GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỪ LỊCH SỬĐẾN HIỆN TẠI
ĐĐ. Thích Nhuận Lạc
Từ trong lịch sử dân tộc nhìn lại, Phật giáo Việt Nam ngoài việc chăm lo giáo dục đạo đức còn phải đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong việc học chữ. Từ thời kỳ đầu xây dựng nền độc lập, thuở Đinh – Lê – Lý – Trần, Phật giáo đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của quần chúng khi đời sống thế tục không thể đáp ứng. Từ thuở ban sơ ấy, mái chùa đã là nơi che chở hồn dân tộc. Chốn Già lam tịnh địa ngoài phạm trù tín ngưỡng còn trở thành lớp học chữ trong thời gian dài tăm tối của dân tộc Việt. Trẻ em đến chùa học không phải xuất gia cũng không tìm học Phật giáo, mái chùa bấy giờ là nơi dạy kiến thức thế tục lẫn Phật học và là nơi nuôi lớn tài năng của bao danh nhân đất Việt. Việc học trong chốn Già lam ấy vẫn còn “dư âm” kéo dài đến tận thời kì ta đã giành lại độc lập chủ quyền.
Tiếp nối hạnh nguyện đó, thời hiện đại Phật giáo Việt Nam vẫn mang nặng trách nhiệm giáo dục. Từ những năm đầu thế kỷ XX, một hệ thống giáo dục đặc biệt của Phật giáo đã ra đời. Một loạt các trường gia giáo ra đời vào đầu thế kỷ XX. Nói về trường gia giáo, hiểu nôm na là một dạng trường học tư thục nhưng chương trình học thì chưa có một sự thống nhất với một hệ thống chung. Tùy theo khả năng của giáo thọ sư mà chương trình được đề ra với những môn học khác nhau.
Trường gia giáo đầu tiên được ghi nhận ở miền Nam có thể nói đến là Phật học đường Sông Tra tại chùa Linh Nguyên (Đức Hòa) do Tổ Minh Phương – Chơn Hương và Tổ Minh Hòa – Hoan Hỷ chịu trách nhiệm giảng dạy. Sau này từ lớp học Tăng của Phật học đường Sông Tra mà một loạt các trường gia giáo ra đời trên khắp các tự viện ở miền Nam trong những năm 1920. Có thể kể đến như: trường gia giáo của thiền sư Như Nhãn – Từ Phong ở chùa Giác Hải (Chợ Lớn), trường gia giáo của thiền sư Như Hiển – Chí Thiền ở chùa Phi Lai (Châu Đốc), trường gia giáo của Như Trí – Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh (Bến Tre) và chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), trường gia giáo của thiền sư Huệ Quang ở chùa Long Hòa (Tiểu Cần), trường gia giáo của thiền sư Khánh Anh ở chùa Long An (Đồng Đế), trường gia giáo của thiền sư Như Quới – Pháp Ấn ở chùa Phước Tường (Thủ Đức), trường gia giáo của thiền sư Như Vịnh – Diệu Liên ở chùa Vạn An (Đồng Tháp), trường gia giáo của thiền sư Ngộ Đạo – Từ Vân ở chùa Tân Long (Đồng Tháp). Về chương trình học của các Phật học đường gia giáo thời bấy giờ tuy chưa có sự thống nhất theo một bài bản nhất định nhưng nhìn chung về chương trình học rất phong phú với các nhiều môn học. Về kinh tạng có các kinh Kim Cang, Tam Bảo, Pháp Bảo Đàn. Về luật tạng chủ yếu là Sa Di Luật giải, Quy Sơn cảnh sách và Tỳ Ni nhật dụng. Về luận tạng với các môn học như Khuyến phát bồ đề tâm văn diễn nghĩa, Quy Nguyên trực chỉ, Di Đà sớ sao, Nhập đạo yếu môn,Vạn pháp quy tâm lục, Tông cảnh yếu ngữ lục diễn nghĩa. Vai trò của các trường gia giáo trong thời gian đầu này là rất lớn. Vì đó chính là bước tiền đề để sau này thành lập các Phật học đường lớn, mà giáo thọ sư để phục vụ cho công tác giảng dạy tại các Phật học đường sau này đều có xuất thân từ các trường gia giáo.
Từ các trường gia giáo, về thời gian sau hàng loạt các trường Phật học được hình thành trên nền tảng giáo dục gia giáo. Từ Thích Học đường của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ở chùa Linh Sơn (Cầu Muối) cho tới Liên đoàn học xã di chuyển khắp các trụ xứ ở miền Nam. Sau này ở vùng vùng châu thổ màu mỡ của đất phương Nam, nơi thắng địa giữa hai dòng chảy của Tiền Giang và Hậu Giang hình thành nên một Phật học đường trứ danh đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam mang tên Lưỡng Xuyên. Để từ Phật học đường này mà xuất ra nhiều bậc tòng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam. Từ Phật học đường Lưỡng Xuyên có bốn học tăng lên đường ra xứ Thần kinh tiếp tục tu học tại Phật học đường Báo Quốc. Từ Phật học đường Báo Quốc, Phật giáo Việt Nam có 7 vị học Tăng xuất sắc nhất mọi thời đại, trong đó có 4 vị xuất thân từ Lưỡng Xuyên Phật học đường. Những năm chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, trong nước nhiều biến loạn nên các Phật học đường cũng tạm ngưng hoạt động. Sau năm 1945 một loạt các Phật học đường phục hoạt. Từ năm 1946, Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn do hòa thượng Thiện Hoa chủ trì khai giảng trở lại thu hút học Tăng rất nhiều. Đồng thời trong thời gian này ở Chợ Lớn, Phật học đường Liên Hải do hòa thượng Nhật Bình – Trí Tịnh làm giáo thọ sư chính cũng hoạt động mạnh. Sau hai Phật học đường trên, Phật học đường Mai Sơn do hòa thượng Huyền Dung thành lập cũng hoạt động mạnh mẽ tại Sài Gòn. Sau một vài tháng ở Mai Sơn, do không đủ cơ sở vật chất Phật học đường này dời về chùa Sùng Đức. Cũng trong thời điểm đó, Phật học đường Ứng Quang ở khu Vườn Lài cũng thành hình. Thời điểm đó, hòa thượng Hành Trụ cũng lập Phật học đường Tăng Già ở Vĩnh Hội. Từ năm 1950 Phật học đường Mai Sơn, Liên Hải và Ứng Quang sát nhập lại hình thành Phật học đường Nam Việt do hòa thượng Thiện Hòa làm giám đốc, về sau có thêm sự hỗ trợ của hòa thượng Thiện Hoa sau khi Phật học đường Phật Quang cũng gia nhập vào Phật học đường Nam Việt. Với một hệ thống giáo thọ sư là các bậc Tăng tài lúc bấy giờ, Phật học đường Nam Việt đã hoàn thành sứ mạng giáo dục khi đào tạo được một thế hệ học Tăng phục vụ cho Phật giáo Việt Nam đắc lực sau này. Thế hệ học Tăng của Phật học đường Nam Việt buổi đầu có thể kể đến như các học tăng từ Phật học đường Tăng Già của Hòa thượng Hành Trụ gửi sang như chư vị: Trí Phước, Trí Lạc, Thiện Lực, Viên Hạnh, Huệ Bửu. Các vị ở Phan Rí vào như: Đức Hạnh, Đức Thiện, Đức Bổn, Như Hương, Tâm Minh. Các vị ở Phan Rang: Huyền Vi, Huyền Thâm, Tịnh Hạnh, Nguyên Lai, Đổng Triệt, Đồng Tánh. Các vị ở Quảng Nam: Đồng Huy, Chơn Phát, Như Huệ, Thị Thành, Như Vạn. Các vị ở các tỉnh phía Bắc vào: Thanh Tuất, Minh Kha, Vĩnh Tuy, Chính Tiến, Quảng Long, Giác Hải. Các vị xuất thân từ hai Phật học đường Liên Hải và Mai Sơn như: Thiện Phúc, Thiện Hậu, Thiện Đức, Hồng Cơ, Hồng Đạo, Từ Thông, Thiên Định, Nhựt Ân, Lãng Phổ, Huệ Văn, Hoằng Chiếu, Thiện Tân, Trí Không, Trí Châu, Thiện Bình, Minh Cảnh, Thiện Tánh, Nhựt Quang, Nhựt Thỉ, Nhựt Tân, Nhựt Thiện, Chơn Lễ, Thanh Phong.
Trên cơ sở của các Phật học đường trước đó. Năm 1964 sau Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam, với ý nguyện đào tạo nhân sự phục vụ dân tộc và đạo pháp đồng thời cũng để đưa Phật giáo đi vào đời sống thường nhật. Còn nhớ hạnh nguyện giáo dục mang đậm dân tộc tính cũng như thời đại tính của thiền sư Vạn Hạnh, bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam thời Lý, chư tôn đức xúc tiến cho việc xây dựng một hệ thống giáo dục bậc đại học với phương châm xây dựng nhà giáo dục, làm sống dậy niềm tin cho tuổi trẻ với châm ngôn “duy tuệ thị nghiệp” tức là mọi hoạt động giáo dục cốt yếu để phát triển trí tuệ. Từ đó Viện đại học Vạn Hạnh ra đời năm 1964. Đến năm 1973 thì Viện đại học Vạn Hạnh có 5 phân khoa là: Phật học, Văn học và Khoa học Nhân văn, Khoa học Xã hội, Khoa học Ứng dụng và Giáo dục. Từ cơ sở ban đầu là Phật học và Đức dục, hệ thống giáo dục Phật giáo đã phát triển với tầm vóc và quy mô theo nhịp tiến của thời đại với đầy đủ các bộ môn thế học được giảng dạy dựa trên một nền tảng ứng dụng giáo lý Phật Đà nhuần nhuyễn. Ra đời sau Viện đại học Vạn Hạnh ba năm, một viện đại học Phật giáo khác cũng hành hoạt với mục đích tương tự nhưng quy mô không sánh bằng Vạn Hạnh đó là Viện đại học Phương Nam.
Ngoài các cơ sở giáo dục bậc đại học, ở bậc tiểu học và trung học vẫn có hệ thống trường học trực thuộc sự quản lý của Tổng vụ văn hóa – giáo dục Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hệ thống các trường Bồ Đề được tổ chức một cách quy củ, ngoài việc giáo dục Phật học và đạo đức thì chương trình kiến thức chuẩn mực chung theo chương trình giáo dục của Quốc gia vẫn được giảng dạy như hệ thống các trường tiểu học và trung học khác. Sau này ngoài hệ thống trường Bồ Đề còn có hệ thống trường Lục Hòa cũng hành hoạt tương tự như trường Bồ Đề.
Phật giáo ngoài nhiệm vụ là nguồn nương tựa tinh thần cho người Việt thì đến thời hiện đại, Phật giáo Việt Nam còn mang trên mình một sứ mạng giáo dục. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng ở mọi thời đại giáo dục luôn giữ một vai trò quyết định đối với sự phát triển của xã hội. Hoạt động giáo dục luôn mang trên mình nó một định hướng cụ thể phù hợp với quy luật tự nhiên, phù hợp với nhu cầu con người, tính ứng dụng thiết thực và có tính nhân văn sâu sắc. Do đó, đối với Phật giáo, hoạt động giáo dục luôn đi đúng theo tinh thần học Phật đó là khế lý, khế cơ, thiết thực và nhân bản. Việc giáo dục con người không thể tiến hành theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa, chủ quan, tùy tiện hoặc mang tính chất kêu gọi chung mà nó là cả một nghệ thuật và khoa học. Phật giáo đáp ứng đủ các yêu cầu cho một sứ mạng giáo dục như vậy.
Hiện nay, do hoàn cảnh mà hệ thống giáo dục của Phật giáo Việt Nam mất đi tính chất đại chúng của chính mình, khi hoạt động giáo dục theo tinh thần Phật giáo chỉ dành cho giới xuất gia và bó hẹp trong hoạt động của bốn học viện Phật giáo và hệ thống các trường trung cấp Phật học ít ỏi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên trong hiện tại ở một vài trụ xứ vẫn còn có những hoạt động giáo dục phi chính thống theo cách nhìn nhận của người đương thời. Nhưng nhìn nhận về tính sâu xa từ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thì đó vẫn là một sự tiếp truyền từ lịch sử Phật giáo nói riêng và của dân tộc nói chung. Với mục đích “đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chánh góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” Gia đình Phật tử Việt Nam, một thành tựu từ trong thời kỳ lịch sử buổi đầu chấn hưng Phật giáo Việt Nam những năm 1920 vẫn mang trên mình bản hoài thực hiện sứ mạng giáo dục theo tinh thần Phật giáo. Với một chương trình giáo dục đầy đủ các yếu tố từ giáo dục Phật học, đạo đức cho đến kiến thức phổ thông dành cho đủ mọi lứa tuổi để cung cấp kiến thức và đào luyện nhận thức con người. Bên cạnh đó trong chương trình giáo dục của Gia đình Phật tử Việt Nam còn mang tính giáo dục toàn diện khi mà trong nội hàm chương trình còn có các kiến thức bổ trợ như văn nghệ, mỹ thuật, thể dục nhằm đào tạo toàn diện một con người với đầy đủ các mặt trí dục, đức dục, thể dục. Với mục đích và lý tưởng giáo dục cao đẹp đó từ trong lịch sử đã chứng minh, Gia đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục phục vụ đắc lực cho Phật giáo và dân tộc. Tuy nhiên hiện tại chúng ta chưa dành cho tổ chức giáo dục phi chính trị này một vị trí thích hợp. Sự hời hợt và vô tâm không thể giết chết một nền giáo dục với tôn chỉ hành hoạt rõ ràng và mang đậm dân tộc tính lẫn tôn giáo tính tuy nhiên sự hời hợt và vô tâm đó làm cho tính chất nhân văn và thiết thực của một tổ chức giáo dục bị bó hẹp trong một khuôn khổ nào đó chỉ trong bức tường rào ngăn cách chốn già lam với thế tục. Lý tưởng của Phật giáo chưa thể tung cánh vào đời khi bị các thế lực thế sự ra tay ngăn cản quá nhiều, mà với bản chất từ bi, bất bạo động Phật giáo chưa bao giờ lên tiếng chống đối hay phê phán mà sự kham nhẫn trong suốt chiều dài lịch sử hành hoạt luôn luôn nổi bật lên để nhằm duy trì đạo pháp.Nhìn chung vai trò của Phật giáo trong giáo dục nói chung và của tông môn Nguyên Thiều nói riêng là không thể phủ nhận. Giữa Phật giáo và hoạt động giáo dục có một sợi dây liên kết vô hình thắt chặt lại với nhau. Phật giáo hiện đại không thể đi ngoài giáo dục, bởi vì chỉ có giáo dục mới là con đường hành hoạt đúng đắn đưa Phật giáo Việt Nam phát triển đi cùng thời đại.
***
Tài liệu tham khảo
Ban Tổ chức (2002), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
Thích Đồng Bổn (1995), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam, Tập 1, Nxb.
Tôn giáo.
Thích Đồng Bổn (2002), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam, Tập 2, Nxb.
Tôn giáo.
Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm phong trào chấn hưng Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (2015), Phật giáo vùng Mê-Kông: Lịch sử và hội nhập, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Mạnh Thát (2005), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập II, Nxb.
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Tôn giáo.
Trần Thuận (2014), Nam bộ - Vài nét lịch sử văn hóa, Nxb. Văn hóa
– Văn nghệ.
Thích Thanh Từ (2010), Đạo Phật trong mạch sống dân tộc, Nxb.
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.