GIÁO DỤC PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAMTHỜI HIỆN ĐẠI
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
- GIÁO DỤC PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
Sang thế kỷ XX, nhất là 45 năm đầu thế kỷ XX, giáo dục Phật giáo có sự chuyển hướng, đặc biệt là trong phong trào chấn hưng Phật giáo từ những năm 20 cho đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Thời gian này, tại các Tổ đình, Tự viện lớn ở các vùng miền đều có tổ chức các khóa học từ sơ cấp (cơ bản), đến trung cấp và cao hơn để đào tạo tăng tài, phụng sự cho Giáo hội và đạo pháp, mà các tỉnh ở Nam kỳ (Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Vĩnh Long, An Giang, Rạch Giá…) là những nơi khởi xướng đầu tiên, sau đó mới lan ra Trung kỳ (Huế, Bình Định), và Bắc kỳ (Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng).
- Ở Nam kỳ, trong công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo tại miền đất này, vị danh tăng đầu tiên cần được tôn vinh là Hòa thượng Khánh Hòa. Đương thời Hòa thượng đã du hành khắp các Tổ đình ở Nam kỳ để vận động chấn hưng và kêu gọi các bậc tôn túc trong Giáo hội hưởng ứng, trong số đó có các vị Hòa thượng như: Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh và vị sư trẻ Thiện Chiếu. Các vị này đã cộng tác chặt chẽ với Hòa thượng Khánh Hòa trong suốt thời gian hoạt động của phong trào chấn hưng. Từ đó, một tổ chức tăng sĩ được hình thành: Hội Lục Hòa liên hiệp vào năm 1923 với mục đích là vận động thành lập một Hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc, đây là cơ sở đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo hồi nửa đầu thế kỷ XX, nhưng rất tiếc là cuộc vận động thành lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất của cả nước lại bất thành. Sau đó, Hòa thượng Khánh Hòa chỉ đạo các vị sư Từ Nhẫn, Chơn Huệ, Thiện Niệm tổ chức xây dựng Thích học đường và Phật học thư xã. Chính Hòa thượng Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu còn vận động Phật tử hữu tâm ủng hộ tài chính để mua bộ Tục Tạng kinh gồm 750 bộ cho thư xã. Hòa thượng còn chủ trương ra tờ tập san Phật học bằng Quốc ngữ: Pháp Âm. Đây là tờ tạp chí đầu tiên của Phật giáo trong phong trào chấn hưng. Không bao lâu sau, sư Thiện Chiếu cho ra đời tờ Phật hóa tân thanh niên, nhằm hướng tới giới thanh niên trí thức tân thời. Hòa thượng còn vận động để thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học ở Sài Gòn vào năm 1931, với sự cộng tác của các cư sĩ như Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ, Nguyễn Văn Cần… Tạp chí Từ bi âm của Hội được ra đời trong lúc này. Bên cạnh vai trò hoằng dương chánh pháp thì tờ tạp chí này còn có một đóng góp lớn là phổ thông hoá, đại chúng hóa Phật học qua phương tiện chữ Quốc ngữ.
Năm 1935 tại An Giang, Hội Lưỡng Xuyên Phật học cho ra đời tờ Duy tâm Phật học do Hòa thượng Huệ Quang làm Chủ nhiệm. Tiếp theo năm 1936, Hội Phật học Kiêm tế được thành lập và cho xuất bản Tạp chí Tiến hóa vào năm 1938 do sư Thiện Chiếu làm cố vấn. Bồ đề tạp chí xuất bản năm 1936 tại Sóc Trăng do Hòa thượng Phước Chí làm Tổng biên tập. Cũng trong năm 1936, Hội Thiên Thai Thiền giáo tông ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho xuất bản tờ Tạp chí Bát Nhã âm. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội ở Sài Gòn cho xuất bản Tạp chí Pháp âm Phật học vào năm 1937. Cũng tại Sài Gòn, vào năm 1941, Tạp chí Phật pháp chỉ Niết bàn được ra mắt bạn đọc.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ, bên cạnh các vị sư đã nêu, còn phải kể đến những đóng góp của các vị Hòa thượng như: Liên Tôn, Bích Liên, Trí Thiền với công lao chủ trương hay cổ vũ cho phong trào; viết báo tuyên truyền; thuyết giảng phổ biến tư tưởng Phật pháp, đào tạo tăng tài v.v…
- Ở Trung kỳ, năm 1933, tại Huế, Hội An Nam Phật học được thành lập và xuất bản Tạp chí Viên âm do bác sĩ Lê Đình Thám chủ trương. Sau đó, bác sĩ còn thành lập Đoàn Phật học Đức Dục, một dạng của tổ chức Gia đình Phật tử sau này. Năm 1937 tại Bình Định có tờ Tam bảo chí ra đời, do Hòa thượng Trí Hải làm chủ bút, Hòa thượng Giác Chánh làm Phó Chủ bút.
- Ở Bắc kỳ, tại Hà Nội, Hòa thượng Thanh Thao cho xuất bản tờ Tiếng chuông sớm năm 1935. Cũng trong năm này, tờ Đuốc Tuệ ra đời, do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Trung Thứ làm Chủ bút. Có thể nói đây là tờ báo chủ lực trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở xứ Bắc. Tờ tạp chí này đã quy tụ nhiều tên tuổi trí thức lớn lúc bấy giờ như Đinh Gia Thuyết, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha v.v… Một năm sau, 1938, tờ Tạp chí Quan Âm được xuất bản do cư sĩ Lương Văn Tuân làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.
Chính các Hội Phật học, các lớp và các trường Phật học được mở ra tại các trung tâm vùng miền, các tờ báo Phật giáo ở cả ba miền đã góp phần tích cực trong phong trào vận động chấn hưng Phật giáo hồi nửa đầu thế kỷ, cùng những đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp giáo dục Phật giáo Việt Nam, giúp cho Phật giáo nước nhà chuyển mình để bước sang một trang sử mới.
- GIÁO DỤC PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM TỪ 1945 ĐẾN 1975
Nửa sau thế kỷ XX, từ năm 1946 đến 1954, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, với tinh thần Phật giáo nhập thế, Hòa cùng dân tộc, thực hiện việc hộ quốc an dân, cùng tinh thần Bi - Trí - Dũng mà nhiều vị sư trẻ ở Trung kỳ, Nam kỳ đã được Bổn sư và Giáo hội cho phép, các vị đã cởi cà sa để khoác chiến bào, nhiều vị đã hy sinh vì đất nước. Có được hành động cao cả này là nhờ các vị đã thấm nhuần tinh thần và tinh hoa tư tưởng của nền giáo dục Phật giáo nước nhà do các vị Bổn sư và chư Tổ trao truyền.
Từ sau năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt bởi hiệp định Genève, thì trên miền Bắc, có thể nói Phật giáo vẫn hoạt động nhưng không phát triển là bao. Trong khi đó Phật giáo ở miền Nam có điều kiện phát triển mạnh và có nhiều thành tựu nổi bật. Riêng về lĩnh vực giáo dục, ở bậc giáo dục phổ thông thì tại các tỉnh thành, quận huyện đã có nhiều trường Tiểu học Bồ đề, Trung học Bồ đề do Giáo hội mở ra. Các trường Bồ đề này dạy và học theo chương trình của Bộ Giáo dục (Sài Gòn cũ) đề ra, và học thêm giáo lý Phật giáo mỗi tuần từ 01 đến 02 tiết. Còn giáo dục đại học thì đã có Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập từ năm 1964 với nhiều khoa, phân khoa khác nhau, do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng, đào tạo hai bậc Đại học và Cao học.
Bên cạnh những Phật học viện đã có từ trước vẫn tiếp tục hoạt động trở lại, thì trong giai đoạn này lần lượt có nhiều Phật học viện được thành lập ở các trung tâm lớn như Huế, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Sài Gòn - Gia Định, Cần Thơ, An Giang… để đào tạo tăng tài phụng sự cho Giáo hội và Đạo pháp.
- GIÁO DỤC PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM TỪ 1975 ĐẾN NAY
Sau khi đất nước thống nhất, các vị tôn túc của Phật giáo hai miền đã vận động để thống nhất Phật giáo. Tháng 11 năm 1981, Đại hội Phật giáo được diễn ra tại chùa Quán Sứ Hà Nội thống nhất các tông phái, hệ phái Phật giáo. Từ cái mốc lịch sử này, Phật giáo Việt Nam bước sang trang mới. Từ đây, các tông phái, hệ phái đều sống trong ngôi nhà chung: Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được đề cử và ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp: xã, phường; huyện, quận; tỉnh, thành phố và cao hơn là Quốc hội. Cũng từ đây, Giáo hội Phật giáo có nhiều cơ hội và điều kiện, có nhiều thuận duyên để hoạt động Phật sự, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Sau nhiều năm gián đoạn, đến đây các trường Phật học được phục hưng và hoạt động trở lại, để từ đó ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng, với hệ thống quy mô và bề thế như hiện nay. Có thể nói trong lịch sử giáo dục Phật giáo ở Việt Nam, chưa bao giờ nền giáo dục Phật giáo phát triển với những thành tựu vượt bậc như trong hiện tại. Đặc biệt từ sau năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thống nhất các hệ phái tông phái Phật giáo ở cả hai miền để hoạt động trong một ngôi nhà chung, lần lượt tại các tỉnh thành, Giáo hội đã thành lập các trường Phật học: Sơ cấp và Trung cấp. Còn ở các trung tâm lớn có lớp Cao đẳng và trường Cao cấp (nay là Học viện).
Cũng cần lưu ý là sau ngày đất nước thống nhất, gần 3 năm sau, một sự kiện quan trọng là trên miền Bắc, ngày 01/01/1978, Nhà nước cho phép Hội Phật giáo Thống nhất thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam và trường tu học Phật pháp Trung ương. Còn ở miền Nam, Nhà nước cho phép thành lập Trường Cao cấp Phật học vào năm 1984, để đến năm 1997 nâng cấp thành Học viện Phật giáo Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) do Hòa thượng Thích Minh Châu sáng lập.
Tiếp theo, lần lượt tại trung tâm các vùng miền, các Học viện Phật giáo Việt Nam được Nhà nước cho phép và cấp đất xây dựng, tạo điều kiện để Giáo hội thành lập Học viện như tại Huế, rồi Hà Nội và gần đây là Cần Thơ.
Cũng từ đó, góp phần cho công tác tuyên truyền phổ biến tư tưởng giáo lý nhà Phật, các công tác Phật sự là việc hàng loạt tờ báo, tập san, tạp chí Phật giáo ra đời ở các vùng miền. Trong đó, đáng kể nhất là Tạp chí Văn hoá Phật giáo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương, Tạp chí Nghiên cứu Phật học của Phân viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tạp chí Khuông Việt của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, chuyên san Thế giới Phật giáo của Học viện Phật giáo Việt Nam tạiThành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Tuần báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác ngộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh, một vài tờ tạp chí của các hệ phái cũng ra mắt bạn đọc như Tạp chí Phật giáo Nguyên thuỷ của hệ phái Phật giáo Theravàda (Nam truyền), tờ Hoa Đàm là tiếng nói của nữ giới Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Đạo Phật Khất sĩ của hệ phái Phật giáo Khất sĩ, tủ sách Đạo Phật ngày nay do TT.TS. Thích Nhật Từ chủ trương, và còn nhiều tờ báo, tạp chí, tập san nữa… Nhiều buổi giảng thuyết của các vị Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư diễn ra tại các Thiền viện, Tự viện, Tịnh xá… đã được ghi âm in đĩa CD phổ biến rộng rãi trong xã hội v.v…
Những tờ báo, tạp chí này cùng với những buổi thuyết pháp, những pháp thoại được in đĩa đã có tác dụng và có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phổ cập giáo dục Phật giáo đến toàn cộng đồng xã hội.
Riêng về cơ sở giáo dục Phật giáo với tổ chức trường lớp chặt chẽ, chính quy thì tính đến nay, theo con số thống kê của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (năm 2012), giáo dục Phật giáo đã có những thành tựu đào tạo ở các bậc học như sau1:
- Sơ cấp và Sơ cấp Phật học: có 50 lớp mở tại các địa phương quận huyện trong cả nước, đã đào tạo được 3.500 Tăng Ni sinh; đang đào tạo 2.500 Tăng Ni sinh. Và 36 lớp Sơ cấp Phật học Pali Khmer có 2.777 Tăng sinh đang theo học.
- Trung cấp Phật học trong cả nước hiện có 35 trường mở tại các trung tâm tỉnh thành, trong đó có 30 trường nội trú; đã đào tạo được 7.315 Tăng Ni sinh; đang đào tạo 2.611 Tăng Ni sinh. Trung cấp Pali có 03 trường và 95 lớp; có 5.197 Tăng sinh theo học; đã đào tạo 2.700 Tăng sinh.
- Cao đẳng Phật học hiện có 08 lớp đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu; đã đào tạo được 1.056 Tăng Ni sinh; đang đào tạo 690 Tăng ni sinh.
- Bậc Cử nhân Phật học thì có 04 Học viện Phật giáo được thành lập tại bốn trung tâm lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và Cần Thơ (Học viện Phật giáo tại Cần Thơ là Học viện Phật giáo Nam tông Khmer). Các Học viện này đào tạo theo chương trình 4 năm, Tăng Ni sinh tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân Phật học theo chuyên ngành đã học. Hiện đã đào tạo 4.826 Tăng Ni sinh; đang đào tạo 1.684 Tăng Ni sinh.
- Bậc Sau đại học thì hiện chỉ được Nhà nước cho phép mở thí điểm hệ Cao học Phật học để cấp bằng Thạc sĩ ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang đào tạo, chưa tốt nghiệp, có khoảng gần 200 học viên đang theo học.
- Cũng cần phải kể đến lớp đào tạo Trung cấp giảng sư và Cao cấp giảng sư do Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, cơ sở đặt tại chùa Hòa Khánh quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Lớp học này đến nay đã đào tạo được 5, 6 khóa/mỗi bậc học, mỗi khóa có từ trên 100 đến dưới 200 Tăng Ni sinh theo học, sau 3 năm học xong Trung cấp giảng sư, Tăng Ni sinh mới được theo học tiếp Cao cấp giảng sư cũng với thời gian đào tạo là 3 năm.
- Bên cạnh, cần phải tính thêm số lượng không nhỏ Tăng Ni sinh đang theo học chương trình Cao học để lấy bằng Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh để lấy bằng Tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo Sau đại học ở trong nước và ở nước ngoài, riêng du học nước ngoài, nhiều nhất và chủ yếu là ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar… dù chưa thể thống kê chính xác, nhưng đối tượng vừa nêu có thể lên đến vài ba trăm vị.
Điều mà chúng tôi còn băn khoăn là dù Giáo hội Phật giáo được Nhà nước và Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép mở trường các cấp, đào tạo và cấp văn bằng các bậc học. Và hệ thống giáo dục Phật giáo do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương quản lý, nhưng văn bằng chỉ có giá trị trong nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứ không có giá trị tương đương như văn bằng các bậc học theo chương trình do Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý, mà Hiệu trưởng các trường công nhận và cấp văn bằng.
Ở các Chủng viện Thần học của Giáo hội Thiên Chúa giáo cũng vậy, nghĩa là văn bằng được Chủng viện cấp và chỉ có giá trị trong nội bộ Giáo hội Thiên Chúa giáo. Lấy ví dụ về văn bằng Cử nhân Phật học hay Cử nhân Thần học. Theo tôi được biết, ở nước ngoài người ta đã công nhận những văn bằng này của Giáo hội. Những tu sĩ đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học (đối với Học viện Phật giáo), hay Cử nhân Thần học (đối với Chủng viện Thần học) thì khi sang du học ở một nước nào đó theo hệ Cao học (lấy bằng Thạc sĩ) hay Nghiên cứu sinh (lấy bằng Tiến sĩ), nếu học đúng chuyên ngành thì vẫn được hệ thống giáo dục các nước đó thừa nhận, đồng ý cho học, nếu người học có đủ năng lực và bằng cấp hợp lệ.
Nước ngoài thì công nhận văn bằng của Giáo hội, trong khi đó ở trong nước thì Bộ Giáo dục & Đào tạo lại chưa công nhận như một văn bằng tương đương. Chẳng hạn, một vị tu sĩ đã tốt nghiệp Cử nhân tại Học viện Phật giáo, muốn học tiếp Thạc sĩ đúng hay gần với chuyên ngành đào tạo Cao học (như Thạc sĩ Đông phương học, Triết học Đông phương chẳng hạn) tại một cơ sở đào tạo Sau đại học nào đó ở trong nước thì lại không được; vị đó muốn học Thạc sĩ thì phải có bằng Cử nhân do trường Đại học cấp (dù là văn bằng 2 hay bằng Đại học tại chức) mà trường này phải nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý, và phải học bổ sung một số môn bắt buộc để bổ túc kiến thức, nhằm chuyển đổi tương đương. Vấn đề này sẽ được chúng tôi trình bày ở mục tiếp theo khi đề xuất việc cải cách, cải tiến chương trình đào tạo và quản trị giáo dục Phật giáo.
- MỘT VÀI KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở điểm lại một cách sơ lược về giáo dục Phật giáo qua các giai đoạn lịch sử, để từ đó, chúng tôi nêu lên mấy suy nghĩ bước đầu cùng đề xuất vài vấn đề cần cải tiến hệ thống giáo dục Phật giáo nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thời đại hiện nay như sau:
-
- Cần cải tổ hệ thống tổ chức Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, cải tiến vấn đề Quản trị giáo dục Đại học Phật giáo
Được biết theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và theo Quy chế hoạt động của Giáo hội thì toàn bộ công tác giáo dục và đào tạo của Phật giáo do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương quản lý, chỉ đạo. Tôi cũng được biết, xuất phát từ tinh thần từ bi hỷ xả, từ hạnh sống lục Hòa mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự từ Trung ương đến địa phương theo kiểu mặt trận, tức phân bổ đều ở các cấp, lại kiêm nhiệm nhiều công việc trong cùng một lúc.
Xin chỉ nói riêng ở Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, có thể thấy: Hòa thượng Trưởng ban đồng thời là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, lại đồng thời là Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Các vị Phó Trưởng ban cũng kiêm nhiệm nhiều việc như thế, ví dụ: HT Phó Trưởng ban, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, lại đồng thời là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; có vị Hòa thượng là Phó Chủ tịch kiêm Viện trưởng Học viện Phật giáo và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học, kiêm một Trưởng ban của Hội đồng Trị sự… Đó là chưa kể các vị còn bao nhiêu công việc Phật sự khác ở địa phương và tại Thiền viện, Tự viện nơi các vị đang trụ trì. Các vị Thường trực, Chánh phó thư ký, Uỷ viên cũng nhận nhiều kiêm nhiệm như thế.
Tất cả được cơ cấu nhân sự theo kiểu mặt trận như Trưởng, Phó ban Giáo dục của các tỉnh thành; các chức sắc ở 04 Học viện Phật giáo phải là các Uỷ viên của Ban, v.v... Về cơ cấu nhân sự, không riêng gì Ban Giáo dục Tăng Ni mà các Ban khác cũng vậy, nói chung là rất đông, có đến ba, bốn có khi đến trên năm mươi vị, mà chủ yếu là kiêm nhiệm rất nhiều, trong khi nhân sự chuyên trách cho từng đầu việc thì hầu như lại thiếu vắng. Thiết nghĩ các vị lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự nên chăng cần cải tiến, cải tổ lại hệ thống cơ cấu tổ chức của các Ban, trong đó có Ban Giáo dục Tăng Ni, theo thiển ý như sau:
- Tinh giảm sao cho bộ máy gọn nhẹ, thiết nghĩ không phải bất cứ Trưởng, Phó ban nào ở cấp tỉnh thành, ở Học viện nào cũng được cơ cấu vào Ban, mà phải chọn lọc sao cho tinh gọn, chọn người hợp khả năng và đúng chuyên môn.
- Về thành phần cơ cấu, bên cạnh chọn người có phẩm hạnh tốt, có chuyên môn cao là tiêu chuẩn hàng đầu, các vị còn phải là người biết và thạo công việc, nhiệt tình với Phật sự. Nên cơ cấu chuyên trách nhiều hơn là kiêm nhiệm.
- Lãnh đạo Giáo hội nên mạnh dạn mời những vị cư sĩ có tâm với Phật sự, có trình độ chuyên môn cao (tức có học hàm, học vị) và có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, để cơ cấu vào Ban Giáo dục Tăng Ni. Được biết, từ năm 1981 đến nay, ở Ban Hoằng pháp và Ban Giáo dục dường như Giáo hội Trung ương không cơ cấu thành phần cư sĩ vào hai ban này. Điều này khác với Giáo hội Ấn Quang trước năm 1975. Nếu có sự đồng thuận của Chư vị giáo phẩm, thì tôi xin tự nguyện tham gia và cố gắng vận động một số chuyên gia đồng nghiệp có đạo tâm cùng thực hiện nhiệm vụ này, chú ý là tất cả đều làm công quả cho Giáo hội chứ không đòi hỏi quyền lợi gì, và sẽ cùng với Chư vị lãnh đạo Ban để suy nghĩ và thiết kế chương trình khung, tổ chức biên soạn sách giáo khoa, giáo trình các bậc đào tạo Phật học.
- Trên cơ sở đó, Trưởng ban phân công các thành viên trong Ban phụ trách các đầu việc: Theo dõi và kiểm tra từng bậc học (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học); Biên soạn chương trình khung; giáo trình - sách giáo khoa, tài liệu tham khảo các môn cho các bậc học; Theo dõi chất lượng đội ngũ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; Tổ chức hội giảng hàng năm giữa các trường cùng cấp để khích lệ và thúc đẩy tinh thần tự giác nâng cao trình độ chuyên môn; Tổ chức hội thảo khoa học trong Ban khoảng 2 năm/một lần.
- Hoạt động của Ban cần có sự đồng bộ và nhất quán từ Trung ương đến địa phương: tỉnh thành, quận huyện; từ Ban đến các Học viện, trường Cao đẳng, trường Trung cấp, trường Sơ cấp. Muốn vậy phải có quy chế, nội quy hoạt động cụ thể cùng những biện pháp tiến hành sao cho khoa học và thực tế.
-
- Cần cải tiến, bổ sung, cập nhật chương trình giáo dục Phật giáo ở các bậc học, từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng đến Đại học và Sau đại học, nhất là chương trình đào tạo Đại học và Sau đại học để đáp ứng tốt hiện thực mới của thời đại.
Hiện tôi được biết Ban Giáo dục Tăng Ni đã có Dự thảo Quy chế Giáo dục Phật giáo Việt Nam; Quy chế đào tạo liên thông trình độ Cao đẳng và Đại học; Chương trình Trung cấp Phật học; Chương trình Cao đẳng Phật học; Chương trình Cử nhân Phật học; Chương trình Thạc sĩ Phật học. Đây là một nỗ lực rất lớn của Ban, nhưng xem ra việc này cần phải đầu tư vắt óc suy nghĩ và tốn nhiều công sức mới có thể có một Quy chế và bản chương trình khung của các bậc học sao cho hoàn thiện. Tôi nói như thế là bởi thấy bản Quy chế và Chương trình còn đơn giản quá, chỉ nêu được nội dung trọng tâm trọng điểm, chẳng hạn chương trình khung các bậc học chỉ nêu yêu cầu tổng quát và cấu trúc chương trình với các môn học cụ thể (chỉ tính dung lượng số trang là còn giản lược: bản Quy chế Giáo dục Phật giáo: 15 trang A4; Quy chế đào tạo liên thông: 06 trang A4; Chương trình Trung cấp Phật học: 02 trang; Chương trình Cao đẳng Phật học: 03 trang; Chương trình Cử nhân Phật học: 05 trang; Chương trình Thạc sĩ Phật học: 08 trang).
Trên cơ sở đó, thiết nghĩ, lãnh đạo Ban nên lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng chương trình, các nhà khoa học có liên quan để hoàn thiện chương trình khung với lượng thời gian cụ thể cho từng bậc học, từng năm học, sao cho khoa học và đạt được mục tiêu của yêu cầu giáo dục mà Giáo hội Phật giáo đã đề ra.
Tôi nghĩ, chương trình khung của hệ Trung cấp (3 năm), hệ Cao đẳng (2 năm) như Ban đã đề ra là vừa sức và khoa học, nhưng cần có định hướng cụ thể hơn. Riêng chương trình của hệ đào tạo Cử nhân và Thạc sĩ thì cần nên xem lại và cân nhắc thêm. Chương trình Cử nhân hiện được chia thành 5 nhóm kiến thức: giáo dục đại cương; cơ sở Phật học; bổ trợ chuyên ngành Phật học; ngoại ngữ bổ trợ; chuyên ngành Phật học. Dù trong chương trình có tính đến đặc thù của từng khoa nhưng lại đưa ra một khung bắt buộc trong 4 học kỳ (từ học kỳ 5 đến học kỳ 8), mỗi học kỳ học 5 môn chuyên sâu về Phật học, mỗi môn 45 tiết. Đành rằng, những môn học bắt buộc chung cho tất cả các khoa khi đã phân chuyên ngành là rất tốt, thiết thực, khoa học và bổ ích, nhưng các khoa còn thời gian đâu nữa mà bố trí thêm môn học chuyên ngành đặc thù của khoa?
Dường như trong bản chương trình khung này chỉ dùng để đào tạo Cử nhân Phật học chung nhất chứ chưa tính đến chuyên ngành từng khoa. Có lẽ khi biên soạn nên chú ý chỉ cần 3 khối kiến thức: khối kiến thức giáo dục đại cương; khối kiến thức giáo dục cơ sở; khối kiến thức giáo dục chuyên ngành. Trong đó giáo dục đại cương và giáo dục cơ sở nên bố trí trong 3 học kỳ đầu. Sau đó phân chuyên ngành, và khối chuyên ngành cần học trong 5 học kỳ thì mới có thể đạt chất lượng chuyên sâu (hiện nay, khi đi vào chuyên ngành, các Học viện chỉ bố trí học 4 học kỳ, tức năm 3 và 4; còn năm 1 và 2 thì học chương trình đại cương và cơ sở). Trong chương trình khung, nên bổ sung thời lượng học đầy đủ các môn chung (thuộc khối giáo dục đại cương, giáo dục cơ sở) với nội dung, thời lượng, yêu cầu môn học, kết quả đạt được, y như chương trình đào tạo đại học của Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý. Đây là yếu tố đầu tiên và cũng là cơ sở khoa học để xin phép Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận văn bằng Cử nhân Phật học ngang cấp hay tương đương với và có giá trị như các văn bằng Cử nhân khác do các trường Đại học cấp theo sự phân nhiệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Bên cạnh, cũng nên chú ý tăng cường nâng cao học bổ sung các môn văn hóa cơ bản như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Ấn Độ, Lịch sử các nước Đông Á, Lịch sử văn học Việt Nam, Văn hoá Phật giáo, đặc biệt là Tiếng Việt thực hành. Bởi qua thực tế rất nhiều năm giảng dạy tại Học viện Phật giáo, chúng tôi thấy Tăng Ni sinh còn thiếu và yếu về kiến thức mảng này, riêng về hành văn diễn đạt, chính tả thì đa phần chưa thông, chưa gãy gọn, chặt chẽ, mà tiếng Việt chưa thạo thì làm sao học viên có thể viết luận văn tốt nghiệp cho hoàn chỉnh được?. Về thời lượng, hiện tại, các trường đại học trên thế giới và ở nước ta đang giảm tải, tinh lọc, chương trình khung được thiết kế theo học chế tín chỉ, và chỉ còn 141-142 tín chỉ thôi, mỗi tín chỉ 15 tiết, mỗi tiết 50 phút. Nên chăng khi thiết kế chương trình khung đại học, Ban Giáo dục Tăng Ni cũng phải tính đến thời lượng này. Về chương trình đào tạo Cao học để nhận học vị Thạc sĩ Phật học, với bản Dự thảo, theo tôi là quá nặng nề, dù tôi vẫn biết học viên được học nhiều thì càng tốt, nhưng liệu trong 2 năm với dung lượng kiến thức nhiều như thế, liệu học viên có tiếp thu hết hay không? Cụ thể như sau: Kiến thức chung 09 tín chỉ; Kiến thức cơ sở ngành 12 tín chỉ; Kiến thức tự chọn2 16 tín chỉ (gồm Phật giáo Nguyên thuỷ [16 tín chỉ; Phật giáo bộ phái [16 tín chỉ]; Phật giáo Đại thừa - Phát triển [16 tín chỉ]; Luận văn tốt nghiệp [10 tín chỉ]. Tổng cộng: 09 + 12 + 16 + 10 = 47 tín chỉ. Trong chương trình quy định mỗi môn 3 tín chỉ, tức 45 tiết. Theo tôi, để có thể được Bộ Giáo dục & Đào tạo dễ dàng công nhận văn bằng Thạc sĩ Phật học tương đương và có giá trị như những văn bằng Thạc sĩ khác do Bộ quản lý, nên chăng phải bổ sung các môn: Tin học cấp độ B; Ngoại ngữ cấp độ B2 Châu Âu, hoặc Toefl trình độ đầu vào 450, đầu ra là 500; Triết học 120 tiết (chứng chỉ Triết học nên mời thỉnh giảng từ các trường có đào tạo Sau đại học); Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Còn các môn chuyên ngành thì nên học từ 15 đến 18 môn học chuyên sâu của chuyên ngành, mỗi môn chỉ thiết kế 02 tín chỉ.
-
- Cần biên soạn sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu tham khảo các môn học của chương trình các bậc học để dùng thống nhất trong các trường Phật học của cả nước. Hiện tại, theo tôi được biết tại các trường thuộc hệ thống giáo dục Phật giáo, trong chương trình đào tạo về cơ bản là khá tương đồng với chương trình khung, bởi để khỏi tốn kinh phí thỉnh giảng, các trường tự thiết kế cho mình giảng dạy cái mà mình đã có để có thể đảm nhiệm chứ chưa tính đến lô-gic chương trình đào tạo với chất lượng của nó. Hiện tại tôi cũng chưa rõ là nội dung chương trình khung các bậc học mà Ban Giáo dục Tăng Ni đề ra, các trường thực hiện như thế nào, có đúng chương trình khung hay chưa? Hiện tại cũng chưa có một bộ sách giáo khoa, giáo trình thống nhất dùng chung cho các trường Phật học các cấp. Việc này, kính đề nghị Ban Giáo dục Tăng Ni cần gấp rút có kế hoạch và nên tổ chức một Hội nghị mở rộng, mời thêm các cư sĩ chuyên gia để bàn và phân công biên soạn đầy đủ, có hệ thống bộ sách giáo khoa, giáo trình môn học của các bậc học thuộc giáo dục Phật giáo để dùng chung cho cả nước.
-
- Cần bồi dưỡng tri thức, kỹ năng sư phạm và tinh lọc đội ngũ giảng dạy (giáo thọ sư) ở nhà trường Phật học của các bậc đào tạo, nhất là ở Học viện. Việc này, hiện tại dù các trường Phật học có chú ý, nhưng thành thực mà nói thì làm chưa triệt để, chưa đến nơi đến chốn. Tôi được biết có nhiều giảng viên ít hoặc không có khả năng sư phạm. Bỏ thì thương mà vương thì tội, ta lại sống theo hạnh lục Hòa, vị tha, vì thế nên có kế hoạch tinh chọn và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ này để họ có thể đáp ứng được yêu cầu giáo dục mà Giáo hội đã đề ra.
- Nên chăng tại các Học viện Phật giáo mở thêm một khoa mới: Khoa Sư phạm Phật giáo. Để đáp ứng yêu cầu giảng viên cho các trường Phật học các bậc học, có lẽ tại các Học viện Phật giáo, bên cạnh các khoa đã có, cần mở thêm khoa Sư phạm Phật học, y như các khoa Sư phạm của trường Đại học hay trường Đại học Sư phạm của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã làm. Và như thế, Ban Giáo dục Tăng Ni nên tham khảo chương trình khung của nhà trường Sư phạm để thiết kế chương trình sao cho khoa học và hợp lý.
- Trên cơ sở những gì vừa nêu, nhất là bổ sung vào chương trình đào tạo hệ Cử nhân và Thạc sĩ những môn học thuộc khối kiến thức đại cương, khối kiến thức cơ bản y như chương trình khung do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành, đây là nền tảng và cũng là cơ sở pháp lý để Giáo hội tích cực vận động sao cho để được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận học vị Cử nhân Phật học, Thạc sĩ Phật học có giá trị như học vị Cử nhân, Thạc sĩ của các trường Đại học do Bộ quản lý, nhằm tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh trong Giáo hội có điều kiện học tập nâng cao trình độ khi đăng ký học Cao học và Nghiên cứu sinh tại các trường Đại học của Bộ sau khi tốt nghiệp Cử nhân Phật học, Thạc sĩ Phật học.
***
Tài liệu tham khảo
Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, tập 3, mục
Khoa mục chí phần I, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961.
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, tái bản, 1994.
Nguyễn Công Lý, Giáo dục, Khoa cử và Quan chế ở Việt Nam thời phong kiến, thời Pháp thuộc, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Dự thảo Quy chế Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Quy chế đào tạo liên thông trình độ Cao đẳng và Đại học; Chương trình Trung cấp Phật học; Chương trình Cao đẳng Phật học; Chương trình Cử nhân Phật học; Chương trình Thạc sĩ Phật học, Hà Nội, tháng 5/2012 (Tài liệu in vi tính).