LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ HOẰNG PHÁP MẪU MỰC TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
ĐĐ.Ths. Thích Thiện Tuệ *
- Cơ sở lý luận của một nhà hoằng pháp mẫu mực
- Cơ sở lý luận hoằng pháp của đức Phật
Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, đức Phật đã dùng bảy tuần đầu tiên để suy tư về tất cả mọi thứ từ cảm thọ về sự giải thoát, mọi sự ràng buộc của một chúng sanh hữu tình để đạt được sự an lạc trong sự giác ngộ vĩ đại. Hai luồng tư tưởng xảy ra lúc bấy giờ bởi những yêu cầu bức yếu của hai thế lực đối lập và trái ngược. Kinh sử ghi lại rằng, Ma Vương Ba Tuần đã đến gặp đức Phật để yêu cầu Ngài nhập vào Niết bàn và không nên truyền bá giáo lý mà Ngài đã đạt được sau quá trình suy tư thiền quán đạt được bằng sự thắng lợi những cảm thọ về thế giới khách trần của phàm tình thế gian được bao phủ và phong tỏa của thế giới dục vọng (sự ảnh hưởng của Ma vương). Đức Phật vẫn yên lặng trước sự xuất hiện của Ma Vương Ba Tuần. Sau lúc đó, vua trời Đế thích và Phạm thiên vương đã đến để đảnh lễ với mong muốn đức Thế tôn chuyển vận bánh xe chánh pháp để giáo hóa chúng sanh. Đức Phật vẫn yên lặng trước sự thỉnh cầu của vua trời Đế thích và Đại Phạm thiên vương. Với hai thế lực đã đến với yêu cầu của riêng mình, đức Phật vẫn chưa có đưa ra quyết định gì sau khi chứng ngộ Phật quả. Cuối cùng, khi Ngài quán sát những hoa sen trong hồ nước trong khu- ôn viên của Thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng. Đức Phật nhận thấy rằng, với giáo lý cao thâm mà Ngài vừa tìm ra để mở bày cho chúng sanh thì sẽ có nhiều hạng người (chúng sanh) nhờ đó mà đạt được sự giải thoát khổ đau và ra khỏi luân hồi sanh tử.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đầy đủ nhân duyên để học hỏi và thực tập lời Ngài dạy. Và rồi, cuối cùng, Ngài, đức Phật đã quyết
--------------------------------------------------------
* Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
định đến vùng Ba La Nại, nơi năm người bạn cùng tu khổ hạnh với Ngài trước kia. Ở đây thể hiện tinh thần ứng thế độ sanh của đức Phật, tức là, ứng cơ nhi hiện thế, nghĩa là, quán xét nhân duyên căn cơ của mỗi chúng sanh để hóa độ. Đức Phật đã giảng dạy chánh pháp tại vườn Nai (Lộc Uyển). Từ đó mà thế gian đã xuất hiện một cột mốc quan trọng trong lịch sử thế giới loài người lúc đó, đó là sự hình thành Tam Bảo đầu tiên.
Từ sự thành lập Tam Bảo đầu tiên đó, giáo lý từ đó mà có cơ sở để được truyền bá rộng rãi đến những ai hữu duyên với chân lý Phật đà. Đức Phật dạy với những Tỳ kheo đầu tiên trong giáo đoàn Tăng già rằng: “Các Thầy Tỳ kheo, các Thầy hãy lên đường để đem giáo lý giải thoát cho những ai hữu duyên và hai người không nên cùng đi một hướng.” Như vậy, chúng ta thấy rằng, đức Phật đã hướng đến mục đích của Ngài là đem giáo lý giải thoát cho những ai hữu duyên và khuyến khích hàng đệ tử của Ngài hãy lên đường vì mục đích cao quý đó.
Như vậy, trong tứ chúng đồng tu theo Phật, chúng ta thấy có đầy đủ mọi giai tầng xã hội của xứ Ấn Độ cổ đại và mỗi thành phần này đều có một vài đóng góp tích cực trong sự nghiệp hoằng pháp của đức Phật và giáo đoàn của Ngài. Nằm rải rác trong nhiều kinh điển Nguyên Thủy (Nikaya); thỉnh thoảng chúng ta thấy những vị tôn túc đứng ra để thay thế đức Phật nói về giáo lý trong một vài hội chúng. Và tất nhiên, đức Phật đã xác chứng nhận sự việc như thế, giáo lý như vậy, hay phương pháp tu tập như vậy là đúng với chánh pháp, đúng với lời Đức Thế Tôn. Điều này, chúng ta thấy rằng, xuyên suốt từ lúc khai thị truyền bá chánh pháp tại Lộc Uyển cho đến sau cùng, đức Phật tin tưởng vào sự tu học của đệ tử Ngài, người có thể thay thế Ngài để hoằng truyền lời chân lý.
-
- Cơ sở lý luận hoằng pháp của giáo đoàn tăng già Phật giáo
Trong suốt 45 năm trụ thế sau khi giác ngộ dưới cội thiêng Bồ Đề, đức Phật đã đi và truyền bá giáo lý của Ngài bằng nhiều phương tiện khác nhau để hóa độ cho những con người khác nhau từ những hoàn cảnh khác nhau. Đặc biệt, chúng ta thấy rằng, không chỉ đức Phật mới là người truyền bá giáo lý giải thoát của đức Phật, mà các đệ tử của đức Phật cũng là những con người thực hiện nhiệm vụ đó. Trong đó, chúng ta thấy những lời dạy của các vị Thánh Tăng Đệ tử Phật cũng đã được đức Phật thông qua như chứng minh rằng các vị cũng có cùng nội dung hướng dẫn tu học với đức Phật như các Ngài Xá-lợi-phất,
Đại Ca-chiên-diên, Ngài Phú-lâu-na, hay các vị Thánh Ni Đệ tử Phật như Tỳ kheo Ni Kema, Tỳ kheo Ni Đại Ái Đạo. vv.
Trong Tiểu kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh 1, một Nigantha đệ tử (Lõa thể Ni kiền tử) tên là Saccaka đã hỏi lời Phật dạy với Tôn giả Asajji (Mã Thắng), sau khi được Tôn giả Asajji trả lời, Saccaka đến gặp đức Phật với câu hỏi tương tự, và Đức Thế Tôn cũng đáp tương tự giống Tôn giả Asajji. Với dẫn chứng này, chúng ta thấy, chư Thánh Tăng đệ tử đã nắm bắt lời Phật dạy với nội dung căn bản như sự thật.
Người hoằng pháp phải là người luôn biết lắng nghe từ chính kiến của bạn đồng tu. Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở đến các Tỳ kheo đệ tử phải luôn sống trong tinh thần lục hòa cộng trụ; trong đó, với vấn đề hoằng pháp và tu học, chúng ta lưu tâm đến ‘Kiến hòa đồng giải’ để hoàn thiện bản thân trong sự nhìn nhận chánh kiến của đức Phật và giáo lý được đức Phật khai thị. Kinh không uế nhiễm (Anangana sutta), nhị vị tôn đức Xá-lợi-phật và Đại Mục-kiền-liên đã đàm luận với nhau về lời Phật dạy để đi đến kết luận cuối cùng là làm sáng tỏ giáo pháp không chỉ cho việc tu học của bản thân mà cho cả hội chúng cùng thấy được kiến giải của từng vấn đề giáo lý để từ đó mà tu tập. Như vậy, việc hoằng pháp không những đem lại lợi ích cho người nghe mà còn tiếp thu thêm kiến giải của chính người hoằng pháp. Đức Đạt Lai La Ma thứ 14 từng nói rằng “Người nói chỉ lặp lại những gì mình đã có, người nghe là người tiếp thu thêm những gì mình chưa có.” Tinh thần biết học hỏi này là cơ sở lý luận để xây dựng nên một người hoằng pháp mẫu mực.
Xây dựng một hoằng pháp mẫu mực là xây dựng nên một niềm tin sâu sắc đến với người Phật tử cư sĩ. Chúng ta thấy trong Tăng đoàn Thánh đệ tử đức Phật, có nhiều vị là nhà hoằng pháp mẫu mực, người khéo vận dụng lời Phật dạy trong việc tu tập bản thân và vận dụng để tạo nên niềm tin của quần chúng đối với giáo đoàn. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến vị Đại chánh pháp Xá-lợi-phất. Kinh sử ghi lại việc Tôn giả Xá-lợi-phất đã đến thành Xá-vệ để kiến tạo Tinh xá Kỳ Viên theo lời thỉnh cầu của Trưởng giả Cấp cô độc Tu-đạt-đa và thậm chí khi đức Phật chưa đến Xá vệ thì những tin tốt về đức Phật và Tăng đoàn đã được phổ biến khắp xứ Kô-sa-la. Chỉ một sự kiện này thôi, chúng ta dễ dàng thấy rằng, Tôn giả đã khéo hoằng pháp bằng giáo lý của đức Phật. Trong kinh Bát Thành (Atthakanagara sutta) có ghi lại việc Tôn giả A-nan-da đã nói chánh pháp cho một vị gia chủ (thương gia) tại thành Tỳ Xá Ly để rồi vị Gia chủ này đã phát nguyện
Quy y Tam Bảo và làm đệ tử đức Phật và Hộ trì Tam Bảo. Ngoài ra, chúng ta thấy nhiều Tôn giả khác cũng là những nhà hoằng pháp mẫu mực trong Tăng đoàn đức Phật.
Tuy nhiên, trong giáo đoàn của đức Phật vẫn có những Tỳ kheo đệ tử không nắm bắt được lời Phật dạy để rồi sinh ra những tư tưởng tà kiến. Điều này không chỉ gây ra những điều không tốt trong lộ trình tu tập của chính những Tỳ kheo ấy mà còn nguy hại hơn khi họ lại là người đi rao giảng những tà kiến của mình về giáo lý giải thoát đến những người khác. Trong Trung bộ 1, Đại kinh Đoạn tận ái (Ma- hatanhasankhaya sutta), có nhắc đến tỳ kheo Sati với tâm tà kiến về chánh pháp của đức Phật và đức Phật cho gọi để xoay chuyển tâm tà của Tỳ kheo Sati. Như vậy, chúng ta có thể nhận rõ ràng vấn đề hoằng pháp rằng, cơ sở lý luận để hoằng pháp không những phải có đầy đủ yếu tố chánh kiến về lời Phật dạy, mà bên cạnh đó cần phải hiểu rõ lời Phật dạy bằng con đường tu tập bản thân. Chính người hoằng pháp phải nắm bắt được chánh và tà trong từng lời nói khi hoằng pháp. Trong câu chuyện 500 kiếp là chồn bởi vì lỡ nói về chính điều không hiểu giáo lý, với một tà kiến tự ngã là bài học trong việc hoằng pháp. Đức Phật đã chỉ rõ rằng “Kẻ mê mờ kia!” cho những đệ tử không hiểu rõ chân lý và thậm chí là còn đi rao giảng điều tà kiến. Như vậy, nếu không hiểu rõ chân lý mà nói về chân lý thì đức Phật cho rằng người đó không những đang xuyên tạc đức Phật vì chấp thủ sai lạc, mà còn tự phá hoại mình, tạo nhiều tổn đức, hậu quả thật vô lường.
Như vậy, chúng ta thấy rằng cơ sở lý luận để xây dựng một nhà hoằng pháp mẫu mực cần phải ý thức rõ ràng về lời Phật dạy. Lý luận không những từ phương pháp tu tập mà còn phải biết nhìn nhận giáo lý bằng nhiều góc độ khác nhau. Cơ sở để diễn giảng giáo lý là áp dụng cách thuận tiện nhất để việc hoằng pháp hiệu quả đến với tha nhân (thỉnh giả). Cơ sở lý luận này dựa trên ba yếu tố chính, đó là thấu hiểu lời Phật dạy qua Tam vô lậu học Văn, Tư, Tu; ứng dụng Tứ Vô Lượng Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả trong việc hoằng pháp và lấy Từ Bi và Hiểu Biết để chỉnh đốn bản thân theo tinh thần học hỏi.
- Tinh thần dấn thân của nhà hoằng pháp mẫu mực
Trong nhà Thiền có câu “Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp”. Đó chính là tinh thần để xây dựng một nhà hoằng pháp mẫu mực. Từ Bi cao nhất ở đây chính là Bố Thí Pháp, tức là đem lời Phật
dạy đến với tất cả mọi người. Hay nói cách khác là “Hoằng pháp vi gia vụ, Lợi sanh vi sự nghiệp”. Đức Phật truyền bá chánh pháp sau khi Thành Đạo cũng không đi ra ngoài ‘mục đích’ này. Các Thánh đệ tử và các bậc Tổ sư xuyên suốt 26 thế kỷ truyền thừa qua cũng không đi ra ngoài ‘nhiệm vụ’ này. Như vậy, tinh thần dấn thân trong việc hoằng pháp là bản hoài của mọi Tăng sĩ đệ tử Phật.
Nói đến tinh thần dấn thân trong việc hoằng pháp, chúng tôi chỉ lượt một vài trường hợp thể hiện tinh thần dám chịu dấn thân của chính đức Phật và các Thánh Tăng đệ tử Phật.
Trước hết, đức Phật là người chịu dám dấn thân trước hết khi Ngài đưa ra những quan điểm về rất nhiều vấn đề nan giải lúc bấy giờ của xứ Ấn Độ. Với vấn đề về vị trí của người phụ nữ, đức Phật đã cho phép phía nữ xuất gia làm một thành phần chính trong hàng đệ tử giáo đoàn (Sangha). Đối với vấn đề giai cấp, đức Phật chấp nhận đón nhận người gánh phân Ni Đề được phép xuất gia như rất nhiều người khác đã được hiện diện trong giáo đoàn của Ngài. Thậm chí, đức Phật cho phép Nàng dâm nữ Am-bà-pa-li và Nữ nô tỳ Ma-đăng-già tại xứ Tỳ-xá-ly. Thêm một trường hợp đặc biệt khác, đức Phật cho phép kẻ sát nhân Angulimala (Ương-quật-ma) được xuất gia. Trong suốt 45 năm truyền giảng chánh pháp, đức Phật tùy vào từng hoàn cảnh đã hóa độ rất nhiều người vào tu học trong giáo đoàn. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp cá biệt như lượt kể thì, ở đó đã thể hiện tinh thần dấn thân hoằng pháp của đức Phật.
Các Thánh tăng của đức Phật, chúng ta thấy có những vị thể hiện tinh thần dấn thân một cách sâu sắc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là, ai sẽ là người và có khả năng để thể hiện tinh thần dấn thân của một nhà hoằng pháp mẫu mực để bảo vệ chánh pháp? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta xét trên ba khía cạnh của vấn đề hoằng pháp. Đó là, hoằng pháp bằng khẩu giáo, hoằng pháp bằng thân giáo, hoằng pháp bằng ý giáo.
Thông thường, việc hoằng pháp bằng khẩu giáo được ứng dụng rất nhiều trường hợp với đức Phật và chư Thánh đệ tử (như đã lượt kể). Phương pháp này được ghi trong hầu hết kinh điển Nguyên thủy Nikaya được đức Phật hoặc Thánh đệ tử thay đức Phật để nói đến hội chúng, hay một cá nhân nào đó. Phương pháp bằng thân giáo mặc dù được sử dụng thường xuyên đối với đức Phật hay các Thánh
đệ tử nhưng hầu như chúng ta khó nhận thấy phương pháp này. Trong phương pháp này, đức Phật đã tinh tấn trong suốt thời gian Ngài hành đạo. Ngài đã du hành trong suốt 45 năm trụ thế đến ngày nhập Niết bàn tại Câu-thi-na (Kushangar). Những việc thường nhật, đức Phật thường vào thành đi khất thực như các Tỳ kheo đệ khác, Ngài độ thực dưới gốc cây, hay tịnh xá, hay nhà của Tín chủ, Ngài thuyết pháp, ngồi thiền, hành thiền, v.v. Thời gian trong một ngày, Ngài sử dụng dành cho việc tu tập là chính; thời gian để nghỉ ngơi thì chiếm tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều. Cũng phương pháp thân giáo này, chúng ta thấy ở Tôn giả Angulimala hay Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thể hiện tinh thần bất bạo động theo lời dạy của đức Phật. Tôn giả Ương-quật-ma thì bị đánh giữa đường trong lúc đi khất thực; tôn giả Đại Mục Kiền-liên thì bị đánh đến chết trước cổng Tịnh xá Trúc Lâm. Cả hai trường hợp này đều dùng thân để giáo hóa lời Phật dạy, giáo lý bất bạo động. Hay trường hợp của Tôn giả Xá-lợi-phất, chúng ta nghe qua công hạnh của Tôn giả là luôn hỏi thăm tôn giả Mã Thắng (hay Ác Bệ) khi đến một vùng nào đó hành đạo nghe Tôn giả trên đang cư trú, và nghỉ luôn hướng đầu về phía Tôn giả. Đó là dùng thân giáo để thể hiện tinh thần biết ơn vậy. Phương pháp ý giáo chỉ dùng ở đức Phật trong một vài trường hợp nhất định khi đã dùng qua phương pháp thân giáo và khẩu giáo. Ngài đã mặc nhiên để Tôn giả thực hiện hạnh đầu đà khổ hạnh.
Tinh thần dấn thân bảo vệ chánh pháp. Đó chính là vấn đề lớn cho mỗi nhà hoằng pháp mẫu mực và điển hình nhất là Tôn giả Phú- lâu-na. Kinh giáo giới Phú Lâu Na (Punnovada sutta), thứ 145 trong kinh Trung Bộ thứ 3, đức Phật đã đặt những vấn đề liên quan đến cách tiếp cận một nước tên là Tây phương Du-na Quốc (Sunaparanta). Sau khi nhận thấy Tôn giả Phú-lâu-na có đủ nhiệt thành để giáo hóa tại đây, đức Phật thuận ý để Tôn giả ra đi. Như vậy, chúng ta thấy rằng tinh thần dấn thân để truyền bá giáo lý giải thoát đã được các Thánh Tăng đệ tử Phật mạnh dạn đứng ra đảm nhiệm. Kết quả là Tôn giả Phú-lâu-na đã nhiếp độ được 500 nam cư sĩ và 500 nữ cư sĩ tại vùng đất hung bạo và thô ác Tây phương Du Na quốc. Tinh thần hoằng pháp này có thể nói như là bài học sâu sắc cho rất nhiều thế hệ Tăng Ni dấn thân hành đạo.
- Một vài định hướng xây dựng nhà hoằng pháp mẫu mực cho Phật giáo trong giai đoạn hiện nay
Như đã biết, “Trú pháp vương gia, trì Như Lai tạng” chính là bản
nguyện xưa nay của bao thế hệ Tăng Ni. Sống trong nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai vừa là con đường Đạo, vừa là mục đích Sống, cũng là trách nhiệm của mỗi một hành giả đệ tử Phật. Trong giai đoạn hiện nay của thời đại mới, mỗi người con Phật không những phải tự hoàn thiện bản thân bằng sự chuyên tâm tu hành cá nhân mà còn cần phải hoàn thiện nhiều yếu tố khách quan khác để phù hợp với thời đại mới. Có làm được như vậy, người hoằng pháp mới có đầy đủ “tài và đức” để đem lời Phật dạy đến với quần chúng một cách ý nghĩa và thiết thực.
Thường nghe, “Y kinh diễn nghĩa, tam thế Phật oan; Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”. Nghĩa là, sự vận dụng phương pháp hoằng pháp cần phải hiểu rõ vấn đề “ôn cố nhi tri tân” để không đi sai lạc lời Phật dạy mà còn tiếp cận phương cách hành đạo và truyền đạo mới, trong một xã hội mới, và giai đoạn mới. Do đó, qua bài nghiên cứu này, người viết xin được nêu một vài định hướng để xây dựng một nhà hoằng pháp mẫu mực cho Phật giáo trong giai đoạn hiện nay như sau.
Thứ nhất, để có một nhà hoằng pháp mẫu mực, người viết đồng ý với chánh kiến xưa nay là phải đào tạo một nhà tu hành mẫu mực. Không thể có một nhà hoằng pháp mẫu mực trên một nhà tu hành không mẫu mực. Nghĩa là, với truyền thống truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, con người Phật giáo được ươm mầm trong môi trường tự viện, giáo dưỡng trong môi trường tự viện. Điều này chính là lối sống căn bản được chỉ dẫn bằng nếp sống trong khuôn khổ của giới luật Phật chế và thanh quy tự viện được áp dụng trong đời sống thường nhật.
Thứ hai, để có một nhà hoằng pháp mẫu mực, người viết đồng ý với việc mở các trung tâm đào tạo cho Tăng Ni như trong các giai đoạn trước. Phải xem việc Đào tạo Tăng tài là mục tiêu hàng đầu của các thời đại Tăng già Phật giáo. Các trung tâm giáo dục này phải được quan tâm đúng mức và thích hợp với nội dung tu học của từng giai đoạn. Nhà hoằng pháp xuất thân tại các trung tâm này thật sự phải có phẩm chất của một Tăng sĩ hoằng pháp mẫu mực.
Thứ ba, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để có được nhiều nhà hoằng pháp tích cực tham gia công tác Phật sự khó khăn là hoằng pháp. Vốn dĩ, hoằng pháp là bản nguyện của người Tăng sĩ, tuy nhiên, nhiều lúc khi hoằng pháp lại không được thuận duyên, nên không còn tích cực tham gia. Đó là một sự tổn thất lớn trong vấn đề hoằng pháp.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, nếu được tạo điều kiện thuận lợi nhất, sẽ thu hút được rất nhiều Tăng sĩ trẻ có đầy đủ phẩm chất hoằng pháp để đóng góp.
Thứ tư, phương tiện hoằng pháp cần được mở rộng bằng nhiều phương pháp phù hợp với thời đại mới, thế hệ mới. Chúng ta thấy, công nghệ mới là thông tin điện tử đang chiếm vị trí hiện nay trong các lãnh vực khác nhau; nên thiết nghĩ, việc hoằng pháp bằng thông tin điện tử cũng là cách để hoằng pháp.
Thứ năm, cũng là cuối cùng, kiểm lượng chất lượng hoằng pháp với việc mục tiêu ngắn hạn hay mục đích dài hạn trong suốt quá trình thực thi việc phác hoạch chương trình hoằng pháp. Ví dụ như về số lượng, việc hoằng pháp có đem lại lợi ích cho một số lượng lớn thay đổi theo hướng tích cực của chất lượng đời sống. Hay về chất lượng nội dung hoằng pháp có phù hợp với yếu tố xã hội đang cần để giải quyết các mâu thuẫn và vấn đề xã hội.
- Kết luận
Lương tâm và lý trí là hai khía cạnh của một con người hướng thiện và đang đi trên con đường hướng thiện. Lương tâm đại diện cho con tim; Lý trí đại diện cho bộ não. Có con tim thì tình thương sẽ được lan tỏa; có lý trí thì hành động được mẫu mực và chính xác. Bằng ngược lại, với sự vô tâm và ngu dốt, phía trước nhất định gặp phải những tai nạn và bóng tối. Đối với việc xây dựng một nhà hoằng pháp mẫu mực cũng thế. Đệ tử đức Phật, là người có chí Thượng cầu Phật đạo, Hạ hóa chúng sanh. Vậy nên, việc tu đạo và hành đạo gắn liền với nhau như người có lý trí bên cạnh lương tâm. Nếu có lý trí mà không có lương tâm, thì lý trí đó dẫn dắt để làm điều xấu ác, kết quả là khổ đau; nếu có lương tâm mà không có lý trí thì mọi việc làm không được hoàn thiện và không đem lại lợi ích mong muốn. Cũng thế, một nhà hoằng pháp mẫu mực là có cả hai phẩm chất, đó là tu đạo và hành đạo. Hay nói cách khác, vừa tự độ vừa độ tha. Nếu muốn có đầy đủ hai mặt trên, thì môi trường thuận lợi để ươm mầm là điều kiện quan trọng, nhất là giai đoạn hiện nay.
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
Thích Minh Châu, Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh tập 1, 2, 3.