BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG PHẬT GIÁO VÀ HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NCS.SC. Thích Nữ Liên Thảo
Tiến tới bình đẳng giới thực sự là mong muốn của nhân loại tiến bộ nói chung và sự quan tâm của mỗi quốc gia nói riêng. Từ ngàn xưa, thiết nghĩ con người cũng đã khao khát điều này. Nhưng muốn làm được điều đó thì không phải là chuyện đơn giản. Các quốc gia tiến bộ đã có không ít những biện pháp đẩy lùi bất bình đẳng, tiến tới công bằng xã hội, trong số đó có Việt Nam. Cụ thể, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 ngày 29/11/2006 đã thông qua Luật bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.
Với Phật giáo, từ thời đức Phật còn tại thế con người đã chịu đựng biết bao nỗi khổ, niềm đau do xã hội phân biệt giai cấp, giới tính. Chính vì thế, niềm khao khát về vấn đề bình đẳng giới ngoài thế gian cũng như trong tôn giáo luôn là vấn đề “cấp thiết” cần giải quyết.
Đức Phật cũng đã thành đạo và “đứng lên” xóa bỏ giai cấp và thực hiện tinh thần bình đẳng giới, áp dụng cho đồ chúng của mình. Ngài đã “gióng hồi trống” thức tỉnh con người trở về với quyền tự do, bình đẳng mà con người đáng được có. Đặc biệt hơn là Ngài đã thực hiện điều này trong chính giáo đoàn của mình.
- SỰ XUẤT HIỆN CỦA NI ĐOÀN
Đức Phật đã từng trả lời với tôn giả A-nan: “Này Ananda, người nữ có khả năng chứng Tứ Quả Sa Môn”1. Năm năm sau ngày thành Đạo, đức Phật cho phép thành lập Ni chúng theo lời thỉnh cầu của Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề, đồng thời đức Phật chế “Bát kỉnh pháp” (xem ở phần chú thích trước) tức tám điều cung kính đối với chư Tăng mà chư Ni phải tuân giữ. Từ đây, Ni chúng được thành lập.
Các Tỷ-kheo-ni hoặc được đức Phật tế độ, hoặc được các Trưởng lão Tăng tế độ, hoặc được các Trưởng lão Ni tế độ, đều chịu sự hướng dẫn lãnh đạo của các Trưởng lão Ni khác. Tất cả Ni chúng tu tập chung một Giới bổn dành riêng cho Ni và ở trong các trú xứ riêng. Kết quả đạt được trong việc độ cho Ni giới là sự tu chứng của chư Ni cũng có Thập Đại đệ tử Phật như chư Tăng đó là:
“Nữ tôn giả Ma-ha-ba-xà-ba-đề: Trưởng lão Ni đệ nhất (tu đầu tiên).
- Khemā: Trí tuệ đệ nhất.
- Uppalavannā: Thần thông đệ nhất.
- Dhammadinnā: Thuyết pháp đệ nhất.
- Nandā: Tu thiền đệ nhất.
- Bakulā: Thiên nhãn đệ nhất.
- Bhaddakāccāna: Đại thắng trí đệ nhất.
- Kisagotami: Ðệ nhất mang thô y.
- Sigalākamātā: Tín giải đệ nhất.
- Sonā: Tinh cần đệ nhất.” 2
Thành quả đạt được từ chư Ni, không thể không nhớ đến hành động đầy tha thiết cầu Đạo của các vị hoàng hậu, công chúa, các tiểu thư đài các… chịu buông tất cả, cạo tóc, đi chân đất, khoác y lạy quỳ cầu Đạo. Một tấm gương sáng cho Ni giới muôn đời, chính họ đã góp phần quan trọng trong cuộc cách mạng lớn lao của đức Phật Thích Ca, đã tạo điều kiện đặc quyền cho người phụ nữ, trong việc nỗ lực tu tập phát huy những bản chất cao quý và khả năng trí tuệ của nữ giới.
Chúng ta có thể thấy được điều này qua câu chuyện: Tỷ-kheo Kisa Gotami; “Đế Thích với chư thiên đến lạy Phật, vấn an. Tỷ-kheo Kisa Gotami cũng vận thần thông lực, từ trong không gian lướt đến, cũng để lạy Phật, vấn an ngài… đế Thích hỏi… Phật nói… Như Lai dạy cho bà biết ‘mọi hiện tượng tổ hợp toàn là vô thường’. Bà nhờ lời ấy mà hiểu được Pháp Phật, xuất gia làm Tỳ-kheo-ni, chứng ngộ Alahán. Bà là một vị kiệt xuất trong hàng đệ tử Tỳ-kheo-ni của Như Lai” 3.
Siêng năng là yếu tố quyết định cho sự thành công trong việc tu tập. Điều này hầu như ai cũng biết, và khi biết năng lực này đóng vai trò quan trọng trong việc học Phật, làm theo Phật, thì không nên dừng lại ở việc học hay hành đủ biết của một vài lý thuyết. Người biết cách tu, không phân biệt tại gia hay xuất gia, nam hoặc nữ, đó chính là người đã ý thức được ý nghĩa của hai chữ bình đẳng mà đức Phật đã dạy.
Trên mặt giáo đoàn, quyền bình đẳng về (giới tính)4 cũng đã được đức Phật chứng minh, qua sự hiện diện của nữ giới xuất gia sống đời sống phạm hạnh như nam giới và sự thành lập giáo hội có mặt của Tỳ-kheo-ni vào một thời điểm, mà người phụ nữ luôn bị đặt vào một địa vị thấp hèn của xã hội. ‘Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật’, là câu chúng ta thường nghe nói, nhưng trên thực tế có bao nhiêu người dám tìm hiểu khả năng thành Phật sẵn có của mình và thực hành nó một cách nghiêm túc.

Chúng ta nên chú ý rằng nẻo đường giáo hóa của đức Phật Thích Ca không phải là một học thuyết, mà là một tiến trình tu tập, thực tiễn, đơn giản, nhưng hoàn chỉnh đầy đủ tính nhân bản đem lại niềm tin, sức sống cho con người, xã hội và cũng dễ dàng áp dụng trong cách sống của mỗi cá nhân, ai cũng có thể thực hành được.
- NỮ GIỚI RẤT ĐƯỢC SỰ QUAN TÂM VÀ TÔN TRỌNG TỪ ĐỨC PHẬT
Sau khi đắc đạo, đức Phật nhắn gởi thông điệp bình đẳng đến cho nhân loại. Nghĩa là không có giai cấp phân biệt trong Phật tính, khi mê lầm là chúng sinh, khi giác ngộ sẽ thành Phật.
Đức Phật đã tìm hiểu rõ vấn đề này và đưa những tư tưởng bình đẳng, tôn trọng những gì con người có. Ngài đã làm một cuộc cách mạng quan trọng để giải thoát con người ra khỏi mọi sự khổ ách trong xã hội và trong một số tôn giáo. Ngài đã đưa vị trí của nữ giới ra khỏi những tư tưởng áp bức cố hữu và đã nâng cao địa vị của họ trong xã hội, để có thể hưởng được quyền lợi của mình. Điều này được minh chứng rõ hơn khi Vāsettha hỏi về sự cao quý tối ưu của tập cấp Brahmin (Bà-la-môn), ngài đã phủ nhận chủ nghĩa đó bằng câu nói về phụ nữ: “Này Vāsettha, các nữ Bà-la-môn, vợ của các Bà- la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sanh con, có cho con bú.”5
Chuyện phân biệt nam nữ đến nay, một số tôn giáo vẫn cho rằng nữ giới là ô uế, thậm chí còn không cho họ bước vào nhà thờ của các vị Thần. Thế nhưng đức Phật đã quan tâm, thấu hiểu và nói những chuyện ấy một cách công khai vào cuộc đàm thoại đạo lý của ngài từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước. Đó là cách hành xử hiếm thấy trong tôn giáo. Ngài đã đề cao phẩm hạnh của người thiếu nữ trong xã hội qua câu chuyện nói về vua Pasenadi nước Kosala khi nghe tin hoàng hậu hạ sinh công chúa nhà vua có vẻ buồn rầu. Đức Phật biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:
“Này Nhân chủ, ở đời, Có một số thiếu nữ, Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai, Có trí tuệ, giới đức,
… Thật xứng là Ðạo sư, Giáo giới cho toàn quốc”.6
Cái nhìn thấy và sự cảm thông về vị trí cũng như vai trò của nữ giới trong xã hội, vào thời điểm của đức Thích Ca là điều khó làm và khó nói. Tuy nhiên, không phải vì đứng trước những cái quan niệm cổ hủ khó sửa đổi mà ngài không dám làm.
Cuộc sống có nhiều lãnh vực hoạt động xã hội khác nhau, do đó nó có sự khác biệt về địa vị của từng cá nhân. Trong tinh thần bình đẳng, đức Phật đã tạo điều kiện để đặt mỗi giới vào đúng vị trí của họ trong xã hội. Một minh chứng có thể cho chúng ta thấy không phân biệt đó là ai, chỉ cần vị hành giả ấy biết tu học, tinh cần, tinh tấn đoạn trừ được các kiết sử thì vị ấy sẽ dần dần thoát ly sanh tử thôi. Điều này có thể thấy trong Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi:
“… Tỷ-kheo-ni Nandā đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới) và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa,… nữ cư sĩ Sujātā diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhứt định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến chánh giác. Này Ānanda, cư sĩ Kakudha đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới), và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa.”7
Nói tóm lại, chỉ cần nghiên cứu một vài điểm trong muôn ngàn hạnh lành của đức Phật chúng ta cũng có thể thấy rõ rệt sự chú trọng về con người mà đức Phật luôn đề cập. Trong đó nữ giới là một phần quan trọng trong việc thực hiện tinh thần bình đẳng của ngài. Cách giáo dục của ngài không chỉ hướng thiện một cách đơn thuần mà còn hàm chứa nghĩa cử từ bi, mang đậm nét nhân văn của Phật giáo. Có thể nói, nghệ thuật sống của đức Phật không ai có thể sánh bằng, bởi tính cách rất êm đềm mà rất mạnh mẽ, khéo léo khiến con người bị thuyết phục một cách khoa học thiết thực nhất.
- TÌNH THẦN BÌNH ĐẲNG VỀ GIỚI TẠI HỌC VIỆN NGANG QUA TỔ CHỨC DẠY VÀ HỌC
- Sơ lược về Học viện
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh toạ lạc số 716, Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây làmột cơ sở giáo dục cấp đại học Giáohội Phật giáo Việt Nam(Họcviện Phật giáo Việt Namtại Hà Nội, Họcviện Phật giáo Việt Namtại Thành phố Huế), được thành lập từ ngày 25 tháng 02 năm 1982 theo nghị quyết phiên họp thứ nhất của Ban thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương và theo quyết định 0160/QĐ ngày 17 tháng 03 năm 1983 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của Học viện là nhằm để đào tạo những Tăng Ni sinh có kiến thức đại học về giáo lý căn bản của các bộ phái Phật giáo, lịch sử Phật giáo Việt Nam và văn hoá (Phật giáo) Việt Nam, để sau khi tốt nghiệp Cử nhân Phật học có thể tiếp tục học cấp Cao học, Tiến sĩ, trở thành nghiên cứu viên Viện Ng- hiên cứu Phật học, hoặc đảm trách các công tác chuyên môn, Phật sự tại Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tại các tỉnh, thành trong toàn quốc.
* Hình thành và phát triển
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1984 với tên gọi là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, có nguồn gốc từ trường Đại học Vạn Hạnh, ngôi trường đại học đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam đã đào tạo thành công một thế hệ thanh niên Việt Nam hiện đang giữ những vai trò then chốt trong các cơ quan nhà nước. Cho đến nay, Học viện đã và đang đào tạo được 14 khóa cử nhân Phật học, khóa 2 Cao học, khóa 1 Tiến sĩ với hàng ngàn Tăng Ni sinh đã được tốt nghiệp. Nỗ lực của Học viện là nhằm xây dựng và phát huy truyền thống đào tạo các thế hệ Tăng Ni tài cho Phật giáo Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu Phật sự, giải quyết các vấn nạn của thời đại. Hằng trăm sinh viên sau khi tốt nghiệp Học viện đã du học nhiều nước, tốt nghiệp Tiến sĩ và Cao học Phật học cũng như các ngành học liên hệ.
Ngay trong mùa khai giảng đầu tiên vào 1984, số lượng sinh viên ghi danh thi tuyển sinh và theo học ngày càng nhiều, sau mỗi khoá, đã làm cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thu hút các học giả và các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới.
Kể từ năm 2005 của khóa VI trở đi, Học viện nhấn mạnh đến việc cải cách nội dung giáo dục, và thay đổi chương trình học niên chế với mỗi năm hai học kỳ thành hệ thống tín chỉ (course-credit/ unit) theo hệ thống giáo dục tiên tiến và phổ quát trên thế giới. Bắt đầu từ năm 2005 trở đi, việc tuyển sinh không dựa theo chương trình bốn năm một lần, mà sẽ tuyển sinh hai năm một lần, để dần dần tiến tới mỗi năm một lần theo thông lệ. Hiện tại, Học viện đã phấn đấu đào tạo các chương trình Cao học (M.A.) và Tiến sĩ (Ph.D.), nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu ngày càng cao của sinh viên trong nước.
-
- Tư tưởng bình đẳng trong mục đích dạy và học của Học viện
Tại Học viện từ trước đến nay, luôn thực hiện việc dạy và học của giảng viên đối với sinh viên (đa số là Tăng Ni) một cách bình đẳng. Học viện cũng là nơi giáo dục Phật giáo được sự chấp nhận của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam chúng ta đã và đang thực hiện (bình đẳng giới)9, mà “mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.” Phật giáo cũng thực hiện vấn đề bình đẳng giới một cách rõ rệt trong nhà trường. Hẳn nhiên là vấn đề này không ai tuyên bố, nhưng với Phật giáo nói ít mà chú trọng chuyện thực hành như thế nào. Chúng ta có thể tham khảo mục tiêu đào tạo của Học viện không hề phân biệt Tăng Ni. Chỉ cần Tăng Ni sinh viên có nguyện vọng mà nhà trường có thể hỗ trợ thì đều được thực hiện:
-
- Đào tạo giới tri thức trẻ Phật giáo về các chiều kích học thuyết, lịch sử, tôn giáo và văn hóa của Phật giáo Việt Nam.
- Hỗ trợ ứng dụng các nguyên lý triết học và đạo đức Phật giáo trong cuộc sống.
- Hỗ trợ phát triển đời sống tâm linh cá nhân cũng như cộng đồng thông qua việc hành trì thiền ứng dụng đạo đức.
- Tăng cường ý thức cộng đồng về các nguyên lý Phật giáo.
- Đáp ứng các nhu cầu giáo dục và nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam.
- Đóng góp vào sự phát triển đất nước Việt Nam thanh bình và thịnh trị.
- Từng bướctrởthànhmộttrungtâmquốctếvềđàotạovànghiên cứu Phật giáo. Nhiệm vụ chính của Học viện chủ yếu tập trung vào ba lãnh vực là: giảng dạy (teaching), nghiên cứu khoa học (scholarly research) và thông tin học thuật (academic communication).
Thông qua chương trình của các khóa học, Học viện sẽ giới thiệu từ căn bản đến chuyên sâu các nguyên lý triết học và ứng dụng hành trì của Phật giáo, thông qua các truyền thống Nam tông với văn hệ Pàli, Bắc tông với văn hệ Sanskrit, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Sức mạnh học thuật của Học viện bao gồm việc giới thiệu các chương trình cử nhân Phật học với nhiều chuyên ngành khác nhau như bộ môn Pāli và Đông Nam Á, bộ môn Phạn Tạng và Phật giáo Ấn Độ, Tây Tạng, bộ môn Phật giáo Trung Nhật Hàn, bộ môn Phật giáo Việt Nam, bộ môn Lịch sử Phật giáo và bộ môn Triết học Phật giáo.
Các nhóm bộ môn vừa nêu sẽ giúp sinh viên đi sâu vào từng chuyên ngành Phật học, làm nền tảng cho các chương trình Cao học và Tiến sĩ Phật học về sau. Như đã được thực tế chứng minh thông quasựthànhcôngtrongcáclãnhvực Phậtsựcủasinhviêntốtnghiệp, Học viện Phật giáo Việt Nam là trung tâm giáo dục Phật học hàng đầu tại Việt Nam, nơi đó, giá trị của truyền thống và hiện đại, lý thuyết và thực tiễn, kiến thức và hành trì luôn song hành với nhau, góp phần xây dựng một đạo Phật Việt Nam theo tinh thần nhập thế và tương dung. Có thể nói, Học viện đã có những định hướng rõ ràng, tiêu chí chuẩn mực, tạo niềm tin và nền tảng vững chắc về lâu dài. Vì vậy, đối với những chương trình đào tạo của Giáo hội, Tăng Ni đều tham gia rất nhiệt tình, hoan hỷ. Tăng Ni thể hiện sự tin tưởng vào nền giáo dục, mục tiêu mà giáo hội cũng như Học viện đề ra trong các định hướng và đường lối.
Tăng Ni tin vào đầu ra của các khóa học, sau khi tốt nghiệp, những kiến thức có được sẽ giúp họ tiếp cận cuộc sống một cách tự tin, vững chãi và được cống hiến chung cho sự nghiệp của Giáo hội và nền giáo dục Phật giáo.
Trên tinh thần bình đẳng về giới, về tri thức, Phật tánh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cải cách thành công việc dạy và học theo chương trình tín chỉ cho cả Tăng và Ni sinh viên kể từ năm 2005 (khóa 6). Việc này cũng có nghĩa là không phân biệt Tăng hay Ni, học đủ tín chỉ sẽ được tốt nghiệp và tiếp tục học lên Cao học.
Những Tăng Ni sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ có khả năng giảng dạy, đều được Học viện tạo điều kiện đứng lớp giảng dạy cho Tăng Ni khóa sau. Ban đầu việc chư Ni có khả năng đứng lớp dạy cho cả chư Tăng trẻ khiến không ít những phản đối kịch liệt từ chư Tôn đức, nhất là các vị ở các tỉnh thành trong cả nước. Nhưng với tâm niệm kế thừa mạng mạch Phật pháp một cách đúng nghĩa. Hòa thượng khai sáng Học viện cũng như chư Tôn đức trong hội đồng điều hành đã vượt qua những thách thức ban đầu. Đáng nói hơn là đến nay, Học viện đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Hòa thượng Viện trưởng mở trường nội trú cho cả Tăng và Ni. Nâng cao chương trình dạy và học đem lại kết quả khả quan cho Tăng Ni một cách bình đẳng.
Tóm lại, dù là Thánh chúng hay phàm chúng, phàm là người xuất gia sau khi đã thọ Cụ túc giới, ai cũng phải nương vào các giới điều để làm mực thước sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống. Ngoài việc thực hiện giới điều của Tỳ-kheo là hai trăm năm mươi giới, Tỳ-kheo-ni là ba trăm bốn mươi tám giới, thì chư Tăng Ni đều phải y cứ vào “Tứ y pháp”10 để sống. Đời sống của người xuất gia nói chung, rất thanh đạm, nhưng cũng có những lúc uyển chuyển tùy duyên. Trước nhất là phải tự thân vận động, có niềm tin mãnh liệt vào Chánh pháp mà đức Phật đã dạy, thứ nữa là chính bản thân. Vì mục đích hướng đến giải thoát, lợi mình lợi người, hành giả vượt qua các chướng ngại của tự ngã, mặc cảm, của giai cấp, giới tính, để phát huy đúng nghĩa của người đệ tử Phật cần làm. Sống hết mình bằng lý tưởng giải thoát, cho đời nguồn động lực sống bình đẳng, nguồn tri thức vô tận mà đức Bổn sư đã truyền dạy.
Thiết nghĩ, trong môi trường nào cũng có những điểm ưu và khu- yết, Học viện cũng không ngoại lệ. Trong phương pháp giảng dạy của giảng viên, trong cách làm việc và thái độ của các nhân viên văn phòng, cũng như các ban quản viện Tăng Ni tại Học viện cũng cần thực hiện thêm việc lắng nghe để hiểu rõ thế hệ trẻ đang gặp phải điều gì, mong muốn như thế nào, họ đang ở trạng thái nào, nguyên nhân từ đâu… để kịp thời chấn chỉnh và định hướng cho họ.
Tâm lý chung của người xuất gia, nhất là Ni giới, tuy nói là sống với tinh thần bình đẳng, nhưng họ cũng bị ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình từ bé, và thậm chí một số tỉnh thành trong cả nước vẫn chưa thật sự bình đẳng. Đôi khi gặp phải khó khăn trong một số lĩnh vực học tập và sinh sống tại Học viện, nhưng không tiện nói, hay không dám nói ra ý kiến của mình. Nên chăng Học viện có thùng thư góp ý, để thấu hiểu hơn về những vấn đề tồn tại của Tăng Ni, của trường mà phấn đấu hoàn thiện. Như vậy, thì nếp sống lục hòa cọng trụ sẽ dễ thực hiện, mà hạn chế việc gút mắc trong lòng của Tăng Ni cũng như các ban trong Học viện. Người người đều hiểu và thương, cảm thông nhau hơn thì sự thành công sẽ cao hơn trong nền giáo dục Phật giáo.
***
Thư mục tham khảo
Kinh Trung Bộ, tập I, II, III, Thích Minh Châu (dịch) (1973) Pā- li-Việt đối chiếu, NXB. Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh. Kinh Trường Bộ(2001), NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Kinh Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya, do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Tập I - Thiên Có Kệ, Chương III, Tương Ưng Kosala, I. Phẩm Thứ Nhất. VI. Người Con Gái (S.i,86)
Trung Bộ Kinh, Thích Minh Châu (dịch và tóm tắt) (2010), NXB. Văn hóa Sài Gòn.
Trường Bộ Kinh III, Pāli-Việt đối chiếu, Thích Minh Châu (dịch) (1972), Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản.
Nārada Thera, Phạm Kim Khánh (dịch) (1994), Đức Phật và Phật Pháp, NXB. Thuận Hóa.
Nguyễn Thiên Thuận (2007), Nhân Cách Văn Hóa Của Đức Phật, NXB. Văn Hóa Sài Gòn.
Thích Tâm Minh (2006), Đức Phật-Vị sứ giả hòa bình, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Viên Trí (2013), Phật giáo qua lăng kính xã hội, NXB. Phương Đông.
Trí Quang biên tập (2001), Trích Pháp cú Nam tông, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng.
Walpola Rahula, Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2009), Tư tưởng Phật học, NXB. Văn hóa Sài Gòn.
Theo nguồn:Lịch sử hình thành và phát triển của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. trên trang web Học viện (THE VIETNAM BUDDHIST UNIVERSITY IN HCM CITY).