SỰ CẦN THIẾT ĐƯA PHẬT GIÁO VÀO HỌC ĐƯỜNG
TS. Trần Minh Đức, ThS. Nguyễn Văn Tiến
|
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của quá trình toàn cầu hóa, mỗi quốc gia, dân tộc chỉ có thể tồn tại và phát triển nhanh chóng khi biết hòa nhập với cộng đồng thế giới, và trở thành một mắt xích của nền kinh tế toàn cầu. Toàn cầu hóa có những điểm tích cực, như thúc đẩy sự phát triển xã hội và quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất, tạo sự tăng trưởng kinh tế cao ở nhiều khu vực, tái cơ cấu nền kinh tế thế giới; truyền bá, chuyển giao trên quy mô rộng những thành quả, những phát minh sáng tạo mới trong khoa học - công nghệ và tổ chức quản lý, đưa thông tin đến từng quốc gia, từng cá nhân một cách nhanh chóng và đa dạng; tạo điều kiện cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và quốc gia,... Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng có mặt tiêu cực, như làm tăng thêm bất công, bất bình đẳng xã hội, đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia, các khu vực; cuộc sống của con người trở nên kém an toàn hơn do nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng. Những biến động mạnh mẽ của xã hội do tác động
*. Giảng viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại hc Thủ Dầu Một, Bình Dương.
của quá trình toàn cầu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến mọi quốc gia, thách thức các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống các dân tộc.
Với tầng lớp thanh thiếu niên nói chung trong đó có các em học sinh, sinh viên, thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ các em hiện nay có cách sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động. Họ vô lễ với người lớn, bất hiếu với cha mẹ, bất kính thầy cô, thiếu tình với bạn bè, người thân; một số em ở đô thị thích sống hưởng thụ, đam mê nhục dục, ăn chơi trác táng, không biết giữ gìn nếp sống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, cha ông. Nhiều em không hề có ý niệm về tội - phước, nhân - quả, không ý thức được lẽ sống ở đời. Hơn nữa, thanh thiếu niên ngày nay thường chạy theo lối sống vọng ngoại, lai căng,.. mà họ cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị truyền thống, đạo đức nền tảng cơ bản của con người. Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay trong giới học sinh, sinh viên là bạo lực học đường, tình trạng này ngày càng phổ biến với mức độ lần sau nghiêm trọng hơn lần trước,…
Trước thực trạng nhiều chuẩn mực đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay đã đến mức báo động, với tư cách là một thiết chế xã hội, là nơi cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên xử lý đúng đắn các mối quan hệ cho xã hội, ngành giáo dục Việt Nam nên cần thiết có sự nghiên cứu nghiêm túc, nhận thức đúng đắn về nội dung cốt lõi trong Học thuyết triết học Phật giáo, từ đó đưa môn học này vào chương trình chính khóa của hệ thống các trường cao đẳng, đại học và xem đây là môn học bắt buộc cho tất cả các sinh viên. Tin rằng với tất cả tính khoa học của mình, triết lý Phật giáo sẽ góp phần đáng kể giúp các em am hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân - quả, tội - phước,... từ đó các em sẽ có được lối sống lành mạnh, văn minh, hiếu kính với tổ tiên, ông bà, thầy cô và có trách nhiệm với xã hội.
- KHÁI QUÁT VÀI ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM
Phật giáo xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ VI trước công nguyên ở Bắc Ấn Độ do Tất Đạt Đa (Siddhatha), thái tử của vua Tịnh Phạn
(Suddhodana) sáng lập. Quốc gia Âu Lạc của chúng ta đã bị Nam Việt của Triệu Đà thôn tính vào năm 179 trước công nguyên, và lập thành quận Giao Chỉ. Năm 110 trước công nguyên, Nam Việt lại thuộc Hán, Giao Châu theo đó được chia thành hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân. Trên lãnh thổ của nhà Hậu Hán sau đó đã tồn tại ba trung tâm Phật giáo là Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Sử liệu cổ của Trung Hoa cũng không ghi nhận được rõ ràng sự hình thành của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, chỉ có Luy Lâu thuộc Giao Chỉ là được xác định rõ ràng và sớm nhất, đây là bàn đạp cho việc hình thành hai trung tâm kia. Từ nửa sau thế kỷ II, Luy Lâu đã tồn tại như một trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh. Điều này cho thấy việc du nhập Phật giáo vào Giao Châu là rất sớm, có lẽ từ đầu công nguyên1.
Ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã được quần chúng nhân dân đón nhận một cách nồng nhiệt bởi tư tưởng Phật giáo rất gần gũi với văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Cùng với chiều dài lịch sử dân tộc, những giá trị đạo đức Phật giáo như tinh thần đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, rất phù hợp với tâm tư, tình cảm người dân Việt Nam. Tư tưởng từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật đã hòa quyện với tư tưởng yêu nước, nhân nghĩa của người Việt Nam. Trong suốt quá trình tồn tại, đạo Phật không ngừng truyền bá các giáo lý và tư tưởng đạo đức của mình. Sự truyền bá đó không chỉ có ảnh hưởng đến các Phật tử, mà còn lan tỏa rộng rãi đến quần chúng nhân dân. Cùng với việc truyền đạt tư tưởng đạo đức, giáo lý, Phật giáo còn tích cực đào tạo cho mình một đội ngũ chức sắc, chính đội ngũ trí thức tôn giáo này đã làm nòng cốt trong việc bảo tồn và phát triển đạo Phật, đồng thời làm phong phú thêm hệ thống tri thức đạo đức Phật giáo ở Việt Nam thông qua việc dịch kinh sách nhà Phật, học tập và truyền đạt những tri thức đạo đức Phật giáo mới, tạo điều kiện, cơ sở cho việc hình thành những quan niệm sống tích cực, nhân văn, nhân bản.

- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, in lần thứ 3, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1992.
Sự có mặt của Phật giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ đã góp phần làm phong phú thêm tâm hồn, đạo đức, hành vi cư xử của người Việt. Với tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, năng động hóa bởi đạo lý Bát chính đạo có ý nghĩa giáo dục rất to lớn với dân tộc, có vai trò quan trọng trong đời sống tình cảm, tâm linh của người Việt Nam, người dân của đất nước đã trải qua nhiều đau thương và còn nhiều khó khăn trong đời sống xã hội. Phật giáo đã đi vào tâm thức của hầu hết người dân Việt Nam, điển hình phải kể đến là việc đi chùa lễ ngày rằm, mồng một hàng tháng của rất đông người dân, hay các ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo, mọi người về chùa tham dự một cách tự giác và lấy chùa làm nơi tu tập tìm chốn bình yên cho tâm hồn. Ở chốn thiền môn họ không còn bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu, những trò lố lăng làm đạo đức con người suy đồi, ngược lại họ được dạy những điều cơ bản nhất về đạo đức để hoàn thiện một con người có ích cho xã hội, gạt bỏ đi những tham - sân - si đang ngự trị trong tâm trí họ.
Mặc dù là tôn giáo có tính xuất thế, chủ trương “bất bạo động”, nhưng khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập với dân tộc, gắn bó và chia sẻ với số phận của dân tộc: “Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do”2, và “Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang”3. Đức khoan dung, lòng độ lượng; sự chia sẻ và cảm thông, thái độ sống hướng đến tha nhân, vì tha nhân,.. của Phật giáo đã khiến nhiều Tăng ni, Phật tử dấn thân vì dân, vì nước, góp phần đưa lại nền thái bình, thịnh trị cho dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đông đảo tín đồ, chức sắc Phật giáo ở nước ta đã đứng về phía dân tộc, tham gia tích cực vào sự nghiệp kháng chiến giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Phật giáo có một hệ thống các quan niệm đạo đức khá hoàn thiện nhằm xây dựng mẫu người lý tưởng. Nhờ vậy, khi thực hành, tín đồ Phật giáo có thể tự điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với cái thiện. Những quan niệm về ngũ giới, thập thiện, thuyết nhân

- Báo Cứu quốc, ngày 14-1-1946.
- Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.197.
quả, luân hồi, nghiệp báo,... mặc dù ít nhiều mang tính thần bí, siêu hình, song lại có ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa những suy nghĩ, lời nói, hành động không đúng hoặc lối sống buông thả,… nhằm đem lại cho cá nhân một thái độ sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng hơn. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy yếu tố hợp lý trong quan niệm về đạo đức của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, Người nói: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”4.
Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản văn hóa của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, đại bộ phận Tăng ni, Phật tử rất tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ích nước, lợi dân. Gầnđây, mộtsốngườiđãquyêngóp, côngđứctiềncủa để khôi phục, tôn tạo chùa chiền, xây cất tịnh xá, niệm phật đường, đúc chuông, đắp tượng, dựng tháp,… Ngoài ý nghĩa tâm linh, nhiều ngôi chùa đã trở thành những danh thắng nổi tiếng để du khách đến chiêm ngưỡng như chùa Bái Đính5, chùa Tam Chúc6,... Những giá trị văn hóa Phật giáo không chỉ tồn tại trong tư tưởng, mà còn đang hiện diện thông qua sự nỗ lực của hàng triệu tín đồ nhằm vươn tới một lẽ sống vì Tổ quốc giàu mạnh, nhân sinh hạnh phúc.
Xu hướng chung của Phật giáo Việt Nam không phải là thoát tục, mà là nhập thế. Giải thoát không phải trốn chạy, quay lưng với thực tại, mà ít nhiều thể hiện khuynh hướng đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, xây dựng một xã hội hài hòa và công bằng.

- Hồ Chí Minh toàn tập, t.6 Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.225.
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%A1i_%C4%90%C3%Adnh: Chùa Bái Đính là một khu du lịch tâm linh của Doanh nghiệp Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình với quần thể chùa lớn cùng nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á,... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_du_l%E1%BB%8Bch_Tam_Ch%C3%Bac: Tam Chúc là một khu du lịch quốc gia ở Việt Nam, có điểm nhấn là chùa Tam Chúc. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng mới gắn với hồ Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Ngày nay, truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam không còn chung chung, trừu tượng mà đã đi vào cuộc sống đời thường cụ thể và thiết thực hơn. Những năm qua, Phật giáo đã tiến hành quyên góp giúp đỡ người nghèo, bảo trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, mở lớp học tình thương, khám chữa bệnh, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa,… Các hoạt động xã hội với những nghĩa cử từ bi của nhà Phật đã góp phần nâng cao đạo đức truyền thống và làm ổn định xã hội. Hoạt động nhân đạo, từ thiện của Phật giáo đã làm dịu đi phần nào nỗi đau của những người bị mất mát, tổn thất do thiên tai, dịch bệnh gây nên; giảm bớt nỗi buồn của những mảnh đời bất hạnh, những thân phận đơn côi,… Điều đó cho thấy Phật giáo ở Việt Nam không hoàn toàn thoát tục, lánh đời, quay lưng với cuộc sống trần thế mà nó đã, đang và sẽ hòa nhập với nhân sinh, cùng sẻ chia với buồn vui của con người trong thế giới hiện hữu vốn không ít khổ đau.
Ngày nay, nhân loại đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Những thành tựu to lớn do khoa học đem lại đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt hành tinh chúng ta, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho con người. Nhưng, mặt trái của nó cũng đã đem đến những hậu quả nặng nề mà nhân loại đang phải gánh chịu. Trước tình trạng trên, ở nước ta, rất nhiều người, trong đó có những chức sắc, tín đồ Phật giáo, quan tâm đến vấn đề môi sinh và có nhiều nỗ lực góp phần bảo vệ sinh thái địa cầu, Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kêu gọi “mong mỏi những người có đạo tâm, có hiểu biết luật nhân quả hãy chung tay góp sức với nhau trồng nên những khu rừng bạt ngàn. Làm được điều này tức là làm được điều phước thiện lớn lao, vì chúng ta để lại cho thế hệ mai sau tài nguyên gỗ và môi trường sống tốt đẹp”7. Cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Phước đã hướng dẫn tín đồ trong việc giữ

- Thích Chân Quang, Nghiệp và quả, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr .190.
gìn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bằng cách tái tạo môi trường tự nhiên, kết quả đa phần các ngôi chùa của tỉnh hiện nay còn giữ được cảnh quan thiên nhiên trong khi quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, cụ thể như chùa Sóc Lớn, huyện Lộc Ninh, chùa Quang Minh, thị xã Đồng Xoài,..8.
Có Phật tử còn đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đưa môn Bảo vệ thiên nhiên và môi trường vào chương trình giáo dục và đào tạo Phật học nhằm giúp Phật tử hiểu rõ phương thức và kỹ thuật hành xử tối thiểu trong lĩnh vực này để đóng góp cụ thể vào chương trình hành động bảo vệ và cải thiện môi trường sống của nhà nước. Đó là những ý kiến rất đáng trân trọng trong hoàn cảnh môi trường đang bị suy thóai như hiện nay,...
Có thể khẳng định, với phương châm hoằng hóa “tùy duyên phương tiện”, sau hơn hai nghìn năm xâm nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tạo khả năng chấp nhận những dị biệt của truyền thống văn hóa ở những khu vực mà nó đi đến, tích cực trong việc kiến tạo một xã hội bình đẳng, bác ái, giúp mọi người sống lương thiện, tu tâm dưỡng tính và góp phần đáng kể trong việc điều chỉnh các mối quan hệ gia đình, xã hội.
- HÀM Ý MỘT SỐ MẶT TÍCH CỰC KHI ĐƯA PHẬT GIÁO VÀO HỌC ĐƯỜNG
Ngày nay Phật giáo với điểm xuất phát từ phương Đông đã lan tới phương Tây và được chú ý đến như một sự bù đắp cho thiếu hụt của triết học phương Tây về con người hướng nội. Ở Việt Nam, với lợi thế Phật giáo đã bám rễ sâu trong đời sống người dân từ hơn hai nghìn năm qua, vì thế nếu ngành giáo dục mạnh dạn đưa Phật giáo vào các trường cao đẳng, đại học sẽ khả dĩ đạt được những điểm tích cực sau:
-
- Định hướng, rèn luyện niềm tin và đạo đức cho thế hệ trẻ
Giới trẻ thường mải mê chạy theo cuộc sống hiện đại mà quên

![]()
8. Thích Nhuận Đạt, Đạo Phật và Môi trường, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr. 35.
đi yếu tố đạo đức, trong khi đạo đức chính là nền tảng quan trọng để xây dựng nên nhân cách mỗi con người. Do vậy, vai trò của Phật giáo rất quan trọng trong đời sống xã hội, vì nó giữ gìn và phát huy đạo đức ở từng con người, yêu cầu của Phật giáo là giáo dục cho giới trẻ có một trình độ hiểu biết tư duy phân biệt rõ, tốt xấu hư thực và có khả năng kiểm soát các hành vi của chính mình bằng những bài pháp sinh động, cụ thể và phù hợp với mọi lứa tuổi. Phật đến với tầng lớp sinh viên sẽ giúp các em tự tìm đường đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình. Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc an vui trong đạo Phật, ứng dụng lời Phật dạy, luôn điều chỉnh hành vi và thái độ tiêu cực, để cho con người sống lạc quan và thấy rõ bản chất có ý nghĩa của cuộc đời, đó là lối sống không bi quan, không bao giờ có tư tưởng đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào trí tuệ và phương pháp tu dưỡng và nhân cách sống của chính mình.
Khi thiết lập được một niềm tin vững chãi từ sớm sẽ giúp cho các em sinh viên có một niềm tin vững chắc về cuộc sống, về giá trị đạo đức xã hội, về đạo hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, về nhân - quả công bằng của những hành động, đặc biệt là niềm tin tâm linh Phật giáo. Khi những ấn tượng tốt ban đầu đã gieo vào cuộc đời các em thì các em sẽ nhớ mãi, sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, được như vậy thì nhiệm vụ hoằng pháp sẽ góp phần đáng kể trong việc định hướng niềm tin và lối sống vững chãi cho các thế hệ tương lai,…
-
- Góp phần bảo lưu bản sắc văn hóa Việt Nam
Dunhậpvào Việt Namkhásớm, với tinh thầnnhậpthếtùyduyên và bất biến, Đạo Phật đã tạo cho mình một sức sống vô biên, vượt qua những ngăn cách của địa lý, văn hóa, tôn giáo, ý thức hệ, thời gian, không gian,… Tinh thần tuỳ duyên là tự thay đổi với hoàn cảnh để có thể tiếp độ chúng sanh, tính bất biến là giải thoát ra khỏi mọi đau khổ, sinh tử luân hồi. Chính trên tính chất tùy thuận ấy mà Phật giáo được tồn tại và phát triển. Và cũng chính trong quá trình
này, những khía cạnh, những yếu tố mới vốn cô đọng trong tinh hoa nguyên lý Phật giáo, có được môi trường tốt đẹp để nở hoa, khoe sắc. Khi được truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với các tín ngưỡng bản địa, do vậy đã kết hợp chặt chẽ với các tín ngưỡng này. Tiêu biểu ở vùng Bắc bộ có chùa Tứ Pháp, thực ra đây vẫn chỉ là một trong những đền miếu dân gian thờ các vị thần tự nhiên Mây, Mưa, Sấm, Chớp và thờ Đá hay như ở giữa thủ đô Hà Nội có hình ảnh chùa Ðậu9, vùng Bắc Ninh có chùa Dâu10 được thờ trong chùa nhưng Phật mang tên Bà chính là muốn nêu gương sáng về lòng nhân hậu, từ bi của người mẹ. Cũng như thế, lối kiến trúc của đa số chùa chiền Việt Nam hiện nay là tiền Phật hậu Thần cùng với việc thờ trong chùa các vị thần, các vị thánh, các vị thành hoàng thổ địa và anh hùng dân tộc,...
Những nét mới ấy chỉ duy nhất có ở Việt Nam mà không tìm thấy ở đâu khác, điều đó tạo thành bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Điều này cần thiết được chuyển tải và trở thành nội dung của việc giáo dục Phật giáo cho các thế hệ sinh viên, làm cho dòng mạch văn hóa tốt đẹp ấy tiếp nối không đứt đoạn nhằm truyền trao lại thế hệ sau một cách trọn vẹn nhất tinh hoa Phật giáo Việt Nam.
-
- Giữ gìn những giá trị cốt lõi của triết lý Phật giáo
Nhờ có lịch sử hơn hai nghìn năm thường xuyên được hoằng pháp và hành trì nên những tinh hoa của Phật giáo như Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Luật nhân quả, Luân hồi,... đã được giữ gìn chuyển tiếp cho nhau qua nhiều thế hệ. Đạo Phật là tôn giáo có triết lý cao siêu đã ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của người Việt từ tư tưởng, đạo

![]()
9.https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_%C4%90%E1%BA%ADu_ (H%C3%A0_N%E1%BB%99i): Chùa Đậu là một ngôi chùa ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vì chùa thờ Bà Đậu hay Đại Bồ Tát Pháp Vũ nên chùa được gọi là chùa Đậu và còn có tên là Pháp Vũ tự.
10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_D%C3%A2u: Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên ứng tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, nó đã được xây dựng lại.
đức, văn học, nghệ thuật cho đến phong tục tập quán, nếp sống nếp nghĩ. Tuy vậy thực tế cho thấy, ngoài những người xuất gia ra thì đối tượng thường xuyên đến với chùa chiền và tìm hiểu nghiên cứu giáo lý đạo Phật ở Việt Nam lâu nay chủ yếu là người già, phụ nữ và giới bình dân. Đây là một khiếm khuyết đáng tiếc, vì đúng ra với triết lý giáo dục đạo đức con người hàm chứa đầy tính nhân văn, nhân bản, sẽ lợi lạc hơn nếu Phật giáo được giáo dục từ sớm cho các em học sinh, sinh viên - rường cột của đất nước. Giáo pháp của Đức Phật khuyên con người “hãy đến để thấy”, Đức Phật khuyên mọi người hãy thực hành giáo pháp của Ngài để thực nghiệm trạng thái an lạc giải thoát chứ không phải đứng nhìn giáo pháp từ xa với một niềm tin vô bổ. Đặc tính này rất phù hợp với tính hiếu kỳ, tính tự lập và tính thực tế của giới trẻ. Sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học là những con người đang ở độ tuổi sung mãn, luôn muốn chứng minh mình có đủ khả năng để nghiên cứu tìm tòi, có đủ khả năng để tự tạo dựng cuộc sống của bản thân trong tương lai, và cũng có đủ khả năng để thay đổi vận mệnh đất nước. Như vậy nếu Phật giáo được đưa vào học đường sẽ là một giải pháp căn cơ không chỉ giúp các em sinh viên có được chìa khóa mở ra sự giải thoát cho mình trên thế gian và cho một hạnh phúc, một thiên đàng tại thế thanh bình, ấm no, mà qua đó chính giới trí thức trẻ này sẽ góp phần đáng kể để bảo lưu được những giá trị cốt lõi của Giáo lý đạo Phật vì giáo dục đào tạo triết học Phật giáo thì điều tất yếu và tối quan trọng chính là nền giáo dục ấy phải thể hiện được những cốt tủy của đạo Phật.
-
- Thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam
Thực tế trong nhiều năm qua, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần vào chặn đứng sự suy thoái đạo đức trong thanh thiếu niên như: tổ chức Gia đình Phật tử tại các chùa, các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên,... nhằm giới thiệu những tấm gương mẫu mực, nếp sống hiền hòa hướng thiện của những Tăng ni, Phật tử; giới thiệu những nhân tố thành đạt của các bậc thiện tri thức, các nhà doanh nghiệp, doanh nhân đến với các em. Từ đó, giúp thế hệ trẻ am hiểu được lễ nghi,
phải trái, hiếu thuận, nhân - quả, tội - phước,… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, biết ơn với tổ tiên, ông bà, thầy cô và có trách nhiệm với xã hội. Vì vậy khi Phật giáo trở thành một môn học chính khóa trong nhà trường sẽ giúp phát huy tối đa vai trò tích cực với tầng lớp tri thức này. Những vấn đề ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày như: dạy làm người, mối quan hệ trong tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ nơi công sở, đồng nghiệp, bạn bè, lý tưởng sống, kỹ năng sống,... sẽ là những đề tài gắn liền với đời sống thực tiễn có sức lôi cuốn các em sinh viên tham gia nghiên cứu bàn luận.
Như vậy, vấn đề còn lại là ngành giáo dục cần làm gì để cùng lúc vừa thu hút sinh viên quan tâm đến nền tảngđạo đức tâmlinh Phậtgiáo nhưng vẫn đảm bảo chuyển tải được tư tưởng “đem đạo vào đời” bằng tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Vì tinh thần nhập thế của Phật giáo ở Việt Nam còn bao hàm một ý nghĩa sâu rộng hơn, do hoàn cảnh, môi trường sinh sống, cá tính, đặc trưng dân tộc Việt Nam, một quốc gia luôn bị đe dọa bởi ngoại xâm, mà tinh thần nhập thế này ngoài phạm vi thuộc lĩnh vực đạo đức, xã hội còn là các hoạt động chính trị và quân sự nữa. Ðây chính là những đặc điểm làm cho Phật giáo Việt Nam mang tính thực tiễn năng động qua nhiều thời kỳ lịch sử.
- KẾT LUẬN
Phật giáo là một tôn giáo cao siêu và trí tuệ, không ít những nhà khoa học phương Tây đã thấy được giá trị và hết lời ca ngợi Phật giáo. Một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ XX - Albert Einstein cho rằng “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo của toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”11. Đối với nước ta hiện nay, trong sự nghiệp đào

![]()
11. Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).
tạo con người, việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ chiếm một vị trí rất quan trọng. Nó không những chỉ ở mặt chiến lược mà còn nhằm mục tiêu trước mắt là ngăn chặn sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức lối sống trước sự tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường cùng với những tiêu cực của văn hóa ngoại lai. Mục tiêu về công tác giáo dục của Đảng và Nhà nước ta là đào tạo ra những con người có trí tuệ cao, thể chất cường tráng, đời sống tinh thần và đạo đức trong sáng, giàu bản lĩnh và thực sự có ý thức trách nhiệm công dân. Để đạt được mục tiêu đó thì ngoài các nhiệm vụ khác, chúng ta cũng phải nhìn lại những giá trị đạo đức truyền thống, tìm ra những thành tố nào có thể góp phần cho việc giảng dạy đạo đức trong nhà trường, đi đôi với việc giáo dục đạo đức và lối sống cho toàn xã hội. Đây cũng là một vấn đề cần đặt ra và phải giải quyết cấp bách.
Xuất phát từ nền văn hóa dân tộc: văn hóa là cái hồn của dân tộc, mất văn hóa là mất dân tộc. Chúng ta giữ được nền văn hóa truyền thống của dân tộc là giữ được đất nước. Khi đề cập đến đời sống văn hóa của dân tộc thì không thể bỏ qua một bộ phận cấu thành nó, đó là đạo đức Phật giáo. Từ những ngày đầu của quá trình du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã không ngừng biến đổi nhằm thích nghi với phong tục, tập quán, truyền thống và tâm thức của người dân bản địa. Với bản chất tùy duyên, Phật giáo đã thâm nhập vào đời sống người dân Việt Nam một cách tự nhiên. Vì thế, Phật giáo được xem là một tôn giáo có truyền thống gắn bó với dân tộc ta từ lâu đời và có vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức, tâm linh của dân tộc.
Với hệ thống giáo lý mang đậm tính nhân văn, nhân bản, Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh, văn hóa, đạo đức của người Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ trẻ, họ là tầng lớp quan trọng trong xã hội, là tương lai của đất nước, là những người sẽ đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, những hoạt động liên quan đến giáo dục Phật giáo phát triển khá mạnh, với sự định hướng của Giáo hội Phật giáo, các chức sắc Phật giáo và các Phật tử, những hoạt động giáo dục Phật giáo cho bộ phận thanh thiếu niên là người xuất gia, Phật tử trên cả nước
đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhưng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội thì ngành giáo dục mà đơn vị chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa giáo dục Phật giáo trở thành một môn học bắt buộc trong các trường cao đẳng, đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân - điều mà nhiều quốc gia trong đó có các nước tiên tiến phương Tây đã thực hiện từ nhiều thập niên trước.
***
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Thế Nghĩa, Doãn Chính, Lịch sử triết học, Tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
Thích Nhuận Đạt, Đạo Phật và môi trường, Nxb. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 2010.
Trần Văn Giàu, Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
Nguyễn Hùng Hậu, Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
Nguyễn Duy Hinh, Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Viện Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, in lần thứ 3, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1992.
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. Thích Chân Quang, Nghiệp và quả Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004. Thích Thanh Từ, Phật giáo với dân tộc, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ
Chí Minh xuất bản, 1992.