DẤU ẤN VĂN HÓA BIỂN Ở CÁC CHÙA QUAN ÂM HUYỆN BỐ TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH
TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh*
- Việc thờ phụng Quan Thế Âm Bồ tát trên đất Quảng Bình
Quán Thế Âm Bồ tát (觀世音菩薩) là danh hiệu bằng tiếng Hán - Việt của Bồ tát Avalokitesvara - biểu tượng của lòng Bi, một dạng Phật tính. Mặc dù được thờ phụng phổ biến khắp vùng Châu Á, song, cho đến nay vẫn có nhiều tranh luận khác nhau về thời điểm khởi phát tín ngưỡng thờ Avalokitesvara.
Riêng với Việt Nam, đặc biệt là vùng miền Trung - gồm Quảng Bình, là nơi mà Phật giáo đã bắt rễ xâu xa suốt cả nghìn năm, du nhập bằng cả đường biển lẫn đường bộ, trực tiếp từ Ấn Độ và gián tiếp qua Trung Hoa, cộng với những yếu tố nội sinh của văn hóa bản địa, để đem đến một sắc thái riêng cho cho Phật giáo vùng đất này. Tín ngưỡng thờ Quán Thế Âm Bồ bát chính là một biểu hiện tiêu biểu cho sắc thái riêng đó.
Trước khi có sự hiện diện của người Việt, người tiền trú ở Quảng Bình đã thờ phụng Quán Thế Âm Bồ tát dưới những ứng thân khác nhau, được thể hiện ở các các di chỉ khảo cổ học khác nhau. Trong số những hiện vật thời Champa ở Quảng Bình mà các nhà khảo cổ học người Pháp đã khai quất được và công bố vào đầu thế kỷ XX, có khá nhiều hiện vật liên quan đến Quán Thế Âm và các hóa thân của vị Bồ tát này bằng các chất liệu đồng, sa thạch; trong hình tướng Tara, Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen trong tư thế rajasana (vương tọa), Quán Thế Âm bốn tay, Quán Thế Âm đứng trên tòa sen… hay văn bia liên quan đến sự cứu khổ cứu nạn của Bồ tát. Nổi bật nhất cần phải kể đến là hai bức tượng có niên đại ước đoán từ thế kỷ XIX đến thế kỷ X sau Công Nguyên:
- Tượng Bồ tát Quan Thế Âm (Bodhisattva Avalokitesvara) được tìm thấy ở làng Đại Hữu (huyện Quảng Ninh). Đây là một tượng mà Bồ tát Quan Thế Âm trong hình dáng nữ, được đúc bằng đồng, nặng 35kg, cao 53 cm. Tượng có 4 tay cầm 4 pháp khí theo thứ tự trên
- dưới - phải - trái lần lượt là sách pustaka, chuỗi hạt aksamala, nụ sen padma và tay trái dưới và bình bình nước cam lồ kamandalu. Đặc biệt, trên búi tóc được kết theo kiểu jata - mukuta của tượng có chạm hình tượng Phật A di đà đang trong tư thế đại định - là chi tiết để xác tín đây là tượng Quán Thê Âm.
- Tượng Bồ tát Quan Thế Âm được tìm thấy ở làng Mỹ Đức (Quảng Bình), có niên đại khoảng thế kỷ IX, X sau Công Nguyên. Đây là một tượng mà Bồ tát Quan Thế Âm trong

- Phân viện Văn hóa Nghệ Thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.
hình dáng nam - có ria mép che kín môi trên, bằng sa thạch, cao 1,37 m. Tượng đã mất tay. Tóc cũng búi theo kiểu jata - mukuta có chạm hình tượng Phật A di đà tương tự như tượng Quán Thê Âm ở Đại Hữu. Hiện đang trưng bày ở hiện trưng bày ở bảo tàng Guimet (Pháp).
Tượng Quán Thế Âm Bồ tát tìm thấy ở Đại Hữu
- hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn:www.baotanglichsutphcm.com.vn
Tượng Quán Thế Âm Bồ tát tìm thấy ở Mỹ Đức – hiện trưng bày ở
bảo tàng Guimet (Pháp)
Nguồn: https://www.tapatalk.com
Không có gì ngạc nhiên với sự hiện diện phổ biến của các tượng Quán Thế Âm vào niên đại IX – X, bởi đây là thời kỳ của triều đại Indrapura (Chămpa) với sự đặc biệt hưng thịnh của Phật giáo mà Quảng Bình là vùng đất cực Bắc của vương quốc này. Hơn thế, Indravarman II còn là một tín đồ thuần thành của Bồ Tát Avalokitesvara, ông tự xem mình đã được đồng nhất với Phật dưới dạng Bồ tát Lokesvara và tự đặt cho mình một tên gọi khác là Lakmindra Bhumisvara Gravasvamin. Ông cũng đã cho xây dựng lên một ngôi đền tráng lệ để thờ phượng Ngài vào năm 875 và đặt tên cho ngôi đền là Laksmindralokesvara, bằng
cách ghép tên của mình cùng với danh hiệu của Bồ tát Avalokitesvara394. Với sự đồng nhất trên đây, có thể thấy, Bồ tát Avalokitesvara trong văn hóa Chăm, ít nhất trong triều đại Indravarman II, gắn liền với quyền năng của vương triều. Trong khi đó, truyền thống Phật giáo của người Việt từ phía Bắc, vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Trung Hoa, Quán Thế Âm Bồ tát hiện diện trong vai trò là một “Phật Bà Cứu Khổ Cứu Nạn”. Tạ Chí Đại Trường đã dẫn ý kiến của M. Maspero và đưa ra nhận định rằng, đó là một “Phật chưa chịu về yên hưởng ở miền cực lạc mà còn ở lại với chúng sinh đã đem lại cho Phật giáo một hình ảnh tôn giáo cứu rỗi hấp dẫn với quần chúng. Một hình ảnh cứu rỗi càng gần với nhân tính hơn xuất hiện dưới dạng nữ thần: Avalokitesvara là một trong hai Bồ tát phụ tá Phật A Di Đà ở Tây phương Tịnh thổ sẵn sàng cứu vớt những ai bị tai nạn, hỏa hoạn, cướp bóc, thú dữ và cái chết bất ngờ, sau cùng mang tên Quan Âm hay Quan Thế Âm chuyển dạng nữ trên đất Trung Hoa”. Và, cũng như Trung Hoa, Avalokitesvara trong tâm thức của được ngưừi Việt chủ yếu dưới dạng nữ thân395. Đó được xem là kết quả của một quá trình “địa phương hóa” nhằm phù hợp với bối cảnh mà truyền thống Nho giáo chi phối vương quyền một cách xuyên suốt: Hoàng đề là Thiên tử hơn là một Phật tử. Cho dù đã có lúc được xiễn dương mạnh mẽ, thậm chí trở thành Quốc giáo, nhưng có lẽ Phật giáo chưa bao giờ giữ vị trí độc tôn bởi Nho giáo vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo trên phương diện vận hành của bộ máy nhà nước.
Khi vùng Bố Chính, Lâm Bình (Quảng Bình) thuộc về Đại Việt (thế kỷ XI), cũng là thời điểm hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam dưới thời Lý. Theo đó, dù không ồ ạt như những giai đoạn về sau, nhưng người Việt từ đất Bắc cũng bắt đầu di cư đến vùng đất này và mang theo tín ngưỡng của họ. Phật giáo trải suốt hàng trăm năm tiếp theo, nhất là từ thời kỳ các chúa Nguyễn Hoàng từng bước thực hiện ý đồ các cứ ở xứ Đàng Trong, trở thành “mẫu số tâm linh” chung của những tộc người có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Không quá khiên cưỡng nếu cho rằng, đây là một trong những nhân tố quan trọng để có được sự hòa hợp trong cho quá trình cộng cư, xen cư giữa người tại chỗ và người mới đến. Dĩ nhiên, với tính chất “biết chúng hội” trên con đường hoằng pháp của đạo Phật, tùy thuộc vào sinh cảnh, sắc dân, phong tục, quá trình “địa phương hóa” Phật giáo được tiếp tục thực hiện một cách vi tế ở những phạm vi hẹp hơn, phù hợp với logic của bối cảnh không gian, thời gian, cộng đồng cụ

![]()
394 Chun Fang Yu (2009), “Từ Avalokitesvara Ðến Quán Thế Âm Bồ Tát”, dẫn theo https://khanhhoathuynga.wordpress.com, cập nhật ngày 8 tháng 11 năm 2009
395 Về quá trình chuyển hóa này, Tạ Chí Đại Trường (2006) và Chun Fang Yu (2009) đều thống nhất rằng, ở Trung Hoa, Bồ Tát Quán Thế Âm đã được trình bày dưới dạng nam thân. Tuy nhiên bắt đầu từ thời Tống sơ (960-1279) khoảng thế kỷ thứ 11, một số tín đồ đã nhìn Ngài như là một vị nữ thần và hình ảnh về một vị Phật bà Quán Âm đã được các nghệ nhân Trung Hoa sáng tạo. Sự chuyển hoá thành dạng nữ thân của Bồ Tát Quán Thế Âm được xem như hoàn tất dưới thời đại nhà Nguyên (1206-1368). Từ thời đại nhà Minh trở đi, nghĩa là vào khoảng thế kỷ thứ 15, Bồ Tát Quán Thế Âm hoàn toàn xuất hiện dưới dạng nữ thân (Chun Fang Yu (2009), “Từ Avalokitesvara Ðến Quán Thế Âm Bồ Tát”, tlđd; Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần người và đất Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, tr. 181.
thể. Những huyền thoại, cảnh quan, hiện vật và thực hành tín ngưỡng ở các chùa mang tên Quán Âm (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chính là một trường hợp tiêu biểu cho sự lựa chọn có lí do, xuất phát từ nhu cầu tâm linh của một nhóm cư dân có sinh kể gắn liền với biển cả.
- Chùa Quan Âm trong không gian văn hóa biển
Trong số những ngôi cổ tự ở Quảng Bình, có hai chùa Quan Âm được xây dựng ở những niên đại khác nhau, nhưng mẫu số chung đều thuộc các làng biển, lần lượt thuộc xã Thanh Trạch và Bố Trạch (Quảng Bình). Thực tế, việc thờ Phật Bà Quan Âm hay những ngôi chùa Quan Âm có mặt khắp các vùng đất có sự hiện diện của Phật giáo, thuộc các sinh cảnh khác nhau. Tuy nhiên, những Quan Âm tự thuộc các làng biển người Việt lại mang một nội hàm riêng, mà ở đó, người ta có thể nhìn thấy những lớp trầm tích văn hóa xếp chồng lên nhau với những yếu tố ngoại tác và nội sinh đan xen, hòa quyện.
Điểm dễ nhận thấy là các chùa Quan Âm được nhắc đến trên đây đều tọa lạc gần các cửa sông (Lý Hòa, sông Gianh). Đặc biệt, cửa Lý Hòa từ rất sớm được biết đến là một cảng biển (Dã Lý) buôn bán sầm uất từ thời Lý, Trần. Đối với Chùa Quán Âm/Chùa Phật Bà (xã Thanh Trạch, được cho là xây dựng vào năm Hồng Đức thứ ba -1473), đặt trong quy chiếu với Chùa Ông (nay chỉ còn tên gọi với các tượng thờ được tập hợp về Chùa Bà), có thể thấy đây là cặp thiết chế Chùa Bà - Chùa Ông thường thấy ở những cộng đồng có sự hiện diện của người Hoa. Do đó, không loại trừ đây là một ngôi chùa Hoa thương góp công xây dựng bởi với dân đi biển Trung Quốc, họ thường kêu cầu Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát như một vị nữ hải thần khi gặp bão tố, hoạn nạn trên con đường đi xuống phương Nam. Vị Quan Thế Âm Bồ tát này, được cho là “Quan Âm của người bình dân” vốn là một “nữ thần gốc, được thờ ở đảo Thú Sơn ngoài khơi tỉnh Triết Giang mà các đền ở đây đều mang danh nghĩa Quan Âm”396. Nói cách khác, Avalokitesvara của đạo Phật, khi gặp một nữ thần địa phương củaTrung Hoa, đã đồng nhất để trở thành một Quan Âm Bồ tát cứu khổ cứu nạn dưới dạng nữ thân, bảo trợ cho người đi biển. Vị nữ “Bồ tát bình dân” trong dạng hóa thân gần gũi này đã được người Việt tiếp nhận bằng tình cảm tôn giáo xuất phát từ nhu cầu được che chở, phù trợ trước sự hiểm nguy của biển cả, hơn là một Avalokitesvara với biểu tượng và triết lý sâu xa của Đạo Phật. Khác với vùng Quảng Bình, càng đi xuống phía Nam, chúng ta sẽ còn gặp gỡ hình ảnh Quan Âm Bồ tát trong hóa thân của vị nữ thần biển mang màu sắc Đạo giáo bình dân của người Hoa - Thiên Hậu/Thiên Phi. Sự đồng nhất Phật – Đạo này đã cho ra thiết chế mang tên “Chùa Bà” - ngôi Chùa Phật nhưng thờ một vị Thánh Bà của Đạo giáo. Trong chiều ngược lại, đi lên phía Bắc, tín ngưỡng thờ Quan Âm của người

![]()
396 Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần người và đất Việt, tlđd, tr. 181, 182.
Việt cũng hưng thịnh dưới triều Mạc (thế kỷ XVI), được lý giải xuất phát từ nguồn gốc là cư dân biển của dòng họ này397. Thậm chí còn có giả thiết cho rằng đây là họ Mạc gốc Phúc Kiến - nơi có tục thờ Quan Âm phổ biến398. Trong bối cảnh chung đó, có thể thấy các cửa biển vùng Quảng Bình từ thế kỷ XV là một mảnh đất thu hút sự du nhập của tục thờ Quan Âm Bồ tát bằng đường biển.
Khác với Chùa Phật Bà (xã Thanh Trạch), Quan Âm tự (xã Đức Trạch) xuất hiện muộn hơn, khởi dựng vào thời vua Gia Long (thế kỷ XIX), gắn với một truyền thuyết liên quan đến ngư nghiệp. Chuyện kể rằng, có một ngư dân đánh cá trên biển, một hôm, ông đã kéo lên được một tượng bằng đá, hai hôm sau ông kéo lên được 1 bệ đá và 2 chiếc cối, 2 chiếc chày bằng đá. Cho là điềm lành, nên dân làng đã dựng một lều tranh để thờ phụng. Thực tế, motif phát hiện ngẫu nhiên các tượng thờ và lập miếu chùa để thờ tự dưới các danh xưng mới này khá phổ biến ở miền Trung, và thường liên quan đến các di vật của người Chăm (có thể kể đến trường hợp tượng thờ ở miếu Bà [Chiêm Sơn, Quảng Nam], Bà Đá [Phương Sơn, Quảng Trị], Kỳ Thạch phu nhân [Hương Trà, Thừa Thiên Huế], Thai Dương phu nhân [Phú Vang, Thừa Thiên Huế], bà Giàng [Phong Điền, Thừa Thiên Huế]), .v.v. Đáng chú ý là cho dù hiện vật dưới dạng nào (linga, tympan, bệ đá…) thì đều được thờ phụng dưới dạng một nữ thần. Điều này cũng lặp lại ở chùa Quan Âm (Đức Trạch). Bức tượng dân gian truyền tụng là do người đánh cá vớt được vào đầu triều Nguyễn và định danh là “tượng đá” trên hiện trạng là một pho tượng Quan Âm ngồi kiết-già bằng gỗ với cốt đá bên trong. Điều đó cho thấy rằng, đây vốn dĩ đây là một tượng đá mà việc tái tạo và định danh “Quan Âm” hoàn toàn xuất phát từ ý muốn chủ quan của cộng đồng. Hẳn nhiên, điều đó phù hợp với “logic của địa phương” - vốn là một cộng đồng hắn liền với biển. Ngay cả bộ bàn nghiền/chày nghiền vốn còn chức năng nghiền hương liệu, các loại hạt như vốn có của người Chăm, người Việt địa phương đã xem đó là một nghi cụ gắn với năng lực chữa bệnh của Quan Âm Bồ tát. Khi cầu bình an, cùng với bùa Bình An, họ sẽ lấy chày mài nhiều lần vào bàn mài, trong quá trình đó, dội cho nước chảy về phía mũi, xong hứng đem về uống như một thứ nước chữa bệnh linh thiêng mang màu sắc Đạo giáo. Trong một cách hiểu nào đó, thông qua các di vật, đây là sự nối tiếp tục thờ Avalokitesvara của người Chăm tiền trú. Đó hẳn nhiên là sự lựa chọn từ các truyền thống khác nhau (Hoa - Ấn), thuộc những sắc dân khác nhau, ở những thời điểm lịch sử khác nhau, song cùng gặp gỡ ở một nhu cầu tâm linh chung trong cảm quan chung trước biển và trong cơ tầng chung của một tôn giáo: Phật giáo.

![]()
397 Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần người và đất Việt, tlđd, tr. 181
398 Trần Quốc Vượng (1983), “Về những nhân tố tự nhiên - số dân - kỹ thuật - ý thức trong văn minh nông nghiệp Việt Nam”, trong Tạp chí Khảo cố học, số 2, tr. 3
Tượng Quan Âm Bồ tát “bì gỗ cốt đá” tại Quan Âm tự (Đức Trạch)
Ảnh: Thọ Quốc
Từ tục thờ Quan Âm của người tiền trú trên đất Quảng Bình thông qua các di vật khảo cổ học và những ngôi chùa thờ Quan Âm trong các ngôi làng Việt ở vùng biển Quảng Bình, có thể thấy rằng đây là nơi Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau đã bắt rễ một cách sâu xa thông qua đường biển. Là một vùng đất biên viễn, Quảng Bình cũng là nơi thể hiện một cách rõ nét sự gặp gỡ của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo của người Việt mang theo từ đất Bắc và cả tín ngưỡng dân gian, ở những lớp cắt thời gian khác nhau. Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể nhìn thấy ở hình ảnh Phật Bà Quan Âm Bồ tát một sự dung hòa, nối kết các truyền thống, các nhu cầu tâm linh từ đời sống nhân sinh thường nhật cũng như những chông chênh bởi lằn ranh về mặt chính trị mà lịch sử đã thường xuyên lựa chọn mảnh đất này.
N.T.T.H