cần vạch rõ và tuyên truyền những lợi ích và sự nguy hại của việc nhập thế của Phật giáo khi không thực hiện đúng chủ trương của Giáo hội hay tôn chỉ của Phật giáo.
- Nâng cao tiêu chí của Tăng Ni, Cư sĩ đảm nhận các chức vụ
quan trọng như Lãnh đạo, điều hành tại các tổ chức trực thuộc từ cao xuống thấp. Việc tuyển chọn con người ngoài các bằng cấp, cần phải được thông qua khảo hạch, phỏng vấn.
- Không ngừng bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm tu học và hoằng pháp qua thân, khẩu và ý giáo cho Tăng Ni, Cư sĩ có chí nguyện nhập thế.
- Kịp thời động viên khích lệ Tăng Ni, Cư sĩ trẻ trong các Phật sự tại cơ sở cũng như trong xã hội.
- Những hoạt động ra ngoài tôn chỉ của Phật pháp, ra ngoài chủ trương của Giáo hội, gieo rắc tà kiến, sai lầm cần được dứt khoát bài trừ.
- Kết luận:
Thiết nghĩ, trên thì chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội quan tâm, dưới thì hàng con đỏ khổ đau đang mong ngóng; những hành giả hữu tâm, hữu ý hãy tự xét bản thân mình rồi sau mới tiến hành hoằng hóa. Việc hóa độ chúng sanh, đem đạo vào đời không phải ngày một ngày hai mà bằng cả chí nguyện Bồ đề trong vô lượng kiếp. Vậy, những ai chưa vững Bồ đề tâm, Bồ đề đạo thì hãy mau chóng vun bồi, có như vậy thì mọi phương tiện hiện đại, cũng như xã hội phát triển ngày nay sẽ tiếp thêm cho ta sức mạnh hoằng truyền; những vấn nạn gia đình xã hội sẽ được tháo gỡ một cách triệt để; Gia đình sống trong nề nếp đạo đức nhân văn, xã hội không còn những bất an, sợ hãi. Làm được như vậy thì, phải chăng: Tất cả chúng ta đã và đang cùng nhau xây dựng một cõi Tịnh độ trên thế gian này!