“Người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống” hay “Người Khmer từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, rồi về già và cho đến lúc chết mọi buồn vui của cuộc đời gắn bó với chùa”. Đó là những câu nói mà người dân Khmer ở Nam Bộ vẫn thường truyền tai nhau mỗi khi gợi nhắc đến chùa của họ. Dường như từ rất lâu, chùa trong tâm thức của người dân nơi đây đã trở thành một không gian thiêng cao vời, siêu tĩnh mà cũng thật đỗi gần gũi. Đây không chỉ là nơi tu hành của các vị sư sãi, là nơi làm lễ của đồng bào, là nơi dạy chữ, dạy nghề cho con em dân tộc, là bảo tàng lưu giữ các hiện vật mang giá trị văn hóa từ lâu đời, mà còn là nơi thờ tự người đã khuất. Có thể nói, chùa từ bao đời nay đã trở thành không gian thiêng trong ý thức hệ xã hội và trong mọi hành xử của người dân Khmer ở Nam Bộ.
Là vùng đất hội cư của nhiều tộc người, bên cạnh người Việt chiếm chủ yếu, Đồng bằng sông Cửu Long còn là nơi sinh sống của nhiều người Khmer, người Hoa và người Chăm. Khi đặt chân đến mảnh đất này, họ có cùng chung vận mệnh lịch sử, cùng chịu chung những ảnh hưởng của môi trường tự nhiên và xã hội. Thủa ban đầu, nơi này còn là những cánh rừng hoang bạt ngàn với đủ loại thú dữ, bệnh tật và nhiều hiểm nguy rình rập. Để sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt ấy, họ phải dựa vào sức mạnh tâm linh để cứu rỗi cho chính quá trình lao động sản
* Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
xuất đầy gian khó và lấy nó làm điểm tựa tinh thần để đủ sức mạnh vượt qua mọi chông gai, thử thách. Chính trong hoàn cảnh đó, họ đã tìm đến Phật giáo Nam tông như là liệu pháp thần kì(1) hóa giải mọi buồn đau. Trải qua quá trình tụ sinh lâu dài, khi đời sống dần đi vào ổn định, nhu cầu tinh thần ngày càng cao, người dân Khmer nơi đây đã bắt tay vào xây dựng những ngôi chùa nhằm phụng thờ Đức Phật, thần linh trì độ cho họ vượt qua mọi
tai ương trong cuộc sống và trong sản xuất. Từ đó, chùa của người Khmer đã ra đời. Chính Phật giáo Nam tông với sự hiện diện của những ngôi chùa rất tự nhiên đã trở thành chất keo gắn kết, làm nên sự hòa hợp của mọi người dân chốn này, khiến cho họ vượt lên trên hết thảy mọi rào cản của sự kì thị, mặc cảm dân tộc.
Theo thời gian, số lượng chùa chiền không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển của nhu cầu tinh thần. Giờ đây thì ở đâu có người Khmer sinh sống là ở đó có chùa chiền và sư sãi. Cứ mỗi sóc của người Khmer có ít nhất một ngôi chùa. Đến đầu thế kỷ XX, đại bộ phận các phum (xóm), sóc (nhiều xóm hợp thành) của người Khmer đều có chùa thờ Phật. Tính đến tháng 6/2010, Phật giáo Nam tông Khmer đã có 453 ngôi chùa với tổng số
8.017 chư tăng, tăng hơn 20% so với thời điểm 1981, chiếm 19,3% tổng số sư trong cả nước, tập trung chủ yếu ở 9 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau)(2).
-
-
Phật giáo Nam tông được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ IV theo con đường của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ đi theo đường biển tới Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan tới vùng sông Mê Công (Campuchia), rồi vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, được đông đảo người dân đặc biệt là đồng bào Khmer đón nhận, trở thành tôn giáo của tộc người này, do đó gọi là Phật giáo Nam tông Khmer.
- Http://www.vothanhhung.info/2013/03/phat-giao-nam-tong-khmer-bscl-ong- hanh.html
Đặc biệt, số lượng Phật tử nơi đây chiếm số lượng đông đảo. Do đó, nếu so với số lượng chùa của Phật giáo Bắc tông, chùa của Phật giáo Khmer ở Việt Nam ít hơn, nhưng lúc nào ở đây cũng có trên dưới 10.000 tu sĩ Khmer trong tổng số 30.000 tu sĩ của cả nước.
Chùa Khmer không chỉ là nơi cứu rỗi tâm linh của con người, mà còn gắn liền với những biến cố trọng đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Lợi dụng sự đa sắc tộc của vùng đất này, thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ trước kia đều ra sức thực hiện chính sách chia để trị nhằm đồng hóa và đi đến xóa bỏ người Khmer trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh ấy, đông đảo sư sãi và Phật tử người Khmer ở Nam Bộ đã vùng dậy đấu tranh bằng nhiều phương cách khác nhau, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của đất Việt. Thực tế cho thấy, những ngôi chùa Phật giáo lúc này nhanh chóng trở thành nơi khởi phát của hàng loạt cuộc đấu tranh chính trị, tiêu biểu như cuộc mít tinh hòa bình của đồng bào và sư sãi Khmer ở chùa Ông Mẹt, một ngôi chùa Khmer có niên đại lâu đời nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cuộc đấu tranh với sự huy động hàng nghìn sư sãi kéo đến dinh tỉnh trưởng ngụy ở Trà Vinh đòi thả nhà sư Acha Lui Sarat; hay cuộc đấu tranh yêu cầu địch phải tôn trọng chùa chiền, thả những nhà sư bị bắt, không được bắt sư sãi đi lính ở Trà Vinh ngày 14/9/1960,… Tất cả đã minh chứng cho tinh thần, ý chí quật cường của đông đảo đồng bào Phật tử Khmer, gắn ngôi chùa với số phận chung của lịch sử dân tộc, khiến nó càng trở nên thiêng liêng mà gần gũi với đời thường.
Chùa Khmer không chỉ là nơi thực hành các nghi lễ Phật giáo, mà còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn bó sâu sắc với cuộc sống thường nhật của mỗi người dân. Hằng năm, ngôi chùa là trung tâm tổ chức rất nhiều lễ hội khác nhau. Đó là những nghi lễ trang trọng của Phật giáo Nam tông như: Lễ Phật đản được tổ chức vào ngày Rằm tháng 4 (theo
Mahasankaran, lịch của người Khmer)(1); Lễ Nhập hạ, bắt đầu từ
15/6 đến 15/9 âm lịch; Lễ đặt cơm vắt (Boonh phchum bônh), trước kia lễ này kéo dài 15 ngày, từ ngày 16 đến ngày 30 tháng 8 âm lịch; Lễ Xuất hạ, diễn ra chiều ngày 14 đến trưa 15/9 âm lịch; Lễ Dâng y, thường được tổ chức một ngày một đêm, trong khoảng 29 ngày kể từ ngày 16/9 đến 15/10 âm lịch; Lễ Kiết giới Xaayma; Lễ an vị Phật,… Đó còn là những lễ hội truyền thống của người Khmer như: Lễ Cúng Trăng, Lễ Ok om bok và đua ghe ngo,… Ngoài lễ tết thường niên, hàng ngày người Khmer còn đến chùa bái Phật, dâng cơm cho sư sãi. Ngay cả đám cưới trong gia đình cũng đến chùa mời nhà sư sãi chứng giám. Dù mỗi lễ hội có những ý nghĩa khác nhau với những nghi thức đặc thù, nhưng tất cả đều lấy chùa làm trung tâm tổ chức. Dù là lễ của Phật giáo hay lễ dân tộc, nhưng mọi hoạt động này đều có sự tham gia của các vị sư.
Thường các lễ hội sẽ diễn ra trong nhiều ngày. Trong những ngày này, bà con Khmer trong vùng sẽ quần tụ đông đảo về chùa thỉnh cúng Phật và nghe giảng kinh, tổ chức vui chơi như đá cầu, ném tạ ăn tiền, chơi cù, nhảy lưới, giấu khăn, bịt mặt bắt dê, đánh đáo, kéo co… rồi các lễ đọc kinh, cầu nguyện kéo dài tới 2, 3 giờ sáng. Nét đặc biệt đáng lưu ý là, hội thường gắn
1 Phật giáo hệ phái bắc tông là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch.
với các hình thức văn nghệ truyền thống của người Khmer, tiêu biểu như sân khấu truyền thống Dù Kê, Rô Băm, múa dân gian như Sarikakeo, Saravan, Romvông… Những hình thức múa hát mang đậm nét văn hóa truyền thống này được các nghệ nhân chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư biểu diễn ngay tại chùa. Thông qua những buổi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội đó, cộng đồng người Khmer nơi đây cũng thêm phần gắn kết.
Ngoài chức năng sinh hoạt văn hóa, chùa còn có chức năng giáo dục sâu sắc. Người Khmer có tập tục con trai lớn lên phải vào chùa tu nhằm báo hiếu cho cha mẹ, học kinh Phật và trau dồi hiểu biết để trở thành người dân có ích. Tập tục giáo dục này xuất phát từ giai thoại mang đậm giá trị nhân văn và sắc màu tôn giáo. Truyện kể rằng, có một người con trong gia đình (Khmer) có cha mất sớm, mẹ mưu sinh bằng nghề đi săn bắt thú. Thấy việc làm của mẹ sát sinh nhiều muôn vật, gây nhiều oan nghiệp, người con đã trốn mẹ lên chùa tu để cầu tự mong rửa sạch nghiệp chướng cho mẹ. Nhờ những việc làm đó của người con, mà bà mẹ khi chết đi, dù tội nghiệp nặng nề song vẫn không bị báo oán… Tuy chỉ là một giai thoại hư cấu trong dân gian, nhưng nó đã toát lên giá trị nhân văn ngời sáng.
Do điều kiện xã hội cùng quan niệm tôn giáo, ngay từ rất sớm, người dân Khmer ở Nam Bộ đã nảy sinh nhu cầu về giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ. Họ sớm nhận ra rằng, không ở đầu có không gian giáo dục thanh khiết, hội tụ đầy đủ những giá trị cao đẹp của cuộc sống, của Phật pháp như ở chùa. Vì lẽ đó, ngôi chùa sớm trở thành ngôi trường quan trọng đầu tiên đảm trách chức năng giáo dục trí - chân - thiện - mỹ cho nam thanh niên Khmer. Các thanh niên này cần phải tu tối thiểu ở chùa là
một tháng, cũng có thể ở chùa tu lâu hơn hoặc suốt đời, tùy theo nhân duyên, căn cơ và ý nguyện của từng người. Sau khi trở lại đời thường, người con trai đó lại mang theo sự hiểu biết đã học tại chùa mà phụ giúp gia đình, đền ơn công dưỡng dục của cha mẹ và phục vụ cho xã hội. Nam thanh niên nào trải qua thời gian tu hành ở chùa mới được cộng đồng người Khmer đánh giá cao, mới dễ lập gia đình và cũng dễ được xã hội tiếp nhận.
Dù tập tục áp dụng chung cho mọi nam thanh niên nhưng không phải vì thế mà môi trường giáo dục nơi chùa lỏng lẻo, tuỳ tiện. Thực tế thì nam đến tuổi (thường là 12 tuổi, hoặc có thể sớm hơn) muốn vào tu phải trải qua một vài thử thách. Khi tu học, họ phải thực hiện nghiêm giới luật, nội quy nhà chùa, giáo lý nhà Phật, nhất là phải luôn tuân theo lời dạy bảo của trụ trì và các sư sãi. Do đó, đến chùa, họ không chỉ được tu học Phật pháp, mà còn được rèn luyện những giá trị đạo đức của nhà Phật và xã hội như sự kiên nhẫn, chịu khó, tình thương yêu đồng loại, sống vì người khác, thậm chí còn được học nghề. Gần đây, chùa còn dạy kiến thức phổ thông, dạy chữ Việt - Khmer, ca múa hát như Dù Kê, nhạc ngũ âm,... Bởi vậy, có thể nói, việc nam thanh niên Khmer vào chùa tu học không phải là trở thành Phật mà để trở thành những con người thực sự có ích cho xã hội. Tính tôn giáo hòa quyện với tính xã hội là đặc trưng của phương thức giáo dục này. Sự gắn kết giữa Đạo – Đời một lần nữa lại được minh chứng sinh động trong không gian Phật giáo nơi đây.
Tính đến nay, chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức hàng ngàn lớp học cho chư tăng và thanh thiếu niên đồng bào Khmer ở Nam Bộ như: Tiểu học Khmer ngữ từ lớp 1 đến lớp 6:
1.418 lớp, 32.538 chư tăng, thanh thiếu niên đồng bào Khmer.
Sơ cấp Pali, Vini, Sơ cấp Phật học: 5.839 học viên. Trung cấp Phật học: 367 học viên. Lớp Kinh, Luận, Luật: 1.371 học viên. Riêng trường lớp đào tạo Tăng tài đã có Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ, hiện có 69 tăng sinh theo học; Trung học Phật giáo có 05 cơ sở tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, hiện có 823 tăng sinh theo học; các lớp Sơ cấp, Trung cấp Pali Vini tại các chùa Khmer trong 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có trên 200 lớp Sơ cấp, Trung cấp Pali Vini, có trên 3.000 tăng sinh theo học.
Vai trò to lớn ấy của chùa trong việc giáo dục, rèn luyện con người đã mặc nhiên định hình tầm ảnh hưởng to lớn của sư sãi nơi đây đối với người dân Khmer. Nhà sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh. Bởi vậy, trong tâm thức mỗi người Khmer, vị sư luôn là người thầy được tôn kính và hết mực tin yêu. Hơn nữa, chính sự gương mẫu trong nếp sống, nếp nghĩ và sự thông tuệ về kiến thức đời thường lẫn Phật pháp của các nhà sư là nhân tố quyết định làm nên thành công của phương pháp tu học trong không gian Phật giáo Khmer từ xưa đến nay. Chính nền giáo dục ấy đã đào tạo nên một lớp thanh niên Khmer sống tốt đời đẹp đạo, góp phần xây đắp nên một lối sống tốt đẹp cho gia đình và xã hội.
Chùa Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, là trường học, mà còn là nơi lưu giữ di sản văn hóa mang đậm hồn cốt của người Khmer ở Nam Bộ. Ví như, không ở đâu trên dải đất hình chữ S lưu tồn bộ Kinh lá slấc-krích như ở vùng đất Nam Bộ. Tương truyền, kinh lá slấc-krích xuất hiện ở vùng Nam Bộ cách đây khoảng 300 năm do một Sãi cả chùa Svay-so chế tác để lưu truyền kinh Phật trong thời kỳ chưa có giấy bút. Đến
nay, tất cả chùa Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều lưu giữ từ vài bộ đến cả chục bộ kinh. Đây là di sản văn hóa có giá trị tôn giáo rất đặc biệt đối với mỗi người dân Khmer. Nó như quyển Kinh Thánh của theo Kitô giáo, như Kinh Koran đối với người Islam giáo. Nội dung kinh lá slấc-krích chứa đựng biết bao lời răn dạy của nhà Phật đối với con người như biết tu tâm dưỡng tính, biết sống hiền lành, yêu thương lẫn nhau… Bởi thế, những buổi đọc kinh, giảng pháp bằng kinh lá slấc-krích là những buổi thu hút được sự chú ý lắng nghe nhiều nhất của sư sãi và Phật tử.
Chính tại những ngôi chùa, những giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đặc hữu của người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long được lưu tồn cho đến ngày nay. Dường như thời gian không làm bay màu những giá trị nghệ thuật đặc sắc này, mà ngược lại ngày càng khơi dậy những lớp tài sản ẩn tàng trong đó và trở thành một thứ vốn xã hội không thể thiếu đối mảnh đất và con người nơi đây.
Mỗi ngôi chùa người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có một giá trị cao về mỹ thuật Phật giáo; là sự tổng hợp hài hòa về những yếu tố tạo hình, điêu khắc, kiến trúc, hội họa; được kiến lập trên một khu đất khá rộng, thường bao gồm nhiều hạng mục kiến trúc khác nhau như: chánh điện, sala, nhà tăng, nhà tu thiền định, nhà thiêu hương, những tháp thờ. Xung quanh chùa trồng nhiều loại cây to như thốt nốt, dầu, sao, cây đặc sản miền Nam. Nền chùa thường được xây cất cao hơn mặt đất khoảng một mét; một mặt góp phần gia tăng vẻ tôn nghiêm của chùa, mặt khác để tránh mùa lũ lụt.
Nhìn vào kiến trúc và điêu khắc trang trí của chùa Khmer, chúng ta thấy nổi lên một số nét đặc trưng tiêu biểu. Cổng chùa được xây dựng theo hình ngọn tháp. Tùy theo giai đoạn và nhu cầu của Phật tử, có chùa xây một, ba hoặc năm ngọn tháp. Đối với cổng chùa có một ngôi tháp, hoặc lợp mái chùa nhiều lớp chồng lên nhau, hai bên cổng thường có hai vị thần bảo hộ, tượng sư tử, hoặc đầu thần rắn Nara uốn lượn trên tường rào, đầu ngẩng lên trời trước chánh cổng, với ý nghĩa bảo vệ những báu vật bên trong chùa. Cổng chùa có ba ngôi tháp thì phần dưới trang trí tương tự nhau. Ba ngôi tháp này tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo). Trong đó, tháp giữa tượng trưng cho Đức Phật. Cổng chùa xây dựng theo quy cách năm ngôi tháp hình búp sen – tượng trưng cho năm vị Phật, phần dưới cách trang trí gần giống nhau. Nhưng trong số đó vẫn có một ngôi cao nhất với nhiều họa tiết hoa văn sặc sỡ biểu thị cho cõi Niết Bàn. Chính sự tồn tại của hệ thống bảo tháp xung quanh chánh điện đã khiến cho chùa Khmer đi vào tâm thức người dân như cả một vùng quần thể chùa tháp. Bởi thế mà không phải ngẫu nhiên, nhiều người còn gọi chùa Khmer bằng cái tên chùa tháp.
Tường rào xung quanh chùa rất đặc sắc, được sơn son, thếp vàng lộng lẫy, mỗi một trụ tường, vách tường rào được khắc họa sinh động hình tượng sư tử, búp sen, tượng Phật,... Đặc biệt trên tường nổi lên hình thân rắn Nara uốn lượn (đầu rắn nằm ở cổng chùa) trông rất uy nghi.
Chính điện và cổng chùa người Khmer luôn quay mặt về phía đông, do quan niệm Phật ngự ở phía tây, nhìn về phía đông để ban phúc cho chúng sinh. Đa số ngôi chùa Khmer được xây dựng theo quy cách chánh điện dọc theo hướng đông - tây tạo
thành một chính thể trung tâm của ngôi chùa. Chiều dài ngôi chùa gấp hai lần khoảng rộng, chiều cao tương ứng với chiều dài. Ngôi chính điện có bốn cửa chính theo hai hướng đông - tây, với bảy hoặc chín cửa sổ theo hai hướng nam - bắc, xung quanh là một dãy hành lang rộng thóang. Chính điện thường được dựng bằng các loại gỗ quý, gạch ngói và đá tảng nhỏ. Những hàng cột phía ngoài chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô- ranh, trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật. Theo triết lý của Phật giáo Nam tông, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trước bậc thềm vào chánh điện có những pho tượng chằn hung dữ, mặc áo giáp, đứng bảo vệ ngôi chùa. Dù tượng chằn biểu tượng cái xấu ác, nhưng khi được đặt trong chùa, nó lại biểu tượng cho cái thiện. Bởi hơn ai hết, người Khmer tin rằng, cái xấu ác sẽ bị Đức Phật thu phục để phục vụ cho sự bình yên của dân chúng. Cửa vào chánh điện được chạm trổ rất công phu, tinh xảo kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian. Điều này thể hiện ở những họa tiết độc đáo như: tượng đầu vị thần bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno nửa người, nửa chim, chim thần Marakrit. Trên mái vòm và cầu thang đều chạm trổ họa tiết rắn thần Naga. Điều đáng lưu tâm là, theo truyền thống Phật giáo Nam tông, chánh điện chỉ tôn trí Đức Phật Thích Ca trong nhiều tư thế, chứ không thờ các vị Phật khác như Phật giáo Bắc tông.
Trong khi đó, hình tượng, chủ đề trang trí bên trong chùa Khmer vô cùng tinh xảo, mang đậm ảnh hưởng triết lý Phật giáo, Bà La Môn giáo và các hình thức thờ cúng dân gian. Chủ đề chạm khắc, tiểu tiết hoa văn thường kể về cuộc đời của Đức Phật theo trình tự: cảnh Đức Phật đản sanh ở thành Katỳlavệ, cảnh
Đức Phật trong rừng Lâm Tỳ Ni dưới cây Sala, cảnh Đức Phật đắc đạo dưới cội Bồ Đề, cảnh Phật nhập Niết Bàn,v.v... Ngoài ra, chúng ta phải nhắc đến hình tượng rắn thần Naga bảo vệ cho Đức Phật tọa thiền là hình tượng điêu khắc phổ biến trong các chùa Khmer ở Nam Bộ. Hình tượng này bắt nguồn từ sự giao thoa giữa Phật giáo và môi trường sống của người Khmer ở mảnh đất này. Vốn là vùng đất ẩm thấp, nhiều rừng rậm, nơi đây xưa kia là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các loài bò sát, trong đó có rắn. Từ rất sớm, người Khmer đã biết cách thuần hóa rắn, biến chúng từ chỗ một loài vật nguy hiểm trở thành người bạn thân thuộc với con người. Bởi thế, hình tượng rắn Naga trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là loài rắn đã được Đức Phật cảm hóa, trở thành loài vật có ích. Điều này phản ảnh triết lý nhân văn sâu sắc ẩn tàng trong truyền thống văn hóa Phật giáo của cộng đồng Phật tử Nam Bộ.
Khi còn sống, hầu như mọi hoạt động tế lễ, sinh hoạt quan trọng của người Khmer đều gắn liền với chùa. Đến khi mất đi, người Khmer không địa táng như các dân tộc khác mà xác thân của họ lại được đem vào chùa hoả thiêu. Sau đó, hài cốt của người khuất được gửi vào tháp ở chùa để thờ phụng với ước mong vong hồn người chết sớm hôm nghe kinh Phật, kề cận bên ánh hào quang của Đức Phật, sẽ được siêu thóat về cõi Niết Bàn bình yên, thanh thản. Vì thế, trong tâm thức của người dân Khmer, chùa từ lâu còn là nơi cất giữ hài cốt của người đã khuất.
Không những thế, nơi đây diễn ra nhiều cuộc lễ cầu siêu cho anh linh liệt sĩ, đồng bào tử nạn trang trọng và linh thiêng. Dường như, Phật giáo và những ngôi chùa đã thành bùa hộ mệnh cho mỗi người dân Khmer chốn này. Dù còn sống hay đã mất, họ
đều sát cánh với chùa, hướng vọng về chùa để mong rửa sạch những bụi trần và được siêu thóat khỏi những trầm luân khổ ải của kiếp người.
Có thể nói, ở đâu có người Khmer sinh sống, ở đó có chùa chiền và sư sãi. Ngôi chùa không những là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo, mà còn là một trung tâm văn hóa của cộng đồng cư dân trong khu vực. Chính tại nơi đây, chư tăng và đồng bào Khmer được vui chơi giải trí sau những giờ lao động vất vả, được học Phật pháp, học chữ, học làm người để rồi biến chùa thành một ngôi trường thanh khiết mà thật đỗi gần gũi. Hơn thế, ngôi chùa còn như một biểu trưng văn hóa của người dân Khmer trong khu vực với những phong cách kiến trúc, điêu khắc hết sức độc đáo, chứa đựng trong đó những giá trị mỹ thuật đặc hữu của miền đất này. Không chỉ gắn bó với chùa từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành mà ngay cả lúc về già và khi chết đi, mọi buồn vui của cuộc đời mỗi người Khmer đều được gửi gắm ở chùa. Không ở đâu khác, chùa là nơi cất giữ hài cốt những người đã khuất. Với tất cả những giá trị đó, chùa thực sự trở thành một không gian thiêng mà gần gũi đến lạ kỳ trong tâm thức mỗi người dân Khmer ở Nam Bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Nghị Thanh, Phật giáo Nam tông Khmer An Giang: Những vấn đề đặt ra. Luận án tiến sĩ Tôn giáo học, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nôi, 2013.
- Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, 1988.
- Trường Lưu chủ biên, Văn hóa người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.
- Huỳnh Đức, “Hình tượng Chằn với người Khmer”, Tạp chí
Sân khấu, số 3/2007.
- Trần Hồng Liên chủ biên, Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
-