GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI XÃ HỘI
TS.HT. Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
Trưởng Ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN
Xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ về mọi mặt đã nâng cao đời sống con người, xã hội ngày càng văn minh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh những mặt trái của xã hội đương đại, do vậy, cần sự quan tâm, chung sức giải quyết ở cấp độ quốc gia và toàn cầu chẳng hạn vấn đề suy thoái đạo đức, con người trở nên vô cảm và thiếu niềm tin. Chúng ta cần phải đưa giáo lý Phật giáo ứng dụng vào trong giáo dục và đào tạo, góp phần giải quyết các vấn đề về đạo đức xã hội.
Giáo dục Phật giáo có khả năngkhơi nguồn tuệ giác, gieo mầm đạo đức, nhân quả, ban rải tâm từ bi, yêu thương soi rọi ánh sáng Phật pháp thấm nhuần sâu rộng trong đời sống nhân sinh.
ỨNG DỤNG ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀO ĐỜI SỐNG TÂM LÝ CON NGƯỜI
Phật giáo là một tôn giáo có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Phật giáo đã tham gia giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho cuộc sống, việc ứng dụng những giá trị đạo đức Phật giáo đem lại lợi lạc cho chúng sinh và nhân loại. Ở khía cạnh giáo dục, quan điểm của Phật giáo về thế giới, về con người đặc biệt về sự chế ngự cảm xúc, điều phục nhân tâm, làm tăng trưởng lòng từ bi và các liệu pháp tinh thần áp dụng để trị liệu các tổn thương tâm lý mang lại kết quả tốt, giúp cho cá nhân tự mình vượt qua các biến cố, khủng hoảng, trầm cảm của bản thân.
Con người được đặt làm tâm điểm của sự tồn tại và phát triển để nghiên cứu về thế giới khách quan. Đức Phật đã đưa ra chân lý về Khổ đế, chỉ ra nỗi khổ của chúng sinh, những cái khổ trên thế gian có thể chia làm ba loại và nó có tên là “tam khổ”. Tam khổ là nói về ba thứ khổ: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Khổ khổ (dukkha dukkhata) (the suffering of suffering): là cái khổ này chồng lên cái khổ nọ. Tấm thân của chúng ta tự nó cũng đã khổ, mà hoàn cảnh chung quanh lại mang đến cho chúng ta không biết bao nhiêu nỗi khổ khác. Đã gánh bao khổ đau bởi vì sự sống chết bất ngờ mà chính mình không làm chủ được. Hoại khổ (samskara dukkhata) (the suffering of composite things): là mọi vật trong thế gian này đều bị chi phối bởi luật vô thường, có nghĩa là không có gì là bất biến, cố định mãi mãi. Có sinh tất phải có diệt, có kết tụ tất có phân ly. Bởi thế, trong Khế kinh có ghi: “Phàm vật có hình tướng đều phải bị hủy diệt”. Hành khổ (viparinama) (the suffering associated with change): Mỗi khi lục căn (six sense organs) tiếp xúc với lục trần (six sense objects), thì tư tưởng sẽ được phát sinh và do đó tâm hồn chúng ta không thể nào yên ổn được. Tư tưởng càng phát sinh, thì tâm tư càng quay cuồng và dục vọng cũng theo đó mà dẫn chúng ta đi lên đi xuống để tạo nên nghiệp báo. Phật mới dạy rằng: “Tâm viên, ý mã”.
Chân lý về khổ đế chỉ ra cho chúng ta thấy tận cùng bản chất cuộc sống. Khi ta thấu triệt nguồn gốc sâu xa ấy thì tự nhiên tâm sẽ dịu lắng, không cố tìm kiếm vọng tưởng và chìm đắm mãi trong khổ đau. Muốn hết khổ, thì phải tận diệt nó. Nhưng làm sao có thể diệt trừ chúng nếu chúng ta không hiểu rõ nguyên nhân nào sinh ra cái khổ. Đây chính là giai đoạn thứ hai mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng sinh. Vậy Tập đế là bước thứ nhì trong bộ Tứ Diệu Đế cốt tìm nguyên nhân phát sinh ra sự khổ đau. Tập đế là sự thật vững chắc nói về nguyên nhân của những nỗi khổ đã tích lũy lâu đời, lâu kiếp trong mọi chúng sinh và đây chính là cội rễ của sinh tử luân hồi. Khi Lục căn tiếp xúc với Lục trần thì tâm chúng ta phát sinh ra vọng tưởng. Chính những vọng tưởng này đã gieo vào tâm ta không biết bao nhiêu là phiền não. Đức Phật đã đem tất cả những phiền não này gom lại thành 10 loại chính: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. Đức Phật đã chia tất cả 10 loại phiền não này ra thành hai loại: kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc: Kiến là sự thấy biết từ bên ngoài vì thế kiến hoặc là những cái sai lầm về mê lý và vọng chấp từ bên ngoài mà thấm vào trong tâm của chúng ta. Do đó một khi con người đã thấu suốt chân lý của Đức Phật thì những mê lầm này sẽ từ từ biến mất. Tư hoặc: Tư là phần bên trong tức là tâm tư vì thế tư hoặc là những điên đảo mê lầm đã có sẵn trong tâm thức của con người. Nó có khả năng ăn sâu vào tận gốc rễ và rất khó tiêu trừ. Đó là tham, sân, si, mạn. Tham, sân, s, mạn gắn liền với con người như hình với bóng. Hễ có con người là có nó và mình đi đâu thì nó theo đó. Nó ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta để sai khiến, đọa đày và bắt chúng ta phải thỏa mãn những dục tính, nhu cầu của nó. Càng nghe lời nó thì chúng ta càng sa vào vòng sinh tử luân hồi bởi những ác nghiệp mà chúng ta đã gây ra. Người xưa có câu: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị” cho nên dù nó có nguy hiểm như thế nào, nhưng nếu chúng ta trì công tu hành thì bốn món độc kia sẽ bị tiêu trừ.
Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên đức Phật giảng tại vườn Lộc Uyển, về phương pháp hành trì hay Đạo đế, con đường dẫn đến an vui Niết bàn. Đức Phật đã chỉ Bát chính đạo cho năm bạn đồng tu là nhóm Kiều Trần Như. Đó là con đường thánh gồm tám chi: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Bát chính đạo là con đường chân chính có tám chi, giúp chúng sinh hướng đến một đời sống cao thượng, hạnh phúc. Bát chính đạo là tám phương tiện vi diệu đưa chúng sinh đến đời sống an lạc, giải thoát, tiến đến quả vị giác ngộ. Đó chính là phương pháp để chúng ta áp dụng để giữ thăng bằng và loại bỏ sự lo âu phiền muộn của cá nhân. Khi con người thấy được sự vô thường thì sẽ không bám chấp vào vật chất, khi buông bỏ sẽ được giải thoát khỏi khổ đau.
PHẬT GIÁO VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
Giáo dục là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm trong bất kỳ thời đại nào, bởi vì giáo dục là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc, xây dựng xã hội hòa bình, xây dựng nhân gian tịnh lạc.
Trải qua hơn 2.500 năm nhìn lại, những quan điểm về giáo dục Phật giáo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay giáo dục Phật giáo không những tập trung ở Tăng đoàn mà còn phát triển ra ngoài cộng đồng xã hội, ở các tầng lớp từ những em thiếu niên nhi đồng đến tầng lớp thanh thiếu niên, người trung tuổi và người cao tuổi có xu hướng tìm hiểu Phật giáo ngày càng tăng.
Đường hướng giáo dục Phật giáo không đề cao, cổ vũ niềm tin mù quáng, ngược lại lấy chính trí, chính kiến làm nền tảng cho giácngộ giải thoát, làm động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, cũng là nền móng cho sự thương yêu, cảm thông. Vì chỉ có trí tuệ và từ bi mới đẩy lùi những hành vi bất chính như các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, gia đình; tranh giành quyền lợi… vốn xuất phát từ vô minh.
Giáo dục Phật giáo rất giàu nhân bản, nhân văn, luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, có niềm tin chân chính, đem đến lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội, cùng cộng đồng chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng.
Giáo dục Phật giáo có thành công hay không chính là dựa vào đội ngũ tăng, ni phải ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi “giới – định – tuệ” để trở thành một vị tu sĩ có phẩm chất, đạo hạnh chân chính thì mới đem lại niềm hạnh phúc, an lạc cho mình và cho xã hội.
Theo báo cáo nghiên cứu được Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố ngày 20/12/2016 thì bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng nhất của trường học phổ thông hiện nay.
Có 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần; 71% học sinh bị bạo lực học đường trong vòng 6 tháng trước đó. Trong đó, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục.
Một giải pháp hữu hiệu trong Phật giáo để giải quyết vấn đề bạo lực học đường đó là các bậc phụ huynh nên khuyến khích các em đến chùa để các em được gieo trồng hạt giống yêu thương, nhân ái, hiểu được cội nguồn nhân quả, phân biệt được việc đúng sai, từ đó, ngăn cản những hành vi bạo lực. Hiện nay nhiều chùa trên cả nước thường xuyên tổ chức khóa tu một ngày hay khóa tu mùa hè là khoảng thời gian quý giá để các em được trau dồi nhân cách, đạo đức, được tiếp xúc với những người bạn thân thiện, cảm thông, chia sẻ. Thông qua những khóa tu học ở chùa đã giúp các em có cơ hội nhìn ra lỗi lầm của mình, nhiều em sau khi đến chùa đã có lối sống tích cực hơn.
Phật giáo Việt Nam hiện nay có 4 học viện, 9 trường cao đẳng và 30 trường trung cấp Phật học. Hằng năm các trường Phật học đã đào tạo hàng nghìn vị tu sĩ tốt nghiệp có trình độ Phật học, thế học cao, đủ năng lực để cùng gia đình, xã hội giáo dục thế hệ trẻ trên tinh thần giáo dục Phật giáo.
Bạo lực học đường đứng trên quan điểm của Phật giáo thì có thể đưa ra các nguyên nhân căn bản của nó chính là phát khởi bởi lòng “tham – sân – si”. Ba nguồn độc này đã dẫn các em đi vào con đường sai lạc trong hành vi đạo đức. Vì vậy, ngoài việc giảng dạy chữ nghĩa, nhà trường cần phải dạy các em con đường đạo đức“tiên học lễ, hậu học văn”.
Bằng cách đưa vào nhà trường những bài học hiếu thảo đối với cha mẹ, biết kính trọng thầy cô giáo, và cần hun đúc cho tâm linh các em bằng những phương pháp giáo dục của Phật giáo để đánh thức thiện tâm của các em.
Thứ nhất, đưa tinh thần từ bi, bất bạo động vào để các em biết thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau, diệt trừ những mối thù hận riêng tư trong mối quan hệ bạn bè;
Thư hai, khuyến khích các em tham gia các khóa tu để giải tỏa căng thẳng, lo âu và các khóa tu về đạo đức Phật giáo sẽ giúp các em trải nghiệm và hiểu về nhân quả, đạo đức làm người, từ đó các em sẽ ý thức được hành động của mình;
Thứ ba, những gia đình Phật tử thì nên áp dụng năm giới đạo đức của Phật giáo và tinh thần lục hòa để giáo dục con cái.
Nếu chúng ta thử áp dụng những phương pháp này vào học đường, tôi tin chắc rằng nó sẽ đem lại hiệu quả cao cho các em. Học tập tốt, đạo đức tốt, chấm dứt bạo lực học đường, có hiếu thảo với cha mẹ, làm cho xã hội văn minh tốt đẹp.
Ngoài ra, vấn đề đáng lo ngại trong ngành giáo dục hiện nay như “bằng giả”, “học giả bằng thật” đang là vấn đề nhức nhối. Hiện chưa có báo cáo nào về tỷ lệ học giả bằng thật bằng những con số chính xác nhưng nhìn chung những năm gần đây tỷ lệ dùng bằng giả để “thăng quan tiến chức”, khiến nhiều người bức xúc và nghi ngờ về chất lượng giáo dục đang được cảnh báo, nhất là ở tầng lớp trí thức.
Giáo lý Phật giáo dạy “tu là bỏ cái giả nhận ra cái chân thật”, tôi tin rằng khi giáo lý Phật giáo được phổ biến thì sẽ hạn chế được vấn đề “học giả bằng thật, bằng giả”, từ đó xây dựng môi trường giáo dục chất lượng, đào tạo những con người đủ đức, đủ tài, đáp ứng được nhu cầu xã hội đương đại.
Bản chất của nền giáo dục Phật giáo là từ bi hỷ xả, tất cả vì con người, vì hòa bình và an lạc cho mọi chúng sinh. Nói về giáo dục có thể hiểu thành hai phần đó là giáo dục về chuyên ngành và giáo dục về đạo đức. Một người chỉ giỏi về chuyên ngành mà thiếu đạo đức thì có thể làm hại cả một quốc gia, trở thành người vô dụng như Hồ Chủ tịch từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Như vậy muốn có những người tốt, có ích cho quốc gia, xã hội thì cần phải chú trọng vào việc bồi dưỡng cả hai.
Giáo dục về kỹ năng, giáo dục về chuyên ngành, giáo dục về kiến thức khoa học thì phải cần giáo dục về đạo đức, khơi gợi tinh thần sáng tạo, khoa học, tư duy độc lập, thích nghi được với cuộc sống hiện đại, làm được như vậy chính là đang áp dụng chính kiến, chính tư duy vào việc giáo dục. Đức Phật dạy về chính kiến, chính tư duy chính là tự mình suy nghĩ, sáng tạo, độc lập trong mọi hoàn cảnh, mọi vấn đề.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước tiên Giáo hội cần phải chỉnh đốn nền giáo dục Phật giáo trong bộ máy tổ chức, trước hết là nền giáo dục về mặt đạo đức tu sĩ chân chính, sống đời sống phạm hạnh giữ gìn “giới luật”, sau đó mới bồi dưỡng kiến thức đạo và đời; cả về nền tảng khoa học, xã hội nhân văn thì mới mong đưa nền giáo dục Phật giáo nhập thế vào đời sống hiện nay.
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VÀ VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Trong xu thế hội nhập và bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển đa dạng, đời sống được nâng cao, con người có điều kiện để trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng phát sinh, đó là: đạo đức trong gia đình, cơ quan, trường học cũng như xã hội xuống cấp nghiêm trọng; xu hướng tranh giành quyền lợi, quyền lực; lối sống hưởng thụ, hành vi trục lợi, chạy theo đồng tiền bằng nhiều thủ đoạn, làm ảnh hưởng đến lối sống lành mạnh của con người trong xã hội đương đại.
Những biến đổi từ xã hội đang tác động làm thay đổi cơ cấu gia đình và đặt ra nhiều vấn đề mới, những vấn đề của gia đình Việt Nam hiện đại đang trở nên bức xúc và đáng quan tâm hơn. Cơ cấu gia đình ít chặt chẽ hơn, những mâu thuẫn, đổ vỡ hôn nhân trong gia đình ngày càng cao.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỷ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng. Nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn về “lối sống” là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là 1,3%.
Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Nói về vấn đề này, đức Phật đặc biệt quan tâm đến đời sống hạnh phúc con người. Ngài đã có những bài pháp giảng về đời sống hôn nhân gia đình như trong kinh Đỉnh Lễ Sáu Phương: Chồng đối với vợ thì phải thương yêu vợ, chung thủy với vợ, săn sóc đời sống vật chất cho vợ, trao cho vợ quyền quản lý những công việc trong gia đình, kính trọng gia đình vợ; Còn vợ đối với chồng thì phải thương kính chồng, chung thủy với chồng, quản lý gia đình tốt, siêng nănglàm việc, đối đãi thân thiện với gia đình chồng và bạn bè của chồng. Đấy là những phép ứng xử rất hợp tình hợp lý, là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống hôn nhân gia đình.
Trong kinh Tăng Chi Bộ I (chương 4), đức Phật dạy: Này các gia chủ, có bốn hạng người sống chung: Một là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ thấp hèn. Hai là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ cao thượng. Ba là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ thấp hèn. Bốn là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ cao thượng. Đức Phật kết luận, hạng người sống chung thứ tư, tương đồng phẩm chất tâm lý cao thượng là “đời sống nhiều hạnh phúc, chờ đợi hai người.”
Như vậy, giáo lý đức Phật dạy cách đây hơn 2.500 năm đã có những bài pháp để xây dựng hạnh phúc gia đình. Bằng trí tuệ và lòng thương yêu, đức Phật đã chỉ dạy những vấn đề hết sức thiết thực và trọng yếu để tạo lập một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Dù ở quốc gia nào hay thời đại nào đi nữa, những lời dạy của đức Phật về hôn nhân gia đình vẫn phù hợp và rất có giá trị.
Hiện nay, bên cạnh các lễ cưới truyền thống, có không ít các lứa đôi chọn cách tổ chức lễ cưới tại chùa theo các nghi thức Phật giáo, lễ cưới này được gọi là lễ hằng thuận. Đây được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù thể hiện rõ tinh thần nhập thế giữa Phật giáo và hạnh phúc đời thường thông qua sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời.
Theo thống kê, ở nước ta trung bình mỗi ngày có nhiều người chết vì tai nạn giao thông. Trước tình trạng đó Phật giáo cần có những chuyên đề, hội thảo để tiếp cận và giải quyết vấn đề như thế nào, làm thế nào để giáo lý Phật giáo được ứng dụng để nâng cao sự nhận thức của người tham gia giao thông. Phật giáo đứng đầu là các vị tu sĩ cần có biện pháp để giảm thiểu sự thương vong, mất mát đó.
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều bài phản ánh về tình trạng tham ô, tham nhũng, điều đó cho thấy sự suy thoái đạo đức ở một bộ phận có chức danh trong xã hội, gây ra sự khủng hoảng niềm tin đến quần chúng nhân dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế, có thể xem đây là căn bệnh thế kỷ của quốc gia Việt Nam.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP VÀ KẾT LUẬN
Từ thực tiễn đời sống, chúng tôi đưa ra một số giải pháp:
Thứ nhất, góp ý về chương trình Giáo dục Phật giáo có 2 điều cần quan tâm, giáo dục chuyên sâu tại các Trường Phật học dành cho tăng, ni và người nghiên cứu, thực hành sâu về giáo lý Phật giáo và giáo dục đạo đức Phật giáo cho đại chúng.
Thứ hai, chương trình sinh hoạt Phật giáo ở các nơi trên khắp cả nước ngày càng được phát triển về chất lượng và số lượng có gia tăng đáng kể. Tuy nhiên chỉ mới tập trung tại các chùa ở thành phố lớn, chưa triển khai trên diện rộng, nhiều nơi chương trình sinh hoạt còn tự phát, chưa chú ý đến chất lượng. Vì vậy mỗi chùa cần nhanh chóng thành lập các câu lạc bộ, đạo tràng phù hợp với từng đối tượng và có chương trình sinh hoạt đều đặn để tạo thói quen cho Phật tử đến chùa, tham dự các khóa tu và các bài giảng cần đi sát với thực tế làm sao cho dễ hiểu và dễ áp dụng. Tăng, ni đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chính pháp đến tín đồ Phật tử, vì vậy tăng, ni cần nghiêm túc hành trì giới luật, nâng cao trình độ giảng dạy, phẩm hạnh của vị tu sĩ chân chính thì mới mang lại lợi lạc cho bản thân và xã hội.
Thứ ba, Phật giáo đã cung cấp những nền tảng và phương pháp luận về đạo đức xã hội thật tuyệt vời. Tuy nhiên, để vai trò của Phật giáo được nhân rộng và mang lại giá trị lớn cho xã hội thì trước hết tổ chức Giáo hội cần phải ứng dụng giáo lý Phật giáo một cách thực tiễn trong đời sống tu hành, giữ gìn “giới luật” một cách miên mật để đạo pháp được xương minh, đúng như lời đức Phật dạy, giới luật còn thì đạo Phật còn.
Các vị tu hành phải nêu gương về đạo đức, ngoài khẩu giáo cần có thân giáo sao cho Giáo hội là một tổ chức đạo đức mỗi tăng ni, cư sĩ, Phật tử là một tấm gương về đạo đức thì mới có sức mạnh trở thành điển hình tiêu biểu lan tỏa ngoài xã hội.
Nói tóm lại, Giáo hội cần xây dựng Chương trình Giáo dục sát thực tế, giải quyết được vấn đề thực tiễn trong đời sống đương đại, tránh lý luận suông, kinh điển giáo điều, đặc biệt không ngụy biện trên tinh thần tùy duyên nhưng bất biến, bất biến nhưng tùy duyên. Có làm được như vậy, thì mới xứng đáng là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, mới xứng đáng với tinh thần giáo dục vì nhân sinh của Phật giáo để không hổ thẹn với lịch đại Tổ sư và các bậc tiền bối đã hy sinh cả đời mình vì đạo pháp, vì dân tộc.
***