PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA ĐỨC PHẬT
NCS.SC. Thích Nữ Minh Hoa
- DẪN NHẬP
Phần lớn những ai kính ngưỡng và có niềm tin đối với đức Phật vì Ngài là một đấng giác ngộ, là một vị giáo chủ khai sáng ra đạo Phật với lòng từ bi và trí tuệ siêu việt, nhưng ít ai nhận ra Ngài là người làm nên một triết lý đạo đức, nhân bản và để lại một kho tàng về văn hóa, giáo dục như lời nhận định của H.W. Schumann: “Thật hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm trên toàn châu Á như ngài. Ðạo giáo do ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tế nhị.”1
Dưới cái nhìn của một người nghiên cứu về giáo dục, với phương pháp nghiên cứu văn học sử, khi tìm hiểu về đạo Phật, chúng tôi khám phá ra một điều hết sức thú vị, đó là Phật giáo,một tôn giáo rất khoa học, có hẳn một hệ thống giáo dục và đức Phật chính là nhà giáo dục vĩ đại. Đức Phật không tự nhận mình là nhà giáo dục,

![]()
*. Giảng viên HVPGVN tại TP.HCM.
-
- H.W. Schumann (1982), The Historical Buddha (Ðức Phật Lịch Sử), Trần Phương Lan (dịch) (1997), Nxb. Tp.HCM, tr.11.
nhưng tất cả những lời Phật dạy là những bài học vô giá mà những ai thực hành đều đem lại lợi ích thiết thực cho hiện tại và tương lai. Những cụm từ “định hướng, dẫn đường hay dẫn dắt” thường được sử dụng trong kinh tạng chính là vai trò, trách nhiệm của người Thầy dành cho những học trò hay nói đúng hơn đó là chức năng của giáo dục. Điều đặc biệt quan trọng, việc dẫn đường của đức Phật đem lại hiệu quả thiết thực và lợi ích lớn cho học trò trong hiện tại và tương lai chứ không phải đơn thuần chỉ là trao truyền kiến thức. Quả thật, Ngài đã thiết lập nên một hệ thống giáo dục với nội dung, phương pháp cụ thể và việc giáo dục của Ngài đi theo những nguyên tắc sư phạm phù hợp với mọi thời đại. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần quan tâm và có cái nhìn nghiêm túc về hệ thống giáo dục của đức Phật. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến một số phương pháp giáo dục của đức Phậtmà Ngài đãsử dụng rất hiệu quả để dẫndắtbao thế hệ học trò và nó cũng đã làm nên nền giáo dục Phật giáo từ xưa đến nay.
- KHÁI NIỆM CHUNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
Giáo dục của con người có mặt ngay từ thời sơ khai bằng việc chỉ dạy cho nhau cách “săn, bắn, hái, lượm” như là một bản năng sinh tồn. Xã hội loài người ngày một tiến bộ và con người đã biết hướng dẫn, chỉ dạy những kinh nghiệm, kiến thức cho các thế hệ kế thừa và dần dần nền giáo dục có mặt những mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục cụ thể của từng giai đoạn lịch sử. Có thể nói, mỗi giai đoạn lịch sử đều có nền giáo dục khác nhau với những nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với thiết chế xã hội ấy. Dù trong một ban ngành nào hay bất kỳ tổ chức nào muốn thực hiện được công việc, đều phải có phương pháp làm việc thì công việc đó mới có hiệu quả cao. Nếu đề ra phương pháp tốt, thích hợp thì hiệu quả thu hoạch sẽ tốt; còn phương pháp chưa cao tất nhiên không thể đòi hỏi một hiệu quả mỹ mãn. Phương pháp là cách thức để giải quyết một vấn đề, hoặc là con đường để thực hiện một nhiệm vụ, đạt tới một mục đích nào đó. Phương pháp giáo dục là “cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của nhà giáo dục và người được giáo dục, được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo dục nhằm
thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục, phù hợp với mục đích giáo dục”2. Hay nói cách khác, phương pháp giáo dục là một nhân tố cơ bản của hoạt động giáo dục, nó phản ánh cách thức tổ chức các hoạt động của nhà giáo dục và người được giáo dục nhằm chuyển hóa những yêu cầu, chuẩn mực do xã hội quy định thành những phẩm chất, hành vi, thói quen của người được giáo dục.
Như vậy, phương pháp là con đường vạch định để đạt đến mục đích cao nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Nhưng phương pháp được thực hiện ra sao còn tùy thuộc rất nhiều ở các nguyên lý, điều kiện thuận tiện, tùy chỗ, tùy thời để thích ứng vào hoàn cảnh xã hội thực tại.
Có nhiều phương pháp giáo dục và được phân chia theo nhiều cách khác nhau. Ở đây, chúng ta tạm phân chia chúng thành ba nhóm chính3:
Nhóm phương pháp tác động vào ý thức cá nhân: phương pháp giảng giải, đàm thoại, kể chuyện, nêu gương.
Nhóm phương pháp giáo dục tổ chức hoạt động để hình thành hành vi và thói quen: giao việc, tập luyện thói quen, rèn luyện.
Nhóm phương pháp giáo dục kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi ứng xử: thi đua, khen thưởng, trách phạt.
Giáo dục không có nghĩa đơn thuần là dạy mà bao gồm cả sự học, do vậy phương pháp giáo dục chính là phương pháp dạy và học, nghĩa là bằng cách nào để truyền đạt tốt nhất, có hiệu quả nhất và bằng cách nào có thể tiếp thu mau nhất, có kết quả cao nhất.
- PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA ĐỨC PHẬT
Có thể nói những phương pháp giáo dục trên đều bao hàm trong phương pháp giáo dục Phật giáo, mặc dù mục tiêu có khác nhau.

![]()
-
- Trần Thị Hương (chủ biên) (2009), Giáo trình Giáo dục học phổ thông, Nxb. Đại học Sư phạm, tr. 29.
- Trần Thị Hương (chủ biên) (2009), Giáo trình Giáo dục học phổ thông, Nxb. Đại học Sư phạm, tr. 30-42.
Đức Phật là một bậc Đạo sư lão luyện, bằng nhiều phương pháp và với kỹ năng giao tiếp tốt, Ngài có thể thuyết phục đối tượng được giáo dục thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, chấp nhận những giá trị mới và tìm kiếm những mục đích mới bằng những lời thuyết pháp hùng hồn và sinh động. Ðức Phật được mệnh danh là bậc đạo sư, vậy phương pháp giáo dục của Ngài đã ứng dụng như thế nào trong suốt cuộc đời giáo hóa, độ sanh? Và đến nay phương pháp giáo dục đó còn hiệu quả không?
Ở đây, chúng ta chỉ phân tích một số những phương pháp tiêu biểu mà Ngài thường sử dụng cho việc giáo dục hàng đệ tử cũng như công tác hoằng pháp lợi sanh của Ngài.
-
-
- Nhóm phương pháp dùng lời
Đây là nhóm những phương pháp nghiên về việc đức Phật sử dụng ngôn ngữ, lời nói để giảng dạy giáo pháp cho hàng đệ tử và thính chúng. Nhóm phương pháp này bao gồm những phương pháp như: phương pháp nêu ví dụ cụ thể, phương pháp giảng giải, đàm thoại, kể chuyện, phương pháp học thuật, v.v… Đây là những phương pháp mà đức Phật thường dùng để thuyết pháp hằng ngày với những nghệ thuật dẫn dắt và kỹ năng giao tiếp tốt. Trong khi đó, các vị đạo sư của các giáo phái khác đương thời thường dùng những hành vi ma thuật hoặc phép mầu để lôi kéo tín đồ về mình; riêng đức Phật Ngài chỉ sử dụng duy nhất đó là giáo huấn.
Phương pháp giảng dạy, nêu thí dụ cụ thể được đức Thế Tôn sử dụng nhiều nhất, bởi lẽ giáo pháp của đức Phật thậm thâm vi diệu, dành cho “người thấy người biết”4. Vì vậy, để vấn đề được sáng tỏ và người nghe dễ dàng nhận ra, hiểu rõ vấn đề, đức Phật thường nêu lên những ví dụ cụ thể, người nghe nhân ví dụ mà nắm bắt, thâm nhập và nhận được ý chỉ của Phật. Như kinh Pháp Hoa nêu lên ví dụ: “Cha biết các con đều vẫn có lòng thích các đồ chơi trân báo lạ lùng, nếu có chắc chúng ưa lắm mà bảo rằng: Đây là những món ít có, khó đặng mà các con có thể vui chơi, nếu các con không ra lấy

![]()
-
- Kinh Trung Bộ (2003), Tập I, Kinh số 2, [Tài liệu dịch], Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.19.
sau chắc buồn ăn năn. Các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu nay ở ngoài cửa có thể dùng dạo chơi, các con ở nơi nhà lửa nên mau ra đây, tùy ý các con muốn, cha đều sẽ cho các con.”5
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh lạ, khó hiểu và nếu như không giải mã chúng, không nêu ví dụ thì chúng ta không dễ dàng để hiểu được cốt lõi của nó. Đoạn kinh này nằm trong “Ví dụ nhà lửa”6, kể về một Trưởng giả giàu có. Toà nhà của ông đang bốc cháy, các con ông vẫn không hề hay biết, mãi tung tăng vui đùa trong đó. “Ngôi nhà lửa” đang bị bốc cháy là ví dụ cho chúng sanh bị sanh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não đốt cháy; xe dê, xe hươu, xe trâu là chỉ cho ba Thừa: Thanh văn, Duyên giác và Phật thừa; “Cha” hay “ông trưởng giả” là chỉ cho đức Phật, bậc đã giác ngộ; “các người con” là chỉ cho tất cả chúng sanh. Những người con đã vì ba xe này mà ra khỏi nhà lửa là chỉ cho những bậc Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Nhưng cuối cùng, Phật chỉ đem “cỗ xe lớn”, trang nghiêm nhất để ban cho chúng sanh, đó chính là Phật thừa.
Tất cả chúng ta cũng đang chìm đắm trong ngũ dục, ấy vậy mà mấy ai tỉnh ngộ? Mấy ai xem đó là những thứ rắn độc đang ở chung với chúng ta? Đức Thế Tôn dùng 10 ví dụ để chứng minh các dục là vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Các dục, đức Thế Tôn ví như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như vật dụng cho mượn, như trái cây, như lò thịt, như gậy nhọn... với 10 ví dụ trên, đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy được sự nguy hiểm của các dục.7
Ngoài ra, Ngài còn dùng nhiều ví dụ để nói về ‘ái dục’ và sự nguy hại của nó:
“Người say đắm ái dục Tự lao mình xuống dòng

![]()
116.
-
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh (dịch) (2000), Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.115-
-
- Xem thêm Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Sđd, tr.99-153.
- Kinh Trung Bộ (2003), Tập I, Kinh số 22 [Tài liệu dịch], Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.295.
Như nhện sa vào lưới.”8
Sự “yêu thương” hay sự “luyến ái” của con người nhấn chìm con người trong vòng sanh tử luân hồi. Đây là một vấn đề nhạy cảm và rất trừu tượng, khó nói, khó diễn đạt đã được đức Phật dùng một hình ảnh cụ thể “con nhện sa lưới” để diễn tả chúng. Một ví dụ khác:
“Người nhặt các loại hoa, Ý đắm say tham nhiễm, Bị thần chết mang đi,
Như lụt trôi làng ngủ.”9
‘Người nhặt các hoa’ chính là kẻ say, là người vô minh; ‘các loại hoa’ là ám chỉ cho những dục lạc của con người. Một người tham mê các dục thì luôn đắm say trong đó và bị nó trói buộc. Vì vậy, họ sẽ bị tử thần, tức sự vô thường, già chết vây bắt và kéo lôi. Giống như cơn lũ dữ/ lụt cuốn trôi hết cả làng trong giấc ngủ say mà không ai hay biết.
Đức Phật còn ẩn dụ ’ái’ là người làm nhà, với ’đòn tay’ là thân và ’kèo cột’ là phiền não. Những thứ ấy đã tạo nên ’cái nhà’. Cái nhà ấy chính là thân người đầy phiền não, khổ đau, chất chồng và rối rắm.10
Từ một vài trưng dẫn trên, thông qua các từ ngữ ví dụ như: “đòn tay”, “kèo cột”, “cái nhà”, “dòng sông ái”, “Chướng ngại vật”, “Nhổ lên cột trụ”, “Đặt gánh nặng xuống”, v.v... cho thấy rằng, ngôn ngữ ẩn dụ (một loại hình của ví dụ) là một đặc trưng tiêu biểu và rất phổ quát trong kinh tạng Phật giáo. Và dĩ nhiên, những ví dụ trên chỉ là một trong vô số trường hợp được trình bày trong kinh, người nghe nhờ những ví dụ này dễ dàng nhận ra ý chỉ của Phật.
Với phương pháp giảng dạy - kể chuyện, đức Phật cũng thường xuyên sử dụng để dẫn dắt đệ tử mình nhận ra vấn đề một cách nhanh chóng và câu chuyện có thể là lời nhắn nhủ để người nghe nhớ mãi tới bài pháp mỗi khi nhắc đến câu chuyện đó. Điển hình,

![]()
-
- Pháp Cú 347.
- Pháp Cú 47.
10. Pháp Cú 153-154.
đức Phật đã kể hàng nghìn câu chuyện về: chuyện tiền thân của Ngài ( Jataka), chuyện Thiên cung sự, ngạ quỷ sự… cũng như các vị Phật, Bồ tát và mỗi câu chuyện chứa đựng một bài học, một bài pháp nhằm giúp chuyển hóa người nghe. Như câu chuyện số 41 nói về quả báo do ngăn cản Phật tử cúng dường thức ăn cho một vị A-la-hán11, chuyện số 92 nói về Tôn giả Ananda12 đã hiến kế sách để vị vua tìm được viên ngọc bị mất cắp, v.v… Với những câu chuyện cùng với kỹ năng giao tiếp tốt và nghệ thuật giảng dạy điêu luyện, đức Phật đã khéo giảng thuyết và dẫn dắt người học, người nghe hiểu rõ vấn đề và có thể giúp họ thay đổi tư duy từ tiêu cực sang tích cực, từ mê sang ngộ, v.v...
Đặc biệt, lối truyền đạt tư tưởng rõ ràng, dễ hiểu, dễ nắm bắt, kết hợp với việc nắm bắt tâm lý đối tượng giao tiếp, đức Phật dễ dàng thuyết phục người nghe, cho dù người ấy có khó tính đến mấy cũng phải cúi đầu kính lễ thán phục Ngài.
Trong các cuộc đàm thoại cá nhân hoặc đàm thoại với những đạo sư của các giáo phái khác, đức Phật thường sử dụng một vài phương pháp học thuật làm cho cuộc đàm thoại trở nên sinh động và hấp dẫn. Thông thường, đức Phật không tiến hành cuộc thảo luận nếu như chưa hiểu rõ quan điểm của đối phương. Ngài không bao giờ đưa ra quan điểm của mình mà để đối phương hay người tranh luận trình bày rõ quan điểm của họ. Sau đó, đức Phật mới bắt đầu đặt câu hỏi và những câu hỏi được sắp xếp rất cẩn thận, luôn theo một trình tự nhằm chinh phục đối phương, giúp đối phương nhận ra những lý lẽ ngụy biện của mình. Điều đáng kính nể là đức Phật không bao giờ chê bai hay bài bác ý tưởng của đối phương, mà luôn bình thản lắng nghe. Đây là điểm khác biệt giữa đức Phật và những người khác trong cuộc tranh luận. Có lẽ, đây là một nghệ thuật để dẫn dắt và thu phục lòng người trong các cuộc tranh luận của đức Phật. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu nhận định: “Nét độc

![]()
- Kinh Tiểu Bộ (2015), Tập IV, Chuyện Trưởng lão Losaka. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.283-298.
- Kinh Tiểu bộ (2015), Tập IV, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.597-610.
đáo nhất của đức Phật là Ngài đã khéo sắp xếp lại tiến trình suy nghĩ của người tranh luận bằng cách đặt câu hỏi nhanh và liên tục. Phép so sánh và loại suy được sử dụng trong việc làm rõ thêm chi tiết và giải thích những câu hỏi này.”13
Có những giáo phái thích đi tranh luận, họ là nhóm người chuyên ngụy biện và được kinh điển mô tả lại là ’biện luận như con lươn’. Họ ngụy biện làm cho mọi thứ rối tung lên, nếu như đối phương thiếu kỹ năng thì sẽ dễ dàng thua cuộc. Với hạng người không biết đúng sai, tranh luận càng bướng này thì đức Phật đã chặn đứng họ lại bằng một câu trả lời dứt khoát, làm cho đối phương phải xấu hổ và tự động bỏ đi. Điển hình như kinh Mật Hoàn14: Vị Bà-la-môn hỏi đức Phật “sa môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?” Câu hỏi này hàm nghĩa đợi chờ câu trả lời về triết lý nhân sinh vũ trụ, sau đó ông ta sẽ tranh luận với đức Phật về quan điểm này. Nhưng đức Th Tôn đã trả lời một cách rõ ràng dứt khoát “không có tranh luận với ai ở đời, các tưởng sẽ không ám ảnh một vị Bà-la-môn, mà vị ấy không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi tha hối quá được đoạn diệt, không có tham ái với hữu và phi hữu.” (Bà-la-môn ở đây là chỉ cho một bậc A-la-hán). Đây là câu trả lời cứng rắn, dứt khoát về quan điểm không tranh luận của đức Phật. Điều này, đã khiến cho vị này lắc đầu và nhanh chóng ra đi. Đây là một phương pháp hết sức thú vị mà chỉ có đức Phật sử dụng nó một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Ngài còn sử dụng những phương pháp diễn đạt như: diễn dịch, quy nạp hay sử dụng các nghệ thuật của ngôn ngữ như so sánh, ẩn dụ kết hợp với kỹ năng phân tích, tổng hợp…. điều này đã giúp cho việc truyền đạt kiến thức càng hiệu quả, người học tiếp nhận một cách nhanh chóng và đem lại lợi ích thiết thực trong hiện tại và tương lai.

![]()
- Đoàn Minh Huấn & Nguyễn Quỳnh Trâm. (2001). Giáo dục minh triết Phật giáo với phát triển bền vững. Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, tr.466
- Kinh Trung Bộ, (2003). Tập I. Kinh số 18 [Tài liệu dịch]. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, tr.247.
-
- Nhóm phương pháp tự tỉnh
Đây là một phương pháp đặc biệt trong Phật giáo giúp cho người khác tự thức tỉnh bằng những câu nói, hành động hoặc một cử chỉ nào đó. Tuy nhiên, để phương pháp này mang kết quả tốt và giúp đối tượng giao tiếp thức tỉnh, đòi hỏi người làm giáo dục phải nắm bắt được tâm lý đối phương, biết rõ họ đang suy nghĩ điều gì? Họ cần gì?... Hơn nữa, người đó phải có nhân cách đạo đức, được mọi người tôn trọng, cung kính. Đức Phật hội đủ tất cả các điều kiện cần thiết và Ngài sử dụng rất thành công phương pháp đánh thức này. Trong thời đức Phật, bà Kisagotami15 có một đứa con và đứa con đó đã mang đến nguồn hạnh phúc cho bà, nhưng không may con bà đã chết khi vừa biết chạy. Đó là nỗi bất hạnh lớn lao đã khiến bà đau khổ tột cùng. Trong niềm đau xót ấy, bà chỉ biết ôm đứa con vào lòng và đi đến từng nhà, từng người để xin thuốc “Hãy cho con tôi thuốc”. Nhân duyên đã dẫn dắt, bà đi đến tinh xá và cũng xin đức Phật như vậy: “Hãy cho con tôi thuốc”. Đức Phật bảo: “Người hãy vào làng xin một nắm hạt cải về đây ta sẽ cứu đứa trẻ sống lại.” Đức Phật còn dặn thêm: “Nhưng ngươi nhớ xin cho được hạt cải ở gia đình nào xưa nay chưa có người chết.”
Chiều tối người đàn bà mệt lả ôm con trở lại, đức Phật còn chờ ở đấy. Người đàn bà sụt sùi thưa: “Thưa ngài, con đi khắp xóm làng nhưng không có gia đình nào xưa nay chưa hề có người chết.” Phật bảo: “Cả thế gian này có cùng nỗi đau như con.” Ngay sau câu nói đó, người đàn bà đã tỉnh ngộ và đức Thế Tôn dạy thêm:
“Tâm còn bị đắm say, Con cái và súc vật, Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ”.
(Pháp cú 287)

![]()
- Kinh Tiểu bộ. (2015). Tập IV. Trưởng Lão Ni Kệ. Kisà Gotamì. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, tr.593
Sau khi đức Phật nói xong, bà chứng được Sơ quả, xin được xuất gia và không bao lâu sau chứng quả A-la-hán.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy, đức Phật đã làm cho người phụ nữ đau khổ tự thức tỉnh và nhận ra được sự thật của cuộc đời, đó là “ai cũng phải chết”. Như vậy, khi một đối tượng đang gặp nỗi đau khổ và nỗi đau ấy đến tột độ, thì chúng ta không nên ngồi ở đó giải thích bất kỳ điều gì, vì dù có nói hay đến mấy đi chăng nữa, họ cũng không có tâm trạng để lắng nghe. Lúc này, điều có thể làm là chúng ta nên chỉ bảo cho họ làm một việc gì đó để có thể cứu vớt vấn đề họ đang đau khổ (đứa con chết làm cho Kisagotami đau khổ, vì vậy, việc tìm thuốc để cứu đứa con này là cần thiết). Hơn nữa, vấn đề thứ hai mà chúng ta cần lưu tâm là chúng ta nên chọn một ví dụ nào đó, nhưng nó phải thích hợp với hoàn cảnh mà đối tượng đang gặp (tìm hạt cải ở nhà không có người chết). Quá trình tìm kiếm đã giúp người ấy nhận ra một chân lý của cuộc đời (tất cả con người đều phải chết).
Về sau, phương pháp này được áp dụng nhiều trong nhà thiền, nhất là thiền tông Trung Hoa, còn được gọi là thiền Công án. Trong các công án thiền, có những câu nói gợi ý ngắn gọn, có những câu hỏi phản vấn, có những câu sử dụng tính mâu thuẫn và cả đến sử dụng cái “vô ngôn” như một cú đánh, một tiếng hét, với gậy hèo..., nhằm thức tỉnh cái khả năng tự chứng tự nội. Đấy là phương pháp hỗ trợ để người học tự phát huy khả năng chứng ngộ của mình, vì khả năng vô hạn ấy có sẵn trong mỗi người, giáo dục không phải áp đặt tri thức từ bên ngoài mà chỉ nhằm khơi dậy cái tri thức vốn có, đánh thức khả năng giác ngộ của mình. Tất cả những công án đó nhằm giúp cho người phản tỉnh, tự nhìn lại mình và tìm ra chân lý.
-
- Phương pháp giáo dục từ kinh nghiệm thực tế
Dù là thuyết giảng, nêu ví dụ hay tranh luận, đức Phật đều sử dụng một loạt các phương pháp mang tính kinh nghiệm từ chính tự thân của Ngài. Có thể nói, trong giáo dục Phật giáo, không một đối tượng nào áp dụng một phương pháp mà chưa trải qua thể nghiệm. Đức Phật tự thân đã trải qua quá trình hỏi đạo, biện chiết với các
nhà tư tưởng cũng như thực hành các phương pháp luyện tập của các nhà tu khổ hạnh trước khi quyết tâm thiền định dưới cây Bồ đề cho đến khi thành chính quả. Bài kinh Tứ Niệm xứ được đức Phật giảng dạy rất nhiều lần cho hàng đệ tử của Ngài một cách rất chi tiết. Đó chính là con đường thực nghiệm mà đức Phật đã trải qua các giai đoạn hành thiền, các trạng thái dao động của tâm, sự đau nhức của thân, ngài đều đã kinh qua. Vì vậy, những bài pháp của Ngài là chính tự Ngài thân chứng, sau đó mới dạy lại cho hàng đệ tử.
Hơn thế nữa, những gì Ngài nói ra đều mang tính thiết thực, đem lại lợi ích cho đối tượng được nghe, chứ không bao giờ Ngài nói những điều vô ích như câu chuyện về Mālunkyaputta đã hỏi đức Phật những vấn đề siêu hình như thế giới là thường hay vô thường?... Đức Phật im lặng, không trả lời, sau đó Ngài nói cho anh ta nghe về câu chuyện của người bị mũi tên độc. Vấn đề cấp thiết là nhổ mũi tên độc ra, giải độc và băng bó vết thương chứ không phải đi tìm ai là người bắn mũi tên, tên tuổi là gì, hình dáng thế nào, xứ sở ở đâu và vì sao bắn rồi mới chịu để cho cứu chữa. Như vậy, người ấy sẽ chết trước khi được nghe câu giải đáp. Đó là lý do vì sao đức Phật không nặng chú thích, giảng giải những vấn đề siêu hình.16 Tất cả những lời dạy của Ngài đều xuất phát từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài và thiết thực cụ thể. Điều đó sẽ giúp cho người học tiếp thu một cách hiệu quả và đem lại lợi ích ngay trong hiện tại và tương lai.
-
- Phương pháp giáo dục bằng thân giáo
Điều kiện cần của một người thầy đúng nghĩa, đó là phải có tri thức và đạo đức. Có tri thức mới có thể sẻ chia tri thức ấy cho người học, có đạo đức mới có thể làm chỗ dựa cho học trò nương tựa và y cứ. Đạo đức là nền tảng mà mọi hạt giống tri thức được gieo trên đó. Nhân cách và hình ảnh tốt đẹp của người thầy là điều không thể thiếu trong phương pháp giáo dục Phật giáo. Bởi nếu giáo dục chỉ cần ngôn từ để giảng giải thì giáo dục đó sẽ không có hiệu quả.

![]()
- Kinh Trung Bộ (2005), Tập II, Tiểu Kinh Malunkya, [Tài liệu dịch], Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.198-199.
Người xưa có nói: nếu chỉ nói thì đứa bé ba tuổi cũng nói được, nhưng làm thì chưa chắc ông lão tám mươi tuổi đã làm được. Hình ảnh người thầy trong giáo dục Phật giáo bao giờ cũng được quí trọng. Đức Phật không chỉ là người có tri thức, đạo đức mà Ngài là một bậc đại trí tuệ với lòng từ bi vô lượng. Nhân cách đạo đức của Ngài sáng ngời, không ai có thể so sánh được. Chính từ nhân cách đó đã làm cho tất cả những ai gặp Ngài đều phải tôn kính. Thân giáo của Ngài là bài học sống động nhất mà tất cả hàng đệ tử noi theo. Có biết bao người đủ các tầng lớp, giai cấp đã đi theo Ngài bởi nhân cách đạo đức và tấm lòng từ bi, cho đến khi họ tu tập và chứng quả vị đều nhờ thân giáo của Ngài. Có thể nói, chính Ngài đã là ngọn đuốc sáng, là tấm gương cho hàng đệ tử noi theo.
Ngày nay, vai trò thân giáo của người Thầy trong Phật giáo cũng rất cần thiết. Chính vì thế vai trò của chư tăng được xếp vào hàng Tam Bảo. Không những tự thân người thầy là sự thể hiện đầy đủ ý nghĩa, lý tưởng và mục đích của giáo dục mà trong vô hình còn thêm một hiệu quả không nhỏ về mặt giáo dục tình cảm và đạo đức.
- KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Qua những gì chúng ta vừa thảo luận, đó chỉ là những bài học rất nhỏ so với Tam tạng kinh điển mà đức Phật đã để lại, nhưng rõ ràng những lời dạy ấy cũng đủ để chúng ta nhận thấy Ngài là một nhà giáo dục mô phạm với một hệ thống giáo dục hoàn bị. Đức Phật giảng dạy, giáo hóa chúng sanh với những nguyên tắc ứng xử sư phạm và phương pháp giảng dạy thích hợp cho mọi thời đại đem lại lợi ích lớn cho tất cả những ai được học giáo pháp từ Ngài.
Bên cạnh những phương pháp đang được sử dụng trong môi trường học đường, đức Phật đặc biệt còn sử dụng những phương pháp mang tính đánh thức, khơi gợi với thân giáo, khẩu giáo và ý giáo một cách linh động phù hợp với từng đối tượng được giáo dục đem lại hiệu quả cao. Quả thật, đức Phật là bậc Thầy mô phạm; con đường giáo dục của Ngài có giá trị vượt thoát không gian và thời gian, vì vậy, người viết đề xuất một số kiến nghị như sau:
Đã đến lúc, chúng ta dẹp bỏ tư tưởng cho rằng “Tôn giáo là một thứ thuốc phiện” đối với Phật giáo. Hơn thế nữa, chúng ta cần có thái độ nghiêm túc nghiên cứu giáo lý Phật giáo để nhận ra những giá trị mà Phật giáo đã cống hiến cho nhân loại, nhất là về giáo dục.
Với những gì mà giáo dục Phật giáo đã làm và đang làm cho giáo dục, cho xã hội, các nhà giáo dục cần quan tâm nhiều hơn về hệ thống giáo dục Phật giáo và đánh giá một cách chính xác về giá trị mà nền giáo dục này đã mang lại, để có những giải pháp thích hợp đưa giáo dục Phật giáo vào hệ thống giáo dục quốc dân, hoặc ít ra cũng có thể xây dựng một ngành cho việc nghiên cứu, ứng dụng giáo lý Phật giáo trong xã hội hiện đại.
Cần có thái độ nghiêm túc đánh giá phương pháp giáo dục Phật giáo và đây là hệ thống các phương pháp không chỉ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm mà còn điều chỉnh hành vi đạo đức, giúp con người thức tỉnh, tự ngộ và tự hoàn thiện mình mà không bị lệ thuộc bởi bất kỳ một điều kiện hay thế lực nào.
Người ‘thầy’ đang mất dần những hình ảnh đáng quý trong lòng học trò của mình và mọi người trong xã hội, vì vậy điều quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết là có biện pháp để khắc phục tình trạng trên, có như vậy mới mong phần nào đem lại sắc thái mới cho giáo dục, cho người thầy với sự tôn vinh là “Kỹ sư tâm hồn” cho thế hệ trẻ.
Hiện nay, vai trò thân giáo ngày càng trở nên kém hiệu quả. Đây là một điều rất tế nhị và ai cũng biết nên không cần nói nhiều. Cái khó là chúng ta không làm, không muốn làm hay không làm được. Đây là điều mà tất cả những nhà giáo dục của chúng ta phải ngồi lại để tìm ra phương hướng giải quyết và đặc biệt không nên xem nhẹ “thân giáo” từ người thầy.
Đức Thế Tôn thể hiện tinh thần giáo dục rất thực tiễn, đem lại kết quả một cách thiết thực với mục tiêu cụ thể giúp con người phát triển về mọi mặt và đạt đến mục tiêu cứu cánh nhất đó là trí tuệ giải thoát mà giáo dục hiện đại chưa làm được. Vì vậy, chúng ta phải biết học hỏi và phát huy giá trị đó.
Tài liệu tham khảo
-
- Đại tạng kinh Việt Nam
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thích Trí Tịnh. (dịch). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2000.
Kinh Tiểu Bộ. (2015). Tập I. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo. Kinh Tiểu Bộ. (2015). Tập IV. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo. Kinh Trung Bộ. (2003). Tập I. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo. Kinh Trung Bộ. (2005). Tập II. [Tài liệu dịch]. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
-
- Sách tham khảo
Ban Giáo dục Tăng Ni TW. (2012). Giáo dục Phật giáo Việt Nam định hướng và phát triển. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.
H.W. Schumann (1982). The Historical Buddha (Ðức Phật Lịch Sử).
Trần Phương Lan (dịch). (1997). NXB Tp.HCM.
Trần Thị Hương. (chủ biên) (2009). Giáo trình Giáo dục học phổ thông. HCM: NXB Đại học Sư phạm.
Thích Chơn Thiện. (2006). Phật Học Khái Luận. HCM: NXB Văn Hóa Sài Gòn.
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2003), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.