VẬN DỤNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO CHO SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
TS. Lê Thị Hạnh
TÓM TẮT
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Với triết lý từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn…, Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, khoan dung. Triết lý Phật giáo phù hợp với tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo”1. Vì vậy, việc vận dụng tư tưởng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên các trường đại học hiện nay là rất cần thiết.
- MỞ ĐẦU
Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và phát triển cuộc cách

![]()
*. Phó trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh.
-
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2011, tr. 81.
mạng 4.0, khi con người đang tiến những bước dài trên con đường phát triển, hướng đến xã hội tri thức, xã hội mở thì nhiều “nguy cơ” lớn đặt ra cho toàn xã hội, trong đó sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt, tình trạng đó lại diễn ra nhiều nhất trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên – những chủ nhân tương lai của xã hội. Sinh viên các trường đại học ở Việt Nam là một trong những quốc gia đang cần gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, lối sống. Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, giáo dục đại học cần thiết phải xây dựng một phương pháp giáo dục đạo đức mới, phù hợp với thời đại trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho các em sinh viên hiện nay.
- NỘI DUNG
- Giáo dục đại học và giáo dục đạo đức Phật giáo
- Giáo dục đại học
Theo định hướng phát triển giáo dục trong thời đại mới, Ủy ban khoa học, giáo dục và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đề xướng mục đích học tập là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Hiểu một cách ngắn gọn là: Học để phát triển toàn diện, hài hòa về trí tuệ, kỹ năng, lẫn đạo đức, lối sống.
Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực, nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại. Giáo dục bao gồm việc dạy và học, giáo dục là nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác. Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người. Theo quan điểm của các nhà giáo dục, giáo dục thông qua 3 môi trường chính, đó là: gia đình, nhà trường và xã hội.
Giáo dục đại học (Higher education) là giai đoạn giáo dục bậc cao thường diễn ra ở các trường đại học, trường cao đẳng, học viện, và viện công nghệ, bao gồm các bậc sau trung học phổ thông như cao đẳng, đại học và sau đại học. Giáo dục đại học bao gồm các hình thức giáo dục diễn ra ở các cơ sở học tập bậc sau trung học, cuối khóa học thường được trao văn bằng học thuật hoặc cấp chứng chỉ. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ bao gồm các trường đại học và viện đại học mà còn các trường chuyên nghiệp, trường sư phạm, trường cao đẳng, trường đại học công lập và tư thục hệ hai năm, và viện kỹ thuật. Điều kiện nhập học căn bản đối với hầu hết các cơ sở giáo dục đại học là phải hoàn thành giáo dục trung học, và tuổi nhập học thông thường là 18 tuổi.
Giáo dục đại học bao gồm các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, thực tập (như trong các trường y khoa và nha khoa), và phụng sự xã hội của các cơ sở giáo dục đại học. Các hình thức giáo dục đại học bao gồm: giáo dục tổng quát (general education), thường bao gồm đáng kể những yếu tố lý thuyết và trừu tượng cùng với những khía cạnh ứng dụng; giáo dục chú trọng đến các ngành khai phóng (liberal arts education), bao gồm các ngành nhân văn, khoa học, nghệ thuật; giáo dục mang tính huấn nghệ (vocational educa- tion), kết hợp cả việc giảng dạy lý thuyết lẫn những kỹ năng thực hành; giáo dục chuyên nghiệp (professional education), như trong các ngành kiến trúc, kinh doanh, luật, y khoa, v.v...
Ở nhiều quốc gia phát triển, có tới 50tram% dân số theo học trong các cơ sở giáo dục đại học. Giáo dục đại học do đó rất quan trọng đối với kinh tế quốc gia, với tư cách là một ngành kinh tế và là nơi giáo dục và đào tạo nhân lực cho phần còn lại của nền kinh tế. Những người theo học đại học thường kiếm được mức lương cao hơn và ít có khả năng bị thất nghiệp hơn so với những người có học vấn thấp hơn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước hiện có 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 235 trường đại học và học viện, bao gồm cả phân viện và các cơ sở (trong đó có 170 trường công lập) và 33 trường cao đẳng sư phạm, 2 trường trung cấp sư phạm2.
Năm học 2016-2017, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học đăng ký xét tuyển vào đại học là 74%, tỉ lệ học sinh đậu vào đại học, cao đẳng khoảng 41%. Về quy mô đào tạo, tổng quy mô đào tạo tiến sĩ là 15.112 nghiên cứu sinh, quy mô đào tạo thạc sĩ là 105.801, sinh viên đại học là 1.767.879 sinh viên, quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm là 47.800 sinh viên3. Về số lượng giảng viên các trường đại học công lập hiện tại khoảng 55.400 người, số lượng giảng viên các trường đại học tư thục hiện tại khoảng 14.190 người4. Về ngân sách chi cho giáo dục, theo thống kê năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ đã chi 248,1 nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực giáo dục, chiếm 20% ngân sách nhà nước, trong đó chi cho đơn vị giáo dục bậc đại học chiếm 9%.
Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam cần được đổi mới trên cơ sở vẫn giữ được những nét đặc thù của giáo dục đại học trong nước, đồng thời tiệm cận được các chuẩn chung của thế giới. Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Rõ ràng, yêu cầu quan trọng nhất để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với bất kỳ quốc gia nào là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, về kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới.
Trong bối cảnh này, hệ thống giáo dục phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm học sinh, sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy được tiềm năng của mỗi cá nhân. Điều này cần được áp dụng ở tất cả các cấp học, ở tất cả các trình độ đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường đại học: “Thành công của một trường đại học không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt

![]()
- “Đại học cần được cấu trúc lại”, Báo Tuổi trẻ, 22/09/2015.
- “Những con số “biết nói” về giáo dục đại học Việt Nam”, Báo điện tử VietNamNet.
- “Ngân sách chi cho giáo dục tăng thế nào 5 năm qua?”,Báo VnExpress.
nghiệp, là khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên hay là vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài, là khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, là năng lực đổi mới và sáng tạo của sinh viên.”
-
-
- Giáo dục Phật giáo
Giáo dục Phật giáo được hiểu là dạy cho con người biết và hiểu giáo lý Phật giáo. Qua đó, bồi dưỡng, phát triển con người hoàn thiện hơn về mặt trí thức và tâm thức, để trở thành những con người tốt hơn, có phẩm hạnh và có đạo đức, trở thành những người tốt, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác, trở thành những con người có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội. Giáo dục Phật giáo là để phát triển trí tuệ, thấu hiểu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều chân thực và có giá trị. Học Phật là đi theo con đường Đức Phật đã dạy để nhận sự chân thật, qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, trái đạo đức.
Từ góc độ giáo dục Phật giáo, giáo dục không chỉ là việc dạy và việc học mà còn là quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, thay thế, bồi dưỡng và phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức chính kiến, đức tin chân chính và những phẩm chất tâm linh cao thượng để mỗi người có thể làm hành trang tư lượng cho đời sống an lạc, hạnh phúc cá nhân, gia đình, học đường và cộng đồng xã hội. Giáo dục Phật giáo nhằm trang bị và hoàn bị cho con người có thể sống an lạc và hạnh phúc, phục vụ cho tha nhân, góp phần xây dựng một quê hương đất nước giàu đẹp, một xã hội công bằng văn minh. Giáo dục Phật giáo không đào tạo con người trở thành con người nghề nghiệp mà giáo dục con người trở thành con người an lạc và hạnh phúc. Con đường giáo dục của Phật giáo khá thiết thực và thực tiễn. Vậy, giáo dục Phật giáo là giảng dạy hệ thống giáo lý Phật giáo cho con người, hướng đến sự phát triển toàn diện của con người qua các mặt của đời sống, đặc biệt là tâm thức, nhằm kiến tạo một đời sống trí tuệ và hạnh phúc.
Về mục tiêu giáo dục Phật giáo: Giáo dục là giáo dục con người. Vậy phải hình dung ra con người là như thế nào, bản tính ra sao.
Phật giáo chủ trương có ba tính thiện, bất thiện, vô ký, bản chất con người là duyên khởi và vô ngã. Con người là một hữu thể có đặc tính như vậy. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi từ giã cõi thế đã dặn bảo đệ tử hãy lấy giáo pháp mà Ngài đã trao truyền làm người hướng dẫn. Ngài chính là một nhà giáo dục vĩ đại, đã dành cả cuộc đời mình đi khắp mọi nơi trao truyền chính pháp. Giáo dục Phật giáo hướng đến là giúp tất cả các Tăng ni, Phật tử tại gia theo Phật là để đạt được thanh tịnh tâm ý, để đạt đến trạng thái giải thoát, trạng thái niết bàn. Đức Phật đã nêu rõ: “Cũng như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, này Paharada, Pháp và Luật của ta chỉ có một vị, là vị giải thoát”. Hạnh phúc chỉ đến thật sự khi giải thoát đồng nghĩa với tinh thần vô ngã, tâm linh con người thoát khỏi tham, sân, si… bỏ qua tất cả phiền não và an vui trong cảnh giới niết bàn. Giáo dục Phật giáo không phải là phương tiện để thực hiện địa vị và quyền thế và cũng không phải là nghề nghiệp để mưu cầu sinh sống, mà phải là cứu cánh để thực hiện chí nguyện độ sanh và để giải thoát khổ đau. Đức Phật đã dạy: “Nước bốn biển trong đại dương chỉ có một “vị mặn”, cũng vậy, giáo pháp của Ta chỉ có một “vị giải thoát”.
Giáo dục Phật giáo chỉ rõ con người xã hội trong mối tương quan biện chứng hai chiều giữa cá nhân và xã hội, tạo thành động lực giữa xã hội hỗ tương và phát triển. Tức là nền giáo dục trong đó bao gồm sự phát triển tâm linh, sự quan hệ huyết thống và sự quan hệ xã hội trong những chuẩn mực nhất định. Giáo dục con người cá nhân là nhắm vào các đặc tính sẵn có và đánh thức những gì tiềm ẩn trong con người trỗi dậy, nhằm đưa mọi người đến chỗ giải thoát mọi khổ đau, nhưng giáo pháp của Đức Phật có phân biệt từng trường hợp, từng hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà hướng dẫn từng cá nhân đi theo những con đường nhanh hay chậm, trực tiếp hay gián tiếp. Giáo dục Phật giáo hướng đến giúp con người biết phát triển tâm linh cao thượng, biết nuôi dưỡng tinh thần độc lập tự do, tự chủ và tự do sáng tạo. Xây dựng con người hữu ích, hạnh phúc, có nhân cách tốt, con người chân thiện mỹ, có một đời sống trọn vẹn hạnh đức, tâm đức và tuệ đức để con người đó có thể góp phần xây dựng một nếp sống tốt đạo, đẹp đời và xây dựng một nền văn hóa văn minh cho nhân loại. Đào tạo những con người có kiến thức sống động, những tâm tư mới lạ, sáng suốt, có tính sáng tạo, biết khơi dậy và đánh thức những hạt giống hạnh phúc và giác ngộ nơi tự thân, những con người có tấm lòng tương trợ, tương thân, tương ái, tương kính, có tình yêu nhân loại.
Như vậy, giá trị của giáo dục Phật giáo là hướng đến sự phát triển toàn diện của con người qua các mặt của đời sống, đặc biệt là tâm thức, nhằm kiến tạo một đời sống trí tuệ và hạnh phúc thật sự ngay tại con người này và trong cuộc đời này, nhắm đến mục tiêu đặc biệt giúp con người có hạnh phúc đích thực, biết tu tập, chuyển hóa tham, sân, si; biết thanh lọc ác pháp tham, sân, si thành thiện pháp vô tham, vô sân, vô si; biết chuyển hóa phiền não thành bồ đề; biết vun trồng và tưới ẩm những hạt giống chính niệm ở trong tâm thức của mỗi con người.
Về phương pháp giáo dục: Giáo dục Phật giáo nhằm hoàn thiện con người, con người là một chúng sinh có khả năng thành Phật. Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Phật giáo khu- yên con người phát huy tính tự lực, tự thân, nỗ lực hoàn thiện mình trên lộ trình giải thoát. Phương pháp giáo dục là lĩnh vực hoạt động của khoa học giáo dục về việc giảng dạy và học tập, tổ chức các phương tiện giáo dục, soạn thảo các chương trình giáo dục, giáo hóa và truyền bá chánh pháp, nhằm đáp ứng với mọi trình độ căn cơ của chúng sinh, với sự thật, lẽ phải, thực tế, với các nhu cầu lý luận, với các nhu cầu thời đại và hoàn cảnh xã hội.
Như vậy, phương pháp giáo dục trong Phật giáo là phương pháp kinh nghiệm, phương pháp giáo dục từ kinh nghiệm thực tế. Trong giai đoạn đầu tổ chức, giáo dục Phật giáo nhắm đối tượng là tu sĩ, nhưng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dân cư thì cho đến nay, nền giáo dục Phật giáo đã mở rộng hơn, bên cạnh các hệ thống giáo dục Phật giáo được đào tạo từ cấp tiểu học, trung học, sơ cấp và đại học Phật giáo cho các tu sĩ thì còn có các khóa tu, khóa thiền cho tất cả mọi người.
Phương pháp giáo dục Phật giáo cần phải đáp ứng được mục đích của từng nhóm đối tượng. Như đối với người bình thường các tỳ kheo cũng ra sức giảng pháp, đem tinh thần Phật giáo để truyền đạt cho mọi người mà không cần hệ thống tổ chức đầy đủ, giáo trình và môn học nghiêm ngặt như giáo dục cho các tu sĩ.
Phương pháp soạn thảo chương trình, tổ chức học tập bằng phương pháp soạn thảo chương trình và tổ chức học tập, việc giáo dục Phật giáo đã phát triển rất sâu rộng trong tất cả mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên. Ngày nay, chương trình giáo dục của Phật giáo đang bước vào một thời đại mới, thời đại hòa nhập xã hội thông tin. Ở đó, cái chậm chạp, thụ động, khép kín phải nhường chỗ cho cái nhạy bén, sáng tạo, cởi mở. Con người phải hòa nhập vào cuộc sống, vào xã hội như một mạng lưới đan xen vào nhau và phủ trùm lên mọi ngõ ngách nhận thức. Phật giáo là tôn giáo có thiết chế mang đậm tính tương tác với xã hội.
-
- Nội dung giáo dục đạo đức của Phật giáo
Thích nghi với xã hội là cái cần thiết cho Phật giáo ngày hôm nay nói chung và nội dung trong chương trình giáo dục của Phật giáo nói riêng theo chiều hướng thích nghi, để định hướng phát triển cho mỗi một thành viên trong cộng đồng. Trong đó, bộ phận giới trẻ luôn là những đối tượng mà chương trình giáo dục của Phật giáo hướng đến. Chính vì vậy, việc soạn thảo chương trình giáo dục của Phật giáo phù hợp với nhiều lứa tuổi. 30 người trở thành mẫu mực, đạo đức, an lạc và hạnh phúc. Những giáo lý đó là nền giáo dục đặc thù của Phật giáo được Đức Phật truyền đạt cách đây đã trên
2.500 năm và đến nay vẫn còn nguyên giá trị và rất thiết thực. Đức Phật dạy: “Các ngươi phải siêng năng tu tập các điều thiện mà được mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi, sống yên ổn, vui vẻ, của cải dồi dào, uy tín đầy đủ”. Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”5. Trong quá trình tu tập và bảo vệ sự sống của muôn loài, con người phải hiểu rõ về lòng từ bi.

![]()
- Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.39.
Thứ nhất, xây dựng các mối quan hệ bình đẳng, khoan dung, tôn trọng lẫn nhau trong gia đình, xã hội. Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đấu tranh cho tự do và công bằng xã hội, cho bình đẳng giữa các giai cấp và giữa con người với con người trong xã hội. Tư tưởng bình đẳng trong Phật giáo được đề cao. Phật giáo cho rằng mọi người đều như nhau, mọi người đều bình đẳng, phải yêu thương lẫn nhau. Hãy nhìn thế giới xung quanh bằng ánh mắt vị tha hơn, bao dung hơn. Với tâm từ bi, với lòng yêu thương con người, Phật giáo đã phá đi hàng rào ngăn cách vô nhân đạo giữa con người với con người. Phật giáo không tách rời lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội mà nhấn mạnh đồng thời, lợi ích cá nhân và xã hội phải đi cùng để tạo ra một sự hạnh phúc cho nhân loại. Triết lý này của Phật giáo có thể bắt gặp trong năm giới, chuẩn mực nền tảng đạo đức của Phật giáo. Con người nên tuân giữ năm giới để làm cho cuộc sống không bị tổn hại, không vi phạm pháp luật quốc gia, vì lợi ích cá nhân và lợi ích cho cả xã hội. Phật giáo muốn đem lại cho các tín đồ của mình một triết lí sống vị tha, nhân bản. Khi đã thấu suốt được chân lý này, con người sẽ vươn lên khỏi cuộc sống vị kỉ mà sống theo tinh thần “Từ bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha”, có tinh thần nhân ái, yêu thương mọi người, thông cảm sâu sắc với những nỗi đau khổ của người khác như nỗi đau khổ của chính mình, tìm cách giảm nhẹ nỗi đau khổ cho họ, thành thực chia sẻ niềm vui với người khác như chính là niềm vui của mình, làm tất cả mọi việc có ích cho mọi người mà trong tâm không một chút đắn đo tính toán, không mong được báo đáp, không vị lợi, không cầu danh. “Chính mệnh” trong Bát chính đạo của Phật giáo còn có nghĩa là biết làm chủ cuộc sống, không lãng phí, không bủn xỉn, biết làm phúc. Biết chăm lo cuộc sống của người thân, quyến thuộc, biết tích lũy cho đời nay và chuẩn bị cho đời sau. Đức Phật dạy rằng các cư sĩ sống bình thường ở gia đình có 4 điều lạc thú: (1) được hưởng cảm giác an toàn do có của cải và cơ sở kinh tế có được bằng phương pháp chính đáng;
(2) có thể khảng khái sử dụng của cải ấy cho mình, cho người nhà và cho bạn hữu, đồng thời dùng nó đề làm nhiều việc từ thiện; (3) không bị khổ sở vì nợ nần; (4) có thể sống cuộc đời thanh tịnh, không lỗi lầm. Đạo Phật đã chỉ dẫn cho con người cần đào luyện một số đức tính của một tình thương chân chính với những tình cảm trong sáng tốt đẹp và đầy tình người: không thể giẫm đạp lên hạnh phúc của người khác để xây dựng hạnh phúc cho riêng mình, phải sống một cách chân chính, bằng chính sức lực và mồ hôi của mình, và, cuộc sống đầy rẫy đau khổ, không nên gây thêm đau khổ cho người khác mà phải đến với mọi người với hạnh “bố thí”, với tình thương yêu, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những khó khăn đầy rẫy trong cuộc sống.
Thứ hai, giáo dục đạo đức môi trường là nhằm giúp con người hiểu rõ được môi trường, tham gia cải thiện môi trường. Môi trường tốt thì con người khỏe mạnh, phát triển tốt, môi trường xấu thì con người bị đối mặt với bệnh tật, thiên tai… Giáo dục môi trường là giáo dục ý thức thức tỉnh con người phải có trách nhiệm tự bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường tức là bảo vệ chính mình. Môi trường là nơi cho mọi loài sinh sống và tồn tại, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, dưới sự tác động của rất nhiều khí thải công nghiệp, nạn chặt phá rừng… môi trường đã bị biến đổi, bị tổn hại rất nghiêm trọng. Vì thế, giáo dục Phật giáo cũng hướng con người đến việc bảo vệ môi trường làm cho cuộc sống muôn loài được bình yên. Đức Phật khuyên con người nên thực hành giáo lý Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) vào trong đời sống hàng ngày. Tu tập lòng từ để đối trị lòng sân, tu tập lòng từ bi để không hại người hại vật, tu tập lòng hỷ để trừ diệt lòng ganh ghét và tu tập hạnh xả để đoạn diệt hận thù. Từ và bi là tâm thương yêu tất cả chúng sinh muôn loài như loài thủy tộc, chim bay, thú chạy, côn trùng, cỏ cây, rừng núi, sông ngòi, biển… Hỷ và xả là tâm vui vẻ và vô chấp. Cái tâm bình đẳng, đồng nhất, hài hòa với thiên nhiên. Từ, bi, hỷ, xả là nguồn năng lượng vô biên, nó giúp con người có thể xây dựng được môi trường tốt đẹp, an bình và hạnh phúc giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Chúng ta đến với môi trường thiên nhiên như con ong đến với hoa, chỉ hút nhụy rồi đi chứ không làm tổn thương hương sắc của hoa. Kinh Pháp cú kệ số 49 ghi: “Như ong đến với hoa Không hại sắc và hương Che chở hoa, lấy nhụy Bậc Thánh đi vào làng”. Môi trường tốt là môi trường trong đó đất, nước, không khí không bị ô nhiễm, muôn thú tồn tại, trăm hoa đua nở, cỏ cây rừng núi xanh tươi, tăng chúng và Phật tử tu học nghiêm túc để đem lại niềm an lạc hạnh phúc cho mình, cho xã hội. Với tinh thần Từ bi, đạo Phật đem lại cho con người tình thương yêu muôn loài, không được hủy diệt cuộc sống thì quyền sống của thú vật và cây cỏ cũng được tôn trọng như con người. Trong thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên”, yếu tố Danh sắc có nghĩa là thân thể. Đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên hài hòa với loài người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục, tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường sống xanh và sạch. Đây là cơ sở để thiết lập nền hòa bình cho nhân loại. Từ quan điểm sống hài hòa với thiên nhiên mà Đức Phậtđã thực thi, chúng ta cần rút ra những bài học, biện pháp xây dựng một môi trường sống hạnh phúc thật sự.
Quan điểm giáo dục của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh trong điều kiện hiện nay là: (1) Giáo dục con người nhận thức rõ con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên và môi trường sống. Học thuyết Duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng không ai có thể sống một mình mà không có sự liên hệ với một cá nhân, cộng đồng, xã hội, với môi trường sống. Con người là tập hợp Ngũ uẩn và có một mối liên chặt chẽ với thiên nhiên, vì thế hãy tự nguyện sống hòa mình vào thiên nhiên, trên hết là tự nguyện bảo vệ môi sinh là bảo vệ nền hòa bình cho nhân loại; (2) Dựa vào thành tựu khoa học để giải thích sự ô nhiễm môi sinh là do thiếu ý thức bảo vệ môi sinh, khai thác tài nguyên thiên nhiên để chạy theo lợi nhuận kinh tế thị trường; (3) Giáo dục mọi người thực hành nếp sống trên nền tảng đạo đức Phật giáo là hướng thiện, tôn trọng sự sống, thực thi hạnh từ bi hỷ xả. Vì thế, mọi người hãy sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên là yêu sự sống của chính mình và của cộng đồng; (4) Nhận thức mọi ham muốn của bất cứ ai về sự mong cầu hưởng lợi lộc từ việc khai thác các nguồn năng lượng dự trữ của thiên nhiên vô ý thức để trục lợi làm giàu thì sẽ bị thiên nhiên trừng phạt vì đã phá vỡ sự mất cân bằng về sinh thái, gây ra khổ đau cho con người. Có biện pháp cụ thể, thiết thực không chỉ dựa trên văn bản của luật bảo vệ môi sinh, hay trông chờ vào thành tựu của ngành khoa học của môi sinh mà trên hết vẫn là thực hành nếp sống yêu thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên, tôn kính thiên nhiên để tự nguyện bảo vệ hành tinh quý giá này.
Thứ ba, giáo dục lối sống lành mạnh, tích cực, hướng đến hạnh phúc, an lạc. Phật giáo khuyên con người sống ở đời phải nhớ “Tứ ân” là bốn ơn lớn: ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc gia, ơn Tam bảo. Công lao sinh thành, nuôi nấng, dạy bảo của cha mẹ cả đời mỗi người cũng không thể đền đáp hết. Giáo dục Phật giáo hướng: con người phải hiếu hạnh, luôn biết cung kính cha mẹ, vâng lời và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Ơn thầy bạn, vì đó là những người đem đến cho ta những tri thức để ta trưởng thành, khôn lớn, có đạo đức, chúng ta phải siêng năng học hành, lễ phép, chân thành, kính thầy mến bạn. Ơn Tổ quốc, vì nhờ đó ta có được cuộc sống bình an. Ơn Tam bảo, là ơn Đức Phật đã xây dựng nên một học thuyết đạo đức với những điều Giới luật khuyên răn con người sống vì lòng từ bi, bình đẳng, luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách. Có nhận định viết rằng: “Làm người ở đời, được sống thành đạt chút gì là nhờ công ơn của ông, bà, cha, mẹ sinh thành, của mọi người, bạn bè thầy cô, của xã hội… Nên những ai muốn thành tựu nhân cách, muốn nhận rõ ý nghĩa của đời sống tương quan không thể không biết đến bốn ân và những phương pháp đền đáp”. Là một trong những thành tố tạo nên nền văn hoá dân tộc trong suốt hàng nghìn năm, Phật giáo ngày nay vẫn lưu giữ những giá trị tích cực có thể góp phần xây dựng đạo đức lối sống cho con người Việt Nam.
Tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo; lòng từ bi, bác ái góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ. Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”... Đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo huấn con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản.
Phật giáo khuyên con người giữ ngũ giới, nếu bất cứ ai thực hành các chỉ dẫn này sẽ gặt hái được ích lợi. Trong Ngũ giới, Giới không sát sinh với ý nghĩa giáo dục con người không sát hại loài vật, không tự mình giết, không bảo người giết, không chấp nhận, không tán thành người giết trong tâm thức hay trong cách sống, có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sống và sự sống của muôn loài trong đó có con người, con vật, thực vật... Tôn trọng và bảo vệ đời sống của mọi loài là động lực hữu ích nhất và thiết thực nhất để tôn trọng và bảo vệ đời sống của chính bản thân mình. Giữ giới không sát sinh có nghĩa là phải biết quý trọng, bảo vệ, làm phong phú và nâng cao giá trị sự sống của muôn loài trong mọi hình thức, là phải xây dựng cho mình một nếp sống đạo đức, một nếp sống từ, bi, hỷ, xả từ trong thâm tâm thì con người mới thực sự xây dựng một gia đình hạnh phúc, xã hội an bình và thịnh vượng. Hạnh phúc theo quan niệm của Phật giáo là con người phải biết quay về với đời sống tinh thần tu tập, diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại, là con người biết quay về với đời sống tâm linh cao cả, đó là phần tinh túy nhất của con người, được sống quay về với chính mình và hiện tại. Hạnh phúc mà Phật muốn dạy con người chính là đạt đến cảnh giới Niết bàn tại tâm. Có thể nói, đến với giáo dục Phật giáo là đến với con đường và phương pháp đạt được cuộc sống hạnh phúc trong đời này và đời sau.
Ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã được quần chúng nhân dân đón nhận một cách nồng nhiệt bởi tư tưởng của Phật giáo rất gần gũi với văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Cùng với chiều dài lịch sử dân tộc, những giá trị đạo đức Phật giáo như: tinh thần đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, rất gần gũi với tâm tư, tình cảm của người dân Việt Nam. Tư tưởng “từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn” của nhà Phật đã hòa quyện với tư tưởng yêu nước, nhân nghĩa của Việt Nam. Trong suốt quá trình tồn tại, đạo Phật đã không ngừng truyền bá các giáo lý và tư tưởng đạo đức của mình. Sự truyền bá đó không chỉ có ảnh hưởng đến các Phật tử, mà còn có ảnh hưởng rộng rãi đến quần chúng nhân dân.
-
- Vận dụng giáo dục đạo đức Phật giáo trong việc giáo dục đạo đức, lối sống sinh viên ở các trường đại học hiện nay
Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học kỹ thuật đã, đang và sẽ ngày càng tiến bộ, nền kinh tế của nhân loại sẽ ngày càng phát triển theo xu thế văn minh, hiện đại. Theo đó, đạo đức và lối sống của con người cũng cần phải biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống mới, nhưng biến đổi, đạo đức và lối sống của con người luôn phải dựa trên các chuẩn mực của những giá trị nhân bản truyền thống và “không thể tách rời đạo đức khỏi những quy tắc tôn giáo” như cựu tổng thống Nga V. Putin đã nói. Rõ ràng bất cứ tôn giáo nào ngoài hệ thống những giá trị đặc thù để bảo vệ niềm tin tôn giáo, còn có những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản sâu sắc, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng thiện… Vì vậy, việc giáo dục đạo đức lối sống trước đây và hôm nay không thể tách rời khỏi đạo đức và lối sống của tôn giáo, nhất là Phật giáo. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải có những giải pháp để phát huy hơn nữa những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc xây dựng nhân cách đạo đức lối sống cho sinh viên Việt Nam – những chủ nhân của tương lai.
Thứ nhất, về mặt nhận thức, nên xem tư tưởng Phật giáo về giáo dục và giáo dục đạo đức là một trong những tư tưởng giáo dục tiến bộ trong lịch sử nhân loại.
Ở Việt Nam tư tưởng chính thống là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những tư tưởng này không chỉ có ý nghĩa trong đời sống chính trị - xã hội mà còn được vận dụng và mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, giáo dục đại học cần phải vận dụng nhiều phương thức giáo dục khác nhau nhằm đạt đến những giá trị cao nhất của con người, nhất là giáo dục về đạo đức, lối sống. Nghĩa là, chúng ta cần phải tìm kiếm và vận dụng những tư tưởng giáo dục tiến bộ vốn có trong lịch sử giáo dục của nhân loại từ phương Đông sang phương Tây có ý nghĩa giáo dục góp phần đem lại cho con người một cuộc sống chân – thiện – mỹ thực sự… Phật giáo hàm chứa nhiều giá trị quí báu về giáo dục nhân cách sống cho con người, đó là điều đã được khẳng định. Hơn nữa, Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và là cái dễ đi vào nơi sâu thẳm nhất của lòng người và lưu lại đó một cách bền vững. Có thể nói, Phật giáo thế giới cũng như Phật giáo Việt Nam đều nhằm giáo dục và xây dựng con người thành những người có ích, vì thế nó cũng có thể phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nhất là đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.
Thứ hai, kết hợp tư tưởng Phật giáo với các tư tưởng khác để tuyên truyền và giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên trong giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục khác. Tư tưởng về con người và cuộc sống của con người, đó là vấn đề “khổ” và “cứu khổ” bằng “Bát chánh đạo và Tam học”, được thể hiện rõ nét trong học thuyết Tứ diệu đế. Tuy vậy, để sinh viên quan tâm và thực hành những lời dạy tốt đẹp của Đức Phật về cách làm người thì việc cố vấn, chỉ dẫn và định hướng của các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác giáo dục là rất cần thiết. Để làm được điều này, người dạy cần phải có những hiểu biết và nhận thức nhất định về Phật giáo nói chung và giá trị về đạo đức, lối sống của Phật giáo nói riêng; quan trọng hơn, họ phải biết cách lồng ghép, đưa vào một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, hợp lý, hợp tình những tư tưởng đó vào các tiết dạy, những bài nói chuyện, những buổi hoạt động ngoại khóa, những lời căn dặn, khuyên bảo về kỹ năng, cách sống… cho sinh viên.
Thứ ba, khuyến khích sinh viên tìm về những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại được chứa đựng trong các tôn giáo, đặc biệt là “Bát chánh đạo” và “Tam học” của Phật giáo Ngày nay, từ phương Tây cho đến phương Đông, giáo dục thường nhắm đến hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, do vậy thường nghiêng về giáo dục những tri thức về khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp cho người học mà coi nhẹ việc phổ biến những giá trị đạo đức cho họ. Trong khi đó, giáo dục ở nhiều nơi đều nhấn mạnh phải phát triển toàn diện cho người học. Trong thực tế, giáo dục nhân cách sống cho người học là một việc vô cùng quan trọng nhưng không hề đơn giản, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều lần so với việc trang bị về tri thức, kỹ năng.
Thứ tư, giáo dục nhà trường cần phải kết hợp với các tổ chức xã hội, với các cơ sở tôn giáo (trong đó có Phật giáo) trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên. Thiết nghĩ, những sự kết hợp này sẽ không những làm đa dạng, phong phú hoạt động giáo dục mà còn tận dụng và phát huy được các ưu thế của những tổ chức xã hội, cơ sở tôn giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho người học.
Thứ năm, sinh viên tự ý thức tầm quan trọng của việc rèn luyện nhân cách sống và khuyến khích họ chủ động tìm về những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức, lối sống của Phật giáo… Các thầy cô gợi ý, động viên, khuyến khích cho sinh viên, phải để sinh viên tự nguyện, lựa chọn, tự “chiêm nghiệm”, tự “tu tập” tư tưởng đạo đức Phật giáo hay bất kỳ một giá trị đạo đức tốt đẹp nào khác mà họ thấy phù hợp và yêu thích.
3. KẾT LUẬN
Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên các trường đại học hiện nay ở Việt Nam là một nội dung cơ bản, thường xuyên, nhưng trong từng giai đoạn cụ thể thì giáo dục cần phải vận dụng những tư tưởng, phương thức giáo dục phù hợp thì mới có thể mang lại hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tồn tại nhiều phong tục, tập quán, quan điểm lỗi thời. Bên cạnh đó, tiếp nhận cái tiến bộ, cái mới của sự hội nhập quốc tế. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cho chúng ta cơ hội mới và thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục đại học có những thay đổi phù hợp. Giáo dục đạo đức cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng.
Vận dụng tư tưởng Phật giáo có thể mang lại những hiệu quả tích cực trước mắt và lâu dài cho việc giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên ở Việt Nam trong thời đại hiện nay, bởi Phật giáo “sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể, gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa”6.
***
Tài liệu tham khảo
Daisets Teitaro Suzuki (2000), (người soạn dịch: Thuần Bạch),
Thiền, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
Thích Minh Châu (1972), Trường Bộ Kinh (Digha-Nikaya), Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn.
Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1998), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Văn tuyển (2004), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Nhiều tác giả), “Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001.
Giáo dục Việt Nam trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 - http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Giao-duc-Viet- Nam-truoc-yeu-cau-cua-cach-mang-cong-nghiep-40/308970. vgp.
PGS. TS. Nguyễn Cúc (2017), “Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam”, Học viện Chính trị khu vực I – Báo điện tử baomoi.com, ngày 27/8/2017.
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Báo điện tử baomoi.com.vn, ngày 27/08/2017.