ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
YÊU CẦU CẤP THIẾT VỚI CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP PHẬT HỌC Ở VIỆT NAM
ĐĐ. Thích Viên Tâm
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Trung cấp Phật học là hệ đào tạo căn bản, quan trọng trong hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam. Bởi lẽ, việc tốt nghiệp hệ Trung cấp Phật học là một trong các điều kiện tiền đề để Tăng sĩ có thể thụ giới Tỳ kheo/ Tỳ kheo ni, đảm nhận việc điều hành một cơ sở tự viện, hoặc học lên các bậc học cao hơn… Tu sĩ Phật giáo Việt Nam đa phần đều trải qua hệ đào tạo này, nhằm xây dựng nền tảng giáo lý căn bản, vững chắc trong việc tu tập tự thân, hướng dẫn tín đồ, hoằng pháp lợi sanh.
Trên cả nước hiện có 34 trường Trung cấp Phật học (tính đến 09/2019). Những năm qua tuy đã gặt hái được nhiều thành tựu khả quan, song về chất lượng đào tạo của cấp học này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Liên quan đến chất lượng đào tạo của bất cứ một trường lớp nào, các yếu tố tạo nên bao gồm: trình độ chuyên môn quản lí, trình độ người giảng dạy, cơ sở vật chất - trang thiết bị hỗ trợ, ý

![]()
*. Học viên cao học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Email: thichvientam@gmail.com
thức - tâm thế người học,… Phương pháp giảng dạy là thành tố với nội hàm vai trò của nó ít nhiều có liên quan đến các yếu tố trên. Bài viết này chỉ đề cập đến phương pháp giảng dạy tại các trường Trung cấp Phật học hiện nay, thử xem xét các mặt ưu nhược điểm, qua đó mong muốn ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu hướng phát triển chung của giáo dục nhân loại.
- NỘI DUNG THAM LUẬN
- Phương pháp giảng dạy truyền thống và phương pháp giảng dạy hiện đại
- Phương pháp giảng dạy truyền thống
Việc giáo dục, dạy học đã có từ ngàn xưa, khi con người bắt đầu ý thức về sự tồn tại của mình trong tự nhiên; nhu cầu sinh tồn, làm chủ các điều kiện về sinh sống đã dẫn đến việc truyền đạt kinh ng- hiệm, kiến thức cho nhau. Phương pháp giảng dạy truyền thống do vậy đã hình thành, phát triển từ khi việc dạy học ra đời.
Phương pháp giảng dạy truyền thống là phương pháp lưu truyền qua nhiều thế hệ, là sự truyền đạt kiến thức theo hướng một chiều từ thầy (người dạy) đến trò (người học). Các phương pháp giảng dạy truyền thống gồm 3 nhóm: 1. Phương pháp dùng lời (giảng bài (lecture)…). 2. Phương pháp trực quan (minh họa, trình diễn…).
3. Phương pháp thực hành (luyện tập, thí nghiệm…). Việc giảng dạy theo phương pháp truyền thống lấy người dạy làm trung tâm, hoạt động dạy học xoay quanh chủ thể là người thầy. Với phương pháp này, người thầy gần như là nguồn tri thức duy nhất, chi phối hoạt động nhận thức, tiếp thu tri thức của người học. Người học chỉ việc dựa vào những thông tin, kiến thức thu được từ bài giảng của người dạy là coi như đã đủ đảm bảo hoàn thành việc học. Có thể lấy hình ảnh chiếc bình trà đang rót nước vào các ly tách để so sánh với phương pháp này: người dạy là chiếc bình, còn người học là các ly tách đang nhận được nước; công việc của người dạy là “đổ đầy” những gì mình có vào đầu óc của người học. Ở phương pháp này, người dạy chuẩn bị trước các nội dung cho bài giảng, trình bày trước lớp những nội dung đã chuẩn bị chủ yếu bằng cách diễn giảng; và người học cố gắng lắng nghe, ghi chép, ghi nhớ, suy nghĩ theo lời của người dạy. Mục tiêu của phương pháp này là ở kết quả của việc tái hiện chính xác những kiến thức đã học được nơi người học, một phần nhằm vượt qua các kì kiểm tra, thi cử.
Ưu điểm của phương pháp này là người dạy có thể truyền tải được lượng thông tin lớn đến người nghe/ người học; nội dung mang tính logic, có hệ thống vì mang tính hàn lâm của tri thức, lại chỉ được trình bày bởi một người là giáo viên/ giáo thọ sư;... Nhược điểm của phương pháp là không tạo được hứng khởi sáng tạo, tư duy, sự chủ động nơi người học, do người học bị thụ động tiếp nhận thông tin; khả năng vận dụng các kiến thức của người học vào thực tiễn kém; khó gây kích thích sinh khí cho buổi học, dễ gây nhàm chán, buồn tẻ nếu người học đã biết trước các nội dung do người dạy trình bày;…
-
-
- Phương pháp giảng dạy hiện đại
Nhận thấy phương pháp giảng dạy truyền thống có những mặt hạn chế, đặc biệt trong việc hình thành khả năng tư duy, sáng tạo, vận dụng của người học, các học giả, nhà giáo phương Tây đã tìm tòi và ứng dụng các phương pháp mới vào việc giảng dạy. Phương pháp giảng dạy hiện đại ra đời vào những năm đầu thế kỷ XX ở các nước Âu - Mỹ, phát triển mạnh từ những năm 70, 80. Phương pháp này phát huy, đề cao sự sáng tạo, tính chủ động của người học, lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy học; do vậy, khác với phương pháp truyền thống, phương pháp giảng dạy hiện đại lấy chủ thể của việc giảng dạy là người học.
Với phương pháp giảng dạy hiện đại, người dạy đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức, gợi ý cho người học tự tìm tòi, khám phá các tri thức mới thông qua các hoạt động nghiên cứu, tranh luận, hội thảo theo nhóm, giải quyết các tình huống có vấn đề, đóng vai, trò chơi… Sự tương tác giữa người dạy và người học, giữa những người học với nhau càng được tăng cường, nhằm đánh giá, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức lẫn nhau. Người dạy điều khiển các hoạt động này, là trọng tài phân xử các ý kiến tranh luận trái chiều của người học, hệ thống hóa để tổng kết nội dung của buổi học, khắc sâu các kiến thức cơ bản cần nắm vững. Người giảng dạy thay vì là người “đổ đầy” thông tin, sẽ là người “thắp đuốc”, khơi gợi tinh thần cầu tiến, hứng thú học hỏi, tìm tòi, sáng tạo cho người học.
Ưu điểm của phương pháp giảng dạy hiện đại là phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng tư duy, xây dựng tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong việc tự học tự nghiên cứu, làm chủ tri thức của người học; chú trọng việc thực hành, vận dụng các tri thức thu được vào thực tế, tình huống cụ thể; giảm việc giảng giải nặng tính lí thuyết, làm giờ học trở nên sôi nổi, hấp dẫn; tăng cường tính tự tin cho người học qua việc bộc lộ quan điểm, góp phần nâng cao khả năng giao tiếp… Tuy vậy, phương pháp này cũng có tính hạn chế nếu người dạy và người học không có sự tập trung cao, người dạy không biết cách đúc kết các vấn đề, dẫn đến việc người học không thể hệ thống hóa được các vấn đề cần nhận thức.
-
- Sự cần thiết đổi mới phương pháp giảng dạy tại các trường Trung cấp Phật học
Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài việc phát huy những thế mạnh đã có, cần phải mạnh dạn nhận rõ các khuyết điểm, yếu kém trong việc giảng dạy để thay đổi, khắc phục. Dưới đây là những nhìn nhận mang tính chủ quan của người viết về sự hạn chế trong phương pháp giảng dạy tại các trường Trung cấp Phật học (qua quan sát tìm hiểu, trải nghiệm thực tế), cũng như đề xuất đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường Trung cấp Phật học.
-
-
- Phương pháp giảng dạy và một vài điều kiện tác động đến phương pháp dạy hiện tại ở các trường Trung cấp Phật học
Việc giảng dạy tại các trường Trung cấp Phật học hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống, nghĩa là giáo thọ sư sử dụng phương pháp nói - giảng bài theo giáo án/ lịch trình định sẵn. Do đặc thù các môn học tại các trường Trung cấp Phật học phần lớn thuộc về kinh, luật, luận, sử Phật giáo, nên việc sử dụng phương pháp truyền thống (chủ yếu là giảng bài) có thế mạnh nhất định, đó là điều không thể phủ phận. Tuy vậy, như đã phân tích về phương pháp giảng dạy truyền thống ở trên, việc chỉ áp dụng gần như một phương pháp duy nhất là giảng bài (lecture) khó tạo nên không khí sôi nổi cho buổi học, sự thụ động, ỷ lại người dạy, tâm lý nhàm chán vì những điều “đã biết” nơi người học là điều khó tránh khỏi. Tăng Ni sinh chỉ có nhiệm vụ duy nhất là: lên lớp đủ tiết, phải ngồi nghe chăm chú, ghi chép đầy đủ, học thuộc các nội dung được giáo thọ sư truyền đạt, đến các kì kiểm tra thì viết lại y như những gì đã chép, hoặc có khi viết lại gần như không thay đổi nội dung các tài liệu giáo trình, sách giảng giải; điều này khiến cho khả năng tư duy, sáng tạo, quan điểm phản biện của Tăng Ni sinh bị ngưng trệ, thiếu sinh khí học thuật.
Việc quá dựa dẫm vào giáo trình, sách biên soạn của người đi trước, mà không có sự sáng tạo giáo án, mở rộng thông tin liên quan khiến ngay cả người dạy cũng đã không có sự chủ động trong việc trao truyền kiến thức. Phông nền kiến thức (background) yếu kém làm giảng viên không dám mạnh dạn thoát li giáo trình. Việc đọc - chép là điều dễ nhận thấy ở không ít các lớp hệ Trung cấp Phật học. Thậm chí việc dạy mà không có giáo án là thực tế đang có, điều này dễ dẫn đến việc người dạy có thể trình bày những suy luận lan man, mang tính võ đoán chủ quan, thiếu thống nhất.
Cách thức kiểm tra, thi cử có tác động đến phương pháp giảng dạy. Các hình thức kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết, thi học kì… đều có chung yêu cầu người học “học thuộc lòng”, “trả bài” đúng những gì đã được dạy; tạo nên tâm lí học chỉ để ghi nhớ chính xác những gì được dạy, phục vụ cho các kì thi, hơn là vận dụng vào đời sống hành trì tự thân. Điều này về lâu dài dẫn đến tâm lí lệ thuộc, ỷ lại vào người dạy, làm Tăng Ni sinh không có ý thức chủ động, sáng tạo trong việc học. Việc bị nhồi nhét nhiều thông tin kiến thức từ nhiều môn học dẫn đến quá tải, cộng hưởng với tâm lí sợ hãi việc “trả bài” khiến việc quay cóp, sao chép bài làm giống nhau (và cũng giống hoàn toàn những gì được dạy, hoặc y theo giáo trình, sách tham khảo) làm tình trạng gian lận, tâm lí đối phó các kì thi trở nên trầm trọng.
Trình độ thế học (trình độ tiếp nhận tri thức) và độ tuổi ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu các phương pháp giảng dạy tại trường Trung cấp Phật học. Tiêu chuẩn về trình độ đầu vào của các trường Trung cấp Phật học rất thấp, không thống nhất với nhau. Phần lớn các trường Trung cấp Phật học yêu cầu thí sinh dự tuyển tối thiểu đã tốt nghiệp hệ Trung học cơ sở (cấp 2) như các trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương (khóa 2019 - 2022), Trung cáp Phật học tỉnh Long An (2019 - 2022), Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng (2019 - 2022), Trung cấp Phật học thành phố Đà Nẵng (2019 - 2022), Trung cấp Phật học tỉnh Gia Lai (2018 - 2021),… Có những trường Trung cấp Phật học không nêu rõ ràng yêu cầu trình độ thế học của người dự tuyển, lại có trường chỉ tiêu đầu vào rất thấp như trường Trung cấp Phật học tỉnh An Giang (khóa 2019
- 2022) chỉ yêu cầu trình độ thế học từ lớp 6 trở lên (với Tăng Ni Bắc tông). Số trường Trung cấp Phật học ra chỉ tiêu tối thiểu người dự tuyển đã tốt nghiệp hệ Trung học phổ thông (cấp 3) như trường Trung cấp Phật học tỉnh Khánh Hòa (khóa 2019 - 2022) rất hiếm, hầu như không có. Độ tuổi đầu vào của Tăng Ni dự tuyển cũng không thống nhất: có nơi chỉ yêu cầu dưới 60 tuổi (Đà Nẵng); có nơi từ 17
- 40 tuổi (Bình Dương); từ 12 - 45 tuổi (An Giang), từ 18 - 50 tuổi (Lâm Đồng), từ 18 - 35 tuổi (Khánh Hòa)… và nhiều trường Trung cấp Phật học không có quy định độ tuổi được theo học tại trường. Độ tuổi của người học quá nhỏ, hoặc chưa tốt nghiệp trình độ thế học căn bản sẽ khiến bản thân người đó không đạt được nền tảng nhận thức để có thể tiếp thu được tri thức, giáo lí Phật giáo, khó tiếp thu được những phương pháp học tập tiên tiến, chưa nói đến việc vận dụng các tri thức ấy vào đời sống thực tiễn, giải quyết các vấn đề cụ thể.
-
- Đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách kết hợp nhiều phương pháp
Cảm xúc của người học có vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập. Khi người học có cảm tình với người dạy nào thì họ sẽ yêu thích môn học đó, từ đó họ cố gắng học tập, chú trọng cho môn học. Ngược lại, người học không có cảm tình với giảng viên nào thì dù là môn học mà họ yêu thích, họ cũng không có sự tập trung nhất định vào môn đó. Sự yêu thích người dạy, ngoài vấn đề cá nhân như tính cách của người dạy, còn là vấn đề chuyên môn - phương pháp giảng dạy của người đó. Dù là phương pháp truyền thống hay hiện đại, giáo thọ sư bao giờ cũng phải khiến cho Tăng Ni sinh yêu thích môn học của mình, truyền lửa nhiệt huyết, khuyến khích tinh thần tự giác học tập nơi người học. Phương pháp giảng dạy đa dạng, khai phóng, phù hợp, tích cực mà người dạy sử dụng một cách nhuần nhuyễn, có hiệu quả là cách khiến cho người học có sự chú tâm, trở nên yêu thích môn học, đưa đến những kết quả đầy triển vọng.
Trung cấp Phật học là hệ đào tạo tiền đề, cơ sở cho hệ đại học Phật học; và để khỏi bỡ ngỡ trước các phương pháp dạy học ở cấp học cao hơn, người học cần được “làm quen” với các phương pháp tiên tiến. Với những nhìn nhận đã nêu, chúng tôi thiết nghĩ, phương pháp giảng dạy tại các trường Trung cấp Phật học nên có sự đa dạng, kết hợp các phương pháp cả truyền thống lẫn hiện đại, nhằm tạo hiệu quả tối ưu nhất cho hoạt động giảng dạy. Dưới đây là các phương pháp giảng dạy mà chúng tôi đề xuất thực hiện tại các trường Trung cấp Phật học:
- Phương pháp giảng bài, kết hợp trình chiếu slide: giảng bài ở đây, giáo thọ sư cung cấp các thông tin kiến thức ở mức cơ bản nhất, làm nền tảng, định hướng cho Tăng Ni sinh. Kết hợp việc giảng bài, giáo thọ sư sử dụng màn hình trình chiếu làm giảm thời gian viết bảng, dành thời gian tăng cường tương tác với người học. Trình chiếu các hình ảnh, video liên quan giúp Tăng Ni sinh nhận thức vấn đề một cách trực quan. Dung lượng thời gian cho phương pháp giảng bài không quá 50% tổng số tiết học của môn học.
- Phương pháp vấn đáp: trong quá trình giảng bài, giáo thọ sư tăng cường việc tương tác với Tăng Ni sinh bằng cách hỏi đáp các vấn đề liên quan đến bài giảng. Việc đi lại linh hoạt quanh lớp để vừa giảng, có khi bất chợt hỏi Tăng Ni sinh một vài câu hỏi liên quan, giúp giáo thọ sư kiểm soát tình hình lớp học, làm Tăng Ni sinh không thể không tập trung trước những câu hỏi bất chợt có thể đến.
-
- Phương pháp hoạt động nhóm: giáo thọ sư giao các đề tài đến các nhóm trong lớp để Tăng Ni sinh thực hiện nghiên cứu, sau đó các nhóm thuyết trình (seminars) trước lớp; các nhóm đánh giá, nhận xét lẫn nhau; giáo thọ sư điều phối hoạt động này. Các bài thuyết trình được đánh giá cao nên được cộng điểm vào các kì kiểm tra/ thi, hoặc lấy điểm đó làm thành điểm kiểm tra/ thi cho các cá nhân/ nhóm Tăng Ni sinh thực hiện, nhằm khuyến khích tinh thần hoạt động nhóm, tinh thần nghiên cứu.
- Phương pháp thực địa, điền dã: phương pháp này giúp Tăng Ni sinh mục sở thị, phối kiểm các thông tin đã được học, thực tế hóa những vấn đề sau “trang sách”. Ví dụ: Môn Hán cổ, giáo thọ sư có thể chia lớp thành các nhóm đến các chùa, đình, đền, miếu… để ghi chép, chụp hình, đọc các bức hoành phi, câu đối; thị phạm và thực hiện quy trình dập văn bia, mộc bản kinh điển. Môn Lịch sử Phật giáo Việt Nam, giáo thọ sư có thể dẫn Tăng Ni sinh đến các chùa tháp mang dấu ấn lịch sử truyền bá của Phật giáo địa phương…
- Phương pháp nghiên cứu, viết báo cáo mang tính khoa học: Bài báo cáo, bài nghiên cứu mang tính khoa học có những quy định về thể thức, cấu trúc, văn phong, trình bày… Giáo thọ sư hướng dẫn đề tài, cách thực hiện các bài viết này. Đây có thể xem là kỹ năng cần thiết, giúp Tăng Ni sinh làm quen trước khi lên bậc học cao hơn. Người viết thiết nghĩ, việc viết bài báo cáo, bài báo khoa học liên quan đến môn học hiệu quả hơn nhiều so với việc kiểm tra, thi cử truyền thống ở các trường Trung cấp Phật học hiện nay; đây là một giải pháp hoàn toàn có thể cân nhắc thay thế.
- Các điều kiện, giải pháp hỗ trợ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy không thể thực hiện được nếu không có các điều kiện, giải pháp hỗ trợ. Dưới đây là một số đề xuất sơ lược của chúng tôi về vấn đề này:
- Tăng cường đội ngũ giáo thọ sự/ giảng viên có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, sự tận tâm với công việc.
- Thay đổi thể thức kiểm tra/ thi cử, hướng đến định hướng ng- hiên cứu học thuật, vận dụng thực hành hơn là việc “trả bài cũ”.
- Điều chỉnh, thiết kế phòng học đạt tiêu chuẩn. Giảm bớt việc “nhồi” quá đông Tăng Ni sinh trong một phòng học; mỗi lớp học nên không quá 50 Tăng Ni sinh.
- Đầu tư xây dựng thư viện với nhiều đầu sách nhằm cung cấp nguồn tài liệu tham khảo, học tập phong phú; phòng đọc rộng rãi thoáng mát; có nhiều phòng tự học yên tĩnh ở các trường Trung cấp Phật học nội trú.
- Trang bị nhiều hệ thống máy chiếu projector đạt chất lượng ở các phòng học, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật vào giảng dạy.
- Cần có sự bắt buộc Tăng Ni sinh sử dụng thành thạo các phần mềm công cụ căn bản (như Word, PowerPoint,…) để hỗ trợ tốt trong việc nghiên cứu, học tập tại trường.
- Quy định rõ ràng độ tuổi người dự tuyển vào các trường Trung cấp Phật học (nên tối thiểu là 16 tuổi); thống nhất trình độ thế học đầu vào (tối thiểu là đã tốt nghiệp hệ Trung học cơ cở - cấp 2, rồi dần nâng mức đầu vào tổi thiểu là tốt nghiệp hệ Trung học phổ thông - cấp 3).
- KẾT LUẬN
Giáo dục là một quá trình lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi sự chung tay hợp lực của các cấp các ngành. Giáo dục ở các trường Trung cấp Phật học đang rất cần sự quan tâm từ phía các cấp lãnh đạo Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương/ địa phương, Ban Giám hiệu các trường Trung cấp Phật học, và cả Tăng Ni sinh… Dẫu biết rằng sự xoay chuyển thực trạng từ những góp ý, đánh giá đến việc đưa ra chủ trương, tiến hành thực hiện là chặng đường dài hạn, chúng tôi không mong muốn gì hơn, ngoài việc các trường Trung cấp Phật học ứng dụng những thành tựu, phương pháp mới vào giảng dạy, mạnh dạn nhìn nhận để thay đổi, làm cho chất lượng giáo dục ở các cấp học ngày càng được nâng cao, tính đồng bộ, nối tiếp giữa các cấp học thêm gắn kết. Chỉ có việc thay đổi phương pháp giảng dạy mới có thể thay đổi về chất lượng giáo dục, đó là một yêu cầu cấp thiết, bằng không, chúng ta sẽ mãi dậm châm tại chỗ mà thôi.
***
Tài liệu tham khảo
Khuất Hữu Anh Tuyến (2018), “Thực trạng nội dung và phương pháp dạy học tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai”, Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, số 09 - 2018, tr. 16 - 23.
Trần Thị Thơm (2018), “Phương pháp truyền thống và hiện đại trong dạy học triết học”, Tạp chí Giáo dục, số 448, tr. 56 - 59.
Thích Nhật Từ (2012), “Hướng đến cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam”, bài tham luận trong Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Phật giáo Việt Nam: định hướng và phát triển (tổ chức năm 2012 tại Hà Nội).
https://thuvienhoasen.org/a22227/huong-den-cai-cach-giao- duc-phat-hoc-tai-viet-nam
Thích Nguyên Đạt (2012), “Phương pháp giảng dạy và học tập tại các Học viện Phật giáo Việt Nam”, bài tham luận trong Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Phật giáo Việt Nam: định hướng và phát triển (tổ chức năm 2012 tại Hà Nội).
https://vnbet.vn/hoi-thao-khoa-hoc-giao-duc-phat-giao-dinh- huong-phat-trien/phuong-phap-giang-day-va-hoc-tap-tai-cac- hoc-vien-phat-giao-viet-nam-9567.html
