Lời dẫn
Trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ từ lâu đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước. Ở từng địa phương, vai trò này cũng thể hiện một cách cụ thể, sinh động, nhất là không thể thiếu được vai trò của Phật giáo đối với cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng, nhất là về mặt đạo đức.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống(1), hầu hết theo Phật giáo Nam tông, số ít theo Công giáo và Tin Lành; sống tập ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh với khoảng 92 ngôi chùa. Trong đó, đáng chú ý là thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Long Phú có đông đồng bào Khmer sinh sống và có nhiều chùa sinh hoạt tôn giáo hơn các địa bàn khác. Theo số liệu thống kê năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1.307.432 ngàn người, trong đó, tộc người
* Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam
** Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. So với các tỉnh thành khác trong khu vực, Sóc Trăng có số lượng người Khmer đông nhất, xếp sau là Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khmer với 401.492 người (chiếm 30,71%)(1) so với dân số toàn tỉnh.
Vấn đề chúng tôi quan tâm là trong sự phát triển ngày càng đi lên của cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng có vai trò đặc biệt của Phật giáo Nam tông. Về phương diện xã hội, sự phát triển của một cộng đồng không chỉ là những chỉ số về kinh tế mà còn được thể hiện về phương diện đạo đức, một biểu hiện cho thấy vai trò của Phật giáo Nam tông đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng người Khmer. Bởi vì, từ truyền thống đến hiện tại, Phật giáo Nam tông luôn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tôn giáo của cộng đồng Khmer.
1. Thực hành đạo đức Phật giáo trong cộng đồng người Khmer Sóc Trăng
Đạo đức là gì? Đại từ điển Tiếng Việt (1999) định nghĩa đạo đức là: “1. Phép tắc về quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, với xã hội. 2. Phẩm chất tốt đẹp của con người: sống có đạo đức, rèn luyện đạo đức”. Theo đó, đạo đức tôn giáo được hiểu là: “Đạo đức xây dựng trên cơ sở niềm tin tôn giáo”(2).
Bên cạnh các chức năng cơ bản về mặt xã hội, tôn giáo còn có chức năng đặc biệt đối với tín đồ tôn giáo về mặt đạo đức. Chức năng đó cho thấy rõ: “Tôn giáo là một phương tiện truyền dạy về đạo đức, vì bất kỳ tôn giáo nào cũng hướng thiện, và đó
-
-
Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng (2012), Sóc Trăng sau 20 năm tái lập – một chặng đường phát triển, tr. 91.
- Nguyễn Như Ý chủ biên (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 595.
cũng là một động lực thúc đẩy con người”(1). Đối với người Khmer ở Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông cũng nằm trong quy luật chung này. Song, điều chúng ta quan tâm là từ trong giáo lý, giáo luật của tôn giáo này thể hiện qua kinh sách đã chứa đựng nhiều nội dung đạo đức, hướng Phật tử đến cái thiện nhằm tu tâm, dưỡng tính của từng cá nhân và được đặt trong mối quan hệ có tính ràng buộc đối với cộng đồng. Những nội dung này được thể hiện qua trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Khmer là ngôi chùa. Từ ngôi chùa, giáo lý, giáo luật sẽ được tín đồ học tập khi thực hành các nghi lễ của Phật giáo Nam tông bắt đầu từ một cá nhân (cá nhân của cộng đồng) trở thành đệ tử của Phật ở cấp bậc thấp nhất là Sa di, sau đó đến Tỳ khưu. Theo quy định của Phật giáo Nam tông, từng cấp bậc tu khác nhau sẽ thụ giáo nhiều ít theo độ tuổi, theo cấp bậc mà giáo luật phải giữ, cụ thể: Sa di là 105 giới (chưa quá 20 tuổi), Tỳ khưu là 227 giới (từ 20 tuổi trở lên). Đặc biệt, Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ ở Sóc Trăng không có Tỳ khưu ni, vì theo giáo luật Phật giáo Nam tông Khmer không cho nữ đi tu. Do đó, nữ muốn đi tu thì có thể vào chùa cất ngôi nhà nhỏ tụng niệm, tham thiền dưới sự hướng dẫn của Lục cả hoặc tu tại gia. Phần lớn những người này là người lớn tuổi muốn tu dưỡng tính. Họ vào chùa vừa tu thân, vừa làm công quả góp sức cho chùa, nhất là trong những dịp lễ, mùa an cư kiết hạ, cúng bái quan trọng. Đây là điểm khác biệt với Phật giáo Bắc tông.
Cơ bản nhất, giáo lý của Phật giáo Nam tông đã thể hiện rõ nội dung đạo đức của tu sĩ khi từ cá nhân trở thành người của nhà chùa. Cụ thể, bậc Sa di thì phải chịu 10 giới, đó là: 1. Không
1. Dẫn theo Đặng Nghiêm Vạn (2012), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 177.
sát sanh, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm, 4. Không nói láo,
5. Không uống rượu, 6. Không ăn buổi chiều, 7. Không nghe đàn, coi hát, 8. Không dùng mùi thơm, đeo đồ trang sức, 9. Không ngồi chỗ cao, chỗ đẹp, 10. Không cất giữ tiền bạc. Còn đối với bậc Tỳ khưu có 4 tội nặng được rút ra từ 10 giới của bậc Sa di là: 1. Gian dâm, 2. Giết người, 3. Ăn cắp, 4. Nói láo, khoe khoang. Nếu nhìn một cách tổng quát bên cạnh bình diện nội dung mang tính chất giáo luật, các quy định của người tu hành theo Phật giáo Nam tông thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc bởi nó phản ánh được tính đạo đức của cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. Những nội dung phải giữ của giáo luật cũng là điều mà cả cộng đồng, xã hội hướng tới để bài trừ cái ác, thói hư tật xấu, ai vi phạm những quy định ấy, dù là một công dân bình thường cũng bị cộng đồng xa lánh và pháp luật chế tài như các tội: giết người, gian dâm, trộm cắp. Những nội dung này được thực hiện một cách nghiêm túc trong trường chùa. Vì vậy, người đã qua thời gian tu trả hiếu sau khi xuất tu trở lại cộng đồng xã hội sinh sống có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp ấy.
Có điều đặc biệt, sau khi xuất tu họ trở thành Achar có tiếng nói quan trọng đối với cộng đồng, và theo tâm thức tôn giáo, việc cộng đồng nghe và tin theo lời các vị Achar lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Bởi Achar chính là những người am tường giáo lý, giáo luật và những lời răn dạy của Đức Phật. Chính điều quan trọng này đã tạo nên nền tảng đạo đức công dân rất tốt đối với cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông. Đó chính là góc độ đóng góp to lớn cho xã hội về mặt đạo đức, nói tôn giáo có chức năng đạo đức cũng là không quá. Có điều cần nhận diện là việc thực hiện các nội dung đạo đức đó có tính
tôn giáo như là một quy luật chung cho các tôn giáo chứ không riêng gì Phật giáo Nam tông Khmer là điều hết sức cần thiết không chỉ trong công tác quản lý tôn giáo mà còn trong cả phát huy vai trò của tôn giáo đó đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng người Khmer.
Nói không quá rằng, ngôi chùa là sợi dây kết nối, cũng là nơi hình thành nhân cách, trí tuệ và phẩm hạnh - những nền tảng cơ bản nhất của đạo đức. Vì vậy, dù là tu đúng giáo lý của Phật giáo Nam tông theo truyền thống hay như hiện nay cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của ngôi chùa trong việc hình thành đạo đức cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng. Xuất phát từ hình thức cư trú tập trung quanh phum, sóc mà mỗi phum sóc như vậy đều có sự hiện diện của ngôi chùa để thực hiện chức năng sinh hoạt tôn giáo. Vì vậy, từ nhỏ, kể cả lúc chưa đến tuổi đi tu theo giáo luật thì tuổi thơ của nhiều trẻ em nam (và cả nữ) Khmer đã gắn với hoạt động của ngôi chùa, từ vui chơi cho đến học tập. Bởi vì, chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà còn là nơi dạy chữ cho trẻ con Khmer trong phum, sóc. Quy luật là sau khi tu học xong ở chùa, cá nhân trong cộng đồng đã được dạy và học chữ, nghề, giáo luật, phong tục, tập quán, tôn giáo trở lại cộng đồng thực hiện chức năng của những Achar đối với đời sống văn hóa phum, sóc. Ánh sáng đạo đức và tri thức của trường chùa đã làm sáng trong tâm hồn và đạo đức trẻ em Khmer ở Sóc Trăng. Với hơn 92 ngôi chùa hiện nay, cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng mặc dù đã có những biến đổi trong sinh hoạt tôn giáo (theo các tôn giáo khác - đây là một vấn đề có tính lịch sử) thì Phật giáo Nam tông và ngôi chùa vẫn giữ nguyên vai trò xây dựng, định hướng và tiếp tục phát triển bền vững văn hóa truyền thống của cộng đồng này. Nghi lễ vòng đời người
604
Khmer ở Sóc Trăng từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi đều gắn liền với ngôi chùa và tầng lớp sư sãi. Trong mối quan hệ cộng đồng - ngôi chùa - cộng đồng và mở rộng ra là cộng đồng - ngôi chùa - sư sãi - cộng đồng - sư sãi - ngôi chùa, tầng lớp sư sãi vừa là lực lượng quyết định sự duy trì, phát triển lớn mạnh của Phật giáo Nam tông trong bối cảnh hiện đại hóa và sự tác động của các tôn giáo khác, vừa có sự quyết định trực tiếp đối với đạo đức cộng đồng Khmer. Bởi vì, tuyệt đại đa số cộng đồng người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông từ truyền thống đến hiện nay. Với hệ thống giáo lý có tính “mở” và “linh động” rất phù hợp với truyền thống văn hóa của mình, cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng phần lớn đều là tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer dù tu ở chùa hay tại gia. Chính ngôi chùa đã góp phần quan trọng trong việc hình thành thế giới quan của Phật tử và từ đó theo thời gian của vòng đời người tạo nên nhân cách và định hình đạo đức cộng đồng Khmer. Và chính họ chứ không phải ai khác từ lâu đã là một bộ phận không thể thiếu trong sự phát triển đi lên của Sóc Trăng.
Ở một khía cạnh khác, hình tượng tôn giáo mà cao nhất là Đức Phật Thích Ca - một biểu tượng thờ cúng trong nhiều ngôi chùa của người Khmer ở Sóc Trăng là hiện thân của đạo đức, của điều lành và hướng con người đến những gì tốt đẹp nhất. Bởi thế, trong sự hình thành và phát triển đạo đức cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng có sự đóng góp to lớn của biểu tượng tôn giáo này. Tín đồ có thể không tin tưởng hoặc giảm sút niềm tin vào một ngôi chùa hoặc một vi sư sãi nào đó chứ tuyệt đối không giảm sút niềm tin nơi Đức Phật, mặc dù trên thực tế có tình trạng cải đạo. Có thể nói, tâm thức Phật giáo đã gắn chặt vào tâm thức cộng đồng, hình thành niềm tin và quán xuyến mọi hoạt động
của cộng đồng này. Nói đến hoạt động văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng, không thể không nhắc đến lễ hội.
Lễ hội của người Khmer ở Nam Bộ nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng có thể được chia thành 3 hệ thống sau: lễ hội bắt nguồn từ thờ cúng dân gian, lễ hội bắt nguồn từ Phật giáo Nam tông, lễ hội kết hợp của hai loại hình này. Trong đó, vai trò của những lễ hội bắt nguồn từ Phật giáo Nam tông có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống cộng đồng của tộc người này. Người Khmer ở Sóc Trăng có các lễ hội độc đáo như Lễ hội Phước Biển (Vĩnh Châu), Lễ hội Đạp cồng (Châu Thành)…. mang tính địa phương, phản ánh văn hóa nông nghiệp rõ nét.
Lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng là nơi thể hiện tập trung nhất văn hóa truyền thống của cộng đồng này. Theo đó, khi mùa lễ hội đến, tất cả mọi người dù giàu hay nghèo, dù đi làm ăn xa cũng tranh thủ trở về phum, sóc của mình để tham gia lễ hội. Vì là nơi thể hiện tập trung nhất văn hóa của họ nên cũng từ đây trong một môi trường đặc trưng cộng đồng, những nét đẹp trong đạo đức của họ được thể hiện như: đoàn kết, thuần hậu, chất phác khi tham gia lễ hội; sinh động, lung linh và quyến rũ khi trình diễn nghệ thuật truyền thống trong lễ hội; trang nghiêm khi thực hiện các nghi lễ trong lễ hội, nhất là những nghi lễ có sự hiện diện của các sư sãi… Những giá trị đó trong tính cách của cộng đồng người Khmer cho thấy ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của họ. Từ đó, văn hóa truyền thống thông qua lễ hội là nơi hình thành và lưu giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp nhất trong tính cách của người Khmer, và cũng từ đó, đạo đức được hình thành, lưu giữ, phát triển theo thời gian.
Cũng như cộng đồng người khác, hiện nay, dưới sự tác động của đời sống hiện đại, giáo dục ngày càng đi lên, văn hóa ngày càng đa dạng, phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng phong phú đã giúp cộng đồng người Khmer phát triển kể cả về vật chất lẫn tinh thần. Song, bên cạnh những giá trị tốt đẹp được gìn giữ, đã có một bộ phận người Khmer vi phạm đạo đức lối sống của cộng đồng. Tệ nạn trộm cắp, cướp giật, vi phạm giao thông, vi phạm phát luật hình sự có chiều hướng ngày càng gia tăng trong cộng đồng này. Trong khi đó, tình trạng đối mặt với văn hóa phẩm đồi trụy ngày càng lan rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa luôn là nguy cơ cho việc phát sinh những vi phạm đạo đức, lối sống trong cộng đồng Khmer. Vậy, làm thế nào để phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là tác động của tôn giáo này đối đạo đức cộng đồng người Khmer? Dưới đây, chúng tôi đề xuất một số giải pháp trên cơ sở đặc trưng, vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với cộng đồng người này.
2. Một số giải pháp
Một là, tăng cường giáo dục kể cả ở trường chùa và các loại hình trường lớp khác bên cạnh học viện, trường tôn giáo nhằm nâng cao trình độ văn hóa hướng tới thể hiện chức năng và vai trò của người Khmer trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Trong đó, chú trọng phát huy, nâng cao vai trò công tác giáo dục của cộng đồng Khmer bằng cách nâng cao chất lượng và phát huy nội lực qua tinh thần ham học tập, cần cù và sáng tạo, chịu khó của đồng bào ở Sóc Trăng.
Hai là, giáo dục đạo đức cho công dân Khmer thông qua trường chùa cần có những nội dung thể hiện và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Khmer. Trong đó, chú trọng việc xây dựng và không ngừng phát triển đội ngũ sư sãi Khmer, nhất là những người trẻ tuổi về truyền thống của cộng đồng cũng như không ngừng nâng cao trình độ văn hóa của họ trong đời sống cộng cư Kinh, Khmer, Hoa là điều hết sức cần thiết. Muốn vậy, vừa quản lý tốt các hình thức giáo dục truyền thống, hướng tới cần có chiến lược đào tạo bài bản, có định hướng của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước của tỉnh, đảm bảo được sau khi đào tạo sẽ giúp cộng đồng Khmer phát triển bền vững và giúp địa phương ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Ba là, phát huy tối đa vai trò của trường chùa trong hình thành đạo đức cộng đồng Khmer nhưng đồng thời cũng chú trọng xây dựng, phát triển tôn giáo này trong bối cảnh đã có ít nhiều sự biến đổi trong sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng từ việc giảm đi, bỏ bớt các quy định giáo lý truyền thống, đến việc cải đạo là những việc cần chú ý ngay. Song song với xây dựng và phát huy vai trò của đạo đức, cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách xóa đói, giảm nghèo, đầu tư có hiệu quả các chương trình giúp cộng đồng này xóa nghèo, phát triển ngày càng bền vững.
Tóm lại, khẳng định đạo đức trong việc phát triển và hội nhập hiện nay của Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng là một việc làm cần thiết. Điều đó cho thấy, Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đồng hành cùng dân tộc, tiến lên xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn vậy, cần phải phát huy giá trị tốt đẹp của tôn giáo này, như Đảng
ta đã khẳng định chiến lược qua Chỉ thị số 37-BCT của Bộ Chính trị về Công tác tôn giáo trong tình hình mới (ngày 02/7/1998) là: “Tôn trọng và khuyến khích phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo”. Đối với cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng, đạo đức cộng đồng cũng chính là thể hiện của đạo đức tôn giáo, nơi mà Phật giáo Nam tông Khmer giữ vị trí chủ đạo quán xuyến mọi hoạt động về vật chất và tinh thần của cộng đồng này./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Phan An (2009), Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng (tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng, lần I, 2009.
- Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer.
- Báo tổng kết hàng năm của Ban Dân tộc Tỉnh ủy Sóc Trăng từ 2005 - 2008.
- Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khmer Nam Bộ: những vấn đề nhìn lại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
- Dân tộc ở Nam Bộ: Những vấn đề nổi bật, những đáp ứng của chính sách và nghiên cứu, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, 2009.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2012), Địa chí tỉnh Sóc Trăng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Sơn Phước Hoan chủ biên (1998), Lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Đức Lữ chủ biên (2008), Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
- Trường Lưu (1993), Văn hóa người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Lời nói đầu), Nxb. Văn hóa Đông Tây, Hà Nội.
- Nhiều tác giả (2005), Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb.
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đặng Vũ Thị Thảo (1993), Lễ hội của người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, (Về văn hóa của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long), Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
- Tiền Văn Triệu (2011), Tích xưa về người Khmer Sóc Trăng, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Như Ý chủ biên (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin.
- Đặng Nghiêm Vạn (2012), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Niên giám thống kê tỉnh Sóc Trăng từ năm 2005 đến năm 2013.
- Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng (2012), Sóc Trăng sau 20 năm tái lập: một chặng đường phát triển.