VÀI SUY TƯ VỀ HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI
ĐĐ.TS. Thích Nhuận Huệ *
A. DẪN NHẬP:
Sau khi chuyển Pháp luân tại Lộc Uyển, lúc bấy giờ giáo đoàn đã có 60 vị A-la-hán đầu tiên, Đức Phật khuyến khích chư Thánh đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.”1 Đó là bản hoài cứu khổ độ sanh của đức Phật. Bản hoài đó đã trở thành lí tưởng sống, nhiệm vụ chính yếu của người con Phật nói chung và ngành hoằng pháp nói riêng: “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp.” Thừa hành bản hoài, tôn chỉ này, các thế hệ người con Phật đã không ngừng đem giáo pháp của Đức Phật tuyên thuyết, giảng dạy cho mọi tầng lớp xã hội khắp nơi, khiến họ được an lạc, giác ngộ, giải thoát.
Sau ba lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak và tham gia vào nhiều sự kiện quốc tế, được bạn bè các nước trên thế giới biết đến, Phật giáo Việt Nam đang có mối quan hệ đối ngoại đa phương, hội nhập quốc tế rất cao. Trên nên tảng đó, để Chánh
* Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định.
1. Tương Ưng Bộ I, chương 4, Tương ưng ác ma, phần Bẫy sập, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 104.
S. I, 105: “Caratha, bhikkhave, cārikaṃ bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ. Mā ekena dve agamittha. Desetha, bhikkhave, dhammaṃ ādikalyāṇaṃ majjhekalyāṇaṃ pariyosānakalyāṇaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāsetha.”
pháp được truyền bá một cách hiệu quả và rộng rãi tại hải ngoại trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ số chúng ta cần phải làm việc bằng tư duy mới và mang tính khoa học.
- NỘI DUNG CHÍNH:
- Những thành tựu đã đạt được:
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho hay, tính đến năm 2017, có hơn 4,5 Việt kiều đang sinh sống tại Hải ngoại trên khắp các châu lục, chủ yếu tại các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc, Đông Á và Đông Nam Á. Trong đó, có 33 quốc gia có số người Việt từ 2000 người trở lên, đông nhất là tại Hoa Kỳ, với số người Việt lên đến 2.104.217 người. Phật giáo, Công giáo Rôma, Cao Đài, Tin Lành là 4 tôn giáo chính trong cộng đồng người Việt tại Hải ngoại.
Người việt định cư tại nước ngoài theo diện: di cư sang các nước láng giềng, du học rồi ở lại, di tản sau ngày 30/04/1975, đoàn tụ gia đình, lao động rồi ở lại, làm cô dâu,…
Cho đến nay, gần như nơi nào có người Việt sinh sống thì đều có chùa. Chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã xây dựng hàng ngàn ngôi chùa2, hàng trăm các đạo tràng tu học. Chùa Việt tại hải ngoại đã thực hiện được sứ mạng giữ gìn tinh hoa Phật giáo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam, nhờ đó, Phật tử hay Việt kiều có cảm tình với Phật giáo có điều kiện, cơ sở để về học hỏi, tu tập, duy trì nếp sống đạo đức tâm linh, tôn giáo và văn hóa truyền thống dân tộc.
GHPGVN cũng đã tổ chức được nhiều hội Phật tử, đặc biệt là tại các nước Đông Âu.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ như trên, Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại vẫn còn những hạn chế như: việc giảng dạy Phật pháp cho người bản xứ vẫn còn hạn chế, các đạo tràng tu tập vẫn chưa nhiều, Giảng sư vẫn còn ít, …
- Một vài đề nghị:
Từ những tiền đề đã đạt được như: Phật giáo Việt Nam đang có mối quan hệ ngoại giao rộng rãi, người Việt và chùa Việt đang hiện
- Một vị Hòa thượng tại tại châu Âu cho rằng tính đến năm 2018 có 750 ngôi chùa Việt tại 143 quốc gia. Riêng tại Hoa Kỳ có hơn 400 ngôi chùa Việt.
diện tại nhiều quốc gia và vài hạn chế như trên, chúng con xin đề xuất một vài giải pháp như sau:
-
- Tiến hành dịch thuật các tác phẩm Phật học quan trọng:
Như trên đã nói, Phật giáo Việt Nam đang có mối quan hệ rất rộng rãi với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, bạn bè các nước trên thế giới chưa hiểu nhiều về lịch sử, giáo nghĩa, pháp môn hành trì, văn hóa, … của Phật giáo Việt Nam. Do vậy, GHPGVN cần vận động Tăng Ni Phật tử có chuyên môn tiến hành dịch những tác phẩm có giá trị về Phật học, lịch sử, pháp môn tu tập, văn hóa của Phật giáo Việt Nam ra các tiếng phổ thông như tiếng Anh, tiếng Pháp, …để các bạn bè quốc tế có thể tham khảo, nghiên cứu hầu tạo nhịp cầu hiểu biết sâu sắc lẫn nhau.
-
- Định hình, chắt lọc các pháp môn tu học để giới thiệu với bạn bè quốc tế:
Với người ngoại quốc và giới trẻ gốc Việt sinh ra tại hải ngoại, trong tâm thức của họ, mọi vấn đề phải được tư duy theo chiều hướng rõ ràng, không có sự pha tạp, thiết thực, lợi ích ngay trong hiện tại. Do vậy, chúng ta nên chọn lọc pháp môn tu học để giới thiệu cho họ. Pháp môn tu tập phải phù hợp với tâm thức và tư duy như trên, đồng thời phải mang nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Thiền Trúc Lâm, thiền Làng Mai, … là những pháp môn tu tập điển hình cho sự lựa chọn này.
-
- Xây dựng mới và thành lập thêm chùa, đạo tràng tu học:
Chùa hay trung tâm tu học là hạt nhân quan trọng để hoằng pháp và giữ gìn văn hóa truyền thống Việt Nam. Do vậy, GHPGVN có thể thông qua các kênh ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại để tiến hành lập chùa. Việc lập chùa cần ưu tiên ở các nước chưa có hoặc có ít chùa Việt. Bên cạnh đó, việc xây dựng chùa phải mang kiến trúc truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam.
-
- Tổ chức nhiều chuyến hoằng pháp:
Chư Tôn đức GHPGVN, đặc biệt là Ban Hoằng pháp cần tổ chức thường xuyên các chuyến hoằng pháp tại các chùa, trung tâm thuộc GHPGVN để thuyết giảng, hướng dẫn tu học cho đồng bào Phật tử và người ngoại quốc. Với các chùa không thuộc trong hệ thống GHPGVN, các vị Giảng sư cần có sự nối kết tốt với các vị trụ trì, vượt
qua quan điểm dị biệt chính trị, chỉ thuyết giảng thuần túy Phật pháp và văn hóa dân tộc.
-
- Chọn lọc và đào tạo Giảng sư cho ngành Hoằng pháp tại hải ngoại:
Nếu Giáo hội bổ nhiệm một vị trụ trì cho một cơ sở mới được thành lập tại hải ngoại hay thực hiện một chuyến hoằng pháp cho người ngoại quốc thì điều kiện quan trọng là vị trụ trì tương lai, Giảng sư đó phải biết ngôn ngữ của nước sở tại. Bên cạnh đó, vị Giảng sư phải am hiểu về văn hóa, và có kiến thức tổng quan về các ngành khoa học.
Để cung ứng Giảng sư cho công tác này, Giáo hội nên chọn các vị đã từng du học tại nước ngoài, các vị cử nhân khoa Anh văn Phật pháp, … Về lâu dài, có thể đào tạo chuyên biệt về ngoại ngữ cho các Giảng sư có ước mong được hoằng pháp tại Hải ngoại.
-
- Tiến hành biên soạn cẩm nang hoằng pháp:
Một cuốn cẩm nang chỉ dẫn cách thức hành đạo, những điều nên làm và không nên làm trong công tác hoằng pháp tại Hải ngoại thực sự là rất cần thiết cho các vị Giảng sư. Dưới đây là một vài đề xuất cho nội dung cuốn cẩm nang ấy:
- Giảng sư cần trang bị khả năng ngôn ngữ của nước sở tại và không ngừng cải thiện vốn liếng ngoại ngữ để chuyển tải Phật pháp một cách trung thực, dễ hiểu trong ngôn ngữ của họ.
-
-
Dân tộc nào cũng có tôn giáo và thần linh riêng của họ. Ở phương Tây, Phật giáo là tôn giáo đến sau nên vị Giảng sư cần tìm hiểu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân địa phương. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật xác nhận ngài đã đến tám hội chúng bằng dung sắc, ngôn ngữ của các chúng ấy để giảng dạy, khích lệ, làm cho tâm hoan hỷ: “Này Ānanda, Ta nhớ lại ta đã đến chúng Sát đế lỵ hơn một trăm lần. Tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện, và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu, dung sắc của chúng Sát đế lỵ thế nào, dung sắc của Ta cũng như vậy; giọng nói chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng như vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.”3 Đoạn kinh thể hiện những tinh thần quan trọng của đạo Phật: nhập thế, tùy duyên bất biến. Tùy theo
- Kinh Trường Bộ, ĐTKVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2013, tr.304-5.
duyên chúng ta có cách hòa đồng, chan hòa với văn hóa, tôn giáo tại đó nhưng luôn giữ điều bất biến, cốt lõi của chúng ta là đem lại lợi ích, an lạc cho số đông quần chúng.
-
- Đoạn kinh trên còn dạy chúng ta tinh thần Đồng sự trong Tứ nhiếp pháp: Phải đến bằng hình tướng và ngôn ngữ của thính chúng, của người được hóa độ thì mới có thể hóa độ được họ. Như vậy, về lâu dài, chúng ta phải đào tạo người xuất gia bản xứ thì công tác hóa độ mới hiệu quả và lan rộng được.
- Học hỏi, nghiên cứu văn hóa địa phương để có thể biết họ cần gì, nghĩ gì, tâm tư thiên hướng về điều gì, thích và không thích điều gì, … từ đó có phương pháp dạy Phật pháp cho họ thích hợp. Thí dụ, đa số người phương Tây thiên về tư duy, lí trí, còn người châu Á thì thiên về niềm tin. Người phương Tây rất thực dụng, họ thích tìm hiểu một vấn đề đến cùng và liên tục đặt câu hỏi cho đến khi hiểu được vấn đề. Khi được đặt nhiều câu hỏi như vậy thì vị Giảng sư đừng nghĩ rằng họ đang cật vấn mình, mà cần phải kiên nhẫn trả lời vì với họ, không được sinh trưởng trong truyền thống Phật giáo nên mọi khái niệm Phật học đều mới mẻ. Người châu Á thiên về niềm tin hơn, nên nghi lễ để cầu bình an, siêu độ vong linh là nhu cầu không thể thiếu đối với họ.
- Bên cạnh giảng dạy Phật pháp, các vị Giảng sư cần mở lớp Việt ngữ để dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho giới trẻ gốc Việt.
- Người ngoại quốc không thích yêu cầu cúng dường một cách trực tiếp. Do vậy, việc treo thông báo kêu gọi trên một bảng tin sẽ phù hợp với văn hóa của họ hơn.
- Người phương Tây có xu hướng hiến tặng tiền bạc cho giáo dục hay vào quỹ sinh hoạt tu học của Tăng chúng hơn là thích tích trữ công đức thông qua việc xây chùa, tạo tượng, đúc chuông như người Á châu. Nếu tiền hiến tặng không được sử dụng đúng mục đích thì họ sẽ không hiến tặng nữa.
- Bình đẳng giới là điều mà các Giảng sư cần phải lưu ý. Phụ nữ phương Tây đã đấu tranh quyết liệt cho quyền này. Ngày nay, họ được bảo hộ bởi pháp luật trên cả nam giới. Do vậy, nếu vị Giảng sư giảng rằng thân nữ là thấp kém và cần cầu nguyện để tái sanh làm thân nam thì họ sẽ phản ứng lại một cách tiêu cực. Vì vậy, vị Giảng sư nên thuyết giảng khéo léo khi người đến chùa đa số là nữ giới.
-
Phật tử hải ngoại và người phương Tây thích những những buổi lễ cộng đồng, có nhiều người, mọi lứa tuổi tham dự, với nhiều thức ăn phong phú. Do vậy, vị Giảng sư cần phải tích lũy kinh nghiệm để tổ chức những buổi lễ có quy mô lớn, có tiệc buffet chay và đi kèm với những hình thức giải trí cho giới trẻ.
- Phật tử hải ngoại và người phương Tây thường rất bận rộn và có ít thời gian để tham dự buổi giảng. Do vậy, trong một thời giảng, vị Giảng sư trước hết, cần cung cấp dàn bài, những nội dung chính sẽ được thuyết giảng; thời lượng giảng vừa phải; có ghế ngồi cho khán thính giả; các khái niệm trong bài giảng phải được phân tích rõ ràng, gãy gọn; không nên đưa nhiều thuật ngữ Phật học và nhiều khái niệm; mỗi khái niệm, thuật ngữ cần được giải thích vì với họ mỗi khái niệm trong Phật giáo đều mới mẻ.
- Người phương Tây và giới trẻ gốc Việt sinh ra tại hải ngoại thường hướng ngoại, dành sự chú ý bên ngoài hơn là nhìn lại bên trong. Do vậy, trước khi thời giảng diễn ra, vị Giảng sư cần dạy họ theo dõi hơi thở hay tụng một bài kinh ngắn là điều cần thiết để họ lắng dịu thân tâm trước khi tiếp nhận giáo pháp.
- KẾT LUẬN:
Trên đây là vài thiển kiến xin được trình bày trước hội thảo nhằm góp phần cho công tác hoằng pháp tại hải ngoại đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng rãi. Con đường hoằng pháp tại hải ngoại còn nhiều thử thách, nhưng nếu chúng ta biết phát huy những thế mạnh sẵn có, lấy sự thanh tịnh, an lạc, nghiêm trì giới luật làm thân giáo, làm việc bằng tư duy sáng tạo, phương pháp đúng đắn, cộng với lòng nhiệt huyết, nỗ lực không mệt mỏi của các Giảng sư thì chắc chắn sứ mệnh thiêng liêng hoằng pháp tại hải ngoại sẽ đơm bông kết trái tốt đẹp.
--------------------------------------------------------------------------------
Thư mục tham khảo chính:
-
- Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ I, ĐTKVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993.
- Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, ĐTKVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 2013.
- Thích Nhật Từ & Nguyễn Công Lý (chủ biên), Giáo hội Phật giáo Việt Nam - 35 năm Hình thành và Phát triển, Nxb. Hồng Đức, 2016.
- Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổ Thông tin Tuyên truyền Văn phòng II Trung ương thực hiện, lưu hành từ ngày 08 tháng 08 năm 2018.
-
-
-
-