TT.TS. Thích Nguyên Hạnh
- DUYÊN KHỞI
Giáo dục Phật học là một cụm từ chuyển tải thông điệp “cứu khổ độ sanh” là động lực mà chư Phật và Bồ tát xuất hiện giữa thế gian. Suốt 45 năm hiện thân thuyết pháp cõi Ta bà, Phật từng tuyên bố: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (Trung bộ I, 140), lời tuyên bố xác nhận Phật chỉ dạy cho loài người biết đến khổ và sự diệt khổ. Trong bài kinh Chuyển Pháp luân đầu tiên, Phật thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh, Ngài đã tuyên bố: “Ðâylàkhổ, đây là khổ cần phải được biết, đây là khổ đã được biết; đây là khổ tập, đây là khổ tập cần được đoạn diệt; đây là khổ diệt, đây là khổ diệt cần phải chứng ngộ, đây là khổ diệt, đây là khổ diệt đã được chứng ngộ; đây là con đường đưa đến khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt cần phải hành trì, đây là con đường đưa đến khổ diệt đã được hành trì”. Không những vậy, Phật còn khuyên các đệ tử xuất gia: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” (Tương ưng I, 128).
Ở Việt Nam từ thời Phật giáo được du nhập, các nhà sư Ma Ha
![]()
*. Phó Tổng thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Kỳ Vực (Marajivaka), Khâu Đà La (Ksudara), Khương Tăng Hội… đã gieo nền móng giáo dục Phật học, và trải qua các triều đại theo chiều dài lịch sử đất nước, trong đó nổi bật triều đại Lý - Trần, Phật học ít nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người Việt. Lễ Vu lan báo hiếu hay luật nhân quả ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Ở thời hiện đại, thông điệp “cứu khổ độ sanh” vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù qua dòng thời gian có những đổi thay, đặc biệt nhờ vào sự phát triển vượt bậc của nền công nghệ 4.0 đã mở ra một vận hội mới cho người Việt về cuộc sống tốt đẹp ở mọi lĩnh vực về y khoa, giáo dục, kinh tế…, đối với vấn đề giáo dục Phật học cũng được lợi không ít. Tuy nhiên bên cạnh những điều tốt đẹp sự phát triển về công nghệ cũng để lại rất nhiều hệ quả thách thức với con người. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những cơ hội và thách thức là gì trong giáo dục Phật học nhằm đưa ra những giải pháp Giáo dục Phật học giúp con người tiếp cận với niềm vui lợi lạc trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG HIỂU BIẾT ĐÚNG ĐẮN
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, Đức Phật nói lời khẳng định với Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Chư Phật chỉ vì một việc trong đại lớn duy nhất mà thị hiện ra nơi đời (cõi người), đó là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Thật vậy, Đức Phật nhìn thấy mỗi chúng sanh, ai cũng có đầy đủ Phật tri kiến, đầy đủ khả năng hiểu biết không rơi vào sai lầm. Tuy nhiên vì dục vọng che mờ tâm trí, nên con người đánh mất khả năng của chính mình. Từ đó, con người luôn sống trong nhận định sai lầm, tự đưa mình vào đường khổ não.
Giáo dục Phật học chứa đựng lời Phật dạy ví như ngọn đèn sáng soi cho đường tăm tối, như kim chỉ nam định hướng cho người đi biển. Đức Phật đã dạy rất cụ thể trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương, thuộc Trường A Hàm, nền tảng để người đệ tử Phật thực thi nếp sống vững chãi, an lạc, hạnh phúc: “Các ngươi hãy siêng năng tu tập các điều thiện mà được mạng sống lâu dài. Nhan sắc thắm tươi, sống yên ổn, của cải dồi dào, uy tín đầy đủ”.
Vì vậy, giáo dục Phật học giúp cho con người có cái nhình chánh kiến đúng đắn, hiểu rõ quy luật vận hành nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, duyên khởi của các pháp, đưa con người trở về tâm an tịnh, vững vàng không sợ hãi, không rơi vào những thói quen tham lam, giận dữ, thù hận… Con người biết chế ngự và chuyển hóa các tâm bất thiện thành tâm thiện thành thục. Rèn luyện cho con người kỹ năng tự tin, lạc quan. “Từ bi” và “Trí tuệ” được ví như đôi cánh của con chim, là phương châm hình thành nhân cách toàn diện của Phật học, để đạt sự an lạc giải thoát, hạnh phúc ngay hiện tại.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dạy: “Này Anan, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác”. Một sự thật hiển nhiên mà Đức Phật mô tả chỉ có con người nương tựa vào chánh pháp để giác ngộ chính con người, không một đấng thần linh hay ai khác có thể giải thoát cho con người.
Lục tổ Huệ Năng ngày xưa từng vừa nghe giảng kinh Kim Cang, đến câu “Nên sanh tâm từ nơi chỗ chẳng trụ vào đâu cả” liền đại ngộ, hiểu rằng hết thảy muôn pháp chẳng rời tự tánh. Liền bạch Ngũ Tổ rằng:
“Ngờ đâu tự tánh vốn tự thanh tịnh. Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng sanh diệt. Ngờ đâu tự tánh vốn tự đầy đủ.
Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng lay động. Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.”
Thế mới thấy, Đức Phật đã giúp con người tự mình phát khởi phát triển khả năng hiểu biết đúng đắn. Điều này vô cùng có ý nghĩa khi nhà hiền triết L. Aguila cho rằng: “Những ai muốn thành công sẽ tìm ra một con đường; những ai không muốn thành công sẽ tìm ra lý do để biện minh”. Trong một nền giáo dục nếu xác định mục tiêu lệch lạc, bước trên con đường sai lầm chỉ khiến tốn nhiều tiền của và thời gian một cách vô ích. Mục đích của giáo dục Phật học chỉ ra con đường tốt đẹp không còn nỗi khổ niềm đau đè nặng trong kiếp sống con người.
- HOÀN THIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHẬT HỌC CÁC CẤP
Chiều ngày 07 tháng 11 năm 1981, ngay sau khi Đại hội thống nhất Phật giáo thành công, các đại biểu đến chào Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ Tịch để báo cáo kết quả Đại hội, hòa thượng Thích Đức Nhuận cũng kiến nghị lên Thủ tướng nguyện vọng của Phật giáo, xin mở hệ thống trường đào tạo ở ba miền Bắc, Trung và Nam cùng mang tên Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tương đương hệ đào tạo cử nhân Phật học.
Các cơ sở đào tạo Tăng ni của Giáo hội mở rộng trên khắp các miền. Hệ thống các trường Trung cấp Phật học được đặt tại các cơ sở của các tỉnh, thành hội Phật giáo. Trong cả nước có 08 lớp Cao đẳng Phật học, 35 trường Trung cấp Phật học và nhiều cơ sở đào tạo Sơ đẳng Phật học.
Cấp Đại học được đào tạo tại các Học viện Phật giáo:
-
- Tại miền Bắc: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đặt tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
- Tại miền Trung: Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế.
- Tại miền Nam: Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, đặt tại Thiền viện Vạn Hạnh cơ sở 1 và cơ sở 2 ở Lê Minh Xuân.
- Tại miền Tây Nam bộ: Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ.
Hệ sau đại học thạc sĩ và tiến sĩ Phật học được phép đào tạo kể từ năm 2019. Đây là dấu hiệu tốt cho việc hoàn thiện chương trình Phật học các cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào sắp xếp chương trình đào tạo theo một hệ thống từ cơ bản đến nâng cao và thống nhất trong các trường giáo dục Phật học.
Khi xưa, 49 năm giáo hóa của Đức Phật, đã được Trí Giả đại sư [Đại sư húy là Trí Khải, vị sơ tổ của tông Thiên Thai. Ngài họ Trần, người đất Vĩnh Xuyên, khi sanh ra có thần quang chiếu sáng cả nhà. Năm 18 tuổi ngài xuất gia, tham học với Huệ Tư thiền sư. Thấy ngài đến, thiền sư nói: “Năm xưa ta với ngươi đồng ở Linh Sơn pháp hội, túc duyên đeo đuổi, nay lại gặp nhau”. Đại sư nương theo ngài Huệ Tư, chuyên tu không bao lâu chứng được Pháp Hoa Tam Muội, trí huệ biện tài vô ngại. Ngài có soạn ra bộ Tịnh độ thập nghi luận, khuyên người niệm Phật. Vua Tuyên Đế nhà Trần mến đức, cất chùa thỉnh đại sư về trụ trì. Vua Dượng đế nhà Tùy cũng thọ giới cùng ngài lại tứ hiệu là Trí Giả. Sau đại sư trở về núi Thiên Thai, pháp hóa càng thạnh. Mùa đông năm Khai Hoàng thứ 17, ngài hướng về Tây niệm Phật tọa hóa, thọ được 67 tuổi.], người sáng lập ra tông Thiên Thai nhận định chia làm “Ngũ thời Bát giáo” tức “Năm thời Tám giáo”; dùng “Năm thời” để phân định trình tự thuyết pháp của Đức Phật; dùng “Tám giáo” để phân biệt pháp môn được thuyết và nghi thức thuyết pháp. “Năm thời” (ngũ thời) theo trình tự như sau:
- Thời Hoa Nghiêm, 21 ngày đầu tiên sau khi Phật thành đạo.
- Thời A-hàm dịch nghĩa “Vô tỉ pháp” (hay còn gọi là Nikaya), 12 năm tiếp theo.
- Thời Phương Đẳng, 8 năm kế tiếp.
- Thời Bát-nhã, 22 năm kế tiếp.
- Thời Pháp Hoa và Niết Bàn, 8 năm cuối cùng.
Trong “Năm thời” này lại phân ra “Tám giáo”, theo Thiên Thai tông, gồm thâu toàn bộ giáo pháp của Đức Phật, chia thành Tứ giáo (4 nội dung giáo pháp - Tạng, Thông, Biệt, Viên) và Tứ nghi (4 phương pháp giáo hóa - Tiệm, Đốn, Mật, Bất định) như sau:
- Tạng giáo: Giáo pháp Tiểu thừa, dành cho hàng Thanh văn, Duyên giác.
- Th g giáo: Giáo pháp tổng quát, thông cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa, dành cho hàng Thanh văn, Duyên giácvà Bồ tát (cấp thấp).
- Biệt giáo: Giáo pháp quyền Đại thừa, đặc biệt dành cho hàng Bồ tát.
- Viên giáo: Giáo pháp thuần túy Đại thừa.
- Tiệm giáo: Phương pháp giáo hóa để giác ngộ lần lần.
- Đốn giáo: Phương pháp giáo hóa đốn ngộ thành Phật.
- Mật giáo: Phương pháp giáo hóa cho những đối tượng đặc thù (không phải ai nghe cũng hiểu được).
- Bất định giáo: Phương pháp giáo hóa không nhất định, cùng một giáo lý, cùng một pháp hội nhưng mỗi người một cách hiểu khác nhau.
Nói về năm thời kỳ này, còn có thí dụ “Năm thời, Năm vị” để phân biệt nói rõ pháp dùng để giáo hóa và căn cơ được giáo hóa.
“Năm thời” theo thứ tự:
- “Như nhật sơ xuất, tiên chiếu cao sơn”, giống như khi mặt trời vừa mới mọc, đầu tiên chiếu trên núi cao. Ở đây ví pháp Phật nói giống như mặt trời, ban đầu nói cho các Bồ tát. Bồ tát được ví như hết thảy mọi núi cao, vì Bồ tát là bậc tối cao trong tất cả chúng sanh.
- “Nhật xuất tiên chiếu cao sơn, thứ chiếu u cốc”, giống như mặttrờimọclêncaomườimấytrượng, chiếukhắpđếnnhững nơi tối tăm nhất trong hang núi. Ý nói tất cả những người tu theo tiểu thừa đều có thể hiểu được Phật pháp; những người ngu si nhất cũng đều có thể sáng tỏ được Phật pháp.
- “Thực thời”, là lúc mặt trời mọc trong khoảng từ 9 đến 10 giờ sáng; chiếu sáng núi cao, chiếu xuống cả đồng bằng. Đây ví cho không những người tu theo tiểu thừa có thể học, mà người tu theo đại thừa cũng có thể học; người tu theo hai truyền thống đều có thể nghiên cứu loại kinh điển này.
- “Ngu trung thời”, giống như mặt trời mọc khoảng từ 10 đến 11 giờ trưa; mặt trời chiếu sáng khắp quả đất, nhưng vẫn chưa đến chánh ngọ (12 giờ trưa). Đây dụ cho chỉ có Bồ tát quyền giáo đầy đủ căn tánh đại thừa mới có thể học loại pháp môn Bát Nhã đốn giáo này.
- “Nhật chánh trung thiên, biến chiếu đại địa”. Mặt trời đúng ngọ, bất luận là núi cao, hangsâu, đồng bằng, nơi nàocũng chiếu đến, thậm chí đến bóng người còn không có; dùng để ví dụ cho sau khi giáo hóa người theo tiểu thừa, nhị thừa và đại thừa, đều có thể quy nhiếp về Bồ tát căn cơ đại thừa, chỉ cần nghe đến tên “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” là đã gieo trồng các thiện căn rồi! nên được gọi là pháp môn “Khai quyền hiển thật”.
“Năm vị” theo thứ tự:
- “Tùng ngưu xuất nhũ”, ngưu nhũ (sữa bò) giống như sữa tiết ra từ thân bò. Vì là sữa vừa được lấy từ thân bò ra, năng lượng của nó rất lớn, chất bổ dưỡng rất cao.
- “Tùng nhũ xuất lạc”, từ sữa bò mà làm ra lạc (sữa đặc). “Lạc” ở đây chính là thứ được làm từ sữa bò, cho trẻ nhỏ dùng rất thích hợp.
- “Tùng lạc xuất sanh tô”, sanh tô (bơ) được làm từ sữa đặc; loại sanh tô này trẻ nhỏ và người lớn đều có thể dùng được, không hề có tác hại gì.
- “Tùng sanh tô xuất thục tô”, thục tô (phô mai) làm từ sanh tô (bơ) trong ngũ vị; loại phô mai này cho người lớn dùng rất thích hợp.
- “Đề hồ” (sữa tinh chất), đề hồ có hương vị tuyệt diệu không gì sánh bằng, là món đề hồ ngon nhất này, không có món nào có thể ngon hơn! đang đợi mỗi người tự nhâm nhi để thưởng thức mùi vị ấy!
Cho nên, giáo dục Phật học sắp xếp chương trình đào tạo theo một hệ thống và thống nhất trong các trường Phật học là việc rất thiết. Có thể nói, điều này quyết định sự thành tựu giáo dục Phật học Việt Nam trong tương lai.
- NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
Theo đạo Phật, giáo dục Phật học mang ý nghĩa cao tột, không chỉ là việc dạy và học mà là một quá trình chuyển hóa nội tâm. Chuyển hóa cái xấu thành cái tốt, nuôi dưỡng, tưới tẩm, vun bón cái tốt, trang bị cho mỗi người nhận thức chánh kiến, niềm tin chánh kiến, phẩm chất, tâm linh thanh cao. Đây là hành trang cho mỗi cá nhân đi vào đời có cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc, xã hội công bằng, giàu đẹp. Tuy nhiên, giáo dục Phật học có thể hoàn thành một quá trình chuyển hóa nội tâm, không thể bỏ qua việc nghiên cứu dạy và học như thế nào để đem lại kết quả cao nhất.
- Tư cách người thầy
Phẩm chất của một thầy tỳ kheo quyết định phẩm chất và sự tồn tại của giáo dục Phật học. Phẩm chất ấy là kết quả của quá trình đào luyện công phu tu tập hành trì giới luật và thiền định. Phẩm chất đạo đức ấy xứng đáng được sự kính trọng và cúng dường của thế gian. Do đó, việc đào tạo nên những người học Phật tương lai, trở nên vô cùng quan trọng. Sự giáo dục, tài bồi phẩm cách đạo đức trở thành trách nhiệm trọng đại của những bậc thầy trong tăng chúng. “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội” (Yết ma yếu chỉ).
Sau khi chứng quả Chánh đẳng giác, Phật tìm đến 5 anh em Kiều Trần Như đầu tiên và kế đó là 55 bạn bè Da Xá giúp họ trở thành những bậc A La Hán không còn ái nhiễm con đường dục lạc. Đức Phật thành lập đoàn hoằng truyền Phật học gồm 60 vị chứng quả với lời dạy, “Nầy các Tỳ kheo hãy đem lại sự tốt đẹp, hoằng pháp lợi ích cho nhiều người, hãy hoằng dương chánh pháp toàn hảo ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, toàn hảo cả tinh thần và văn tự, hãy công bố đời sống thiêng liêng, cao thượng và toàn thiện” (Kinh Mahavagga
– Sanyatta - Nikaya). Trong Tăng đoàn về sau, với những vị chứng quả A La Hán mới được Đức Phật cử đi giảng dạy và truyền bá.
Nói như vậy, Đức Phật rất cẩn thận chọn người thầy đủ tư cách về tinh thần và văn tự, người có được sự phát triển khả năng hiểu biết đúng đắn tức thành tựu Tam Vô Lậu Học: Giới học, Định học và Tuệ học.
- Về mặt Giới học, thành tựu đạo đức và hành vi cư xử của bậc Thánh.
- Về mặt Định học, thành tựu tâm ý lắng đọng không còn tư tưởng lệch lạc.
- Về mặt Tuệ học, thành tựu hiểu rõ sự thật của chính mình và các pháp vận hành theo nguyên lý Duyên Khởi.
Ngoài giáo dục bằng khẩu giáo, ý giáo, truyền đạt tư tưởng nền tảng, xây dựng nên nhân cách đạo đức trên Tam Vô Lậu Học. Bên cạnh đó, giáo dục Phật học rất xem trọng thân giáo. Thân giáo nói lên nhân cách, đạo hạnh, nét đẹp khả kính của một vị thầy. Luật tạng ghi chép rất nhiều đức tính và tư cách của một bậc thầy. Tóm lược những điều ấy có năm điểm chính yếu sau đây:
- Tuổi đạo phải đủ mười hạ (có 10 năm tu tập cùng đại chúng).
- Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.
- Kiến thức phải rộng rãi.
- Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư, khúc mắc của đệ tử.
- Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.
Tư cách thân giáo người thầy có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến tâm sinh lý người học Phật. Sự thành bại của người học Phật phụ thuộc vào trách nhiệm của người thầy là giáo dục, nuôi dạy làm thế nào để học trò thấy được giá trị, hạnh phúc của sự tu tập, có được pháp lạc và niềm vui.
Trong kinh Đức Phật dạy, thà làm một tên đồ tể giết hại súc vật còn hơn làm một ông thầy mà không biết nuôi dạy đệ tử. Vì sao? Vì làm tên đồ tể chỉ mang tội sát sanh, một mình mình làm, một mình mình chịu. Còn làm ông thầy mà không biết nuôi dạy đệ tử sẽ đưa người vào tà kiến, nhận chìm trong ác đạo, đời đời bị đọa lạc và ảnh hưởng đến Phật pháp, làm cho Phật pháp vì thế mà suy vong. Tội ấy không hơn tên đồ tể sao?
Đức Phật thường dạy: “Tri hành hợp nhất” (nghĩa là lời nói đi đôi với việc làm). Hình ảnh vị thầy giữa thế gian được ví như người lái đò chở khách sang sông. Trong Phật giáo, người thầy chẳng những là người chở khách sang bờ sanh tử, mà còn là người được kính trọng từ sự thanh cao, mẫu mực, ví như tấm gương sáng để mọi người soi vào mà tu tập, sửa đổi.
- Phương pháp giảng và dạy
Đức Phật vận dụng khéo léo nguyên tắc khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ để chữa cho người bệnh khổ, cho mọi chúng sanh, như Ngài từng nói: “Ta như vị lương y tùy bệnh cho thuốc”. Vì vậy, trong giáo dục Phật học, phương pháp được áp dụng từ kinh nghiệm thực tế của sự tu tập nơi chính bản thân. Tùy theo căn tánh, trình độ, hoàn cảnh… mà Đức Phật có phương pháp giảng dạy cho đối tượng. Ví dụ người nặng lòng sân thì Phật dạy tu quán từ bi, người nhiều tham dục, Ngài dạy pháp quán bất tịnh. Đây là lối giáo dục đối trị.
“Từ bi thắng sân hận Hiền thiện thắng hung tàn Bố thí thắng xan tham
Chân thật thắng hư ngụy” (Kinh Pháp Cú 223)
Hoặc như Pháp Cú 103 (HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2017), ghi: “Dầu tại bãi chiến trường, Thắng hàng ngàn quân địch, Tự thắng mình tốt hơn, Thật chiến thắng tối thượng”. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thảo Dụ, Phật dạy: “Ví dụ trong một trận mưa, nước mưa rơi xuống, thấm nhuần các chủng loại cỏ cây, cây lớn hút nước nhiều, cây nhỏ hút nước ít, song qua quá trình mưa xuống, tất cả đều hút nước và tươi tốt. Cũng vậy, trong buổi thuyết pháp của Đức Phật, có vô số chúng sanh nghe pháp, người trí nghe và hiểu pháp nhiều, người kém trí nghe và hiểu ít, song qua quá trình nghe pháp, mọi người đều nghe và lần lượt giải thoát”. (HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn giáo).
Đức Phật – một nhà giáo dục tuyệt vời, biết vận dụng nhiều phương cách khác nhau, giáo hóa vô số chúng sanh, trong đó có các vua chúa, quần thần, tôi tớ, người giàu sang, kẻ nghèo hèn, ngoại đạo, giặc cướp, kỹ nữ… Đức Phật với những hình thức giáo hóa khác nhau, nhưng tất cả đều không ngoài việc giáo dục con người đi theo con đường Bát Chánh đạo và trên cơ sở Giới – Định – Tuệ, nhắm tới việc hoàn thiện, rèn luyện một con người có đầy đủ nhân cách về hạnh đức, tâm đức và trí đức theo đúng tinh thần giáo dục Phật học. Trong kinh Tăng Chi III, chương Tâm pháp, Phật dạy: “Ví như nước biển chỉ có một vị mặn, cũng vậy, pháp và luật của ta chỉ có một vị, đó là vị giải thoát.” Ngoài ra trong quá trình giáo dục Phật học, Đức Phật còn dạy ứng dụng Tứ nhiếp pháp vào quy trình giảng và dạy để kết quả tốt đẹp hơn. Thông qua các câu chuyện hiện thực, câu chuyện tiền thân, hoặc tìm thấy ở các kinh Xà Dụ, kinh Kim Cang, kinh Gò mối… còn có nhiều ví dụ nổi tiếng và phổ biến như: “Giáo lý như chiếc bè để qua sông, không phải để nắm giữ”. Lời dạy của Phật như “ngón tay chỉ mặt trăng”, như “bản đồ chỉ đường” đến được hay không phải do sự vận dụng của mỗi người.
- XÂY DỰNG MÔ HÌNH GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN
- Sự cần thiết xây dựng mô hình giáo dục
Khi giáp mặt với hiện thực, con người càng trở nên bế tắc, không thể tìm ra một môi trường nào đó mà không có tiêu cực. Thực tế cho thấy, điểm yếu của con người là dễ bị sợi dây tham ái trói buộc và nhận chìm; nhưng con người không như thật rõ biết về chúng thì sẽ hình thành các tư tưởng chủ quan, phiến diện và kết quả là làm khổ mình và hại người.
Trước bối cảnh đó, vì lòng từ bi Đức Phật dạy rằng: “Bị tham ái làm say đắm, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy không như thật rõ biết lợi ích của mình, không như thật rõ biết lợi ích của người, không như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Tham ái được đoạn trừ, vị ấy như thật rõ biết lợi ích của mình, như thật rõ biết lợi ích của người, như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” (Kinh Tăng chi bộ I).
Suốt 49 năm giáo dục nhân sinh, Đức Phật bằng trái tim từ bi, mang dòng sữa pháp nuôi dưỡng khai thông trí tuệ cho mọi người thấy rõ hạnh phúc, an lạc chỉ có mặt trong môi trường sống nơi đó con người đã hoàn toàn đoạn tận tham – sân – si, không còn tham ái sinh khởi. Bước chân Phật đi đến đâu nơi đó có tình thương và sức sống lại được tuôn trào.
Tuy nhiên, ở thời đại ngày nay, hầu hết con người đều quá bận rộn với trăm công ngàn việc, chính sự gò ép của công việc, học hành đã tác động mạnh mẽ khiến tâm trí của con người trở nên rối ren căng thẳng và dễ dàng dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, stress nặng nề. Và khi con người nhận ra một khi tâm hồn bệnh hoạn khô cứng như thế, thì dù của cải vật chất lớn mấy chăng nữa cũng không đem lại lợi ích an vui. Nhưng con người sẽ làm thế nào để tiếp tục có hạnh phúc an lạc. Điều này rất cần những bàn tay nhân ái từ việc giáo dục Phật học để họ có thể ứng dụng lời Phật dạy biến cải cuộc đời theo chiều hướng Chân - Thiện - Mỹ.
Hạnh phúc theo Phật giáo chính là giải thoát tối hậu. Cũng như trong bài pháp Bốn chân lý Đức Phật có dạy, “Mỗi con người chúng ta từ lúc sinh ra và lớn lên rồi đến lúc già chết vẫn không thoát khỏi sự khổ của cuộc đời”, và cứ như thế lẩn quẩn mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Do đó, với giáo lý của Đức Phật chúng ta phải biết đây là những lời dạy thực tế của một người thầy vĩ đại, đã đóng góp nhiều giá trị trong cuộc sống con người, giá trị cao cả và cần thiết nhất ấy là sống có hạnh phúc. Do vậy, sự nỗ lực học tập, áp dụng lời dạy ấy vào thực tế cuộc sống để thoát khỏi sự khổ đau vươn tới hạnh phúc đó chính là đoạn diệt khổ đau và giải thoát cho chính mình, đó là điều cần thiết trong xã hội hôm nay.
- Mô hình phát triển giáo dục
Giáo dục Phật học là nhằm vào mặt tâm linh thường khó thực hiện bằng những nội dung giáo dục, truyền đạt những kiến thức sâu xa. Cho nên với những cách truyền đạt nội dung có ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống, những giáo lý có tính chất đặc thù, gần gũi và dễ áp dụng cho tất cả mọi người dễ học hỏi để người học Phật tự phát huy khả năng chứng ngộ của mình. Vì quan niệm tri thức vốn có sẵn trong mỗi người, giáo dục không phải áp đặt tri thức từ bên ngoài mà chỉ nhằm khơi dậy các tri thức vốn có mà thôi.
Học theo hạnh nguyện chư Phật và Bồ tát chèo thuyền Từ Tam bảo vào biển khổ cứu giúp chúng sanh còn đang lặn ngụp; cũng như học theo Phật hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vua, xuất gia, lập hạnh với tinh thần nhập thế. Hay học theo chư Tổ cùng cộng khổ với người dân khai hoang lập đất nơi hoang dã, rừng sâu nước độc.
Mô hình phát triển giáo dục Phật học cần phải vào cuộc với tinh thần “hòa quang đồng trần”, đem kiến thức “ngũ minh” vào đời, đó là những kiến thức về nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh để tạo mối liên hệ gắn kết với quần chúng nhân dân từ phương diện cá nhân, đến gia đình, xã hội và tổ quốc trên phương châm “hộ quốc an dân” qua các hình thức:
- Tinh thần nhập thế
- Tổ chức công tác xã hội làm từ thiện giúp người khó khăn.
- Giúp đỡ mọi người khi có hữu sự tang gia hiếu quyến.
- Giúp đỡ mọi người trong vai trò cố vấn khi có công việc xác đáng khác…
- Tham gia tích cực vào các hoạt động địa phương.
- Tinh thần tu tập
- Tổ chức lễ quy y Tam bảo.
- Tổ chức lễ hội Phật Đản, Vu lan, Thành đạo…
- Tổ chức các giảng đường thuyết pháp hàng tuần hàng tháng…
- Tổ chức các lớp giáo lý từ căn bản đến nâng cao.
-
-
- Tổ chức các khóa tu: Mùa hè, Tuổi trẻ, Bát Quan Trai, Một ngày an lạc, Gieo duyên…
- Phát động tinh thần học Phật rộng rãi trong quần chúng thông qua các hội thi giáo lý Phật học.
- Tinh thần học tập
- Tiếp tục công tác đào tạo Tăng tài, lực lượng kế thừa cho Giáo hội.
- Nâng cao trình độ Phật học cũng như thế học.
- Nghiên cứu chương trình Phật học theo từng độ tuổi thích hợp.
- KẾT LUẬN
Trong một xã hội phát triển theo sau đó là quy luật chuyển biến của tự nhiên và của xã hội thì nền giáo dục là những mục tiêu tiên phong đi đầu và phải chuyển biến để thích nghi với cuộc sống. Vậy, có thể hiểu những mục tiêu trước mắt của giáo dục Phật học là những phương tiện giúp con người có thể giải thoát đạt đến hạnh phúc an lạc thật sự. Những gì chưa đạt được hay những gì chưa định hướng giải thoát rõ ràng thì đều phải cố gắng vượt qua để tiến bước. Song ngoài mục tiêu giáo dục là giải thoát, các mục tiêu của giáo dục Phật học còn phải cân nhắc vào việc lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục đối với các đối tượng có trình độ và căn cơ khác nhau. Điều quan trọng là làm sao mỗi người thấu hiểu được nguyên lý và nhân quả, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống để mỗi người tự tỏ ngộ, tự giải quyết vấn đề của mình và tự mang lại hạnh phúc và giải thoát cho chính mình.
Giáo dục Phật học có thể ổn định hướng phát triển cho một nền giáo dục nhân bản và toàn diện, với tinh thần khoa học và kỹ thuật giáo dục tiên tiến, cùng góp phần đào tạo con người hoàn thiện đáp ứng hai mục tiêu: con người chính nó và con người xã hội. Con người chính nó là con người toàn diện của vật lý, tâm lý, sinh lý, ý chí, tình cảm và trí tuệ đang trôi chảy để có thể tận gốc giải quyết
các khủng hoảng tâm lý và xã hội. Con người xã hội đáp ứng các nhu cầu hành xử một cách đúng đắn về các mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, chính trị v.v… Một hệ thống giáo dục thiếu một trong hai mục tiêu ấy là một nền giáo dục không hoàn chỉnh. Như thế, chính Thế Tôn đã mở đường cho một nền giáo dục tiên tiến từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, qua tinh thần giáo dục hướng dẫn con người, rất nhân bản trong thái độ hiểu biết. Giáo dục Phật học đặc biệt chú trọng “Duy tuệ thị nghiệp” lấy trí tuệ làm sự nghiệp, nhìn thấy con người và sự vật như thật, nên hy vọng sẽ đề bạt được một mẫu người lý tưởng trong giải pháp giáo dục Phật học.
***
Tài liệu tham khảo
HT. Thích Minh Châu dịch, Trung bộ kinh I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.
HT. Thích Minh Châu dịch, Tương ưng bộ kinh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.
HT. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi bộ I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.
HT. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi bộ III, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.
HT. Thích Thiên Siêu dịch, Trường A Hàm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992.
HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Pháp Hoa, Nxb. Tôn giáo, 2000. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Nxb. Tôn Giáo, 1991.
Lục Tổ Huệ Năng biên soạn, Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb. Tôn giáo, 2015.
Kinh Mahavagga – Sanyatta – Nikaya, biên tập bởi Hermann Old- enberg, London: Hiệp hội Pali Text Society 1879 (In lại 1929, 1964, 1997).
HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, 2017.