NHIỆM VỤ VÀ DẤU ẤN HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI XƯA - NAY
NS.TS. Thích Nữ Diệu Như *
- DẪN NHẬP
Ngay sau khi thành đạo, đức Phật đã thuyết giảng bài pháp Tứ Diệu Đế đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, khai thị cho năm anh em Kiều Trần Như, giúp họ chuyển mê khai ngộ, chứng quả A La Hán. Trong lịch sử Phật giáo, đây là bài pháp đầu tiên khởi đầu cho công cuộc hoằng pháp, một sứ mạng trọng đại của đạo Phật, cũng từ đó, tinh thần và nội dung hoằng pháp được phát triển không ngừng trên hai nghìn năm qua.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, trong quá trình hình thành và phát triển đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Thời kỳ Lý - Trần, Phật Giáo được xem là Quốc giáo, đến triều đại nhà Nguyễn, đây là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Phật giáo theo xu hướng “cư Nho mộ Thích1”.
Phật giáo Việt Nam đã qua bao thăng trầm, pháp nạn nhưng vẫn luôn giữ được nét riêng của mình. Phật giáo đã trở thành một tôn giáo chiếm tỷ lệ số đông người dân Việt ủng hộ. Thế nhưng để Phật giáo phát triển và lan tỏa, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam thì công tác hoằng pháp đã trở thành một nhiệm vụ khó khăn, thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa.
- NỘI DUNG
- Nhiệm vụ hoằng pháp hải ngoại
Nhiệm vụ của người hoằng pháp đóng vai trò hết sức quan trọng
--------------------------------------------------------
* Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
trong việc xương minh đạo pháp, làm cho Phật pháp cửu trụ ở thế gian, vì vậy có câu: Phật pháp cửu trụ do Tăng Ni hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh do đàn việt hộ trì và góp phần vào việc hộ quốc an dân. Người hoằng pháp là những nhân tố tích cực hay tiêu cực trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, tùy theo nhận thức và việc làm của từng vị nếu đi lệch hướng thì Phật pháp cũng sẽ theo đó mà suy vi. Vì vậy, để hoàn thành được nhiệm vụ hoằng pháp đòi hỏi nhiều yếu tố và sự nỗ lực không ngừng.
-
- Những yếu tố cần thiết của người làm công tác hoằng pháp
Chúng ta biết rằng Đức Phật ra đời phương tiện mở bày tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, ứng với tám vạn bốn ngàn căn bệnh chấp trước và trần lao phiền não của chúng sanh. Do vậy người đảm nhận trọng trách hoằng pháp trước hết phải là một hành giả có trí tuệ, có phẩm hạnh, có năng lực để tùy căn cơ và trình độ chúng sanh mà thuyết giảng. Nếu chưa được như vậy thì ít ra cũng phải thông hiểu giáo lý, kinh luận một cách căn bản làm cơ sở và nền tảng chân lý để không vấp phải những sai lầm khi tiếp nhận các nguồn thông tin khác nhau, ngộ nhận giữa các pháp môn, các luận chứng và giảng giải theo hiểu biết hạn hẹp. Chân lý mà đức Phật Thích Ca giác ngộ có giá trị vĩnh cửu với thời gian, là bất biến trên dòng đời vạn biến, cho nên hoằng pháp chân lý của đức Phật, rất cần gắn liền với hai yếu tố căn bản trong Phật pháp đó là khế cơ và khế lý.
Hoằng pháp hải ngoại là một công tác đòi hỏi người hoằng pháp phải trau dồi ngoại ngữ, kiến thức đầy đủ về kinh, luật, luận để làm nền tảng và hành trang trên con đường hoằng dương chánh pháp. Tuy nhiên để đưa được ánh sáng của Phật pháp đến với mọi tầng lớp, trong mọi ngõ ngách cuộc đời, thì rất cần đến sự hiện diện kịp thời của những vị Tăng mô phạm và có phẩm hạnh, bởi những vị Tăng tiêu biểu đó là biểu hiện sống động của ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát. Một vị Tăng được giải thoát thì mọi ý nghĩ, hành động, lời nói của họ cũng hàm chứa đạo vị giải thoát. Như vậy họ mới xứng đáng làm chỗ dựa tâm linh cho quần chúng, Phật tử; mới xứng đáng làm bậc giảng sư mang sứ mạng hoằng truyền chánh pháp Như Lai, giúp mọi người vững bước và đi đúng hướng trên con đường giác ngộ và giải thoát. Đó là phẩm chất không thể thiếu của một vị hoằng pháp Phật giáo trong mọi thời đại.
-
-
Phương pháp cơ bản của công tác hoằng pháp
Phương pháp hoằng pháp được xem là một nghệ thuật diễn cảm xuất phát từ lòng từ bi của vị giảng sư, nếu không hàm chứa đủ nội lực thì một thời pháp sẽ trở nên tẻ nhạt, khô khan, hiệu quả hoằng pháp sẽ rất giới hạn. Một thời pháp không có hồn sẽ không tạo được ấn tượng trong lòng thính giả, sẽ không đáp ứng được yêu cầu cần thiết của ngành hoằng pháp và nhu cầu học Phật của quần chúng. Chính vì vậy mà học vị hay hàm vị chỉ có giá trị giới hạn ở một mặt nào đó trong các hoạt động Phật giáo, chứ không hẳn có thể dễ dàng đảm trách Phật sự hoằng pháp trọng đại này.
Ngày nay, tín đồ Phật tử ở hải ngoại có trình độ Phật pháp khá uyên sâu. Họ thường tổ chức mời các vị hoằng pháp có tầm vóc đến giảng. Do vậy, người hoằng pháp cũng phải trang bị cho mình kiến thức về mọi lãnh vực cần thiết cho trách nhiệm của mình, thông suốt nội điển, am hiểu ngoại điển, am hiểu văn hóa, tập quán vùng miền, phải có kinh nghiệm tiếp cận của thời đại, nắm bắt thời cơ, mới có thể làm tốt nhiệm vụ hoằng pháp của mình. Để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ, người hoằng pháp cần phải hoàn thiện về phương thức thuyết giảng, đa dạng hóa nội dung các đề tài mang tính sáng tạo và thực tiễn, vận dụng nhuần nhuyễn các phương tiện để có khả năng chuyển tải giáo pháp đến với kiều bào, để đem lại cho người nghe những thiết thực, bổ ích. Ngoài ra, thì người hoằng phải quán sát hội chúng trước khi đi thuyết giảng, để đưa ra bài giảng phù hợp với trình độ của họ.
Trong quá trình truyền tải thông điệp Phật giáo đến Phật tử hải ngoại tuyệt đối không đụng chạm hay nói đến các vấn đề liên quan đến chính trị, những vấn đề thời sự mang tính nhạy cảm, dung hòa mối quan hệ với các tôn giáo khác. Khi được Phật tử đặt các câu hỏi liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến chính trị hay tôn giáo khác thì vị giảng sư khéo léo dùng các quan điểm dẫn dụ Phật giáo để trả lời, không nên nêu quan điểm cá nhân tránh sự chỉ trích từ dư luận.
Phật giáo luôn lấy quan điểm thực tế đối với cuộc đời và thế giới. Suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo không lôi kéo mọi người đến sống trong một thiên đường hoang tưởng, cũng không đe dọa nhân loại bằng những loại hình sợ hãi giả tưởng bởi mặc cảm tội lỗi. Phật giáo
chỉ khuyến cáo chúng ta nên chính xác và khách quan để nhận chân những gì đang hiện hữu và những gì đang diễn ra xung quanh thế giới, từ đó chỉ cho chúng ta con đường đi tới sự tự do hoàn hảo, hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Trên quan điểm này chúng ta có thể ứng phó với các tình huống đặt ra và nhìn nhận nhiệm vụ hoằng pháp của chúng ta trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
-
- Hòa nhập với kiều bào hải ngoại
Nhiệm vụ đặt ra khi đến một vùng đất mới, người hoằng pháp cần phải tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người dân ở đó, từ đó mới có thể tiếp cận và đưa ra các bài giảng phù hợp.
Một ví dụ tiêu biểu như đất nước Đài Loan, một quốc gia Phật giáo phát triển, các phương tiện truyền thông thuận lợi, nhiều giảng sư đã có kênh riêng như Youtube với số lượng người truy cập đáng kể, thế nhưng tại sao các kiều bào hải ngoại vẫn mong mỏi được gặp những giảng sư từ Việt Nam sang. Bởi vì, Đài Loan nơi mà có nhiều cô dâu trẻ nhập cư theo hình thức kết hôn, và khó khăn họ gặp phải là rào cản ngôn ngữ, văn hóa, sự ngược đãi từ gia đình chồng, khó khăn trong tìm việc làm, nỗi nhớ quê hương…, chính cuộc sống đầy đau khổ ấy đã làm cho họ bế tắc và hơn lúc nào hết sự cứu cánh chính là tâm linh, họ tìm đến một vị giảng sư như một điểm tựa về mặt tinh thần, vị giảng sư từ quê hương mình, mang theo văn hóa, bản sắc người Việt, cái mà họ khát khao được tiếp cận, được lắng nghe và được chia sẻ. Chính tâm lý này là cơ hội cho vị giảng sư tiếp cận được với họ và đây cũng là nhân duyên để cho Phật pháp tuôn chảy thấm dần vào tâm hồn những người tha hương.
Hay ở những quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu…, những người dân lưu vong, họ ra nước ngoài thời điểm những năm 1975, họ vẫn là người Việt mang dòng máu đỏ, da vàng và tình yêu quê hương không khác gì người dân ở Việt Nam cả, những gì họ nghe và thấy là những thông tin qua truyền thông, báo chí, sự hình dung của họ về quê hương vẫn còn ám ảnh của chiến tranh tàn khốc, những ngày tháng của tuổi già họ cần tìm đến một nơi nương tựa, bình yên. Đây chính là lúc người hoằng pháp mang đến thông điệp của Phật giáo, mang tư tưởng hòa bình và chuyển hóa hướng con người đến cuộc sống thánh thiện.
-
Những dấu ấn của quá trình hoằng pháp tại hải ngoại
- Những tấm gương hoằng pháp xưa và nay
Cùng điểm lại những vị Hòa thượng đã đặt chân đến vùng đất mới ngoài lãnh thổ Việt Nam, để mang ánh sáng và tư tưởng Phật giáo đến cho cộng đồng kiều bào và người dân ngoại quốc. Tiêu biểu như như Hòa thượng Thích Thiên Ân 2 (1925-1980), 10 tuổi Ngài đã xuất gia, năm 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được Chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Năm 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên. Năm 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ.
Tiếp đến là Thiền sư Thích Nhất Hạnh3 sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Thiền sư tốt nghiệp viện Phật học Bảo Quốc, tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.
Thiền sư là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” trong cuốn “Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa”. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin hơn một thập niên trước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích về Phật giáo dấn thân: “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn”. “Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Sau này, Thiền
sư tham gia giảng dạy tại Đại học Columbia. Năm 1966, Thiền sư lập ra dòng tu Tiếp Hiện, đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Thiền sư đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.
Hòa thượng Thích Minh Châu4 (1918-2012), năm 1946 ngài xuất gia, năm 1952 được sự chấp thuận của Giáo hội và Hòa thượng bổn sư, Hòa thượng xuất dương du học tại Sri Lanka, học Pali và Anh văn tại Colombo. Năm 1955, Hòa thượng được Trường Đại học Tích lan tặng bằng Pháp sư (Saddammcariya). Sau đó, Hòa thượng sang Ấn Độ và theo học tại Nava Nalanda Mahavihara thuộc Đại học Bihar (Ấn Độ). Năm 1958, Hòa thượng liên tiếp đỗ các văn bằng cử nhân Pali và Anh văn, đặc biệt lại đỗ thủ khoa M.A (Cao học) về Pali và Abhidhamma. Tháng 9 năm 1961, Hòa thượng là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học, Văn học Pali tại Ấn Độ, được đích thân Tổng thống Ấn Độ thời ấy đứng ra trao văn bằng Danh dự và khen ngợi không ngớt về luận văn này. Năm 1962-1963, Hòa thượng được Đại học Bihar (Ấn Độ) mời ở lại giảng dạy tại đây. Với kiến thức uyên thâm và khả năng ngoại điển xuất sắc, Hòa thượng còn được Giáo hội giao phó nhiều trọng trách trong công tác đối ngoại.
Hòa thượng từng tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế, đặc biệt trong Đại hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) lần thứ V - 1982 tại Ulan Bator (Mông Cổ), Hòa thượng đã được bầu giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành (1982-1985) của Hội và Phó Chủ tịch hội này. Hòa thượng tham gia nhiều hội nghị ở các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tiệp Khắc, Úc, Mông Cổ, Ý, Hàn Quốc… Tháng 5-1996, Hội đồng Đại học Mahachulalongkorn tại Thái Lan (Đại học Hoàng gia Thái) đã trân trọng tặng bằng cấp Tiến sĩ danh dự cho Hòa thượng về công trình phiên dịch kinh điển và sự nghiệp giáo dục của Ngài.
Với những công đức mà Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo pháp
- Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, vào năm 2000, nhà nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và vào năm 2012, trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Hòa thượng là một
tấm gương sáng về đức trí và giáo dục cho Tăng Ni nhiều thế hệ. Ngài còn là người anh cả - sáng lập viên của tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Gia đình Phật tử Việt Nam. Với tính điềm đạm và đức nhẫn nại của một bậc thực học, chơn tu khả kính và với sự nghiệp to lớn về giáo dục, phiên dịch Đại tạng kinh Pali-Việt, Hòa thượng luôn luôn để lại cảm tình đặc biệt trong lòng Phật tử Việt Nam.
Vị hòa thượng để lại nhiều dấu ấn gần đây nhất là Hòa thượng Thích Chơn Thiện5 (1942-2016), 1960 ngài xuất gia, tu học các khóa Phật học trong nước, sau đó từ năm 1969 đến năm 1972, Hòa thượng được cử sang du học tại Hoa Kỳ, theo học bổng Cơ quan Văn hóa Á châu (Asia Foundation) và tốt nghiệp cao học Tâm lý Giáo dục tại Đại học Ohio, Hoa Kỳ. Từ tháng 8 năm 1992 đến tháng 6 năm 1996, Hòa thượng được cử sang du học tại Đại học Delhi - Ấn Độ theo học bổng của Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ, tốt nghiệp Phó Tiến sĩ và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Phật học. Với luận án xuất sắc Hòa thượng được Hội đồng Khoa học Đại học Delhi phê chuẩn học vị Tiến sĩ Triết học, được Ủy ban Phát triển Nguồn nhân lực Ấn Độ đánh giá cao và được Tổng thống Ấn Độ mời tiếp kiến và ngợi khen.
Ngoài các chuyến công tác đối ngoại ở nước ngoài với vai trò Đại biểu Quốc hội, Hòa thượng đã nhiều lần đại diện cho GHPGVN làm trưởng đoàn tham dự nhiều hội nghị và hội thảo Phật giáo quốc tế được tổ chức ở các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ; tham gia giao lưu hữu nghị với các giáo sĩ và trí thức tại Marocco; thực hiện nhiều chuyến đi hoằng pháp tại các nước châu Âu như Cộng hòa Pháp, Đức, Nga, Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Séc…
Qua những dấu chân hoằng pháp của các vị Hòa thượng tại hải ngoại đã để lại nhiều dấn ấn và sức lan tỏa Phật giáo trên nhiều vùng lãnh thổ, gắn kết kiều bào hải ngoại với trong nước. Tiếp nối hiện nay nhiều Tăng Ni vẫn đang tiếp tục học tập và hoằng pháp ở nước ngoài, nhiều khóa tu được mở ra thường xuyên hơn, nhiều chương trình tu học với nhiều nội dung phong phú.
2. Hoằng pháp hải ngoại trong thời kỳ hội nhập và phát triển
Vấn đề hoằng pháp của thời đại ngày nay không phải chỉ nhằm vào đối tượng muốn nghe và thích nghe, mà còn phải được phổ cập đến tận vùng sâu vùng xa, dù thành thị hay thôn quê, thích nghi với mọi thành phần trong xã hội, với mục đích là giúp cho mình và mọi
người có thể vượt qua những khổ đau trong cuộc đời, hoặc có đầy đủ trí tuệ để phân biệt chánh tà, phải trái trong đời sống văn minh thời đại mới và đối trị sự tha hóa trụy lạc.
Hiện nay, trên thế giới, nếu người Đông phương xem đạo Phật như một tôn giáo của niềm tin, hiểu biết và sự thật thì người Tây phương xem đạo Phật như một nghệ thuật sống - một phương thức làm cho con người thăng bằng về tâm thức mà các nhà tâm lý học gọi là “giải tỏa”. Nó giải quyết những bế tắc của đời sống dư thừa về vật chất nhưng hoàn toàn thiếu vắng về tinh thần. Đạo Phật đến như một phương thuốc làm cho con người chạy đua về vật chất dừng lại nhằm ổn định, cân bằng trong đời sống. Vì vậy công tác hoằng pháp phải mang tính ứng dụng, thực tiễn, những khóa tu “Phật pháp ứng dụng” sẽ là phương thuốc điều trị những căn bệnh của thời đại như trầm cảm, stress…
- KẾT LUẬN
Cuộc đời còn đau khổ thì Phật pháp còn cần thiết để hiện hữu trên thế gian này. Vì thế chúng ta cũng đừng nên suy nghĩ hạn cuộc của hai chữ Hoằng pháp - thuyết pháp giảng kinh mà hãy xem nhiệm vụ hoằng pháp là nhiệm vụ chung của tất cả những đệ tử Phật, bằng tấm lòng nhiệt quyết, vì đạo pháp, chấp nhận khép mình thanh tu, siêng học, chắc chắn chúng ta sẽ đầy đủ cơ duyên hoằng hoá chúng sanh, lợi đạo, ích đời.
Tất cả những người con Phật, nguyện đồng lòng chung sức quyết tâm phục vụ đạo pháp, xây dựng Tăng đoàn, loại trừ các thành phần xấu chen vào làm suy giảm sức mạnh của Phật giáo. Tăng Ni chúng ta làm sao phải hoà hợp như nước với sữa thì mọi Phật sự đều được viên thành. Điều đó còn đòi hỏi nơi tâm đức của mỗi người con Phật chúng ta.
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
- https://thuvienhoasen.org/a14712/thai-do-cu-nho-mo-thich-cua-cac-chua- nguyen-hoa-duyen
- https://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/htthichthienan.html
- https://vnexpress.net/the-gioi/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat- hanh-3832139.html
- https://giacngo.vn/lichsu/2012/09/02/1E5412/
5. https://giacngo.vn/lichsu/2016/11/16/575489/
19