PHẬT GIÁO VÀO VÙNG ĐẤT QUẢNG BÌNH
Tham luận của BTSGHPGVN huyện Lệ Thủy
Phật giáo truyền vào nước ta từ đầu công nguyên và kể từ đó nó đã gắn liền với lịch sử của dân tộc và là một tôn giáo bám rễ sâu đậm trong tâm linh con người Việt Nam, bởi “tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm, cốt tủy của Phật giáo là từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha, cứu khổ, cứu nạn”411. Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu rộng trong lịch sử tư tưởng và văn hoá Việt Nam.
Với vị trí là vùng biên viễn của các tập đoàn và các quốc gia phong kiến thời cổ trung đại, vùng đất Quảng Bình đã tiếp nhận sự lan tỏa của Phật giáo trong cả một chuỗi dài lịch sử với rất nhiều thăng trầm.
Phật giáo trên địa bàn Quảng Bình có cơ hội phát triển kể từ khi vùng đất này thuộc về quốc gia Đại Việt, đặc biệt là vào thời kỳ Đại Việt lấy Phật giáo làm quốc giáo thời kỳ từ nhà Lý (1010 – 1225) đến nhà Trần (1225 – 1400). Theo tiến trình lịch sử, năm 1069, sau hành trình mở cõi về phương Nam của Lý Thường Kiệt dưới thời Lý Thánh Tông đã thu hồi 3 châu Bố Chinh (sau là Bố Chính), Địa Lý (sau là Lâm Bình), Ma Linh (sau là Minh Linh) chính thức sáp nhập vào nước Đại Việt (Trong đó, châu Bố Chinh và châu Địa Lý là vùng đất Quảng Bình, châu Ma Linh thuộc vùng đất Bắc Quảng Trị ngày nay). Thực hiện chính sách di dân lập ấp vào những vùng đất mới của các triều Lý – Trần, những lớp người Việt từ ngoài Bắc… đến định cư trên vùng đất này đã mang theo cả truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của mình đến gieo hạt, ươm mầm trên vùng đất mới, và chỗ dựa tâm linh gần gũi và thân thiết nhất đối với họ chính là Phật giáo. Đó là lý do vì sao trong suốt hành trình Nam tiến, người Việt lập làng đến đâu, đào giếng lấy nước uống, trồng cây đa đầu làng, xây đình làng, chùa làng để thờ Phật đến đấy. Không phải ngẫu nhiên mà ca dao đã có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa Phật được dựng lên trên vùng đất mới vừa là hình ảnh nhắc nhớ về quê hương nguồn cội, vừa là nhân tố có tính tương đồng giúp họ nhanh chóng hòa nhập, kết nối với văn hóa, tín ngưỡng của cư dân bản xứ. Chùa thường được kiến trúc theo kiểu “Chùa đất, Phật vàng”, tức là kiểu

![]()
411 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
kiến trúc chùa bằng gỗ, tranh thấp bé, xung quanh thì đắp phên trét đất trộn rơm… và Phật giáo không chỉ đứng chân lại ở Quảng Bình mà tiếp tục ảnh hưởng và lan tỏa theo hành trình của công cuộc mở cõi về phương Nam.
Đặc biệt vào thời Lý – Trần, thời kỳ vẻ vang, oanh liệt của dân tộc, Phật giáo lúc này trở thành quốc giáo, đưa tinh thần nhập thế được thể hiện rất sinh động và rõ nét qua hành trạng của những nhân vật Phật giáo tiêu biểu như Vạn Hạnh, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… đã xây dựng nền Phật giáo Đại Việt hưng thịnh và góp công lớn vào công cuộc xây dựng dân tộc Đại Việt hùng cường, như Lê Mạnh Thát viết: “Phật giáo vào giai đoạn này đã trở thành một nhân tố để thống nhất dân tộc. Khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi thì sự nghiệp thống nhất dân tộc bằng văn hóa lại được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nó trở thành chính sách cơ bản cho sự đoàn kết toàn dân tộc…”412. Điều đáng lưu ý là những nhân vật kể trên không chỉ dùng Phật giáo để nhập thế phò vua, giúp nước, cứu người… mà còn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dưới thời Trần, Phật giáo được truyền bá sâu rộng và xuất hiện trường phái riêng của Đại Việt với những giáo lý thực tế trên nền tảng căn bản của tôn giáo “từ bi, bác ái và vị tha”. Nhiều nhà vua, vương hầu, khanh tướng đã xuất gia quy y cửa Phật. Đặc biệt, là sự xuất gia của vua Trần Nhân Tông vào năm 1299, Ngài đã thành lập ra Thiền phái Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất của một thiền phái lớn nhất thời Trần. Đây là hệ thống thiền phái đặc trưng đầu tiên của Đại Việt với chủ trương cư trần lạc đạo, vẫn sống trong đời sống bình thường nhưng vui với đạo. Dòng thiền này ra đời làm cơ sở vững chắc cho Phật giáo Đại Việt.
Sau khi thành đạo, Trần Nhân Tông đã đi khắp nước thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo với nội dung và mục đích chính là dùng Trúc Lâm thống nhất ý thức hệ toàn dân đê củng cố khối thống nhất dân tộc đã được thử thách trong diễn trình lịch sử và đặc biệt là trong các cuộc chiến tranh ác liệt chống Nguyên Mông. Ngài đã vân du thuyết giảng Phật pháp tại nhiều trung tâm Phật giáo của nước ta thời bấy giờ, như: chùa Phổ Minh, Sùng Nghiêm, Báo Ân, Vĩnh Nghiêm… và vào đến tận Quảng Bình, mà thời đó là phủ Lâm Bình, thuộc vùng biên địa cực Nam của Đại Việt.
Theo Thánh Đăng Ngữ Lục viết: “Tháng 10 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), Phật hoàng Trần Nhân Tông đi thẳng lên núi Yên Tử, chuyên cần tu tập “mười hai hạnh đầu đà”, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, lập tịnh xá Trượng Đề, khai

![]()
412 Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
pháp độ tăng, học chúng đến rất đông. Sau đó chiêu tập danh tăng chùa Phổ Minh, phủ Thiên Trường, mở hội lớn giảng thuyết kinh điển. Vài năm sau, Ngài vân du phương ngoài, đến trại Bố Chính, chọn am Tri Kiến để ở”.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 chép: “Hơn một năm sau khi xuất gia, tháng 3 năm Tân Sửu, niên hiệu Hưng Long thứ 9 (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi chơi các địa phương, sang Chiêm Thành và đến tháng 11 năm ấy Ngài trở về”413. Sự kiện này hoàn toàn khớp với Tam Tổ thực lục đã ghi: “Sau ở chùa Phổ Minh của phủ Thiên Trường, Thượng hoàng mời đến các danh Tăng, mở lớn các trường giảng, trải mấy năm bèn vân du phương ngoài, đến trại Bố Chính, chọn am Tri Kiến để ở”414.
Ngoài sự tồn tại của am tri Kiến trước năm 1301 trên đất Lâm Bình, theo ghi chép của Dương Văn An (1555), ở phủ Bố Chính và phủ Tân Bình bấy giờ có các chùa như: chùa Cảnh Phúc ở Cảnh Dương, chùa Quan Âm ở Bồ Khê (xã Thanh Trạch ngày nay) lập năm Hồng Đức thứ 3 (1473), huyện Khang Lộc (nay là huyện Quảng Ninh) có chùa Hóa, huyện Lệ Thuỷ có chùa Kính Thiên và chùa Đại Phúc415.
Đến thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đã mở rộng cánh cửa chấn hưng Phật giáo bằng cách cho xây dựng và phục dựng nhiều ngôi chùa trên lãnh thổ của mình, trong đó có chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Từ đó, Phật giáo xứ Đàng Trong có bước phát triển, góp phần giáo hoá thiện tâm cho dân chúng trong vùng, tạo ra sự ổn định xã hội và cộng đồng dân cư, làng xã…
Các đời vua triều Nguyễn sau này cũng rất quan tâm đến sự trùng tu, phục dựng các chùa trên toàn đất nước nói chung và Quảng Bình nói riêng.
Vậy Phật giáo đã đến vùng đất Lệ Thủy có từ rất sớm, tính từ năm 1301 khi Phật hoàng Trần Nhân Tông vào bang giao cùng Chiêm thành, dừng chân lại Quảng Bình bấy giờ, lập nên Am Tri Kiến, sau này là Chùa Hoằng Phúc tại Lệ Thủy, lúc đó lịch sử Phật giáo ở vùng đất Quảng Bình chính thức được ghi vào sử sách thư tịch.
PHẬT GIÁO LỆ THỦY XƯA & NAY
Lệ Thủy là một huyện đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Phía nam giáp huyện Vĩnh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị), phía bắc giáp huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), phía Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Đông giáp Biển Đông.

![]()
413 Ngô Sĩ Liên (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
414 Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
415 Dương Văn An, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch chú – hiệu đính (2001), Ô châu cận lục, Nxb Thuận Hóa, Huế
Diện tích tự nhiên 1.416,11 km2, có 36.545 hộ với 141.380 nhân khẩu (Năm 2012), mật độ dân số 99,8 người/ km2, có hai dân tộc chính là Kinh và Vân Kiều. Đây là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướngVõ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Lệ Thủy nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống trên sôn Kiến Giang và các Lễ hội nội bộ của một số xã như: Dương Thủy, Sen Thủy, Sơn Thủy... Trong Chiến tranh Việt Nam, nơi đây là chiến trường ác liệt với mật độ bom rải thảm của Không quân Mỹ với mật độ dày đặc.
Lệ Thủy các các di tích lịch sử nổi bật Chùa An Xá ở Lộc Thủy, Miếu Thần Hoàng ở Tân Thủy, Miếu An Sinh ở Văn Thủy. Địa hình của huyện đồng bằng, ven biển hẹp và thấp, độ cao dưới 10 mét; sát biển có các dải cát cao 2 - 3 mét đến 50 mét, độ dốc lớn. Phía Tây đồi núi thấp, đỉnh cao nhất Thu Lu 925 mét; Sông lớn có Kiến Giang, Long Đại và nhiều sông, suối nhỏ: Rào Chân, Linh Giang, Khe Tích, Sông Thác Cốc...Có đường Quốc lộ 1A; Quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây, có đường sắt Bắc - Nam đi qua suốt chiều dài của huyện; 02 đường tỉnh lộ 10 và 16 đi ngang nối các Quốc lộ; huyện có 8 tuyến đường nội huyện dài 97Km, 28/28 xã thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; phủ sóng điện thoại đến 28 xã, thị trấn, 16 xã có điểm Bưu điện văn hóa xã; Tổng số chợ trên địa bàn 28 cái, trong đó chợ thị trấn 03 cái, chợ xã 25 cái. Lệ Thủy có chùa Hoằng Phúc (Còn gọi là Chùa Quan) xây dựng từ năm 1609 có 09 quả chuông nặng hàng nghìn cân; có suối nước khoáng Bang chứa bicacbonat natri với nhiệt độ sôi tự nhiên 1050C.
Huyện gồm 02 thị trấn là Kiến Giang và Lệ Ninh và 26 xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy, Sen Thủy, Hưng Thủy, Cam Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, Mai Thủy, Phú Thủy, Sơn Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Hoa Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy.
Huyện Lệ Thủy có từ lâu thuộc phủ Tân Bình, năm 1831 thuộc phủ Quảng Ninh. Từ 1977 đến 1989 nhập với huyện Quảng Ninh thành huyện Lệ Ninh, tỉnh Bình Trị Thiên. Cuối năm 1989 tách huyện Lệ Ninh tái lập huyện Lệ Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình.
Lệ Thủy là một huyện vừa có vùng đồng chiêm trũng, vừa có vùng đồi núi cao, là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình. Ngày xưa có câu: “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện” là để chỉ huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình.
Lệ Thủy là vung đất địa linh nhân kiệt, có nhiều người học hành đỗ đạt cao, những nhà khoa học, những tướng tài, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về Phật giáo thì Lệ Thủy cũng rất đáng chú ý, nhiều người mến mộ đạo Phật, có khá nhiều chùa chiền, đặc biệt là có ngôi chùa Hoằng Phúc nổi tiếng đã có lịch sử hơn 715 năm.
Theo cuốn sách “Những ngôi chùa của tỉnh Quảng Bình” của tác giả Lê Quang Phạm Ngọc Hiên, huyện Lệ Thủy gồm những ngôi chùa: chùa An Xá, chùa Bân, chùa Hoằng Phúc, chùa làng Phan Xá, chùa xã Tân Thủy, chùa làng Thạch Xá Hạ.
Trên thực tế, các chùa còn hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện Lệ Thủy là chùa Hoằng Phúc và chùa An Xá.
Chùa An Xá: Khiêm tốn khép mình bên bờ tả ngạn của dòng Kiến Giang yên bình, chùa An Xá tọa lạc tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Gọi là chùa nhưng nơi đây không có sư sãi trụ trì, chỉ có cụ ông Trần Xứ là người trong thôn được dân làng tín nhiệm giao cho việc trông coi và hương khói trong chùa. Chùa An Xá được thành lập vào những năm đầu của thế kỷ XIX, thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông.
Chùa An Xá là một trong những công trình văn hóa Phật giáo hiếm hoi trên đất Quảng Bình còn giữ được gần như nguyên bản kiểu cách thiết kế của một ngôi chùa cổ. Án ngữ trước mặt tiền ngôi chùa là bức bình phong được xây dựng bằng gạch đá vững chắc. Ở chùa An Xá đó là một bức bình phong kiểu cuốn thư được biến thể với hình mặt rồng đắp nổi bao quát hết phần chính diện. Hai đuôi bức cuốn thư là hai con hạc chễm chệ trên lưng hai con rùa đứng đối diện với nhau, biểu thị cho vẻ hài hòa của đất trời, sự trường thọ và thịnh vượng. Tiền sảnh là điểm nhấn nổi bật nhất trong không gian nhỏ hẹp của chùa An Xá được bố trí bằng 3 lối cửa ra vào cao rộng bằng nhau. Bờ tường của bức tiền sảnh chia làm 3 phần, tất cả các chi tiết điêu khắc đều ưu ái cho phần trung tâm với ba chữ “An Xá Tự” và các họa tiết đắp nổi công phu hình long, ly (lân hay kỳ lân), quy, phụng (phượng), là bộ tứ linh phổ biến trong điêu khắc dân gian của người Việt. Với cách bài trí cân đối và giản dị đó, chùa An Xá vừa mang đến vẻ đẹp thanh tịnh, thoát tục của chùa chiền vừa toát lên sự vững chãi, trong sáng của một căn cứ lịch sử ở giữa lòng dân. Chính tại nơi này, ngày 2-7-1945, một hội nghị cán bộ đảng được triệu tập. Mười ba đồng chí đại diện cho các phủ, huyện và thị xã Đồng Hới đã về dự. Hội nghị được đồng chí Trần Hữu Dực đến thăm và nói
chuyện về tình hình, nhiệm vụ trước mắt và sự cấp thiết phải chuẩn bị mọi điều kiện để khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Đoàn Khuê được tổ chức Đảng tại nhà tù Buôn Ma Thuột phân công về hoạt động ở Quảng Bình cũng có mặt trong hội nghị. Từ sau hội nghị này, các cơ sở Đảng trong toàn tỉnh Quảng Bình đã có cơ quan lãnh đạo thống nhất, tạo nên bước ngoặt lịch sử, mở ra thời kỳ thống nhất tổ chức, thống nhất lãnh đạo, thống nhất hành động để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhất tề đứng lên giành thắng lợi quyết định trong Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện này đã tô hồng thêm bề dày truyền thống của chùa An Xá, biến nơi này trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình tìm lại ký ức cho những ai muốn khám phá về cái nôi cách mạng một thời. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954- 1975), chùa An Xá tiếp tục là căn cứ để các cán bộ cách mạng hội họp, mưu tính kế sách kháng chiến. Địch đã đánh hơi được điều đó và cho máy bay càn quét khiến ngôi chùa phải gánh gồng nhiều thương tích trên mình. Hòa bình lập lại, chùa được chính quyền và con em An Xá tu bổ lại nguyên bản như thiết kế ban đầu. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lần về thăm quê đều giành những phút giây quý giá để vãn cảnh chùa. Một lần trong số đó, năm 1999, Đại tướng đã tự tay trồng trong khuôn viên chùa An Xá một cây đa. Ngày Đại tướng mất, người giữ chùa cũng chít khăn tang cho cây đa nay đã vươn vai cao lớn này, như một dấu chỉ tỏ bày niềm tiếc thương vô hạn đối với vị Đại tướng của nhân dân.
Sát hiên phải của chùa An Xá có một cây dừa được các phụ lão làng An Xá trồng cách đây gần 60 năm (1957). Điều đặc biệt là đến năm 1994, cây dừa tự nhiên tách thành 2 ngọn và sống khỏe mạnh cho đến hôm nay. Câu chuyện về cây dừa hiếm lạ, về chữ V đặc biệt đó được dân làng An Xá tụng truyền, rằng vẻ diệu kỳ được tự nhiên ban tặng ấy là để hướng lời ngợi ca đến anh Văn, người con kiệt xuất của làng An Xá. Chữ V là văn - võ, là văn đức và võ công mà có lần một ông giáo già ở phường Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đã khái quát bằng vế đối: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Mỗi dịp Tết độc lập (2-9 hàng năm), sân chùa An Xá lại rộn ràng lên vì chức sắc và gái trai trong làng đều tề tựu về đây để cân chỉnh lại “nôốc” bơi cũng như bắt đầu luyện tập phục vụ cho ngày hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Chùa An Xá đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 2-12-1992.
Giữa bao kỳ quan, thắng cảnh mà Quảng Bình đang có, chùa An Xá vẫn giữ được không gian trầm lắng và thu hút nhiều du khách thập phương nhờ dấu ấn lịch sử đậm nét và vẻ đẹp tiềm ẩn chan hòa giữa sông nước và ruộng đồng mà không phải điểm đến nào cũng có được. Người dân đến thăm hương lễ bái chùa chủ yếu và các
ngày 30, mồng 1, 14, ngày rằm và tết Nguyên Đán. Hoạt động tu học dường như không có, do chùa vẫn chưa bàn giao cho Giáo hội quản lý, chưa có sư trụ trì để hướng dẫn Phật tử tu học.
Chùa Hoằng Phúc: Theo sắp đặt các đơn vị hành chính đời Trần, châu Lâm Bình dưới đời nhà Lý được đổi thành phủ Lâm Bình rồi phủ Tân Bình, lộ Tân Bình rồi đến cuối đời Trần đổi thành trấn Tân Bình, rồi trấn Tây Bình. Theo sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh, trấn Tây Bình có huyện Phúc Khang (có lúc là Thượng Phúc, Khang Lộc…), huyện Nha Nghi và huyện Tri Kiến.
Và “Năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415), tháng 8, chia đất huyện Tri Kiến cho lệ vào hai huyện Nha Nghi và Phúc Khang”416. (huyện Nha Nghi tương đương huyện Lệ Thủy và huyện Phúc Khang tương đương huyện Quảng Ninh ngày nay).
Sách Ô châu cận lục đã nhắc đến địa danh Tri Kiến: ”Tri Kiến cổ chi huyện Kiến, Tả Bình kim tức phủ Bình”, tức là: “Tri Kiến xưa nơi đặt huyện, Tả Bình nay tức phủ Bình”. Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát: “Tri Kiến là nơi dựng của huyện xưa và có thể là một tên gọi địa phương của Tri Kiến”417 và “Danh xưng Tri Kiến xưa là nơi huyện Tri Kiến đặt huyện lỵ, đất cũ huyện Tả Bình nay thuộc phủ Tân Bình”. Ngoài ra, cũng theo “Ô châu cận lục” ở phần “Phong tục tổng luận” về huyện Phong Lộc có viết: “Tri Kiến thì nhiều gái góa chồng…”. Do Tri Kiến thuộc huyện Phong Lộc nên Tri Kiến cũng là tên thôn (phường, trang,.) và thôn này theo “Mục Đồ bản” của sách Ô châu cận lục ở trang 31 có tên là “An Trạch xã” thuộc huyện Lệ Thủy. Từ đó, có thể khẳng định: Tri Kiến vừa là tên thôn, vừa là tên của huyện Tri Kiến xưa thuộc phủ Lâm Bình.
Khởi nguồn từ am Tri Kiến: Am thờ Phật ở thôn Tri Kiến, huyện Tri Kiến gọi là am Tri Kiến. Vào những năm cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, Am là nơi thờ Phật và được gọi là Chùa. Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát trong sách Toàn tập Trần Nhân Tông khẳng định: “Am Tri Kiến là ngôi chùa của lỵ sở Tri Kiến của Bố Chính”418. (Địa danh Bố Chính đã được Thánh Đăng Ngữ Lục, Đại Việt sử ký toàn thư và Tam Tổ thực lục nhắc đến là trại Bố Chính, không phải châu hay phủ Bố Chính. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.262 đã chú thích: Miền đất Quảng Bình bấy giờ cũng gọi là trại Bố Chính. Trại là miền đất, vùng đất chưa được khai hóa ngang bằng so với các Lộ).

![]()
416 Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
417 Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
418 Lê Mạnh Thát, Sđd
Am Tri Kiến là một ngôi chùa được lập để thờ Phật, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng động cư dân Đại Việt từ miền Bắc di trú vào vùng đất mới và để cố kết cộng đồng bản địa. Chính nơi đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo năm 1301.
Đến nay chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào ghi chép năm xây dựng am Tri Kiến, nhưng theo Thánh Đăng Ngữ Lục, Đại Việt sử ký toàn thư và Tam Tổ thực lục, có thể khẳng định rằng, am Tri Kiến là ngôi cổ tự có mặt sớm nhất trên vùng đất Quảng Bình kể từ khi 3 châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh chính thức sáp nhập vào nước Đại Việt và phải có trước khi Phật hoàng Trần Nhân Tông đến cư ngụ và thuyết pháp nhân chuyến vân du hóa đạo 9 tháng tại các địa phương và trên đất Chiêm Thành vào năm 1301419.
Như vậy, tính cho đến nay, am Tri Kiến đã có một chiều dài lịch sử trên 715
năm.
Am Tri Kiến là tiền thân của chùa Kính Thiên: Vấn đề cần làm sáng tỏ am
Tri Kiến là tiền thân của chùa Kính Thiên, tức là cùng tọa trên một vị trí địa lý xã An Trạch trước đây và phường Thuận Trạch sau này.
Thứ nhất, Am Tri Kiến và chùa Kính Thiên đều có chung tên gọi dân gian là chùa Trạm, bởi ở gần trạm Bình Giang thuộc thôn Tri Kiến (thời Trần), An Trạch xã (thời Lê), phường Thuận Trạch (thời chúa Nguyễn) và thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy ngày nay, cụ thể:
Hiện chưa có sử liệu nào ghi rõ am Tri Kiến là chùa Trạm, tọa gần trạm Bình Giang, nhưng có thể lý giải thông qua sự lưu truyền câu ca dao trong dân gian: “Tạnh trời chuông Trạm ngân xa Ngân vào Hồ Xá, ngân qua Truông Hồ” Chuông Trạm tức là chuông chùa Trạm, chùa gần trạm Bình Giang nên dân gian còn gọi là chùa Trạm (Thậm chí thời kỳ dinh Quảng Bình đóng ở thôn An Trạch, dân gian vẫn thường gọi là dinh Trạm). Câu ca dao còn khẳng định trước năm 1306, ở gần trạm Bình Giang có am, chùa lớn nổi tiếng mới “ngân xa, ngân vào Hồ Xá, ngân qua Truông Hồ” (thuộc Ma Linh) đến hết vùng đất cực Nam của Đại Việt kể từ năm 1069 đến trước năm 1306. (Trạm Bình Giang ở bên hữu bờ sông Bình Giang (nay là sông Kiến Giang) thuộc thôn Tri Kiến, huyện Tri Kiến xưa, sau là huyện Nha Nghi, nay là Lệ Thủy. Trạm Bình Giang là một trong những trạm công lớn của Nhà nước trên đường Thiên

![]()
419 Dẫn từ “Thánh Đăng Ngữ Lục”. Xem Thích Không Nhiên – Bình Nguyên, “Từ tiếng chuông chùa Trạm đến đại hồng chung chùa Hoằng Phúc”, Liễu quán số 5 – Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế ấn hành 2015.
lý do nhà nước phong kiến thiết lập để phục vụ việc truyền tin, đón tiếp quan khách trên đường thực hiện công vụ).
Đồng thời trạm Bình Giang được xác định thuộc xã An Trạch, cụ thể: Hồng Đức năm thứ 21, Canh Tuất (1490), Lê Thánh Tông định bản đồ thiên hạ đến xã, thôn, phường, trang, ấp… được biên chép trong “Ô châu cận lục” là: Trạm Bình Giang thuộc xã An Trạch.
Còn chùa Kính Thiên, theo Ô châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An (năm 1555) cũng ở gần trạm Bình Giang: “Chùa Kính Thiên ở gần trạm Bình Giang huyện Lệ Thủy. Nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa núi u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa thôn xóm chẳng xa, nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng gà gáy chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng ngàn quân, có tăng quan và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng chim kêu, chỉ còn trơ nền cũ mà thôi”<10) và dân gian cũng thường gọi là chùa Trạm. Đồng thời, chùa Kính Thiên cũng tọa trên đất Thuận Trạch: “Năm Kỷ Dậu thứ 52 (1609), Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế lập chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch (tên phường, thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình)”420.
Như vậy, am Tri Kiến, chùa Kính Thiên thực chất là một, có chung tên gọi dân gian thân thiết là chùa Trạm, ở gần trạm Bình Giang thuộc thôn Tri Kiến xưa, sau là xã An Trạch, phường Thuận Trạch và nay là thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy.
Thứ hai, Chỉ có một chùa duy nhất gần trạm Bình Giang, trên đất xã An Trạch
xưa.
Theo ghi chép của Dương Văn An, ở huyện Lệ Thuỷ lúc bấy giờ có chùa Kính
Thiên và chùa Đại Phúc.
Trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ có 2 chùa Kính Thiên và chùa Đại Phúc, nhưng do chùa Đại Phúc ở địa phận hai thôn Đại Phúc và Tuy
Lộc (xã Lộc Thủy) được xây dựng từ thời các chúa Nguyễn421, nên chỉ có duy nhất chùa Kính Thiên ở gần trạm Bình Giang thuộc xã An Trạch xưa.
Từ các luận cứ nêu trên, có thể khẳng định rằng: am Tri Kiến và chùa Kính Thiên thực chất là một. Am Tri Kiến là tiền thân của chùa Kính Thiên.
Từ am Tri Kiến đến chùa Kính Thiên: Hiện nay, chưa có tư liệu lịch sử để khẳng định chùa Kính Thiên được đổi tên hoặc phục dựng lại trên nền am Tri Kiến từ năm nào, nhưng theo mô tả nêu trên của Tiến sĩ Dương Văn An cho thấy đến thời Lê

![]()
420 Dương Văn An, Sđd; Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1, mục Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng. 421 “Đại Nam nhất thống chí’ dẫn trong “Quảng Bình qua các thời kỳ lịch sử”, Thư viện Quảng Bình xuất bản, 1998, tr.258.
- Mạc, cổ tự Kính Thiên rơi vào cảnh hoang phế, chỉ còn trơ một khu nền cũ mà thôi “.. .Nay hoa rụng chim kêu, chỉ còn trơ nền cũ mà thôi”. Như vậy chùa Kính Thiên đã được đổi tên hoặc phục dựng lại trên nền am Tri Kiến trước thời Mạc Phúc Nguyên (1546-1561). Mãi đến năm 1609, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới dựng lập lại chùa Kính Thiên trên nền cũ có cùng tên gọi: “Chùa Hoằng Phúc ở phường Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy do Thái tổ Hoàng đế bản triều dựng lại trên nền đất cũ từ năm thứ 52, gọi là chùa Kính Thiên”422.
Từ năm 1627, do chiến tranh loạn lạc dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, cũng giống như các chùa khác, chùa Kính Thiên rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát và quên lãng. Trong sử sách không thấy ghi chép gì về chùa Kính Thiên trong giai đoạn này.
Đến năm 1716, mặc dầu vẫn đang trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn rất quan tâm cho trùng tu lại chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch và thân hành đến chùa ban hoành phi đề “Kính Thiên Tự”, một hoành phi “Vô Song Phúc Địa” (Đất Phúc có một không hai) cùng năm cặp liễn đối ngự chế” với hàm ý súc tích ca ngợi, sự huyền diệu của giáo lý Phật giáo, lòng bác ái, từ bi và những thiền tích của Cổ Phật trong giác ngộ thiện tâm con người cũng như sự soi chiếu tương quan chứng ngộ pháp vô vi nhiệm màu giữa Đời và Đạo…
Sau khi lấy lại thành Phú Xuân (1801), năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long, bên cạnh việc củng cố công quyền thì việc củng cố thần quyền cũng rất được chú ý. Ông đã cho tái thiết lại các ngôi chùa, tuy nhiên việc tái thiết ở quy mô nhỏ, đơn giản.
Từ Kính Thiên đến Hoằng Phúc: Về sự xuất hiện danh xưng chùa Kính Thiên, chùa Hoằng Phúc được các sách Ô châu cận lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí đã nói rõ, chùa Hoằng Phúc được phục dựng và đổi tên từ chùa Kính Thiên.
Dưới thời vua Minh Mạng, nhà vua ý thức rằng: Danh sơn thắng tích không nên để vùi lấp mất đi, huống chi đây là nơi đức Hoằng tổ ta vì dân cầu phúc, nên đã cho tu sửa lại một số chùa, trong đó có chùa Kính Thiên/Hoằng Phúc.
Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc Tự” (Ngôi chùa mở rộng ơn phước hay phúc lớn)423.

![]()
422 Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Tỉnh Quảng Bình, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.
423 Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Tỉnh Quảng Bình, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.
Tháng 6 năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 4 (1823), nhà vua ban cấp cho 100 lạng bạc để trùng tu chùa Kính Thiên ở phường Thuận Trạch.17
Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại ban cho 150 lạng bạc để sửa chữa.18 Ngày 27 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1839), niên hiệu Minh Mạng thứ 20, nhân dân đã
quyên góp chú đúc lại Đại hồng chung năm xưa đã bị thất lạc và đề tên “Hoằng Phúc linh chung”.
Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), nhân lễ mừng thọ của nhà vua, chùa đã tâu xin làm lễ khai kinh chúc thọ, được ban cho 200 quan tiền.19
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua thánh giá tuần hạnh phương Bắc, ban cho chùa 300 quan tiền để tôn tạo chùa; đích thân vua và hoàng đệ Tùng Thiện Quận công Nguyễn Phúc Miên Thẩm ngự chế ban hai bài thơ, cho khắc vào bảng đồng treo ở chùa để ghi nhớ thắng tích, ca ngợi huyền diệu trong thanh tĩnh hư vô của nhà Phật và mong nhà Phật mở rộng từ bi, giáo hóa, ban quả phước cho chúng sinh.
Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), nhân lễ mừng thọ 40 tuổi của vua, chùa được thưởng 300 quan tiền. 20
Năm 1879, chùa lại cử hành lễ khai kinh chúc thọ vua Tự Đức, được ban cấp 200(22) quan tiền.
Đến cuối thế kỷ XIX, trải qua chiến tranh, nhất là biến cố kinh đô thất thủ, dấy nghĩa Cần Vương, chùa bị hư hỏng dần.
Đầu thế kỷ XX, khoảng năm 1918, chùa có thiện duyên được một vị Thượng thư bộ Lễ phát tâm trùng tu424.
Năm 1943, chùa Hoằng Phúc lại tiếp tục được tu sửa với sự phát tâm của một thí chủ là Lãnh binh Nguyễn Đại Bổn425.
Năm 1977, trên nền chùa Hoằng Phúc cũ đã dựng lên một ngôi nhà nhỏ để làm nơi thờ các đức Phật, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Phật tử và nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, ngôi nhà đã bị đổ nát sau một cơn bão vào năm 1985.
Chùa Hoằng Phúc theo dân gian còn được gọi là chùa Quan. Khởi nguồn từ am Tri Kiến đến chùa Kính Thiên và chùa Hoằng Phúc luôn được các vương triều phong kiến lúc đang thịnh trị, từ thời Trần đến các chúa Nguyễn, vua Nguyễn đã quan tâm

![]()
424 Dẫn Trần Đại Vinh, “Chùa Kính Thiên – Hoằng Phúc trong lịch sử”, Liễu quán số 5 – Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế ấn hành 2015.
425 Dẫn Trần Đại Vinh, “Chùa Kính Thiên – Hoằng Phúc trong lịch sử”, Liễu quán số 5 – Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế ấn hành 2015.
bảo hộ. Theo Ô châu cận lục, Kính Thiên đã là một ngôi quan tự – chùa quan (chùa công của Nhà nước) do vương triều bảo hộ, có tăng quan coi giữ chùa gọi là “Tự chính”… nên dân gian cũng thường gọi là chùa Quan.
Kết quả khảo cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho thấy, chùa Hoằng Phúc đã lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm, đa dạng về chủng loại với trình độ kỹ thuật chế tác khác nhau, mang nhiều phong cách nghệ thuật, đặc trưng văn hóa của nhiều triều đại trong lịch sử. Đồng thời cũng khẳng định rằng, so với miền
Thuận Quảng, vùng đất Quảng Bình đã được sáp nhập vào quốc gia Đại Việt sớm hơn 237 năm (từ năm 1069 đến 1306), theo đó các ngôi cổ tự của người Việt hiện diện trên mảnh đất này dĩ nhiên cũng có trước ở miền Thuận Quảng hàng trăm năm. Điều đó đã góp phần lý giải vì sao tại vùng đất này có sự hiện diện, chồng xếp lên nhau của các hệ tượng, pháp khí Phật giáo đa nguồn gốc, đa phong cách, đa chất liệu.
Trong dòng chảy lịch sử của mình, chùa Hoằng Phúc đã khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Bình nói chung và người dân Lệ Thủy nói riêng. Điều đó được minh chứng qua các sử kiện và bởi sự kế tục không gián đoạn từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông mang tư tưởng Phật giáo về giáo hóa vào đây trong thời gian lưu lại tu tập và cho dù trải qua chiến tranh, loạn lạc, chùa vẫn tồn tại và phát triển; là sử kiện ghi lại nhiều đợt ghé thăm, trùng tu và phục dựng lớn của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Đặc biệt là việc xây dựng lại chùa Kính Thiên diễn ra năm 1609 dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng; trùng tu, tôn tạo năm 1716 dưới thời Nguyễn Phúc Chu; năm 1821, 1823, 1826, 1840 dưới thời Minh Mạng; năm 1842, 1846 dưới thời Thiệu Trị và năm 1879 dưới thời Tự Đức… Sau những tàn phá nghiêm trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, năm 1977, nhân dân địa phương đã dựng một ngôi nhà nhỏ để tiếp tục hương hỏa, nối tiếp đức tin và lòng mộ đạo.
Có thể nói, chùa Hoằng Phúc (chùa Kính Thiên, am Tri Kiến) là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình di dân mở cõi phương Nam thời Lý – Trần, góp phần giữ gìn bản sắc Đại Việt khi đến vùng đất mới, để an cư lạc nghiệp. Đây là di tích được các nhân vật lịch sử của quốc gia phong kiến (Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, Tùng Thiện Quận công Nguyễn Phúc Miên Thẩm, vua Tự Đức…) đã đến, quan tâm trùng tu, phục dựng và chấn hưng vì mục đích phục vụ cho sự hòa đồng dân tộc trong quá trình mở cõi, cố kết cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh để tạo sức mạnh từ cố kết lòng dân
thông qua đức tin đầy lòng vị tha của đạo Phật. Là di tích vào loại cổ xưa nhất chứa đựng nhiều thông điệp về lịch sử Phật giáo Đại Việt thâm nhập vào xứ Đàng Trong theo cộng đồng dân di cư, theo các nhà tu hành và theo dấu chân kinh lý trên đường thiên lý của các bậc vua chúa, quan lại mộ đạo Phật. Vì thế, nơi đây có sức hút của hội nhập, lại vừa có sức lan tỏa của một trung tâm Phật giáo Đại Việt xứ Đàng Trong.
Với chiều dài lịch sử trên 715 năm, chùa Hoằng Phúc xứng đáng là chùa cổ danh tiếng của tỉnh Quảng Bình, của xứ Đàng Trong và cả Việt Nam.
Chính vậy, ngày 01 tháng 6 năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1210/QĐ-UBND xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngày 30/11/2014, công trình phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc đã được khởi công, do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 43,372 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BIDV) bảo trợ.
Đặc biệt, ngày 9 tháng 12 năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du dịch đã ban hành Quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích cấp quốc gia.
Chùa Hoằng Phúc thu hút nhiều Phật tử tới dâng hương lễ tạ vì nổi tiếng linh thiêng, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng.
Tính từ ngày Khánh hạ chùa Hoằng Phúc (ngày 09 tháng 12 năm 2015), Phật giáo huyện Lệ Thủy đã khởi sắc bởi nhiều hoạt động Phật sự, tu học và từ thiện của chùa Hoằng Phúc đóng góp vào sự phát triển chung của Phật giáo xứ Lệ. Tất cả nhữn thành công đó đều nhờ vào sự chỉ đạo của TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế HĐTD GHPGVN, Trụ trì chùa Hoằng Phúc.
Về hoạt động tu học, chùa Hoằng Phúc duy trì Khóa tĩnh tu MỘT NGÀY AN LẠC tổ chức vào ngày mồng 1 và 15 hàng tháng với trên dưới 150 Phật tử đến tu học, bao gồm các nội dung: tụng kinh, ngồi thiền, đi thiền hành niệm Phật, thuyết giảng, dùng cơm chánh niệm... Dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Trụ trì, các bài thuyết giảng của quý thầy chùa Hoằng Phúc giúp quý Phật tử có kiến thức cơ bản về Phật học, tránh xa các việc ác, chuyên làm các việc lành, giữ tâm thanh tịnh, tuân thủ các đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và nhà nước, đóng góp vào khối Đại đoàn kết chung của dân tộc.
Hoạt động tu học của thanh thiếu niên có khóa tu HÀNH TRANG VÀO ĐỜI, được tổ chức khoảng 3 tháng 1 lần, mỗi khóa tu thu hút gần 200 thanh niên học sinh đến tham dự. Vào ngày Chủ Nhật hàng tuần có Lớp học ĐẠO ĐỨC VÀ KỸ NĂNG SỐNG, thu hút hơn 30 bạn thanh thiếu niên đến tham dự hàng tuần, bao gồm các nội dung: tụng kinh, ngồi thiền, đi thiền hành niệm Phật, thuyết giảng của quý thầy về các chủ đề đời sống gần gũi các em, dùng cơm chánh niệm, tập khí công, trò chơi vận động, đố vui Phật pháp, học kỹ năng sống do các chuyên gia nhà chùa mời về chia sẽ... Đặc biệt trong năm 2019, chùa Hoằng Phúc đã tổ chức thành công Khóa tu mùa hè với chủ đề GIEO HẠT TỪ TÂM cho gần 150 bạn thanh thiếu niên trong và ngoài huyện Lệ Thủy. Sau khóa tu mùa hè, nhiều phụ huynh báo cáo lại với nhà chùa các em đã có nhiều chuyển biến tích cực, có những em trước đây nghiện game giờ không còn chơi game, các em biết vâng lời bố mẹ, tôn trọng thầy cô hơn, sống có lý tưởng phụng sư, hy sinh với mọi người nhiều hơn. Đó là niềm vui lớn nhất mà của một người làm bố làm mẹ khi thấy con mình có những sự thay đổi tốt đẹp như vậy.
Về các hoạt động Phật sự, Từ thiện, Thượng tọa trụ trì nhấn mạnh tinh thần Nhập thế, Tốt đời đẹp đạo. Thượng tọa chỉ đạo quý thầy, quý Phật tử ngoài việc tu học bản thân nên tích cực tham gia, đóng góp các hoạt động công ích, từ thiện, chia sẽ những nổi đau, khó khăn với đồng bào, vì Phụng sư chúng sinh là cúng dường Chư Phật. Các công tác Phật sự, Từ thiện của chùa Hoằng Phúc được chính quyền, người dân ghi nhận tốt đẹp.
Như Tết Nguyên Đán, Lễ hội hàng năm chùa Hoằng Phúc tổ chức vào các ngày đầu tháng Giêng thu hút hàng vạn lượt khách đến tham dự. Khi đến chùa họ được thanh tịnh tâm hồn, nghe lời giảng quý thầy, đọc những câu đạo lý trong chùa, khi ra về tư duy, suy nghĩ của họ sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng hướng thiện, buông xả, và có thêm nhiều năng lượng an lành, lý tưởng phụng sự để đóng góp cho xã hội, cho bản thân gia đình.
Ôi có gì đẹp hơn thế
Người với người biết yêu quý nhau
Công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được nhà chùa chú trọng, quan tâm. Vào các ngày Thương binh Liệt sĩ chùa đều tổ chức cho Phật tử, thanh niên đến đặt vòng hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài huyện Lệ Thủy, thăm hỏi và tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng. Thông qua các hoạt động này, các em thanh niên khi tham gia sẽ được bồi đắp tinh thần nhớ ơn và đền ơn, từ đó sẽ chuyển đổi nhận thức của mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Công tác từ thiện, nhà chùa phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN, Công an, Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy để kịp thời sẽ chia, giúp đỡ động viên những hoàn cảnh khóa khăn trong và ngoài huyện Lệ Thủy, đặc biệt là các hộ dân người Bru-Vân Kiều ở vùng cao, vùng biên giới. Để thực hiện được những chương trình từ thiện ý nghĩa này, nhà chùa kêu gọi sự chung tay đóng góp, chung sức của quý mạnh thường quân, quý nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Trong hơn 4 năm hoạt động từ thiện, nhà chùa đã kêu gọi ủng hộ, chia sẽ hơn 1 tỷ động đến với bà con, những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Để có được những thành quả tốt đẹp trên, tất cả đều nhờ sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Thượng tọa Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Hoằng Phúc.
Tài liệu tham khảo:
-
- Dương Văn An, Trần Đại Vinh – Hoàng Văn Phúc hiệu đính – dịch chú, Ô châu cận lục, Nxb Thuận Hoá, Huế
- Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
- Phạm Đức Thành Dũng (2015), “Tìm hiểu thêm về chùa Hoằng Phúc qua một số tư liệu chữ Hán”, Liễu Quán, số 5
- Ngô Sĩ Liên (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
- Đại Nam nhất thống chí, trong “Quảng Bình qua các thời kỳ lịch sử”, Thư viện Quảng Bình xuất bản, 1998
- Đại Nam thực lục tiền biên, (quyển 1, mục Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng).
- Đại Nam thực lục tiền biên, (quyển 8, mục Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu).
- Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhị kỷ, quyển 21, Thực lục về Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng)
- Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Tỉnh Quảng Bình, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.
- Thích Không Nhiên – Bình Nguyên (2015), “Từ tiếng chuông chùa Trạm đến đại hồng chung chùa Hoằng Phúc”, Liễu Quán, số 5
- Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
- Trần Đại Vinh (2015), “Chùa Kính Thiên – Hoằng Phúc trong lịch sử”, Liễu Quán, số 5