GIÁO DỤC PHẬT GIÁO MYANMAR: LỊCH SỬ VÀ HIỆN TRẠNG
TS. SC. Thích nữ Diệu Hiếu
Myanmar (Miến Điện), xứ sở Chùa Tháp, là một trong những quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á; biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Đông giáp Lào và Thái Lan, phía Tây giáp với Bangladesh và Ấn Độ. Diện tích toàn lãnh thổ là 677.000 km2, dân số khoảng trên 60 triệu với 135 chủng tộc khác nhau, chủng tộc Myanmar chiếm 2/3 dân số cả nước.
Myanmar được chia thành 7 vùng hành chính: Ayeyarwady, Bago, Magway, Mandalay, Sagaing, Tanintharyi, và Yangon; và 7 bang: Chin, Kachin, Kayin, Kayah, Mon, Rakhine và Shan. Tên của bang thường được đặt theo tên của dân tộc thiểu số đông nhất trong bang, trong khi vùng hành chính là những nơi có người Myanmar chiếm phần lớn dân số.
Trước đây, Yangon được xem là thủ đô của Myanmar nhưng hiện tại là thành phố lớn nhất nước. Thủ đô mới hiện nay toạ lạc tại Nay Pyi Taw, quận Pyinmana, Mandalay, cách Yangon khoảng 320 km về phía Bắc. Myanmar là một trong những nước thuần túy theo

![]()
*. Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda). Cả nước có trên 89% dân số theo đạo Phật, phần còn lại là Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, và một số ít theo thuyết vật linh.
Phật giáo được cho là đến với Myanmar rất sớm, ngay sau khi Đức Phật thành Đạo dưới cội Bồ đề, Ngài đã ban tặng tám sợi tóc1 cho hai anh em thương gia tên Tapussa và Bhallika từ xứ Ukkalā (tên gọi trước đây của Myanmar).2
Khi Đại đế Asoka đã trở thành vị vua phật tử, hộ trì tam bảo, theo lời khuyên của Trưởng lão Moggaliputtatissa (Mục-liên-tử-đế- tu), đức vua đã cho 9 phái đoàn truyền bá Phật giáo đi hoằng pháp khắp nơi ngoài lãnh thổ. Một trong chín phái đoàn truyền bá Phật giáo của Đại đế Asoka, Tỳ kheo Soṇa và Uttara tháp tùng quý Đại đức Anuruddha, Tissagutta và Somāya đã đến hoằng pháp tại vùng đất Thaton, nước Rāmaññadesa thuộc Kim-địa (Suvaṇṇabhūmi) vào khoảng thế kỷ III trước tây lịch.3
Sau đó Phật giáo được phát triển mạnh ở Myanmar từ thế kỷ
- Hầu hết các tu viện Phật giáo ở các địa phương đã kết hợp nâng cao trình độ văn hóa và giáo dục Phật giáo. Nhờ đó, Myanmar là một trong những quốc gia có tỷ lệ học vấn (biết đọc, biết viết) cao bên cạnh kiến thức cơ bản về Phật Pháp. Các tự viện đồng thời là các trường Phật giáo đã được cho phép dạy đến chương trình tiểu học. So với các nước trong khu vực, Myanmar đã tổ chức hai sự kiện Phật giáo nổi bật và quan trọng là (1) Kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ V đã được tổ chức vào năm 1871 ở thành phố Mandalay. Sau đó, nội dung của Tam tạng được vua Mindon cho người khắc ghi trên những 729 phiến đá cẩm thạch. (2) Kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ VI được tổ chức vào năm 1954 tại thủ đô Yangon.
Giáo dục Phật giáo Miến Điện trong thời hiện đại được phân biệt như sau:

-
- Tám ngôi xá lợi tóc này được tôn thờ tại bảo tháp Shwedagon, Yangon.
- Bischoff, Roger, Buddhism in Myanmar, Buddhist Publication Society, 1995, tr.67.
- G.E. Gerini, “Siam’s Intercourse with China,” 1901, tr.167.
Dựa trên tính chất: có hai loại ‘chính thức’ và ‘không chính thức’. ‘Giáo dục chính thức’ là việc nghiên cứu và giảng dạy của Phật giáo dựa trên giáo trình cụ thể, theo các mục đích thực hiện, có tổ chức các kỳ thi, nếu đạt sẽ có cấp bằng, giấy chứng nhận và danh hiệu. ‘Giáo dục không chính thức’ nghĩa là việc học hành, nghiên cứu Phật pháp một cách phổ quát, không theo một giáo trình nghiêm ngặt, và không liên quan đến các kỳ thi.
Dựa trên lĩnh vực: có hai loại ‘Pháp học’ (pariyatti) và ‘Pháp hành’ (paṭipatti). Việc chia này cũng ứng theo ‘nhiệm vụ học Kinh điển’ (ganthadhura) và ‘nhiệm vụ nội quán’ hay còn gọi ‘nhiệm vụ thiền Tuệ Quán’ (vipassanādhura).
- LỊCH SỬ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Trong những ngày đầu của Phật giáo ở vùng Ramanyadesa, Pyu, và Bagan của Myanmar, việc nghiên cứu Tam tạng Phật giáo là không chính quy, tính cách phổ thông (gia giáo). Thời kỳ từ thế kỷ XI đến XIII, khởi đầu là triều đại của vua Anawratha (1044-1077) (còn được ghi là vua Anuruddha), Cố đô Bagan của Myanmar mở ra một trang sử vàng son cho giai đoạn phát triển Phật giáo Nguyên thủy. Những Kinh văn Pāli giá trị đã được viết và lưu truyền vào thời điểm này, cho thấy rằng trình độ giáo dục Phật giáo được nâng lên tầm cao. Mặc dù không có chương trình cụ thể, cố định cho việc nghiên cứu của đạo Phật, nhưng những bằng chứng lịch sử đã cho thấy rằng quyển ngữ pháp Pāli Kaccāyana và quyển Vi Diệu Pháp yếu giải - Abhidhammatthasaṅgaha, và sách về Nghiệp, về Giới và Kinh Tụng – Paritta, được xem là những quyển sách rất giá trị cho những người bắt đầu học Phật. Giáo dục tại tự viện (lớp giáo lý Gia giáo) tại địa phương không qua thi cử, không cấp chứng chỉ, không theo chương trình giáo án bắt buộc, chỉ đưa ra nhiệm vụ học và nghiên cứu chuyên sâu từng bộ môn Phật học cho đến thông thạo, rồi tiếp tục chọn môn khác để học, nhờ vậy mà kiến thức uyên bác chuyên sâu, được tín nhiệm cao, dù không có chứng chỉ.
Các sử gia tin rằng các kỳ thi chính thức cho giáo dục Phật giáo đã được bắt đầu trong triều đại của vua Thalun (1629-1648). Việc
kiểm tra chính thức tiếp tục trong triều đại kế vị vua Thalun. Trong thời vua Bodawpaya (1782-1819), chư Tăng phải trải qua các kỳ thi Giáo pháp do vua tổ chức, nếu không tham dự thì sẽ không đủ điều kiện và bị hoàn tục, còn nếu thi rớt thì bị hoàn tục và đóng dấu. Việc kiểm tra chính thức về Giáo pháp được hệ thống hóa, và tăng cường thêm một ngày kiểm tra về Luật. Việc kiểm tra chính thức này được gọi là ‘Pathamapyan’, được chia thành hai cấp bậc (tỷ-kheo và sa-di), ba trình độ (sơ, trung, và cao). Từ ‘Pathamapyan’ là một thuật từ, viết tắt của chữ Miến cho ‘ứng cử viên tuyệt vời cho việc kiểm tra của Hoàng cung’. Kỳ thi tiến hành dựa trên việc học thuộc lòng và đọc tụng. Dưới thời vua Bodawpaya, kỳ thi chính thức dựa trên các bộ sách sau: (1) Ngữ pháp Pāli Kaccayana, (2) Vi Diệu Pháp Yếu Lược - Abhidhammatthasaṅgaha, (3) Bộ Pháp Tụ - Dhammasaṅgaṇī, (4) Bộ Chất Ngữ - Dhātukathā, (5) Bộ Song Đối - Yamaka, và (6) Bộ Vị Trí - Paṭṭhāna. (Bộ 3 đến bộ 6 là thuộc Tạng Abhidhamma).
Đến thời vua Mindon (1853-1878), Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ năm (1871) đã được vua đứng ra tổ chức, tạo thêm hiệu ứng mạnh mẽ trong việc phổ biến các kỳ thi chính thức, việc thi Pathamapyan và Vinaya cũng được chuyển từ cơ bản sang chuyên ngành. Chỉ có những thay đổi nhỏ trong giáo trình của Pathamapyan. Các giáo trình thời kỳ này luôn nhằm mục đích tạo nền tảng vững chắc về Pāli và Abhidhamma, vì vậy việc nghiên cứu ngôn ngữ Sanksrit đã được giảm bớt trong giáo trình. Các ứng cử viên nhận được điểm cao nhất ở trình độ thứ ba của Pathamapyan được trao danh hiệu ‘pathamakyaw’ (tối ưu). Nếu trước kia chỉ có giới Luật cơ bản được học thi thì đến thời này, vua Mindon đưa vào cả Tạng Luật. Tương tự, việc học cả tạng Abhidhamma chuẩn được tiến hành, kế đến được kiểm tra qua thi cử. Điều này có lẽ là nỗ lực đầu tiên để khuyến khích chư Tăng ghi nhớ Năm bộ Nikāya hoặc Tam tạng. Trong thời giannày, hầu hết Tăng đoàn Miến Điện chấp nhận các kỳ thi chính thức.
Kỳ thi Pathamapyan của ba trình độ bao gồm các giáo trình sau: (1) Ngữ pháp Pāli Kaccāyana, (2) Vi Diệu Pháp Yếu
Lược - Abhidhammatthasaṅgaha, (3) Các bộ Vi Diệu Pháp Abhidhamma: Dhammasaṅgaṇī, Dhātukathā, Yamaka, Paṭṭhāna, và (4) Sớ Giải ngữ pháp luận thuyết: Vuttodaya, Subodhālaṅkāra, Abhidhānappadipikā.
- CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIẢNG SƯ HAY PHÁP SƯ (DHAMMĀCARIYA)
Chương trình đào tạo Giảng sư được tổ chức cho tất cả Tăng, Ni tham dự. Bằng Giảng sư được xem là quan trọng nhất cho Tăng, Ni nghiên cứu Phật giáo. Hiện có ba tổ chức cấp văn bằng này: (1) Chính phủ, (2) Hội đồng giám khảo Tăng-già Sakyasīha, tại thành phố Mandalay và (3) Hội đồng giám khảo Tăng-già Cetiyaṅgaṇa, tại thành phố Yangon. Về lịch sử, trình độ Giảng sư lần đầu tiên được thông qua bởi Hội đồng giám khảo Tăng-già.
Hai Hội đồng này xuất hiện sau sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Myanmar. Lý do được mô tả trong sử liệu rằng: Sau sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Myanmar (1885), các kỳ thi Pathamapyan (Phật học phổ thông) gồm ba cấp: bị đình chỉ bởi thực dân Anh. Để gìn giữ và truyền bá lời Phật dạy, chư Tăng đã đề xướng, ủng hộ việc thành lập các Hội thúc đẩy công cuộc Hoằng pháp, với mục tiêu trước mắt là duy trì các kỳ thi chính thức. Đầu tiên, Hội Cetiyaṅgaṇa Pariyatti Dhammānuggaha được thành lập tại Yangon vào năm 1894. Kế đến, Hội Pariyatti Sāsanahita được thành lập tại Mandalay vào năm 1898. Dựa trên cơ sở các giáo trình và cách thức thi cử như trong thời vua Mindon, các Hội đề ra cách thức kiểm tra mới để chọn lọc ra các Giảng sư ưu tú. Tuy nhiên, vào năm 1895, Chính phủ cũng đã cho tổ chức lại kỳ thi Pathamapyan.
Kỳ thi Giảng sư của hai Hội đồng Cetiyaṅgaṇa và Sakyasīha dành cho 2 cấp độ: học viên và giáo viên. Học viên đòi hỏi có khoảng 7 năm học Pháp, và giáo viên 15 năm. Về sau, có thêm nhiều Hội khác được thành lập theo mô hình này, tổ chức các kỳ thi như vậy tại các thành phố lớn của Myanmar.
Bên cạnh đó, cả hai Hội đồng Sakyasīha và Cetiyaṅgaṇa cũng tổ chức các kỳ thi về Năm bộ Kinh - Nikāya. Các ứng viên phải thi
xong một bộ Kinh trước khi dự thi bộ Kinh khác. Tương tự, hàng năm, Chính phủ cũng tổ chức thi Năm bộ Nikāya.
- KỲ THI TAM TẠNG THÁNH ĐIỂN PĀLI
Hàng năm vào tháng 12, kỳ thi Tipiṭakadhara và Tipiṭakakovida được tổ chức trong 33 ngày tại Thạch động Mahāpāsāna, tại hang đá này từng tổ chức Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ 6, gần trụ sở Bộ Tôn giáo tại Kaba Aye, thành phố Yangon. Kỳ thi đầu tiên đã được tổ chức vào 1948 và đã tiếp tục cho đến ngày nay. Hai kỳ thi này được xem là cấp cao nhất trong các kỳ thi Phật học tại Myanmar và thí sinh là những tăng sĩ Myanmar đã thi đậu bằng Phật học Cao cấp (Pathamakyi) hoặc bằng Pháp sư (Sakyasīha) do giáo hội Tăng già tổ chức tại Mandalay và Cetiyaṅgaṇa tổ chức tại Yangon.
Kỳ thi Tam tạng chia làm hai phần4: thi đọc tụng và thi viết. Thi đọc tụng kéo dài 24 ngày, mỗi ngày Tăng sinh phải trả bài thuộc lòng 150 trang, chia làm 9 tiết (một tiết là 15 phút), mỗi Tăng thí sinh có 3 giám khảo dò bài (hai giám khảo Tăng và 1 giám khảo cư sĩ), trong lúc trả bài được giám khảo nhắc không quá 5 lần, nếu nhắc hơn 5 lần thì xem bị thi rớt phần đọc tụng. Tổng số trang học thuộc lòng là
8.026 trong Tam tạng Thánh điển (Tipiṭaka). Vị Tăng thi đậu phần đọc tụng được dâng tặng danh hiệu cao quý: Tipiṭakadhara (Bậc thông thuộc Tam tạng). Thời gian 24 ngày thi đọc, tiếp theo là phần thi viết; mỗi bài viết gồm 12 câu, Tăng sinh chỉ trả lời 10 câu, mỗi câu 10 điểm, tổng cộng 100 điểm, 90 điểm trở lên (loại xuất sắc) và 75 điểm là điểm đậu. Sau khi đậu phần thi viết, vị ấy được dâng tặng danh hiệu cao quý: Tipiṭakakovida (Bậc thông suốt Tam tạng).5
Vị đầu tiên vượt qua kỳ thi Tipiṭakadhara là Mingun Sayādaw vào 1953.6 Cho đến hôm nay trải qua 71 kỳ thi, có hơn 10.000 Tăng

- U Aung Thein Nyunt, “A Study of Tipitakadhara Selection Examination in Myanmar” (International Conference of All Theravāda Buddhist Universities, Yangon, 2007), http:// atbu.org/node/10
- Sđd, tr.13.
- Sđd, tr.26.
thí sinh tham dự nhưng chỉ có 14 vị Tăng Myanmar tôn kính đã nhận được những danh hiệu cao quý này, đây là thành tựu đặc biệt, là niềm tự hào cho đất nước và con người Myanmar.
- CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO
Trong nỗ lực thành lập trường Đại học Phật giáo theo phương pháp hiện đại, quy mô lớn và chất lượng cao hơn so với các mô hình giáo dục tại tu viện lúc bấy giờ, Hòa thượng Vicittāsāra, Bậc thông thuộc Tam tạng - Tipiṭakadhara đầu tiên, đã đề xướng mở Trường Đại học Phật giáo đầu tiên vào năm 1986, được gọi là Trường Đại học Pariyatti Sāsana, có chi nhánh ở Yangon và Mandalay.
Hai trường đại học Phật giáo giảng dạy bằng tiếng Miến, với ba cấp bậc: (1) Khóa Pháp sư tương đương Cử nhân (Dhammācariya),
(2) Khóa “Đại pháp sư” tương đương Thạc sĩ (Mahādhammācariya) (M.A.), và (3) Khóa Tiến sĩ (Pāragū).
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ HOẰNG TRUYỀN PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Vào ngày 9/12/1998, Trường Đại học Quốc tế Hoằng truyền Phật giáo Nguyên thủy, viết tắt ITBMU (International Theravāda Buddhist Missionary University) chính thức đi vào hoạt động. Trường tọa lạc trên ngọn đồi Dhammapāla, quận Mayangone, thành phố Yangon. Đây là trường Đại học Phật giáo duy nhất do Chính phủ thành lập và tài trợ hoàn toàn. Mục tiêu chủ yếu muốn bảo tồn và truyền bá Phật giáo Nguyên thủy đến các quốc gia trên thế giới và cũng như để thúc đẩy việc tìm cầu, nghiên cứu các kinh văn Phật giáo Tam tạng Pāli giảng bằng tiếng Anh, duy trì và truyền bá lời Phật dạy, cả pháp học lẫn pháp hành, cho tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi. Các vị Tăng, Ni bản xứ nào có bằng Giảng sư mới được dự thi tuyển vào trường.
Chương trình Giáo dục Phật giáo tại Trường Đại học quốc tế Hoằng truyền Phật giáo Nguyên thủy (ITBMU) như sau:
Có bốn phân khoa: Pháp học, Pháp hành, Tôn giáo học, và Ngôn ngữ học. Mỗi phân khoa gồm có các môn học như sau:
-
- Pháp học gồm: Kinh, Luật, Vi diệu Pháp (Luận), Văn hoá và lịch sử Phật giáo.
- Pháp hành gồm: lý thuyết và thực hành cả hai phương pháp thiền: Thiền định (Samatha) và Thiền quán (Vipassanā).
- Tôn giáo học gồm: nghiên cứu các tôn giáo trên thế giới; phương pháp duy trì, truyền bá Phật giáo. Phương pháp viết bài nghiên cứu cho các sinh viên hậu đại học cũng bao gồm trong phân khoa này.
- Ngôn ngữ học gồm: Pāli, Saṅskrit, Myanmar, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc, v.v… (Pāli, Saṅskrit và Myanmar là những môn học bắt buộc, các ngoại ngữ khác sinh viên được quyền chọn một).
Trình độ học được chia thành bốn cấp như sau: Diploma (Dip.): 1 năm, Cử nhân (B.A.): 2 năm, Thạc sĩ (M.A.): 4 năm, và Tiến sĩ (Ph.D.): 5 năm.
Nghiên cứu sinh Thạc sĩ năm thứ nhất, học kỳ I viết bài từ 25 đến 30 trang, học kỳ II thi các môn đã học; năm thứ hai viết bài khoảng 50 trang và vẫn phải thi trong học kỳ II; năm thứ ba chỉ viết luận án từ 100 trang trở lên; năm thứ tư bảo vệ luận án. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, nếu muốn học tiếp chương trình Tiến sĩ (Ph.D), sinh viên phải tham dự kỳ thi tuyển sinh Tiến sĩ được tổ chức tại trường. Nếu thi đậu trong kỳ thi tuyển sinh, sinh viên phải trình bày đề tài và phương pháp nghiên cứu luận án (PhD. Proposal) đến Hội đồng học vụ trường đại học, khi được chấp thuận các nghiên cứu sinh bắt đầu tìm tài liệu và viết đề tài đã chọn.Trong ba năm, mỗi năm các nghiên cứu sinh phải hội thảo chuyên đề (Seminar) một lần để trình bày những gì mình đã viết và cũng để nhận sự góp ý từ các giáo sư chuyên môn. Năm kế là nộp luận án khoảng 250 đến 350 trang, và bảo vệ luận án.
Hiện nay có hơn 20 trường đại học Phật giáo ở Myanmar. Hệ thống Giáo dục đào tạo Tăng Ni tại Myanmar ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, hầu hết tập trung tại thành phố lớn như Yangon,
Mandalay, Sagaing. Đặc biệt, có các trường đại học theo mô hình của đại học Phật giáo cấp quốc gia và quốc tế: (1) State Pariyatti Sāsana University, Yangon; (2) International Theravāda Buddhist Missionary University (ITBMU), Yangon; (3) Yangon Buddhist University, Yangon; (4) Sitagu International Buddhist Academy (SIBA), Sagaing; (5) Shan State Buddhist University (SBU), Taungyi; (6) Mettānanda Sāsana College (MSC), Yangon; và (7) Dhammadūta Chekinda University (DCU), Hmawbi. Trong số này hai trường (1) và (3) dạy bằng tiếng Myanmar, năm trường còn lại dạy bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, việc giáo dục Phật giáo vẫn đang diễn ra trong từng tự viện theo quy mô vừa và nhỏ riêng. Theo thống kê năm 20187, số tự viện Phật giáo tại Myanmar là 66.664. Tại các trường thiền chuyên về pháp hành thì việc giảng dạy Phật pháp liên quan đến việc thiền tập theo chương trình riêng mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Theo truyền thống Myanmar, việc tham dự các khóa tu thiền được xem như một nhu cầu tâm linh, một nét văn hóa phổ biến. Có khoảng hơn 1.150 trung tâm thiền trong cả nước Myanmar.8 Chỉ riêng vùng Yangon đã có 97 trung tâm thiền,9 hầu hết là các nơi triển khai pháp thiền nổi tiếng như Mahāsi, Ledi, Mogok, Sunlun, Goenka và Theingu.
- KẾT LUẬN
Tại Myanmar, giáo dục Phật giáo tập trung vào ngôn ngữ Pāḷi và Vi Diệu Pháp - Abhidhamma, nhằm đặt nền tảng cho việc học hiểu Tam Tạng đúng đắn, chuyên sâu.
Lịch sử cho thấy rằng mãi cho đến thời điểm diễn ra Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ 6, cả hai hệ thống giáo dục Phật giáo chính thức và

- “The Consensus of Monks and Nuns (2015)”, Ministry of Religious Affairs and Culture, 2015; “The Consensus of Monks and Nuns (2018)”, Ministry of Religious Affairs and Culture, 2018.
- Hla, Myint, “Tradition of Meditation Practices and Well-known Meditation Teachers in Myanmar” 2012, tr. 150.
- “The Consensus of Meditation Centers in Yangon” (2018), Ministry of Religious Af- fairs and Culture, 2018.
không chính thức vẫn tồn tại song song, mặc dù chế độ chính thức phổ biến hơn. Hiện nay hệ thống không chính thức cũng được coi là có hiệu quả trong việc phổ biến Tam Tạng trải khắp mọi miền đất nước. Với phương pháp học thuộc lòng ngay giai đoạn đầu tiếp cận, dù chưa được giải thích tường tận, các tu sĩ vẫn có thể ghi nhớ ngôn ngữ Pāli và Tam Tạng trong thời gian trung bình mười năm.
Các kỳ thi chính thức có thể được xem như là công cụ bảo tồn giáo dục Phật giáo, tuy nhiên hệ thống chính thức quan trọng vào thi cử vô tình làm giảm chất lượng giáo dục Phật giáo, vì chủ yếu nghiên cứu về ngữ pháp Pāḷi và Abhidhamma. Nếu ngược dòng lịch sử về thời Đức Phật thì Giáo pháp được giảng giải, trao truyền trực tiếp cho Tăng, Ni, Phật tử, bởi chính Ngài hoặc các Thánh đệ tử. Ngày nay, hệ thống giáo dục Phật giáo không chính thức hầu như không được chú trọng đúng mức, nên mai một dần.
Ngoài các trường Đại học Phật giáo quy mô lớn, hiện nay Giáo dục Phật giáo tại Myanmar còn được tiến hành thông qua các lớp đào tạo vừa và nhỏ trên mọi miền đất nước, được đánh giá chất lượng qua các kỳ thi Giáo lý chính thức: kỳ thi Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), kỳ thi Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), kỳ thi Năm bộ Nikāya. Về chương trình Phật học Phổ thông thì có kỳ thi Pathamapyan hiện gồm các bậc: Cơ bản (mūla), Sơ cấp (pathamange), Trung cấp (pathamalat) và Cao cấp (pathamakyi). Ở bậc cao hơn có Khóa đào tạo Pháp sư (dhammacāriya), và cao nhất là Kỳ thi Tam tạng.
Nhìn chung Giáo dục Phật giáo ở Myanmar qua các giai đoạn lịch sử khác nhau đã thể hiện nhiều thành tựu tốt đẹp, giá trị, ý nghĩa, ấn tượng, bên cạnh những hạn chế không đáng kể. Nền giáo dục này đã góp phần duy trì niềm tin mạnh mẽ lâu dài nơi Tam bảo; khơi nguồn tinh tấn học hỏi nghiên cứu Giáo pháp; nỗ lực thực hành, áp dụng những Lời vàng của Đức Thế Tôn; thắp ngọn Tuệ đăng ngày một sáng cho tự thân mỗi hành giả, cho số đông, và tương tục nối truyền cho các thế hệ tương lai. Các thành tựu quá khứ lồng trong bức tranh hiện trạng, vì hầu hết người dân cả nước
nơi đây vẫn đang duy trì và phát triển Phật giáo đi lên, dù có đôi khi phải điều chỉnh một số khía cạnh cho phù hợp với hướng đi chung của nhân loại. Mục tiêu vẫn luôn hướng đến lợi ích, hạnh phúc, và an lạc cho tất cả!
***
Tài liệu tham khảo
Aung, Cho Cho, The Important of Promoting Buddhist Education, Research Paper presented at United Nations Day of Vesak in Vietnam, 2008.
Aung, U Thein Nyunt, “A Study of Tipitakadhara Selection Examination in Myanmar”, International Conference of All Theravāda Buddhist Universities, Yangon, 2007.
Bischoff, Roger, Buddhism in Myanmar, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1995.
Dhammasami, Khammai, Between Idealism and Pragmatism: A Study of Monastic Education in Burma and Thailand from the Seventeenth Century to the Present, University of Oxford, 2004.
Gerini, G.E, “Siam’s Intercourse with China”, The Imperial and Asiatic Quarterly Review, 1901, vol xi.
Hla, Myint, “Tradition of Meditation Practices and Well-known Meditation Teachers in Myanmar”, 2012.
Nyunt, Khin Maung, Arrival of Buddha Sasana in Myanmar, Yangon, 2003.
The Consensus of Meditation Centers in Yangon (2018), Ministry of Religious Affairs and Culture, 2018.
The Consensus of Monks and Nuns (2015), Ministry of Religious Affairs and Culture, 2015.
The Consensus of Monks and Nuns (2018), Ministry of Religious Affairs and Culture, 2018.