HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ THẾ GIỚI TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY, MỘT SỐ VẤN ĐỀ SUY NGHĨ
PGS.TS. Lê Bá Trình *
Hoằng pháp là một trong những phương thức hữu hiệu để giáo lý của Đức Phật thực hiện chuyển hóa chúng sanh. Trong suốt 49 năm từ khi thành đạo đến lúc nhập Niết bàn, Đức Phật đã đi khắp mọi miền của xứ Ấn Độ để hoằng dương chánh pháp. Đến lúc sắp nhập Niết bàn, Đức Phật đã dạy hàng đệ tử: “Này các Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả, để truyền bá Chánh pháp, vì lợi ích cho quần sanh, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (1). Nhờ vào thành quả hoằng pháp của nhiều đệ tử Đức Phật trước đây mà Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam và phát triển cùng với dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, hoằng pháp là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con Phật để Phật giáo thực hiện sứ mệnh nhập thế, đem lại lợi lạc cho nhân sinh và đạt được mục tiêu tối thượng là giải thoát chúng sinh ra khỏi vô minh, phiền não ở chốn trần gian. Một thế giới toàn cầu hóa và sự hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế của đất nước hiện nay vừa là thời cơ, vừa có những thách thức trong công tác hoằng pháp hải ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Do hoàn cảnh lịch sử của nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc nói chung, của Phật giáo Việt Nam nói riêng, đồng bào Phật tử của Việt Nam đã đến sinh sống, làm việc và hành đạo ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau. Từ các lý do khác biệt này, trong đồng bào Phật tử Việt Nam ở hải ngoại hình thành các bộ phận, tổ chức Phật giáo có sự khác nhau về xu hướng hành đạo và hoạt động Phật sự, trong đó có:
--------------------------------------------------------
* Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN, Giảng viên
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Các cá nhân Phật tử, Hội Phật tử người Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoặc có cảm tình, tán đồng đường hướng hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được hình thành ở các nước Đông Âu, châu Á, một số nước ở châu Mỹ, gần đây ở châu Phi. Họ là những người Việt có lòng hướng về quê hương, đất nước; hướng về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một bộ phận Phật tử, tổ chức Phật giáo là người Việt ra đi từ trước, trong và sau thời điểm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975, phần lớn thuộc tổ chức “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất hải ngoại” (tại Australia; New Zealand; Châu Âu; Mỹ và Canada). Số này không thừa nhận tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và có xu hướng hành đạo chống lại Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, còn có những người nước ngoài ở các quốc gia có cảm tình với Phật giáo và muốn tìm hiểu về đạo Phật.
Như vậy, đối tượng mà công tác hoằng pháp hải ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng tới là rất đa dạng, phong phú và phức tạp.
- Cùng với tình hình trên đây, một thế giới toàn cầu hóa và công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước đang tạo ra những cơ hội và thách thức cho công tác hoằng pháp hải ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Với chủ trương và thành quả hội nhập quốc tế của Nhà nước Việt Nam đang đem lại vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế là thời cơ, thuận lợi chưa từng có để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp ra hải ngoại, đó là:
Việt Nam ngày càng khẳng định sự ổn định của đời sống chính trị và đóng góp cho hòa bình thế giới: Đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới; là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020
– 2021) với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối (192 phiếu đồng thuận/193 nước); tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 với nhiều phát kiến mới cho khu vực; là nước được chọn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 (2019); đã ký kết nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.
Trên lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế thế giới, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ; ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần.(2) Ngày 30/6/2019 Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Sự kiện này được cho là dấu mốc lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Đời sống tôn giáo, đặc biệt là vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng khẳng định trên trường quốc tế: Việt Nam đã 3 lần được Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc chấp nhận và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc, để lại những dấu ấn ngày càng tốt đẹp về đời sống tôn giáo của xã hội với Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế.
Thế giới toàn cầu hóa cùng với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đem lại những điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác hoằng pháp ở trong nước và nước ngoài.
Mặc dù còn có những khác nhau về xu hướng và hoạt động của một số tổ chức Phật giáo người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng mỗi Phật tử người Việt Nam ở đó đều là một thành phần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một đệ tử của Đức Phật, nếu phát huy tốt điểm tương đồng đó sẽ góp phần tạo nên những thuận lợi cho công tác hoằng pháp ở các nước sở tại.
- Bên cạnh đó, công tác hoằng pháp hải ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như:
Mặt trái của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Đó là xu hướng đồng nhất văn hóa, đe dọa sự bền vững của bản sắc văn hóa dân tộc cũng như bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Sự phân cực giữa tầng lớp giàu nghèo gia tăng do một bộ phận lớn người lao động chân tay thiếu việc làm và thu nhập. Sự xuống cấp đạo đức của xã hội do tác động tiêu cực của đời sống ảo và tính thực dụng của đời sống vật chất. Sự suy giảm niềm tin tôn giáo trước những tác động của các thành tựu khoa học công nghệ, hình thành các hiện tượng tôn giáo mới rất phức tạp....
Ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng là những thách đố trong việc thực hiện những lời giáo huấn của Đức Phật về bảo vệ môi trường, tôn trọng hệ sinh thái đã được chỉ rõ trong giáo lý và giáo luật.
Xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo; xâm chiếm lãnh thổ, vi phạm chủ quyền quốc gia và nguy cơ chiến tranh ... là những vấn đề đi ngược lại khát vọng xây dựng một thế giới hòa bình, hòa hợp và an lạc của Phật giáo.
Các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về sự khác biệt trong xu hướng, mục tiêu và hoạt động của một bộ phận cá nhân, tổ chức Phật giáo chống đối lại Nhà nước và tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những cản trở cho công tác hoằng pháp hải ngoại.
- Giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hoằng pháp hải ngoại.
- Ban Hoằng pháp Trung ương, cụ thể là Phân ban Hoằng pháp hải ngoại cần xây dựng kế hoạch hoằng pháp một cách cụ thể, nhắm đến từng đối tượng Phật tử và người Việt Nam ở từng quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở đường hướng hành đạo tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để chuyển tải những giá trị tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam đến với đồng bào Phật tử và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xây dựng nền hòa bình, an lạc của thế giới. Đồng thời, mỗi người thực hiện công tác hoằng pháp hải ngoại cần giữ vững đức tính “Bi, Trí, Dũng” của người con Phật trước những hành động, tác động tiêu cực của một số cá nhân, tổ chức đi ngược lại đường hướng hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với những khẳng định về vai trò, vị trí của đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế, những quy kết “Sư quốc doanh” đối với những chức sắc, Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện hoằng pháp ở hải ngoại chỉ là những luận điệu xuyên tạc, những tiếng nói lạc lõng, thiếu tinh thần xây dựng, tính chất hòa hợp của Phật giáo trong bối cảnh cả thế giới đã và đang thừa nhận vai trò của Giáo hội Phật giáoViệt Nam hiện nay. Tất nhiên, gặp những trường hợp này, người giảng pháp phải biết thực hiện phương thức “Khế lý, khế cơ” mới đạt kết quả.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thực hiện “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” để mỗi Tăng Ni, Phật tử và mỗi tổ chức của Giáo hội có đủ sức đề kháng với những tác động của mặt trái toàn cầu hóa và cuộc cách
mạng Công nghiệp 4.0. Mỗi Tăng, Ni, Phật tử, đặc biệt là người làm công tác hoằng pháp phải giữ được trí tuệ minh mẫn về giáo lý và thực hiện nghiêm trang về giáo luật. Giải pháp này làm cho sứ mệnh “nhập thế” của Phật giáo Việt Nam trong điều kiện hiện nay ngày càng hiện thực nhưng không bị “thế tục hóa” đời sống tôn giáo đối với người theo đạo Phật cũng như tổ chức Giáo hội. Đồng thời, nó là một trong những yếu tố cơ bản để người thực hiện hoằng pháp hải ngoại đạt được sự viên thành.
- Giữ vững và vun bồi truyền thống tốt đẹp “đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Việt Nam trong quá trình hoằng pháp hải ngoại để hóa giải những khác biệt trong nhận thức và hành động của một bộ phận Phật tử, tổ chức Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài đi ngược lại đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là truyền thống đạo pháp gắn bó với dân tộc, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước; là sự tôn trọng sự khác biệt giữa các hệ phái, truyền thống Phật giáo Việt Nam nhưng gắn bó, đoàn kết chung trong một tổ chức Giáo hội của Phật giáo Việt Nam từ năm 1981 đến nay.
- Trên cơ sở chủ trương, chính sách đối ngoại rộng mở và hội nhập sâu rộng với đời sống quốc tế của Nhà nướcViệt Nam; kết quả mở rộng giao lưu, hợp tác giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các truyền thống, tổ chức Phật giáo các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã đạt được, Ban Hoằng pháp Trung ương cần xây dựng một kế hoạch hoằng pháp tổng thể với việc tận dụng tối đa những thành tựu của khoa học, công nghệ từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để phục vụ cho nhiệm vụ hoằng pháp hải ngoại trong thời gian sắp tới.
Thực hiện có hiệu quả công tác hoằng pháp hải ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa góp phần quan trọng của việc thực hiện sứ mệnh nhập thế của Phật giáo, vừa góp phần vào nhiệm vụ xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay.
---------------------------------------------
(Endnotes)
(1). Kinh Tăng Nhất A Hàm.
(2). Trang thông tin điện tử Bộ Ngoại giao. http://www.mofahcm.gov.vn/ vi/mofa/nr091019080134/ns120222162217/. Cập nhật ngày 02/7/2019.