KHÓA TU MÙA HÈ - MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC NHÂN CÁCH CHO GIỚI TRẺ HIỆN NAY
TS. Lương Minh Chung
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh giá trị văn hóa truyền thống, người ta nhận thấy nhiều giá trị mới giao thoa, nhập tịch và tác động không nhỏ đến giới trẻ. Trước thực tế ấy, lựa chọn một lối ứng xử phù hợp, giàu giá trị nhân văn giúp giới trẻ học tập, hoàn thiện nhân cách và giúp cho cộng đồng phát triển là một nội dung được nhiều người quan tâm. Trong đó, dù muốn hay không, người ta cũng phải thừa nhận những lợi ích của khóa tu mùa hè ở một số chùa có sức hút và có sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Tìm hiểu nội dung giáo dục Phật giáo, cách thức triển khai trong thực tế và nhận diện, đưa ra những giải pháp gợi ý cho khóa tu mùa hè là ba nội dung quan tâm của bài viết này.
- NHỮNG CHUYỂN BIẾN CỦA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA KHÓA TU MÙA HÈ
Thực tế cho thấy, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường, kéo theo việc hình thành một số giá trị mới. Trong đó, yếu tố tăng trưởng ngày càng nổi lên. Người ta coi tốc độ tăng trưởng là mục tiêu thứ nhất.

![]()
*. Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuy nhiên, hệ lụy của việc tăng trưởng quá nhanh sẽ tạo ra những gánh nặng về môi trường, sự phân hóa giàu nghèo và khó đảm bảo về an sinh xã hội. Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế là điều tất yếu, bình thường của một nền kinh tế chuyển từ giai đoạn bao cấp sang giai đoạn hội nhập, thịnh vượng. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những bức xúc về mặt xã hội. Quan sát các nước theo đạo Phật trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, chúng ta thấy sự vận động ấy chậm hơn. Chính sự “xô đẩy” của cơ chế thị trường làm cho các giá trị về hiểu biết, tôn trọng, sáng tạo và tự do phần nhiều bị ảnh hưởng. Tăng trưởng kinh tế cũng tác động không nhỏ đến một bộ phận giới trẻ, khiến họ bị cuốn trôi theo lối sống thực dụng, tha hóa, vô cảm, chạy theo đồng tiền.
Mặt khác, trong bối cảnh phát triển của văn hóa truyền thông đa phương tiện, giới trẻ cũng dễ dàng tiếp nhận một giao diện rộng về thông tin, kiến thức. Học có nhiều cơ hội chuẩn bị những tri thức, kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy sự phát triển của truyền thông thiếu định hướng làm cho nhiều giá trị văn hóa đẹp đẽ bị mai một, thậm chí xuống cấp. Với sự ảnh hưởng của phim ảnh, game, mạng xã hội dày đặc khiến cách nhìn, cách nghĩ của họ bị ảnh hưởng, vênh lệch phần nào. Chính sự tác động của thông tin bên ngoài đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý giới trẻ, gây ra nhiều lo lắng, trăn trở đối với các bậc cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng cho con em phát triển hài hòa về trí tuệ, cảm xúc và thẩm mĩ. Hơn nữa, “Tài liệu Giáo dục công dân” ở trường phổ thông còn mang tính hàn lâm, nặng về lý thuyết. Xét về cấu trúc, người ta thấy môn học này được chia làm hai học kỳ. Học kỳ I dành cho giáo dục đạo đức. Học kỳ II dành cho việc giáo dục ý thức chấp hành luật pháp, ý thức công dân. Vì thế, nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh còn gián đoạn và chưa liên tục.
Thực tế cho thấy, Thiên Chúa giáo, Phật giáo đảm nhận một phần nội dung giáo dục đạo đức. Cách làm của nhà thờ và các chùa hiệu quả và thành công hơn vì những giá trị ấy gần gũi, sinh động và có tác dụng an ủi con người bằng niềm tin. Rộng hơn nữa là cách “thực hiện thế giới trong tinh thần cảm thông với một tình cảm và thú vui hòa bình”1. Vì thế, việc nắm bắt tâm lý tuổi vị thành niên, xác định nội dung giáo dục đạo đức là trách nhiệm chung của xã hội. Trong đó, việc giáo dục những giá trị đạo đức Phật giáo trong khóa tu mùa hè đã được nhiều gia đình quan tâm. Nói cách khác, giáo dục đạo đức Phật giáo là bồi dưỡng cho người học thực hành trên ba phạm trù: tu, học và hạnh, giúp giới trẻ nhận thức sâu sắc hiện tại, điềm tĩnh và an bằng khi hướng tới tương lai. Giáo dục Phật giáo giúp người ta hiểu được cốt lõi của sự tu hành, còn gọi là ba thắng học: Giới học, Định học và Huệ học. Giới học tức là tích thiện, hay còn gọi là điều răn, phòng ngừa điều ác do thân - khẩu - ý sinh ra. Định học tức là tập trung định hướng loại trừ tạp niệm, tạo sự an bằng, thanh sạch cho tinh thần. Huệ học tức là khả năng thấu hiểu, nỗ lực tu tâm dưỡng tính, giác ngộ nhằm đạt đến sự trong suốt về trí tuệ. Ba phạm trù trên giúp chúng sinh tu học, trau dồi và gìn giữ như là “lý tưởng sống của Phật tử”2. Dựa vào khuôn phép ấy, mỗi thiền sinh nỗ lực phấn đấu không ngừng nhằm đạt đến cảnh giới an lạc tự tại trong cuộc sống. Từ giao diện trên, chiếu vào việc giáo dục đạo đức của Phật giáo cho giới trẻ qua khóa tu mùa hè, chúng tôi nhận thấy rằng, khi nào bậc tu hành thực hiện thành công một bài giảng hấp dẫn, khi ấy họ sẽ góp thêm một lần đánh thức những giá trị tốt đẹp.
- KHÓA TU MÙA HÈ - KHƠI DẬY NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP
Nền tảng của triết lý giáo dục Phật giáo là giúp chúng sinh nhận ra nguyên nhân của nỗi khổ và con đường tu hành xuất - xử cứu vớt chúng sinh và cứu giúp cả muôn loài. Do cái gốc của Phật giáo là tính thiện, nên khi du nhập vào Việt Nam, Thiền học đã tích hợp với tín ngưỡng bản địa người Việt, với truyền thống yêu nước thương nòi, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước thịnh trị thái bình tạo nên những giá trị nhân văn vạm vỡ. Nhìn từ góc độ lịch sử - tư

-
- Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 233.
- Thích Mãn Giác, Đạo đức học Đông Phương, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 133.
tưởng, chúng ta nhận thấy ba yếu tố Nho - Phật - Lão ở Việt Nam luôn dung hợp, hòa quyện vào nhau, tạo thành hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt. Đó là triết lý tu thân của Nho giáo, lòng từ bi của Phật giáo và cách ứng xử nhẹ nhàng của Đạo giáo. Trong bối cảnh xã hội bị chi phối bởi cơ chế thị trường, khóa tu mùa hè chính là sự khơi dậy, đánh thức và phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ. Nói cách khác, đây là sự phục hồi lại những giá trị phổ quát của nhân loại, là cách bồi dưỡng cho thiền sinh một nhân sinh quan góp phần hoàn thiện bản thân mình.
Trước hết, khóa tu mùa hè góp phần giáo dục lòng từ bi cho thiền sinh. Theo quan niệm của đạo Phật, lòng từ bi của đức Phật là vô biên. Từ bi tức là khả năng nhận biết nỗi khổ của côn trùng, cây cỏ, con người, đồng thời có khát vọng giác ngộ mãnh liệt nhằm giải thoát cho chúng sinh và bản thân. Bồi dưỡng lòng từ bi cho thiền sinh là phương cách góp phần gia tăng trí tuệ. Đạo Phật nhìn quá trình hoạt động của con người như một sự tương tác giữa lục thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và lục cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp). Trong đó, phần ý thức trong sáng, không bị phiền tạp bởi chấp ngã, tham, sân, si chính là hiện hữu của trí huệ.
Tiếp nữa, khóa tu mùa hè còn giúp người học có cơ hội trải ng- hiệm thanh tịnh nơi cửa Phật, sân chùa giúp thiền sinh tìm lại sự an bằng, thư thái trong tâm hồn. Thiền sinh sẽ được cảm nhận vị thuần khiết của ăn chay, biết tuân thủ giờ giấc, có ý thức rèn luyện thân thể; biết tôn trọng, hòa đồng với mọi người xung quanh. Từ đó, nhân lên tình yêu thương, niềm lạc quan, suy nghĩ tích cực, có ý nghĩa về gia đình và xã hội. Thêm nữa, với một xã hội đang chuyển mình hối hả theo hướng công nghiệp, thì dù muốn hay không nhiều bậc cha mẹ vẫn bị cuốn vào đó, khiến thời gian dành cho con cái là không nhiều. Cũng vậy, với áp lực học tập, thi cử quá tải khiến nhiều học sinh không còn thời gian giải trí, nghỉ ngơi và dành khoảng lặng cần thiết cho bản thân. Trong bối cảnh ấy, khóa tu mùa hè còn là nơi hóa giải những căng thẳng, giúp thiền sinh sống chậm, suy nghĩ sâu sắc và chín chắn hơn.
Cũng vậy, bồi dưỡng nền tảng đạo đức cho con người phải bắt đầu từ ứng xử của con cái trong tổ ấm gia đình. Vì thế, khóa tu mùa hè khắc sâu vào nhận thức của thiền sinh phạm trù đạo đức hiếu hạnh. Hiếu hạnh có nội dung rộng, nhưng theo cách nhìn của chúng tôi ở đây là tấm lòng tôn kính, biết ơn tổ tiên ông bà; công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, có ý thức phấn đấu học tập, làm việc siêng năng, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn nề nếp gia đình, còn gọi là hiếu thuận. Thiền sinh biết nhận ra chữ hiếu là cực thiện, chữ bất hiếu là cực ác. Về phương diện bổn phận và trách nhiệm, lòng hiếu thảo của con cái không chỉ ở việc quan tâm, phụng dưỡng về vật chất, mà rộng hơn nữa là ý thức trợ duyên, khích lệ, an ủi về mặt tinh thần giúp cha mẹ thực hành nghe pháp, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật.
Một nội dung quan trọng trong việc giáo dục đạo đức là cắt nghĩa cho thiền sinh hiểu sâu hơn cội nguồn của cái thiện. Chẳng hạn, khi xem những bài giảng của các Thiền sư trên kênh YouTube, chúng tôi nhận thấy những bậc thầy giảng pháp thường lấy ví dụ từ chuyện cổ tích, hay lời cảnh tỉnh của người xưa, giúp thiền sinh nhận ra những bài học về quy luật nhân quả, về lẽ công bằng. Tất nhiên, để phân biệt, những bậc tu hành thường phải cắt nghĩa cho thiền sinh hiểu như thế nào là cái ác. Cái ác là những điều gây buồn khổ, có hại cho người khác và cho chính mình, còn cái thiện là cái hữu ích, tốt lành, an vui. Dạy cho thiền sinh hiểu về cái thiện, không phạm vào năm điều trái nghịch, không làm mười điều ác, nên làm mười điều lành. Đối với thiền sinh vị thành niên, nên giải thích cặn kẽ vì sao chúng ta nên phóng sinh, bố thí, tịnh hạnh. Vì sao mỗi người nên nói lời chân thật, ngay thẳng, dịu ngọt; nên mở lòng từ bi, nhẫn nại, suy nghĩ cẩn thận. Người làm việc thiện ở hiện tại vừa đem lại niềm hạnh phúc cho bản thân, vừa gieo những hạt giống thiện lành, cần thiết cho tương lai.
Bên cạnh đó, nhà chùa còn hướng dẫn cho thiền sinh thực hành pháp môn niệm Phật, ngồi Thiền. Niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” giúp am tường sâu sắc về Giới, Định, Huệ, nhằm giải thoát xoa dịu cho chính mình và người xung quanh khỏi những phiền não. Niệm Phật khởi từ tâm, nhiếp tâm thành ý, giúp cho thiền sinh tín niệm, nhẫn nại. Niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” là góp phần giữ cho tâm an trú nơi câu pháp ngôn, tránh sự bấn loạn, chìm trong mê tối. Niệm Phật, ngồi Thiền giúp chúng ta cảm nhận được cái yên ổn, thanh bình, biết quý trọng những khoảnh khắc của hơi thở, của tồn tại và cái lay thức vi diệu bên trong của con người trên hành trình giác ngộ Phật pháp.
Rõ ràng, bài dạy của nhà chùa đã mở ra những lớp lang về nhận thức, từ cái riêng đến cái chung. Nói cách khác, nhà chùa đã dạy cho thiền sinh bài học ứng xử, hiểu về chân giá trị của đạo làm người thông qua các mối quan hệ xã hội. Dĩ nhiên, các mối quan hệ xã hội phải được xây dựng trên triết lý ở hiền gặp lành. Ở hiền là cách ứng xử nhẫn nại, biết quan tâm đến người thân trong gia đình; thành tâm với tổ tiên, họ hàng; thật thà, bình dị với bạn bè; cảm thông với những người có cảnh ngộ không may mắn. Mở rộng ra, người ở hiền là người sống nghĩa tình, biết chia sẻ khó khăn với hàng xóm láng giềng; tôn trọng nội quy tập thể, có ý thức xây dựng đời sống văn hóa của khu phố, thôn, ấp. Ở hiền gặp lành là một phẩm chất đạo đức, nhân cách kết tinh có tầm ảnh hưởng tới người xung quanh, góp phần làm lan tỏa, nhân lên những giá trị phẩm chất tốt đẹp của con người trong cộng đồng.
Thêm nữa, những năm gần đây, trong bối cảnh biến đổi bất thường của khí hậu, việc giáo dục cho thiền sinh biết chung sống hòa đồng với cỏ cây hoa lá, chim chóc muông thú, có ý thức chăm sóc bảo vệ rừng, không xả rác thải nhựa ra môi trường và xem đó là trách nhiệm của công dân trong việc giữ gìn sự sống. Đến với khóa tu mùa hè, thiền sinh sẽ được hít thở trong môi sinh thanh sạch, tĩnh lặng, thanh bình. Đồng thời, nhận ra muôn mặt đắp đổi luân hồi của chúng sinh, hiểu “cái nhẹ vượt lên và hiệp lại thành Trời, cái nặng thì chìm xuống thành Đất”3. Mặt khác, thiền sinh còn nhận

-
- Đoàn Trung Còn, Lịch sử nhà Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2011, tr. 229.
ra rằng, không gian nhà chùa là một bối cảnh của tồn tại hoàn toàn khác biệt với cuộc sống hàng ngày. Bởi đến với khóa tu mùa hè, thiền sinh không chỉ học được những kỹ năng rèn luyện sức khỏe từ lợi ích của việc ăn chay, tập thể dục, cách mặc y phục sao cho kín đáo, nhã nhặn, phù hợp, mà còn rèn cho mình kỹ năng tự phục vụ bản thân. Chính các kỹ năng trên sẽ giúp thiền sinh cân bằng nhịp nhàng giữa cái động và cái tĩnh. Đồng thời, vừa giữ cho hơi thở trong lòng thêm khỏe khoắn, trong suốt, vừa hiểu về sự gắn bó mật thiết của bản thân mình với thiên nhiên.
Một nội dung quan trọng nữa không thể thiếu trong khóa tu mùa hè là trang bị cho thiền sinh kỹ năng sinh hoạt nhóm. Bởi lẽ “Học Phật phải có một sự thực nghiệm bản thân thì mới hiểu rõ được cái diệu lý của nó”4. Trong chuỗi ngày tu học, nhằm giúp thiền sinh thắt chặt tình đoàn kết, vui tươi, nhà chùa thường tổ chức các hoạt động từ thiện vì cuộc sống cộng đồng, hoặc xen kẽ các trò chơi dân gian, biểu diễn theo nhạc Phật, hát bài ca dâng Phật… Qua các sinh hoạt nhóm, thiền sinh sẽ được trải nghiệm, hòa mình vào nhiều khoảnh khắc gần gũi, an toàn và ý nghĩa bậc nhất. Bên cạnh đó, nhiều chùa còn khéo léo lựa chọn thời điểm hợp lý tổ chức “Đêm thắp hoa đăng tri ơn cha mẹ”. Trong không khí tĩnh lặng, sâu lắng của màn đêm và nỗi nhớ gia đình, thiền sinh sẽ được lắng nghe lời Phật dạy trong kinh “Báo hiếu phụ mẫu trọng ân”. Lễ dâng hoa đăng thắp lên ánh sáng của lòng từ bi, trí tuệ, xua bớt vô minh và chạm đến miền giá trị linh thiêng sâu thẳm nhất của con người. Vì thế, lễ dâng hoa thắp đèn có tác dụng thức tỉnh thiền sinh, khiến họ biết nhận ra những lỗi lầm, biết sám hối bằng niềm xúc động và giọt nước mắt của tình yêu thương.
Có thể nói, trong không gian chùa chiền, con người có cơ hội được trải nghiệm qua các phạm trù của thế giới thiêng liêng bậc nhất, vì chùa chiền là một nhịp cầu nối liền giữa con người và thế giới tâm linh, giữa hữu hạn và vĩnh hằng. Ở đó, người tu học sẽ nhận

-
- Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phật học tinh hoa, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 67.
ra một bài học của niềm tin, nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh “Nếu không có niềm tin, sự hiểu biết và lòng thương yêu thì cuộc đời sẽ đau khổ lắm”5. Rõ ràng, chỉ khi con người thức nhận, ngộ ra về sự tồn tại của chính mình trong cõi sống, người ta mới có ý thức giữ gìn những giá trị chân chính nhất của cuộc đời. Đó chính là phương cách giúp cộng đồng phát triển bền vững.
3. NHỮNG GIẢI PHÁP TỔ CHỨC, ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN GÓP PHẦN LÀM LAN TỎA KHÓA TU MÙA HÈ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
Trước hết, về cách thức tổ chức, để khóa tu mùa hè được triển khai nhịp nhàng trong hai tháng hè với số lượng thiền sinh tham gia nhiều hơn, Ban Hoằng pháp và Giáo hội Phật giáo các tỉnh/ thành phố cần có sự tham mưu cho Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm đưa ra kế hoạch chỉ đạo các Ban Trị sự trực thuộc nhân rộng mô hình trên ra các chùa cùng địa bàn, chứ không dừng lại ở các công văn mang tính khích lệ, động viên. Nếu các cấp quản lý Phật giáo triển khai đồng bộ giải pháp về tổ chức khóa tu mùa hè thì sẽ góp phần làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Lý do là lâu nay, mỗi tỉnh, thành phố chỉ có một số ngôi chùa thực hiện đều đặn các khóa học này, chẳng hạn: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc); chùa An Hồng (Hải Phòng); chùa Bằng, Hòa Phúc, Pháp Vân (Hà Nội); chùa Phước Duyên, Huyền Không (Huế); Thiền viện Bồ Đề, chùa Long Hoa (Đà Nẵng); chùa Từ Quang (Gia Lai); chùa Viên Giác Thiền Tự (Đồng Nai); chùa Phật Quang, Hộ Pháp (Bà Rịa
- Vũng Tàu); chùa Hoằng Pháp (thành phố Hồ Chí Minh); chùa Hòa Thành (Tây Ninh), chùa Khánh Ninh (Long An)… Vì thế, các bậc phụ huynh thường có thói quen gửi con em mình vào những chùa đã từng tổ chức khóa tu mùa hè thành công. Một số chùa khác mặc dù có cơ sở vật chất tốt, có Đại đức, tăng, ni am hiểu về giáo dục, nhưng khi triển khai những khóa tu này chưa thu hút được sự quan tâm nhiều của mọi người. Hơn nữa, khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp quản lý, Giáo hội Phật giáo các tỉnh/ thành phố sẽ có cơ sở để

![]()
5. Thích Nhất Hạnh, Đường xưa mây trắng, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.446.
quản lý con người, kiểm tra những điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và có những góp ý giúp các chùa triển khai khóa tu mùa hè bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Thứ hai, về chương trình đào tạo, thực tế cho thấy, khóa tu mùa hè của các chùa có nhiều chuyên đề hay. Bao gồm hai phần lý luận về đạo đức Phật giáo và thực hành triết lý nhà Phật trong cuộc sống. Hai nội dung này được các bậc trụ trì tổ chức biên soạn, xuất bản thành các giáo trình lưu hành nội bộ. Trong đó, nhiều chuyên đề được các bậc học giả, Đại đức truyền giảng sinh động, hấp dẫn. Tuy nhiên cũng cần thống nhất và các chuyên đề này thành các modun phù hợp với tâm lý, nhận thức của lứa tuổi. Về lâu dài, căn cứ vào các bài giảng, Học viện Phật giáo Việt Nam nên tổ chức các hội thảo, chuyên đề, những nghiên cứu chuyên sâu nhằm xây dựng giáo trình dạy - học có chất lượng cho khóa tu mùa hè. Tất nhiên, những bộ giáo trình này được xây dựng theo hướng mở, bao gồm kiến thức Phật học nền tảng và phần kiến thức kỹ năng thực hành mềm dẻo, giúp người dạy và người học sáng tạo hơn. Thêm nữa, cũng cần quan tâm đến nguyên tắc dạy học phát triển năng lực, lấy thiền sinh làm trung tâm.
Thứ ba, về đào tạo đội ngũ giảng viên, trong chương trình đào tạo của các trường Phật học đã có nhiều chuyên đề về kỹ năng thuyết trình, viết văn bản, hoạt động nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin…, còn phần lớn các Đại đức, Trụ trì thì phần lớn truyền giảng theo năng lực. Những năm gần đây, Học viên Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh có mở hai ngành đào tạo là Công tác xã hội và Sư phạm mầm non, nhưng số lượng sinh viên theo học cũng chưa nhiều. Vì thế, xét về lâu dài thì cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ về nghệ thuật sư phạm và phương pháp đứng lớp cho đội ngũ kế cận. Đặc biệt là kỹ năng dạy học truyền cảm hứng cho thiền sinh. Mặt khác, cũng cần nắm được cách xây dựng kịch bản cho lớp học, bao gồm các bước dẫn nhập, khắc sâu kiến thức trọng tâm, giúp thiền sinh hiểu bài tốt hơn. Tất nhiên, để mỗi người thầy tham gia giảng dạy có sức hút lớn, việc sử dụng ngôn ngữ, cách dẫn dắt, thuyết trình, phát vấn hoặc nghệ thuật hùng biện thuyết phục người nghe là rất quan trọng.
Thứ tư, về việc quảng bá, kết nối, vận động kinh phí, các chùa cần thông qua kênh Phật tử, kênh hình, kênh ảnh giới thiệu các khóa tu mùa hè thật sự ngắn gọn, súc tích. Trong đó, cần đặt những câu hỏi như: Tại sao các bậc cha mẹ quan tâm đến khóa tu mùa hè? Khóa tu mùa hè giảng dạy những kiến thức gì? Những kiến thức Phật học có ý nghĩa như thế nào trong việc bồi đắp lòng vị tha, hướng thiện cho con người? Những nội dung hữu ích trên trước hết sẽ giúp phụ huynh yên tâm lựa chọn khóa học hợp con em, sau nữa là khẳng định niềm tin của nhà chùa khi thực hành Phật pháp. Quan trọng hơn là khẳng định vai trò, trách nhiệm của nhà chùa góp phần xây dựng cộng đồng phồn vinh, hạnh phúc. Về cách thức vận động kinh phí, mỗi chùa cần thông qua kế hoạch tổ chức khóa tu mùa hè, thành lập ban vận động kinh phí, triển khai từ gia đình Phật tử, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội.
Thứ năm, về rút kinh nghiệm, hàng năm sau khóa tu mùa hè, Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố cần có hội nghi tổng kết, tôn vinh những Đại đức, Tăng Ni, gia đình Phật tử, mạnh thường quân và thiền sinh có đóng góp cho khóa học. Tôn vinh là một cách khích lệ, động viên, giúp cho khóa tu ở các mùa hè tiếp theo tổ chức tốt hơn. Mặt khác, nhờ tổ chức tổng kết mà Giáo hội Phật giáo cũng hiểu được những cách làm hay, hiệu quả, những hình ảnh đẹp đẽ “kính Phật trọng Tăng” (chữ dùng của Đoàn Trung Còn) giàu giá trị nhân văn giúp cho cộng đồng phát triển.
Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bên cạnh việc giáo dục kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ giúp giới trẻ chuẩn bị những điều kiện, chủ động trở thành công dân toàn cầu, thì giáo dục giá trị đạo đức Phật giáo cho giới trẻ qua khóa tu mùa hè là một nội dung cần thiết. Đó là cách nuôi dưỡng, bồi đắp cho một thế hệ công dân tương lai biết trau dồi, gìn giữ vẻ đẹp trong sáng của tâm hồn, biết ứng xử lễ nghĩa, bao dung với người thân, bạn bè; có ý thức sâu sắc về bảo vệ động vật, gìn giữ thiên nhiên. Cao hơn nữa, khóa tu mùa hè còn góp phần hình thành ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, khóa tu mùa hè là một hoạt động giáo dục đạo đức có ý nghĩa. Tất nhiên, để cho các giá trị nhân văn của Phật giáo lan tỏa trong cộng đồng, phải chăng rất cần những nghiên cứu chuyên sâu, những định hướng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những bậc học giả, nhà nghiên cứu và sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, góp phần bồi đắp những giá trị nhân văn, giúp con người sống bình tĩnh, hạnh phúc, an lạc.
***
HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
Địa chỉ: 65 Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Email: nhaxuatbanhongduc65@gmail.com
Điện thoại: 024.39260024 - Fax: 024.39260031
***
PHẬT HỌC VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI: BẢN CHẤT, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thích Nhật Từ chủ biên
***
Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc BÙI VIỆT BẮC Chịu trách nhiệm nội dung: Tổng biên tập Lý Bá Toàn Biên tập: Phan Thị Ngọc Minh Trình bày: Ngọc Ánh
***
Liên kết xuất bản:
HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP.HCM
750 Nguyễn Kiệm, P. 4, Q. Phú Nhuận, TP.HCM

![]()
In 2.000 cuốn, khổ 16 x 24 cm tại Xí nghiệp in Fahasa, 774 Trường Chinh, P.15, Q. Tân Bình, TP.HCM. Số XNĐKXB: 3950 - 2019/CXBIPH/32 - 64/HĐ. Số QĐXB của NXB: 740/QĐ-NXBHĐ cấp ngày 18-11-
2019. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019. Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN): 978-604-89-3603-7