BƯỚC CHUYỂN MÌNH
CỦA HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH HỒ CHÍ MINH
TS.NS. Thích Nữ Như Nguyệt
MỞ ĐẦU
Trong bất kỳ thời đại nào, việc giáo dục luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Trong Phật giáo, vấn đề giáo dục, đào tạo Tăng Ni cũng được đặt ra như một nhiệm vụ trọng yếu, thiêng liêng, cấp thiết. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi được thành lập đến nay luôn xem trọng và đặt công tác giáo dục đào tạo trong chiến lược duy trì, củng cố và phát triển Giáo hội, góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà vững mạnh.
Sự ra đời của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1983 (tuyển sinh khóa đầu năm 1984) là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Trong 36 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Thích Minh Châu và Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm Thích Trí Quảng, Học viện Phật giáo Việt Nam tại

![]()
*. Khoa Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến không ngừng về mọi mặt, tôi gọi đó là “những bước chuyển mình” của Học viện, tạo nên một hệ thống giáo dục Phật giáo khá hoàn thiện từ bậc Đại học cho đến bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ. Học viện đã có những bước tiến vững chãi trong công tác dạy và học, luôn cập nhật những tinh hoa từ nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để có kết quả tốt nhất.
- NHỮNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC CỦA HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Từ khi thành lập đến nay, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua những bước chuyển mình quan trọng. Bước chuyển mình đầu tiên (1983 - 1997) được thực hiện do Hòa thượng Thích Minh Châu, kế thừa Đại học Vạn Hạnh, Học viện được khai sinh với tên gọi Trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Hòa thượng Thích Minh Châu đã giới thiệu chương trình đào tạo bao gồm cả Phật học và thế học tại trường. Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa 1 và khóa 2 của trường đến nay có nhiều người thành tựu trở thành lãnh đạo các Ban Trị sự tỉnh thành và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Điều hành Học viện, là Trưởng, Phó các khoa của Học viện.
Bước chuyển mình thứ hai của Học viện diễn ra vào năm 1997, khi Trường Cao cấp Phật học Việt Nam được chính thức đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình đào tạo của Học viện được mở rộng, ngày càng đa dạng hơn. Từ năm 2005, Học viện đã tuyển sinh hai năm một lần thay vì bốn năm một lần như giai đoạn trước.
Bước chuyển mình thứ ba của Học viện diễn ra vào năm 2006, khi Học viện chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ và mở thêm nhiều khoa mới. Hiện nay, Học viện đã có 12 Khoa1.
Bước chuyển mình thứ tư của Học viện diễn ra vào năm 2012

-
- “Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh: Từ quá khứ đến hiện tại”, http:// www.vbu.edu.vn/vbunews/vbunews-detail/AP-202/Hoc-vien-PGVN-tai-TP-HCM:-Tu- qua-khu-den-hien-tai.html
với sự kiện khởi công xây dựng cơ sở 2 của Học viện tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Bước chuyển mình thứ năm của Học viện là năm 2016 khi cơ sở 2 của Học viện chính thức đi vào hoạt động với khu nội trú cho cả Tăng và Ni. Bước chuyển mình thứ sáu của Học viện theo tôi diễn ra vào năm 2018 khi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định cho phép Học viện mở ngành đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ. Số lượng Tăng Ni sinh theo học mỗi khóa đều tăng.
Nếu như ba bước chuyển mình đầu tiên được tạo nên bởi cố Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Thích Minh Châu, thì ba bước chuyển mình sau đó đã được tạo ra bởi Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm Thích Trí Quảng.
Lịch sử Học viện cho thấy, bằng việc chăm lo công tác giáo dục đào tạo Tăng Ni tài, Học viện đã có những bước phát triển vượt bậc. Thật sự, đầu tư cho giáo dục luôn là sự đầu tư có lãi nhất. Nước Nhật phát triển thần kỳ cũng nhờ biết cách đầu tư cho giáo dục. Giáo dục không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân mà còn quyết định đến vận mệnh và tương lai của một dân tộc. Trong Phật giáo cũng vậy, giáo dục Phật giáo không chỉ có vai trò quan trọng đối với quá trình trưởng thành, giác ngộ của mỗi cá nhân mà còn quyết định đến vận mệnh và tương lai Phật giáo nước nhà. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh được khởi sắc như ngày hôm nay cũng là nhờ tầm nhìn và tâm huyết với công tác giáo dục của các lãnh đạo tiền bối và đương nhiệm, đặc biệt là đóng góp của Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Thích Minh Châu và Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm Thích Trí Quảng.
Trong những năm qua, Học viện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những thành tựu, sự trưởng thành nhanh chóng của Học viện. Học viện không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định được vị trí trong ngành giáo dục Phật giáo, cùng với các Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ đã đào tạo được nhiều Tăng Ni tài đức. Học viện đã đào tạo được 13 khóa Cử nhân Phật học hệ chính quy và 4 khóa Đào tạo từ xa với tổng số 4.691 Tăng Ni sinh2. Từ năm 2006, Học viện chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ và mở rộng phát triển thành 10 khoa bao gồm: Pali, Sanskrit, Triết học Phật giáo, Phật giáo Việt Nam, Hoằng pháp, Công tác xã hội, Trung văn Phật pháp, Anh văn Phật pháp, Lịch sử Phật giáo và Triết học Phật giáo thuộc hệ đào tạo từ xa. Khoa Sư phạm mầm non được mở và hoạt động từ năm 2014 đến nay.
Tôi sẽ không nói nhiều những điều đã được nói đến thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Tôi muốn nói về một vài ấn tượng trong tôi về “những bước chuyển mình” trong công tác giáo dục đào tạo của Học viện, bắt đầu từ tầm nhìn và nguồn cảm hứng của Hòa thượng sáng lập và được kế thừa, phát triển và mở rộng bởi Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm.
Từ năm 1983 đến cuối năm 2008, Học viện hoạt động dưới sự lãnh đạo của cố Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Từ năm 2009 đến nay, Hòa thượng Thích Trí Quảng nắm giữ chức vụ Viện trưởng và điều hành Học viện.
Hòa thượng Thích Minh Châu là một nhà giáo dục vĩ đại. Hòa thượng sinh năm 1920 tại Quảng Nam, xuất gia năm 1946 với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, Huế. Hòa thượng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Phật giáo Nalanda, Ấn Độ với chủ đề “So sánh Tạng Pali Trung bộ Kinh với Tạng Hán A hàm”. Sau 14 năm du học ở nước ngoài, Hòa thượng trở lại quê nhà, tận tâm và dốc sức thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh (tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh), chuyên lo sự nghiệp giáo dục và phiên dịch Kinh tạng Pali, đóng góp tích cực vào công cuộc đào tạo Tăng Ni tài cho Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, Học viện có học bổng Thích Minh Châu mang tên Hòa

-
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh: Hình thành và phát triển, video lưu hành nội bộ.
thượng Viện trưởng sáng lập, vừa thể hiện sự tôn vinh sự nghiệp giáo dục, văn hóa và tu tập của Hòa thượng, đồng thời khích lệ tinh thần học tập của Tăng Ni sinh, khích lệ Tăng Ni sinh noi gương sáng ngời của Hòa thượng mà phấn đấu học Phật, xứng đáng là học trò của Người.
Tầm nhìn, sự vĩ đại của Hòa thượng Thích Minh Châu thể hiện ở chỗ, Ngài đã tạo một nền móng vững chắc cho Học viện khi đưa ra chiến lược đào tạo Tăng Ni tài. Nhiều Tăng Ni học trò của Hòa thượng hiện nay đã trưởng thành và đang tạo nên sự chuyển mình đáng kể. Hiện nay, tất cả 21 thành viên trong Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Học viện đều là học trò cũ của Hòa thượng, là những học viên các khóa 1, 2, 3 của Học viện. Nhiều Tăng Ni sinh các khóa đầu tiên được Hòa thượng giáo huấn nay đã nắm giữ những vị trí quan trọng, là những Trưởng khoa, Phó khoa… ở những vị trí quyết định đến sự phát triển và biến chuyển của Học viện. Hòa thượng là hiện thân của tinh thần trách nhiệm, giá trị Phật giáo và sự khai mở của Phật giáo.
Kế thừa Hòa thượng Viện trưởng sáng lập, Hòa thượng Thích Trí Quảng bắt đầu giữ vị trí Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29/02/2009 đến nay, đã có những đóng góp quan trọng tạo nên những bước chuyển mình mới của Học viện. Hòa thượng chú ý nâng cao quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo, nhấn mạnh tính ứng dụng, thực hành Phật giáo bên cạnh việc nắm vững lý thuyết, mở rộng thêm ngành đào tạo, bắt đầu đào tạo hệ Thạc sĩ và Tiến sĩ, xây dựng Thư viện, mở rộng hội nhập quốc tế...
Hòa thượng Thích Trí Quảng sinh năm 1936 tại vùng đất thép Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng thế phát xuất gia năm lên 10 tuổi, thọ Đại giới Tỳ kheo vào năm 24 tuổi. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản. Hòa thượng nay đã 82 tuổi, ở độ tuổi cần nghỉ ngơi, nhưng Ngài vẫn không ngừng sách tấn, truyền nhiệt huyết cho Tăng Ni sinh và giảng viên tại Học viện. Ngài có tầm nhìn xa, tập hợp những Tăng
Ni xuất chúng lại đóng góp ý tưởng, trí tuệ cho công cuộc xây dựng Học viện.
Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm đã có nhiều sáng kiến, nhằm nâng cao chất lượng và quy mô của Học viện. Để khắc phục hạn chế của công tác giáo dục trong một thời gian đặt nặng số lượng hơn chất lượng, chiều rộng hơn chiều sâu, coi trọng lý thuyết hơn thực hành, Hòa thượng đã có những bước đi quan trọng. Việc xây dựng Nội viện để giúp Tăng Ni sinh có chỗ vừa học vừa tu là một minh chứng. Trong nhiệm kỳ, Viện trưởng Hòa thượng Thích Trí Quảng (2007 - 2012), ý tưởng về việc xây dựng cơ sở 2 của Học viện trên một khu đất rộng ở ngoại ô đã được thực hiện. Sau gần bốn năm khởi công xây dựng, Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở
2) đã hoàn thành giai đoạn một và vào tháng 5 năm 2016, cơ sở 2 của Học viện đã chính thức đi vào hoạt động. Khóa 11 đã di chuyển từ trụ sở chính của Học viện đến cơ sở 2. Phát biểu tại Lễ tốt nghiệp năm học 2017 - 2018, Hòa thượng Viện trưởng nhấn mạnh: “Kể từ khóa 11 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động, điều kiện sống của Tăng Ni sinh đã thay đổi nhiều… Đạo Phật chú ý kiến tạo các môi trường giáo dục, khuyến khích sự phát triển giới đức, tâm đức và tuệ đức của cá nhân.”
Có thể nói, sự ra đời của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 trong thời kỳ lãnh đạo của Hòa thượng Thích Trí Quảng đã mở ra một chương mới trong quá trình phát triển và hội nhập của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nội viện là môi trường lý tưởng cho bất cứ Tăng Ni sinh nào. Tu học nội trú là niềm mơ ước của nhiều Tăng Ni sinh các khóa từ năm 2016 trở về trước. Học viện chính là một tu viện khép kín. Chương trình tu và học được đan xen chặt chẽ, phù hợp, trong học có tu và trong tu có học, vừa tạo cho Tăng Ni sinh có một đời sống an lạc, vừa giúp Tăng Ni sinh phát huy được đầy đủ năng lực và sức sáng tạo của mình.
Để thúc đẩy việc tu học tại Học viện, từ ngày 30/3/2014, Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm và Hội đồng Điều hành Học viện đã quyết định tổ chức khóa tu một ngày an lạc mỗi tháng bốn kỳ vào Chủ nhật với sự hướng dẫn trực tiếp của Hòa thượng Viện trưởng Thích Trí Quảng và Hòa thượng Phó Viện trưởng Thường trực Thích Giác Toàn.
Đặc biệt, năm nay, 2019, Hòa thượng cho khai mở khóa tu 10 ngày tại Học viện dành cho chư Tôn đức lãnh đạo Hội đồng Điều hành, Hội đồng khoa, giảng viên và Tăng Ni sinh viên các khóa của Học viện. Ban đạo từ trong lễ bế mạc khóa tu 10 ngày tại Học viện, Hòa thượng nhận định: “Mười ngày qua, mỗi hành giả Tăng, Ni đều thu hoạch được kết quả cho riêng mình về việc tu và học.” Hòa thượng cho biết thêm, đây là mùa an cư thứ 60 kể từ ngày Ngài thọ Cụ túc giới và là mùa an cư thứ 20 Hòa thượng được thỉnh làm thiền chủ. Cũng theo lời Hòa thượng, mùa an cư năm nay, Ngài cảm thấy hài lòng nhất, nghiêm túc nhất và có nhiều thành tựu nhất trong tất cả các mùa an cư. Hòa thượng cho rằng, Học viện trải qua nhiều năm đào tạo nhưng chủ yếu là kiến thức, trong 4 năm trở lại đây mới chú trọng đến việc hành trì. Tôi xin trích lời Hòa thượng: “Qua sở tu và sở học của Tăng Ni sinh trong những năm tháng học tập, khi tốt nghiệp ra trường, bằng sở đắc của mình, mắt tuệ được khai mở, chúng ta biết mình cần đi đâu, cần làm gì. Có như vậy, bản thân chúng ta mới là sứ giả của Như Lai và đây cũng là mong ước của các thế hệ tiền nhân.”3
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra khóa tu 10 ngày, 7 ngày có các phiên làm việc giữa Hội đồng Điều hành và Ban Giảng huấn thảo luận về vấn đề cải cách chương trình giáo dục của Học viện. Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm và cởi mở, các phiên làm việc đã biểu quyết thông qua chương trình cải cách đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học tại Học viện. Hòa thượng Viện trưởng đã thành lập Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Học viện gồm 21 thành viên. Hòa thượng Viện trưởng cũng chấp thuận chủ trương cho phép thành lập các khoa mới gồm: Y học cổ truyền, Triết học, Tôn giáo

-
- “TP. Hồ Chí Minh: Kết thúc khóa cấm túc 10 ngày tại Học viện”, https://giacngo.vn/ vanhoa/phatgiao/2019/05/30/5BF6C8/
học, Đông Nam Á học. Có thể nói khóa tu 10 ngày mùa an cư năm nay là “khóa tu chuyển mình” của Học viện.
Trong khóa tu 10 ngày vừa qua, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện đề xuất ý tưởng mở Khoa Phật học Quốc tế tại Học viện và Hòa thượng Viện trưởng đã rất ủng hộ. Hòa thượng cho rằng, việc đào tạo sinh viên quốc tế có thể được thực hiện tại Học viện hoặc được đào tạo từ xa. Học viện đã làm tốt các khóa đào tạo trong nước, nên cũng có thể làm được với những khóa đào tạo từ xa cho người nước ngoài. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của Học viện.
Trước khóa tu 10 ngày, tôi có dịp được sang Thái Lan trong công cuộc tìm kiếm hướng đi cho học trò sau khi tốt nghiệp tại Học viện, đến thăm Trường Phật giáo Quốc tế Thái Lan (Thailand Interna- tional Buddhist College), nơi có khoảng 50 sinh viên nước ngoài với nhiều ngôn ngữ quốc tế được giảng dạy và sử dụng, tôi thấy chạnh lòng khi Việt Nam chưa có được môi trường nào như thế. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 được coi là trường Đại học Phật giáo quy mô lớn nhất Đông Nam Á về số lượng học viên nhưng lại không có khoa đào tạo học viên nước ngoài. Học viên trong trường chỉ nói tiếng Việt, không có cơ hội nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… với người nước ngoài. Tôi mong ước Học viện có thể trở thành một “Liên hợp quốc” thu nhỏ với sự tham gia của các sinh viên quốc tế. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, mở rộng đào tạo quốc tế là một hướng đi đúng đắn hợp quy luật.
Vì vậy, khi tham dự khóa tu 10 ngày tại Học viện, tôi vô cùng hân hoan khi Thượng tọa Thích Nhật Từ đề xuất ý tưởng mở Khoa Phật học Quốc tế đào tạo Phật giáo cho học viên nước ngoài và đã được Hòa thượng Viện trưởng nhiệt liệt ủng hộ. Tôi cũng gọi đây là bước chuyển mình của Học viện. Chắc chắn việc mở Khoa Phật học Quốc tế sẽ nâng cao vị thế và uy tín của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ ở trong nước mà còn ở khu vực và trên trường quốc tế.
Trong một thời gian, Học viện đã quan tâm nhiều đến số lượng, tốc độ phát triển hơn là chất lượng, chú ý đến chiều rộng hơn là chiều sâu. Ví dụ, việc học hai cổ ngữ và hai sinh ngữ cùng một lúc làm cho Tăng Ni sinh không có đủ thời gian để tư duy và hấp thụ những kiến thức được truyền trao trên lớp học. Thư viện của Học viện cũng bị bỏ quên một thời gian. Học viên không có đủ tư liệu để học tập tra cứu và phải tự trang bị sách vở, tài liệu học tập cho mình. Việc thiếu tài liệu học tập cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của Tăng Ni sinh.
Tuy nhiên, trong khoảng 4 năm qua, những hạn chế này đã được khắc phục đáng kể. Học viện không chỉ gia tăng về số lượng, quy mô mà còn cải thiện nhiều về chất lượng, việc hành trì đã được coi trọng. Đặc biệt, Thư viện của Học viện được thành lập từ tháng 6/2016, đến nay có thể coi là thư viện lớn nhất, tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam, là một biểu trưng của học thuật Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nhìn vào quy mô, chất lượng hoạt động của Thư viện hiện nay, có thể thấy được chất lượng giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện đã có sự chuyển biến lớn trong những năm qua. Thượng tọa Thích Chơn Minh, Thư viện Trưởng cho biết: “Thư viện hiện có hơn 12.000 đầu sách với tổng số trên 25.000 bản sách, chủ yếu là sách Phật giáo, với nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Việt, Anh, Pháp, Hán, Pali… Trong tương lai gần, thư viện sẽ cung cấp sách Hán Nôm với các chủ đề liên quan đến Phật giáo, lịch sử và văn học nước nhà”4. Đặc biệt, Thư viện đã được trang bị phần mềm quản lý điện tử, trang bị các máy tính kết nối mạng internet, hệ thống wifi miễn phí để bạn đọc dễ dàng tra cứu trực tuyến và tìm kiếm tài liệu học tập ngay tại thư viện.
Là một nữ tu sĩ, tôi đã rất xúc động ngay từ khi mới thành lập và tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1984, Học viện đã quan tâm đến việc đào tạo Ni tài, bên cạnh việc đào tạo Tăng tài. Ni chúng đã được đồng học cùng Tăng chúng, không bị tụt hậu hay bỏ rơi ở phía sau.

-
- “Thư viện Học viện có Website, tiện dụng cho Tăng Ni”, https://giacngo.vn/phatgiao- tuoitre/donghanh/2017/10/31/5766D8/
Từ đó đến nay, Ni chúng Việt Nam luôn được theo học cùng trường với Tăng chúng dưới sự day dỗ và hướng dẫn của các vị giáo thọ sư trong cùng một hệ thống giáo dục. Đây là một đặc ân mà không phải Ni giới Phật giáo quốc gia nào cũng có. Vì vậy, với cương vị là một nữ tu sĩ đã được cơ hội học tập và trưởng thành từ Học viện, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn Học viện, biết ơn quý Hòa thượng Viện trưởng sáng lập và Viện trưởng đương nhiệm, biết ơn các giảng sư, biết ơn những người bạn đồng học… Tôi cảm thấy sự học sự hành của mình đã không lãng phí khi hôm nay lại được về đây cống hiến, phụng sự, góp phần vào việc thực hiện sứ mệnh của Học viện, đào tạo những thế hệ Tăng Ni tài đức vì tương lai của Phật giáo nước nhà.
- MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC TẠI HỌC VIỆN
Cũng như giáo dục thế tục là chủ đề luôn thu hút sự chú ý của xã hội, giáo dục Phật giáo cũng là chủ đề được tranh luận sôi nổi trong các Hội nghị Phật giáo. Tại Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ V, tháng 12 năm 2002, Thượng tọa Thích Gia Quang, đại biểu Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã nhấn mạnh: “Giáo dục Phật giáo trong thời hiện tại phải được dựa trên cơ sở giới, định và tuệ. Đối tượng của nền giáo dục này chính là thế hệ Tăng Ni sinh trẻ tuổi, thái độ, kiến thức và tâm tư của các vị. Nó cần phải được cập nhật hóa và trang bị những kỹ thuật hiện đại để hòa nhập được với sự phát triển của quốc gia và của thế giới. Nền giáo dục này mở rộng vòng tay đón nhận và đánh giá cao những kiến thức và lý giải mới của Phật học hiện đại trên thế giới; trong khi đó vẫn tôn trọng vàbảovệ các truyền thống Phật giáo đã lưu truyền hơn 2.500 năm nay.”5
Như Thượng tọa Thích Nhật Từ đã chỉ ra, phải cải cách hệ thống giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự cải cách này chỉ có thể thực hiện khi mỗi đơn vị đào tạo trực thuộc Giáo hội được cải cách. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở đào tạo hàng đầu của Giáo hội ở khu vực phía Nam, cần có sự tiên phong trong quá trình cải cách. Để nâng cao chất lượng

-
- Thích Minh Châu, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, tr. 11.
công tác giáo dục tại Học viện, Học viện cần tiến hành cải cách ở cả nội dung giảng dạy và hình thức truyền đạt kiến thức. Thứ nhất, Học viện cần rà soát lại chương trình đào tạo, cần giảm bớt sự trùng lặp các môn học ở các cấp độ khác nhau, tránh tình trạng học đi học lại nhiều môn học, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu, học nhiều môn nhưng lại không có độ sâu với môn nào. Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc học nhiều môn cùng một lúc là “lối học nhồi nhét”, làm triệt tiêu tư duy và sự sáng tạo của học viên.6 Thứ hai, Học viện cần tổ chức biên soạn và cập nhật giáo án, giáo trình cho các môn học. Thứ ba, Học viện cần nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên thông qua các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy. Điều này đã được Học viện quan tâm và cần được tiếp tục duy trì.
KẾT LUẬN
Có thể nói, từ khi thành lập đến nay trải qua chặng đường 36 năm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua những bước chuyển mình lớn. Những bước chuyển mình đầu tiên được thực hiện bởi Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Thích Minh Châu với việc thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam năm 1983 và chính thức đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997 với nền giáo dục gồm cả Phật học và thế học. Hòa thượng Thích Trí Quảng đã kế thừa và phát huy xuất sắc sự nghiệp mà Hòa thượng Thích Minh Châu để lại. Với tầm nhìn, nhiệt huyết, trí tuệ, Ngài đã giúp mở rộng phạm vi lĩnh vực đào tạo của Học viện, tăng số khoa đào tạo lên 12 khoa, mở thêm bậc học Thạc sĩ và Tiến sĩ, khởi công xây dựng và đưa cơ sở 2 của Học viện đi vào hoạt động. Có thể nói, Hòa thượng Viện trưởng sáng lập và Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm là những danh Tăng, những nhà giáo dục vĩ đại, xuất chúng, đóng góp lớn vào nền giáo dục Phật giáo nói riêng, nền giáo dục nước nhà nói chung. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tự hào khi cả hai Đại lão Hòa thượng của mình được Hội đồng Đại

-
- Thích Nhật Từ, Nghĩ về hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam, http://www.budsas.org/ uni/u-vbud/vbpha293.htm.
học Mahachulalongkornrajvidyalaya Thái Lan trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự về Phật học vào các năm 1996 và 2008.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh coi giáo dục Phật giáo là sứ mệnh thiêng liêng, trọng đại, cấp thiết. Tầm nhìn của Học viện là biến Học viện trở thành trung tâm giáo dục Phật giáo lớn trong khu vực và thực tập Phật pháp lớn nhất trong nước. Với cam kết nỗ lực vượt qua các giới hạn cá nhân, đề cao tiếng nói đồng thuận, thống nhất, trí tuệ tập thể, Học viện có thể trở thành bệ phóng, giúp khai phóng năng lực, mở mang trí tuệ, nơi bồi dưỡng phẩm hạnh cho mỗi người con Phật có cơ duyên đến đây tu học.
***
Tài liệu tham khảo
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh: hình thành và phát triển, video lưu hành nội bộ.
Thích Nhật Từ, “Nghĩ về hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam”, http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha293.htm.
Thích Nhật Từ, “Hướng đến cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam”, https://phatgiao.org.vn/huong-den-cai-cach-giao-duc- phat-hoc-tai-viet-nam-d16977.html.
Thích Minh Châu, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại.
Thích Nữ Như Nguyệt, Giáo dục Ni giới Việt Nam thời hiện đại, báo cáo tại Hội nghị Sakyadhita Quốc tế về Nữ giới Phật giáo tại Hàn Quốc, năm 2006.
“Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh từ quá khứ đến hiện tại”, http://www.vbu.edu.vn/vbunews/ vbunews-detail/AP-202/Hoc-vien-PGVN-tai-TP-HCM:-Tu- qua-khu-den-hien-tai.html.
Phúc Nguyên, “Những bước tiến trong công tác giáo dục – đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, http://btgcp.gov.vn/Plus/ aspx/vi/News/38/0/240/0/1566/Nhung-buoc-tien-trong- cong-tac-giao-duc-dao-tao-cua-Giao-hoi-Phat-giao-Viet-Nam.