1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kể từ khi đổi mới đất nước, nền kinh tế của Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ khi chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế trên nhiều phương diện, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến an ninh, quốc phòng,… Bên cạnh những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa,… thì những rủi ro trong tiến trình hội nhập quốc tế đã khiến cho con người có xu hướng tìm đến tôn giáo nhiều hơn.
Trong bối cảnh xã hội đương đại, cùng với chính sách tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đã làm thức dậy hoạt động của các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo đã và đang được khôi phục và phát triển mạnh. Các cơ sở thờ tự được phục hồi, xây mới; số lượng tín đồ Phật giáo tăng nhanh, sinh hoạt Phật giáo được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là giáo dục Phật giáo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chú trọng phát triển. Bên cạnh đó là quan hệ hợp tác quốc tế của GHPGVN mở rộng, tạo ấn tượng sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Phật giáo Việt Nam cũng hòa mình vào xu thế biến đổi chung của các tôn giáo lớn trên thế giới, đó là xu thế thế tục hóa và hiện đại hóa tôn giáo. Đối với Phật giáo Việt Nam, hai xu thế này hiện diện hầu hết trong các hoạt động về Tăng sự, Nghi lễ, Hoằng pháp và trong giáo dục Phật giáo…
Ở bài tham luận này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số giá trị của giáo dục Phật giáo, qua đó nêu ra một số đặc điểm của giáo dục Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
- QUAN NIỆM VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
- Quan niệm về giá trị và giáo dục
Giá trị là một khái niệm mang ý nghĩa khái quát, trìu tượng và có nhiều định nghĩa khác nhau dưới góc nhìn khoa học. Bởi khái niệm giá trị không chỉ là khái niệm của triết học mà còn là khái niệm thuộc tâm lý học, nhân học,… Do đó, cũng như khái niệm văn hóa, tôn giáo,… khái niệm giá trị đã được định nghĩa nhiều, nhưng chưa được các nhà nghiên cứu đồng thuận. Tuy nhiên, trên phương diện phân loại giá trị đã kiếm tìm được ít nhiều sự đồng thuận và đã được các nhà nghiên cứu chấp thuận trong nghiên cứu, chẳng hạn như cách phân loại giá trị thành: giá trị cốt lõi, giá trị phổ quát; giá trị cá nhân, giá trị cộng đồng, giá trị quốc gia – dân tộc,... Đương nhiên, có những giá trị chỉ có giá trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định và đến giai đoạn lịch sử khác thì lại nhường chỗ cho loại giá trị khác,… Dù còn nhiều thảo luận về giá trị, nhưng có thể thấy: “Giá trị không chỉ là cái quy định mục đích của hoạt động mà còn là động cơ thúc đẩy hoạt động để đạt được mục đích đó”1. Vì thế, giá trị phải được nhận thức thông qua thực tiễn giáo dục và đồng thời thông qua giáo dục, giá trị còn tiếp tục được khám phá qua hoạt động của con người.
Giáo dục, theo quan niệm của phương Tây, từ Education vốn xuất phát từ chữ Educare của tiếng La tinh, có nghĩa là dẫn dắt, hướng dẫn để làm phát khởi những khả năng tiềm tàng. Sự dẫn dắt này nhằm đưa con người từ không biết đến biết, từ xấu đến tốt, từ thấp kém đến cao thượng, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Larouse Universelle của Pháp định nghĩa: “Giáo dục là toàn thể những cố gắng có ý thức để giúp tạo hóa trong việc phát triển các năng lực thể chất, tinh thần và đạo đức của con người, hướng về sự toàn thiện, hạnh phúc và sứ mạng xã hội của con người”2. Tuy nhiên, giáo dục cũng cần có sự thay đổi, như W.O. Lester Smith cho rằng: “Khi nghĩ về giáo dục ta không được quên rằng giáo dục có tính cách phát triển của một cơ thể. Nó thường xuyên tùy thuộc và liên tục thay đổi để thích ứng với những nhu cầu mới và hoàn cảnh mới. Nếu cứ khư khư muốn đơn giản hóa ý nghĩa của giáo dục vào một định nghĩa theo chủ quan có tính giáo điều thì ắt hẳn không phải thái độ đúng đắn của nhà giáo dục. Giáo dục do đó không phải chỉ thay đổi theo thời gian mà còn thay đổi theo hoàn cảnh. Nó mang ý nghĩa và quan niệm khác nhau theo mỗi hoàn cảnh và ngay cả trong cùng một quốc gia, nó cũng đòi hỏi một ý nghĩa một quan niệm khác nhau cho vùng nông thôn và vùng đô thị kỹ nghệ”3. Hòa thượng Thích Minh Châu nhận xét: “Trong ý nghĩa khái quát nhất, giáo dục nghĩa là sự truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, hướng dẫn tư tưởng, tình cảm, nếp sống để được thọ nhận phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, thích nghi với xã hội, với thiên nhiên. Các nhà giáo dục thường bàn về sự đào tạo, sự chuyển hóa và bản tính con người, sự phát triển hài hóa của cá nhân và xã hội, về giá trị lao động, sáng tạo, về đạo đức và ý thức hệ…”4. Theo Hòa thượng, giáo dục phải mang tính chất sáng tạo và tiến bộ; giá trị của giáo dục cũng chính là sự truyền thụ, huấn luyện và đào tạo. Hòa thượng nhấn mạnh đến sự kích thích làm phát triển khả năng tư duy, sự tinh tấn, tinh thần tự do, tính sáng tạo và thiện căn vốn có sẵn ở người được giáo dục. Đối tượng của giáo dục chính là con người và giáo dục con người trên ba phương diện trí tuệ, tình cảm và thể chất. Nghĩa là, giáo dục nhằm đào tạo được những người vẹn tròn tài đức như Mạnh Tử từng nói “đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi” (được anh tài trong thiên hạ là nhờ vào giáo dục - Tận thượng).
Như vậy, quan niệm về giáo dục, phương Đông cũng như phương Tây đều giống nhau ở chỗ lấy con người làm đối tượng và nhằm phát triển con người ở ba phương diện trí tuệ, tình cảm và thể chất. Trong Phật giáo, từ giáo dục còn được hiểu là Giáo hóa, như Hòa thượng Th n Siêu viết: “Education có gốc La tinh là Éducatus, động từ Educacere, nghĩa là nuôi nấng, dạy dỗ, dẫn đi tới… Trong khi đó kinh điển Phật giáo dùng từ Giáo hóa để dịch từ Paripae của Phạn ngữ”5.
Ở đây, cũng cần phải đề cập đến khái niệm đào tạo. Nếu như giáo dục nhằm phát triển ba phương diện trí tuệ, tình cảm và thể chất thì đào tạo lại đề cập đến việc “dạy các kỹ năng thực hành, nghề nghiệp hay kiến thức liên quan đến một lĩnh vực cụ thể, để người học lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp một các có hệ thống để chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng đảm nhận được một công việc nhất định”6. Như thế, so với giáo dục, khái niệm đào tạo có nghĩa hẹp hơn. Xét về mặt thời gian, đào tạo thường hướng đến một độ tuổi nhất định, có trình độ nhất định và đào tạo có nhiều dạng như đào tạo cơ bản, đào tạo chuyên sâu, đào tạo chuyên môn… có nhiều loại hình như đào tạo chính qui, đào tạo từ xa,… nếu hiểu theo thuật ngữ hiện đại.
-
- Những giá trị cơ bản của giáo dục Phật giáo
Có thể nói, mặc dù giáo dục Phật giáo, giá trị của giáo dục Phật giáo được biết đến từ lâu. Song trong lĩnh vực khoa học, giáo dục Phật giáo và các giá trị của nó mới được các nhà khoa học và các trí thức Phật giáo lưu tâm nghiên cứu trong vài thập niên gần đây. Trước đó, giáo dục Phật giáo như một lĩnh vực bị bỏ hoang ngay cả với các nhà nghiên cứu giáo dục. Chẳng hạn trong tác phẩm The world of Education7 giới thiệu và tổng kết các nền giáo dục trên thế giới cũng chỉ nói đến giáo dục cổ đại của Hy Lạp, giáo dục của đế quốc La Mã, giáo dục Khổng giáo và giáo dục Thiên chúa giáo mà không hề nhắc đến giáo dục Phật giáo; kế tiếp là tác phẩm The Development of Education in the 20th century8 tiếp tục đề cập đến giáo dục Khổng giáo và cũng không đề cập đến giáo dục Phật giáo; tác phẩm Educator’s Encyclopedia lại đề cao kinh thánh xét trên phương diện giáo dục. Vì lẽ đó mà TS. Kanazawa Tomitaro khi nghiên cứu lịch sử giáo dục Phật giáo ở Nhật Bản đã từng than rằng: “Nhìn lại quá trình nghiên cứu lịch sử giáo dục Phật giáo Nhật Bản từ trước đến nay, ta thấy vai trò của Phật giáo hết sức bị xem nhẹ”.
Ngay từ khi sáng lập Phật giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đặc biệt coi trọng giáo dục và bản thân Ngài đã vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp khác nhau trong việc giáo dục môn đồ, giúp môn đồ lĩnh hội được giáo lý của đạo Phật. Ngài thường nhắc nhở đệ tử phải rèn luyện để làm chủ bản thân mình, tạo dựng một nếp sống hạnh phúc, an lạc. Bên cạnh đó, Đức Phật cũng phủ nhận “đấng sáng thế” có mọi đặc quyền sắp xếp vận mệnh con người. Ngài cho rằng, cuộc đời là Khổ và nguồn gốc của Khổ là do tham, sân, si và để giác ngộ, giải thóat thì trình tự giáo dục của Đức Phật đưa ra là Tứ diệu đế, tuân theo Giới – Định – Tuệ. Có thể nói, mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo là giác ngộ, giải thóat, nội dung giáo dục của Đức Phật là một hệ thống triển khai Giới - Định - Tuệ (Tam vô lậu học), và đây cũng chính là nền tảng cơ bản của giáo dục Phật giáo trong lịch sử và hiện tại.

Giá trị cao đẹp của giáo dục Phật giáo chính là hướng con người nhận rõ tính Vô thường của sự vật hiện tượng. Qua đó, con người nỗ lực tu tập để giác ngộ, giải thóat. Giải thóat, theo Hòa thượng Thích Thiện Siêu cho rằng “cũng có nhiều cấp độ mà người ta có thể kinh nghiệm được trong đời sống hàng ngày. Nếu một người xả bỏ được sự chấp ngã, tham, sân, si, giữ tâm an tịnh được chừng nào thì người ấy sẽ cảm nhận được hạnh phúc chừng ấy. Đây là một thực tế mà một người có thể hồi tưởng lại những kinh nghiệm giải thóat từng phần hoặc từng lúc của mình trong đời sống hàng ngày và là một ý hướng về hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai. Giải thóat khổ đau cũng có nhiều cấp độ như: giải thóat khỏi sự ngu muội, lòng thù hận, sự nghèo khó, một cơn bệnh, một sự bất công, áp bức, nô lệ… Giải thóat ở đây là giải thóat từng phần, tương đối, đồng nghĩa với sự giải phóng, sự cải thiện, phát triển… Từ đó, tiến đến sự giải thóat tối hậu là Đại giác ngộ, vô thượng Bồ đề”10. Như thế, giá trị của giáo dục Phật giáo không chỉ biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ giải thóat từng phần đến giải thóat trọn vẹn mà còn “nhằm đào tạo những con người trong bối cảnh thiên nhiên và xã hội, phù hợp với tư tưởng giải thóat”.
Văn – Tư – Tu được xem là phương pháp giáo dục Phật giáo xuyên suốt tiến trình lịch sử. Giá trị của phương pháp giáo dục này ở chỗ xác lập một tiến trình giáo dục từ thấp lên cao, diễn tiến theo thứ bậc, lớp nang nhằm giúp cho tín đồ Phật tử dần dần trở thành một con người tự do, có đạo đức và trí tuệ cao cả. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một lĩnh vực giáo dục Phật giáo đặc thù và rất khó truyền thụ theo phương pháp thông thường, đó là Thiền tông và Mật tông. Trách nhiệm của Thầy là làm sao để học trò thể hiện tri thức của họ. Ngoài ra, để có kiến thức bổ trợ cho việc tu hành, hoằng pháp, có năm ngành là: 1. Ngữ pháp, luận văn (thanh minh); 2. Các nghệ thuật và toán học (phương xảo minh); 3. Y khoa (y phương minh); 4. Luận lý (nhân minh) và 5. Triết học (nội minh). Năm ngành này được ứng dụng vào từng đối tượng giáo dục, phương pháp thực hiện rất phong phú.
Trải qua thời gian, giáo dục Phật giáo cũng có sự biến đổi nhằm thích nghi với từng bối cảnh xã hội. Nhưng giá trị của giáo dục Phật giáo không bao giờ thay đổi và đây là giá trị bất biến trong giáo dục Phật giáo. Nếu chúng ta xem xét đào tạo như một thành tố cơ bản trong giáo dục, thì đào tạo Phật giáo hiện nay là một bộ phận quan trọng của giáo dục Phật giáo. Tuy nhiên, trong công tác đào tạo Phật giáo cần thiết phải thận trọng trong phương pháp, chương trình đào tạo. Bởi đào tạo Phật giáo khác hắn với đào tạo thông thường ở chỗ, đào tạo Phật giáo chú trọng đến giá trị cốt lõi của giáo dục Phật giáo là giác ngộ, giải thóat chứ không phải là đào tạo con người để làm các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Hay nói một cách khác, giá trị của giáo dục – đào tạo của Phật giáo là hướng con người có được một đời sống tuệ giác, an lạc. Khi con người tuệ giác, an lạc sẽ tạo một cộng đồng xã hội tốt đẹp, phát triển hài hòa.
Như thế, giá trị của giáo dục Phật giáo ở tầm khái quát nhất là làm sao để tín đồ Phật tử nhận diện được bản chất sự vật hiện tượng, đồng thời tạo dựng cho họ một nếp sống an lạc, giác ngộ, giải thóat. Ở khía cạnh cụ thể, giá trị của giáo dục Phật giáo thể hiện ở các phương pháp giáo dục. Song, giá trị của giáo dục Phật giáo theo chúng tôi còn là giáo dục trách nhiệm, bổn phận của từng cá nhân sống trong cộng đồng xã hội từ lịch sử cho đến hiện tại. Kinh Giáo thọ thi ca la việt cho biết, thông qua giáo dục Phật giáo, con người còn phải làm tròn bổn phận của mình trong các mối quan hệ không chỉ ở trong cộng đồng tín đồ Phật tử mà còn trong các mối quan hệ với cha mẹ, thầy trò, vợ con, bạn bè, làng xóm láng giềng,… Qua đó có thể thấy, bố mẹ là thiêng liêng với con cái, cần phải chăm sóc bố mẹ già, giữ gìn danh dự cho gia đình,… bố mẹ cũng cần phải gánh trách nhiệm với con cái, khuyên răn con cái tránh đi vào con đường xấu,…; Hoặc trong quan hệ thầy trò, học trò phải kính trọng và tuân lời thầy, chuyên tâm học tập, ngược lại, thầy là tấm gương hiếu học, đạp hạnh cho trò noi theo; Hay trong quan hệ giữa chồng và vợ đó là tình yêu. Bởi tình yêu là thiêng liêng, gắn kết giữa hai người. Cho nên, chồng phải chung thủy, tôn trọng vợ, phải đảm bảo được vị trí của vợ và làm vợ vui lòng. Vợ phải chăm sóc gia đình, làm tốt công việc nội trợ, yêu thường chồng,…; Với bạn bè, láng giềng thì phải hiếu khách, sống đức độ, nhân từ, cùng nhau làm việc lợi lạc cho cộng đồng, tranh xung đột,… Trên bình diện này, có thể thấy giá trị của giáo dục Phật giáo gần gũi với quan niệm đạo đức nhân sinh và sâu sa hơn, giá trị giáo dục của Phật giáo chính là đem đến sự tăng trưởng tình yêu thương trong mỗi con người.
TS. Lý Kim Hoa nhận xét như một sự tổng kết về giáo dục Phật giáo như sau: “Giáo dục Phật giáo có thể thu trong sáu chuyên từ sau: Khế lý, Khế cơ, Khế thời. Chữ Khế có nghĩa là phù hợp. Khế lý là yêu cầu phù hợp với lý luận, phù hợp với sự thật, phù hợp với lẽ phải và thực tế. Khế cơ là yêu cầu phải phù hợp với căn cơ, cơ duyên, nghĩa là hoàn cảnh và trình độ của đối tượng. Khế thời là yêu cầu phải phù hợp với nhu cầu của thời đại”12. Cho nên, giá trị của giáo dục Phật giáo trong bối cảnh đương đại giúp con người làm chủ được thể chất, phát huy trí tuệ và tinh thần từ bi nhẫn nhục trong xã hội đương đại. Đây cũng là lý tưởng Bồ tát, giúp Phật giáo Việt Nam mở rộng hội nhập trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
- MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY
Truyền thống giáo dục Phật giáo Việt Nam vẫn được tiếp nối: Từ khi mới được truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã sớm hình thành các trung tâm như Dâu – Luy Lâu, Kiến Sơ, Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm,... Hoạt động ở các trung tâm này là phiên dịch kinh điển, giáo dục tăng tài nhằm duy trì Phật pháp. Trải qua thời gian, trong từng thời kỳ lịch sử, công tác giáo dục Phật giáo cũng được chú trọng và hình thành truyền thống giáo dục Phật giáo. Ngôi chùa được xem là cơ sở giáo dục quan trọng nhất của Phật giáo. Mô hình giáo dục chủ yếu là sự truyền thụ kiến thức Phật giáo giữa thầy và trò, chủ yếu là nội điển. Nếu như thầy mà thấy trò có tố chất thì giới thiệu sang học một thầy khác cùng trong hệ thống sơn môn. Như thế, yêu cầu tối thiểu với người thầy là đã xuất gia một thời gian nhất định và đã thụ Đại giới, am hiểu sâu sắc về Phật pháp, có lối sống đạo đức. Tuy nhiên, trong lịch sử Phật giáo, đã có thời kỳ, chẳng hạn thời Lý – Trần, việc giáo dục tăng tài còn nhắm đến việc đào tạo nhân tài cho đất nước, vì thế, ngoài kiến thức Phật học, thì kiến thức thế tục đã được đưa vào giảng dạy. Ngày nay, giáo dục Phật giáo truyền thống vẫn được chú trọng. Mỗi Tăng Ni trước khi theo học các hệ chương trình giáo dục Phật giáo đã có một thời gian nhất định học tập trong các ngôi chùa. Họ đã có quá trình trải nghiệm tu hành, được rèn rũa bởi những người Thầy trong các sơn môn, tổ đình một thời gian trước khi theo học mô hình giáo dục Phật giáo hiện đại. Nghĩa là trước khi tiếp cận hệ thống giáo dục hiện đại, phần lớn họ đã được Thầy giáo dục qua kinh nghiệm của chính bản thân mình (Thân giáo và Ngôn giáo). Bên cạnh đó là truyền thống An cư kiết hạ vẫn được giữ gìn và bảo lưu trong nền giáo dục Phật giáo hiện đại.
Hiện đại hóa giáo dục Phật giáo Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, GHPGVN đã có sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục Phật giáo. Cụ thể là GHPGVN từng bước hoàn thiện chương trình giáo dục theo hướng hiện đại. Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII tiếp tục nhấn mạnh “Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng ni của GHPGVN”, “nhằm đào tạo một thế hệ Tăng Ni trẻ có trình độ Phật học và thế học, chương trình giáo dục và đào tạo Tăng Ni luôn được Giáo hội quan tâm đặc biệt”. Theo đó, trong từng thời kỳ, giáo dục Phật giáo (trong đó bao gồm cả đào tạo) đã được GHPGVN quan tâm sâu sắc và mang tính hiện đại. Tính hiện đại ở đây chính là việc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trong giáo dục Phật giáo. Các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay đều có điểm chung là giáo dục con người toàn diện là trí dục, đức dục và thể dục. Đây được xem là mô hình giáo dục con người một cách toàn diện nhất hiện nay. Mô hình này quan tâm nhiều hơn đến phương pháp soạn thảo chương trình (Curiculum planning); phương pháp tổ chức học đường và các tiện ích giáo dục (schools and facilies); phương pháp giảng dạy và học tập (teaching and leaning). Ba phương pháp này mang tính hệ thống hàn lâm, nghĩa là có thi cử và có bằng cấp, học vị. Giáo dục Phật giáo ở Việt Nam hiện nay đang triển khai ứng dụng phương pháp giáo dục này trên quy mô cả nước. Tuy nhiên, vấn đề bằng cấp học vị chỉ được xem là phương tiện chứ không phải là mục đích của giáo dục Phật giáo của GHPGVN. Bên cạnh đó, GHPGVN tiếp tục thảo luận chương trình cải cách giáo dục Tăng ni, biên soạn sách giáo khoa, tổ chức liên kết đào tạo với các trường đại học Công lập, hợp tác quốc tế về giáo dục,... Trong ý nghĩa đó, giá trị của giáo dục Phật giáo của GHPGVN hiện nay mang tính hiện đại rõ nét.
Đa dạng hóa phương thức giáo dục: Hệ thống giáo dục Phật học hiện nay: Sơ cấp Phật học hiên có khoảng 2.000 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và 3.000 Tăng Ni sinh đang theo học; Trung cấp Phật học gồm 26 trường, Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp là 2.771 người, đang theo học là 5.446 người; Cao đăng Phật học gồm 8 lớp hoạt động theo hệ thống trường Trung cấp Phật học, đã có 1.089 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, có 1.103 Tăng Ni sinh đang theo học; Cử nhân Phật học, hiện có 2.460 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp hệ chính quy, 156 Tăng ni sinh tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa, đang đào tạo 1.655 Tăng Ni sinh hệ chính quy và 680 người hệ đào tạo từ xa; Cao học Phật giáo hiện có 19 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và có 45 Tăng Ni sinh theo học. Bên cạnh đó là phương thức đào tạo liên kết trong nước giữa Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội liên kết với trường Đại học Quốc gia Hà Nội mở lớp Hán nôm và có 100 Tăng Ni sinh đang theo học; Học viên liên kết với trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chính Minh mở khóa Sư phạm giáo dục mầm non, hiện có 79 Tăng Ni sinh theo học; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer liên kết với Khoa Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khai giảng lớp Đại học hệ vừa học vừa làm, hiện có 86 Tăng sinh theo học. Liên kết với các trường Đại học quốc tế, trong nhiệm kỳ VII, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp tác với 11 trường Đại học trên thế giới. Đồng thời GHPGVN cử nhiều Tăng Ni sinh du học tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, hiện đã có hơn 200 Tăng ni sinh đã tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học và các ngành khác và hiện đang phục trong các ban ngành thuộc GHPGVN. Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, GHPGVN đã giúp đỡ tổ chức giáo dục cho hàng trăm Tăng sinh và đồng bào thông qua các lớp Tiểu học Khmer ngữ, Sơ cấp, Trung cấp Pali Khmer, mở lớp tập huấn nghiệp vụ Sư phạm... Ngoài ra, Ban giáo dục Tăng ni Trung ương còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm nâng cao chất lượng, phương thức giáo dục Phật giáo.
Nhìn chung, về giáo dục Phật giáo ở Việt Nam hiện nay, TT. TS. Thích Nhật Từ nhận định như sau; “Có thể khẳng định đây là mô hình đào tạo Phật học mang tính đặc thù của PGVN trong mấy thập niên trở lại đây”. Tuy nhiên, theo Thượng tọa, mô hình giáo dục Phật học này có những ưu điểm và khuyết điểm chính như. Về ưu điểm là dựa vào thời điểm xuất gia nên Tăng Ni sinh được đào tạo Phật học nắm vững được Phật pháp. Tuy nhiên, khuyết điểm chính là kiến thức phổ thông không vững, thời gian đào tạo dài, nhiều kiến thức trùng lặp,... Do đó, Thượng tọa cũng đã đề xuất tiêu chí cải cách giáo dục Phật học nhằm đảm bảo tính khoa học trong công tác giáo dục.
TẠM KẾT
Giáo dục Phật giáo đến nay vẫn là vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt là giá trị của giáo dục Phật giáo. Về quan niệm giáo dục, mọi nền giáo dục đều lấy đối tượng là con người, mục đích giáo dục chủ yếu trên ba phương diện chính là trí tuệ, tình cảm và thể chất và giáo dục Phật giáo cũng như vậy.
Tuy nhiên, giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục đặc thù. Đặc thù bởi giá trị phổ quát của giáo dục Phật giáo chính là hướng con người tu tâm dưỡng tính, giác ngộ và giải thóat. Đồng thời những giá trị cụ thể của giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay còn hướng con người hoạt động sâu rộng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, là động cơ thúc đẩy sự gắn kết, đồng thuận xã hội, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng đạo đức và đảm bảo an ninh tinh thần xã hội trong bối cảnh đương đại.
Hệ thống giáo dục Phật giáo đã được GHPGVN chú trọng xây dựng và phát triển trong từng thời kỳ. Hiện nay, hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam tương đối hoàn thiện cả về qui mô, nội dung, chương trình giáo dục. Về mặt quy mô thì mở rộng hơn so với giáo dục Phật giáo truyền thống, về mặt nội dung thì chú trọng không chỉ nội điển mà còn ngoại điển với các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại,... Qua đó có thể thấy ít nhất ba đặc điểm nổi bật của giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay là vẫn duy trì nền giáo dục Phật giáo truyền thống, nhưng áp dụng mô hình giáo dục hiện đại và da dạng hóa phương thức giáo dục. Do đó, có thể thấy, giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay chịu nhiều ảnh hưởng của mô hình giáo dục thế tục, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Tuy nhiên, giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế như TT. TS. Thích Nhật Từ đã chỉ ra. Những hạn chế này, hy vọng sẽ được GHPGVn được khắc phục trong những năm tới thông qua những thảo luận cụ thể của các nhà nghiên cứu giáo dục.
Tài liệu tham khảo chính:
Phạm Minh Hạc (2012), Giá trị học, Nxb. Dân trí, Hà Nội.
Lý Kim Hoa. “Giáo dục Phật giáo”, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại. Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – từ Đại hội đến Đại hội (1981-2012), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Nhiều tác giả (1971), Sư phạm lý thuyết, NxbTrẻ, Hà Nội.
Hòa thượng Thích Thiện Siêu. “Bàn về mục tiêu của giáo dục Phật giáo”, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại. Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022, phần báo cáo tổng kết Phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017).
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trường Đại học KHXV&NV (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, Nxb. Hồng Đức.