25 - NNC. Nguyễn Hữu Thông & ThS. Lê Thọ Quốc - BẢO VẬT HIỆN CÒN CỦA CỔ TỰ HOẰNG PHÚC
Thứ hai - 16/12/2019 03:50
BẢO VẬT HIỆN CÒN CỦA CỔ TỰ HOẰNG PHÚC
NNC. Nguyễn Hữu Thông* ThS. Lê Thọ Quốc**
- Mở đầu
Lần tìm về những ngôi cổ tự trên đất Quảng Bình, chúng tôi cứ trăn trở chắc hẳn không còn gì, dù trong các thư tịch cổ như Thánh đăng lục, Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục, Đồng Khánh địa dư chí… đã nhắc đến rất nhiều các ngôi cổ tự từ thuở ban đầu khi vùng đất này sáp nhập vào Đại Việt cho đến các triều đại sau này. Bởi rằng, trong lịch sử vùng đất này phải chịu nhiều chính biến khi nó đã từng là vùng biên viễn, nơi địa đầu của quốc gia Đại Việt về phía nam, nơi từng trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt trong lịch sử, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp và Mỹ, nên hệ thống chùa chiền, các tự khí, pháp khí… phần nhiều đã bị hư hại theo thời gian, chiến tranh binh lửa cũng như những tác động chủ quan của con người.
Qua nhiều đợt khảo sát thực địa (tại vị trí 3 ngôi cổ tự Hoằng Phúc, Cảnh Tiên và Kim Phong trên địa bàn huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh), quả thật các ngôi cổ tự, quan tự danh tiếng một thời của vùng đất này hầu hết đã lụi tàn. Tuy vậy, với những hiện vật còn lại, dù ít ỏi nhưng cũng cho thấy dấu ấn một thời hưng thịnh, huy hoàng của Phật giáo trên quê hương Quảng Bình. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khảo tả và đưa ra những nhận định, đánh giá bước đầu về các di vật hiện còn bảo lưu được của cổ tự Hoằng Phúc (tọa lạc tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), qua đó có thể giúp ta có được một cái nhìn tương đối về tình trạng Phật giáo trên vùng đất này với bao cung bậc thăng trầm trong lịch sử.
Chùa Hoằng Phúc, có thể nói là ngôi cổ tự có mặt sớm nhất trên vùng đất Quảng Bình kể từ khi mảnh đất này sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Thánh đăng lục và Ô châu cận lục cho biết, từ nguyên ủy nó chính là am Tri Kiến, từng là nơi dừng chân của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến Nam du năm 1301. Về sau, năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng chùa Kính Thiên ngay trên nền cũ của ngôi thảo am này; năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho trùng tu sửa chữa, sắc ban biển hiệu

- Nhà nghiên cứu Văn hóa, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ Thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế
** Phân viện Văn hóa Nghệ Thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế
và 5 cặp đối liễn treo ở chùa; đến đầu triều Minh Mạng, nhà vua cho trùng tu chùa và đặt tên là Hoằng Phúc tự. Ngôi cổ tự này bị tàn phá nhiều lần trong các cuộc chiến tranh, hệ thống tượng thờ, pháp khí hầu như bị hư hại, mất mát khá nhiều. Những gì còn lưu giữ được đến tận hôm nay là nhờ người dân bảo quản, bằng cách chôn xuống đất. Cũng nhờ đó chúng ta mới có cơ duyên còn gặp được các bảo vật của chùa Hoằng Phúc như các pho tượng Phật, tượng Thánh, đại hồng chung, tòa Cửu long, các pháp khí và đối, liễn… (phần lớn các hiện vật khia đoàn chúng tôi khảo sát đều được bảo quản cẩn mật tại trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy).
Qua nghiên cứu, khảo sát các hiện vật còn lại, chúng tôi nhận thấy mỗi hiện vật đều có những đặc trưng khác nhau về phong cách chế tác, nghệ thuật tạo hình lẫn ý nghĩa biểu trưng văn hóa tín ngưỡng tâm linh Phật giáo, tương ứng trong những khoảng thời gian nhất định khi hiện vật đó ra đời.
- Các di vật hiện còn của cổ tự Hoằng Phúc
- Dấu tích cổng tam quan chùa
Tam quan chùa Hoằng Phúc hầu như đã bị sập hoàn toàn. Dấu tích còn lại chỉ là một vòm cổng phía bên trái (từ trong nhìn ra), có tên “Tả Quảng Độ Môn”, là một bộ phận trong tổng thể cổng tam quan chùa Hoằng Phúc còn lưu lại khá nguyên vẹn. Những vị cao niên có nhiều năm gắn bó với chùa cho biết, đến sau năm 1975, cổng tam quan và tường rào bao quanh chùa vẫn còn khá nguyên vẹn, nhưng về sau khuôn viên chùa một thời được trưng dụng làm hợp tác xã, lấy đất sản xuất nông nghiệp, cộng với sự lấn chiếm của dân cư nên tam quan chùa cùng các hạng mục khác dần dần bị xâm hại và đi đến tàn lụi như hiện nay.
Trên tổng thể, cổng được thiết kế có các bậc tam cấp đi lên nhưng nay đã bị đất cát bồi lấp. Qua khảo sát, đo đạc thực tế cho thấy, phần cổng còn lại này có chiều cao tổng thể 4,60m (tính từ chân lên đến đỉnh), rộng 3,90m và dày 1,0m, cốt được xây bằng gạch, bên ngoài phủ lớp vôi, xi-măng vừa để tạo các chi tiết hoa văn, vừa bảo vệ cốt gạch. Vòm cổng cao 1,80m; rộng 1,50m; dày 0,35m, phần phía sau cổng hiện vẫn còn dấu tích của hệ thống chốt cửa gồm hai lá mở vào trong.
Cổng được xây cốt bằng gạch. Qua quan sát cho thấy, gạch được sử dụng ở đây có nhiều loại và kích cỡ khác nhau, chiều dài các viên gạch dao động từ 24cm đến 30cm; rộng từ 12,5cm đến 13,5cm, độ dày các viên gạch không đồng nhất: 0,25cm, 0,32cm, 0,35cm và 0,5cm. Điều này cho thấy, cổng được xây dựng lại sau này bằng việc tận dụng tất cả những nguồn nguyên liệu khác nhau hiện có trên đất chùa.
Phần mái cổng được đắp phù điêu tạo hình sen hóa dạng rất khéo léo, xung quanh viền trang trí dây cuốn tạo nên vẻ mềm mại của lá sen trên mái cổng khô cứng; đồng thời vừa tôn lên nét uy dũng của mặt rồng, vừa tạo nên sự cân xứng hài hòa trong việc phối trí giữa mái cổng và cấu trúc tổng thể của vòm cổng. Mô-típ “Long hàm thọ” trang trí trên mái cổng được xem là mô-típ khá đặc trưng và phổ biến từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, thường thấy xuất hiện trên các công trình kiến trúc lăng tẩm, tín ngưỡng tôn giáo ở vùng đất miền Trung.
Ngay trên vòm cổng, ở chính giữa, có đắp một biển hoành với bốn đại tự “Tả Quảng Độ Môn”. Biển hoành có chiều dài 1,75m, chiều rộng 0,26m; bốn đại tự có cỡ chữ 20cm x 20cm, giãn cách giữa các chữ là 22cm. Hai bên vòm cổng có đắp hai trụ nổi, đầu và đế trụ có ô hộc trang trí, thân trụ khắc hai câu đối (qua thời gian bị phong hóa bào mòn, các chữ trên hai câu đối này đã mất hẳn dấu vết, không còn thấy chữ). Như vậy, dựa vào vị trí và thông tin được ghi lại trên cổng (Tả Quảng Độ Môn) cho biết, đây là vòm cổng nằm ở phía tả hiện còn trong tổng thể tam quan của chùa, bao gồm vòm cổng chính ở giữa và đối xứng bên kia chính là “hữu môn”. Chắc chắn rằng sẽ có cổng phía hữu làm nơi ra vào sinh hoạt trong chùa bên cạnh hệ thống cổng tam quan chính giữa.
-
- Vật liệu, cấu kiện xây dựng
-
- Mặt Lân hóa (hay còn gọi là mặt Nã): Một loại phù điêu trang trí đắp hình Lân hóa, được làm bằng ximăng, dài 52cm, cao 33cm và dày 14cm. Có thể đây là một phần cấu kiện được sử dụng trang trí trong hệ thống kiến trúc chùa (có thể trang trí trên bình phong hoặc trên cổng) bị bong tróc. Hiện vật này khi chúng tôi khảo sát đang được lưu giữ tại phòng bảo quản của UBND xã Mỹ Thủy.
- Các loại ngói, gạch có nhiều kích cỡ dài ngắn, chủng loại lẫn chức năng sử dụng khác nhau, được người dân và chính quyền địa phương trong lần trùng tu xây dựng lại chùa quy tập, lưu giữ tại kho UBND xã Mỹ Thủy. Gồm có: [1] Loại gạch hình chữ nhật lớn, có chiều dài 26cm, rộng 12,5cm và dày 5cm; [2] Loại gạch nhỏ có chiều dài 13cm, rộng 10cm và dày 3cm; [3] Ngói liệt có chiều dài 19,5cm, dày 1cm và rộng từ 15,2cm đến 15,5cm; [4] Ngói âm dương có chiều dài 17,5cm, rộng 15cm và dày 1cm.
-
- Hệ thống tượng thờ
Các vị cao niên tại địa phương cho biết, hệ thống tượng thờ tại chùa Hoằng Phúc trước đây có số lượng khá lớn, được thiết trí trên 7 cấp thờ với nhiều tượng lớn, nhỏ khác nhau. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đa số tượng Phật, tượng Thánh của ngôi cổ tự này phần lớn đã bị hư hại, mục nát hoặc thất tán. Hiện chùa chỉ còn lưu lại được 7 pho tượng các loại, với chất liệu tạo tượng, kỹ thuật chế tác, kiểu dáng và mỹ thuật trang trí khác nhau. Trong đó có 5 pho tượng bằng đồng (1 tượng Phật Thích Ca, 1 tượng Bồ-tát Địa Tạng, và 3 pho tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Cả 5 pho tượng đồng này, vào thời điểm đoàn chúng tôi khảo sát, đang được bảo quản tại UBND xã Mỹ Thủy) và 2 pho tượng bằng gỗ (1 tượng Hộ Pháp và 1 tượng [nghi là] Giám Trai Sứ Giả, cả hai pho tượng gỗ này tại thời điểm đoàn chúng tôi khảo sát đang được phụng thờ tại nhà tạm trong khuôn viên chùa Hoằng Phúc).
Riêng 5 pho tượng đồng, người dân địa phương cho biết, để gìn giữ được đến tận hôm nay là nhờ sự quyết tâm bảo quản của dân làng. Sau năm 1975, người dân đã sử dụng đá ong có sẵn tại chùa xây một bệ vuông trước sân chùa đặt các pho tượng vào đó, dùng đất xỉ than đổ vào chèn lại và lấp kín các pho tượng, rồi phía trên người ta cho đổ bê-tông lấp kín, biến nơi cất giấu tượng trở thành một bàn thờ trời. Đến cuối năm 2014, khi khởi công xây dựng chùa, người ta khai quật và đưa các pho tượng về bảo quản tại trụ sở UBND xã Mỹ Thủy như hiện nay.
-
-
- Tượng Phật Thích-ca
Chất liệu đồng, hiện đã bị gãy mất phần đầu. Tượng ngồi kiết-già tọa thiền, khoác áo ca-sa phủ toàn thân, một tay bắt quyết ấn chú với ngón tay trỏ chụm vào ngón tay cái và ba ngón tay còn lại duỗi thẳng, đặt ngửa ở trên chân và một tay đưa lên đến giữa ngực khum lại như đang cầm [đóa sen]. Tượng nặng khoảng 5kg, từ vai xuống cao 15cm [mất phần đầu], vai rộng 10cm, vòng chân xếp bằng rộng 13,5cm, thân tượng dày 5cm, phần đế cao 10cm.
Đây là kiểu tượng ngồi tọa thiền theo thể loại Hàng Ma324, một hệ tượng rất hiếm thấy trong hệ thống tượng cổ của các chùa ở nước ta325. Hoặc căn cứ vào kiểu tay ấn quyết và cầm [hoa sen], cũng có thể định danh đây là thể loại tượng “Niêm hoa vi tiếu” – một hệ tượng khá phổ biến ở các chùa326 từ Bắc chí Nam. Tuy bị mất phần đầu, nhưng qua kiểu dáng, y phục và tay bắt ấn quyết, chúng ta cũng có thể xác quyết rằng đây chính là tượng Phật Thích-ca.
-
-
- Tượng Bồ-tát Địa Tạng

![]()
324 Trong Phật giáo, Kiết-già phu tọa có ý nghĩa là cách ngồi yên ổn, không mỏi mệt lay động, khiến ma vương phải sợ hãi. Kiết-già phu tọa có hai loại: Cát Tường và Hàng Ma. Cách ngồi Hàng Ma là cách ngồi xếp bằng, bàn chân phải đặt lên bắp đùi trái, bàn chân trái đè lên bắp đùi phải, hai bàn tay đặt phía trước, bàn tay trái đặt ngửa trên bàn tay phải. Cách ngồi Cát Tường là ngược lại với cách ngồi Hàng Ma, cũng có tên là Liên Hoa tọa. 325 Theo PGS.TS Chu Quang Trứ trong bài viết “Một số quy cách về tạo tượng Phật” cho rằng: tượng Phật Thế Tôn chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được căn cứ trên cách đặt tay để nhận định tượng ngồi theo thế tọa thiền Hàng Ma và xác định đây là loại tượng ngồi rất hiếm thấy [Nguyệt san Giác Ngộ, số 159/2009, tr.38].
326 Hình thức thờ này còn được gọi là Hoa Nghiêm tam thánh, với Đức Phật Thích Ca ngồi ở giữa cầm hoa sen, như khi Ngài thuyết pháp ở núi Linh Thứu; hai bên tả hữu là Ca Diếp và A Nan đứng hầu. Tuy vậy, cũng có nơi thờ tượng Thích Ca thuyết pháp ở giữa, hai bên là hai vị Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền.
Tượng được đúc bằng đồng, tạc theo thế ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, chân buông thõng xuống, hai bàn chân đặt cách nhau đối xứng, đầu đội mũ Tỳ-lư, mình khoác y ca-sa, tay trái để ngửa trước bụng (trên tay có hạt minh châu), tay phải cầm tích trượng chống xuống đất, khuôn mặt bầu tròn, cân đối; các nếp áo được tạo tác rất sinh động. Từ chân đến đỉnh mũ Tỳ-lư, tượng cao 34cm, vai rộng 13cm, thân dày 5,5cm; phần đế ngồi rộng 12cm, độ mở tính từ hai đầu gối rộng 16,5cm.
Tượng Bồ-tát Địa Tạng với thế ngồi và kích thước nhỏ như thế này là một hệ tượng khá hiếm. Kiểu dáng và kích thước này gần như khá giống với tượng Bồ-tát Địa Tạng mà chúng tôi từng gặp tại chùa Thánh Duyên (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) trong quá trình khảo sát điền dã phục vụ chuyên đề Liễu Quán số 3. Tượng ở chùa Thánh Duyên còn khá nguyên vẹn, ngồi trên lưng Đế thính. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng tượng Bồ-tát Địa Tạng ở chùa Hoằng Phúc có lẽ cũng ngồi trên lưng Đế thính. Đáng tiếc hiện chỉ còn mỗi thân tượng, Đế thính, minh châu và tích trượng đều không còn, lớp áo ca-sa cũng không giữ được nguyên bản mà đã bị phủ sơn ta.
-
-
- Bộ tượng Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu
Khi mới tiếp cận, chúng tôi thoáng nghĩ có lẽ đây là 3 pho tượng thuộc bộ Thập Điện của cổ tự Hoằng Phúc còn lại. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu kỹ về tiếu tượng học, như kiểu dáng tượng, các vật cầm trên tay, những họa tiết, hoa văn trên áo mão, và qua nghiên cứu các tư liệu liên quan cùng việc đối chiếu với hệ tượng tương đồng hiện thờ tại chùa Quan Âm (Đức Trạch, Bố Trạch), chúng tôi có đủ cơ sở để xác quyết đây chính là bộ tượng Ngọc Hoàng. Bộ tượng gồm 3 pho: Ngọc Hoàng ngồi ở giữa, hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu ngồi hai bên.
Tượng Ngọc Hoàng: Tượng ngồi trên ngai gỗ, hiện không còn nguyên vẹn, bị vỡ một mảng lớn ở phần ngực, ngai gỗ cũng không còn. Chiều cao từ chân đế tượng đến đỉnh mũ là 0,95m, trong đó phần thân tượng cao 0,65m, phần đầu tượng cao 0,30m (gồm cả mũ), phần chân đế tượng rộng 0,60m, dày 0,40m, phần vai tượng rộng 0,32m, dày 0,15m. Hai tay tượng đưa về phía trước ngực, chum vào nhau, tay phải đỡ tay trái cầm hốt. Hốt dài 8,5cm, rộng 5,7cm, dày 1cm. Chân tượng buông thỏng xuống, hai bàn chân đặt cân đối, với độ rộng giữa hai chân là 0,485m. Đầu tượng đội mũ bình thiên (mũ miện), mặt trước mũ (ở giữa) có phù điêu rồng bay lượn rất uy mãnh, vành mũ (phía trước) có phù điêu hình mặt trời lửa và hai con rồng chầu vào. Thân tượng khoác áo long bào, phần áo trước bụng trang trí phù điêu hình con rồng đang uốn lượn, lưng có thắt dây đai ngọc rũ xuống, đai ngọc có trang trí hoa văn. Riêng phần ngực do bị vỡ nên không còn nhận diện được các hoa văn trang trí một cách đầy đủ.
Tượng Nam Tào và Bắc Đẩu: Tượng ngồi, cả hai pho hiện còn khá nguyên vẹn, nhưng ngai gỗ đã không còn. Cả hai tượng có kích cỡ như nhau. Chiều cao mỗi tượng tính từ chân đế tượng lên đến đỉnh mũ là 0,80m, trong đó đầu tượng cao 0,28m (tính cả mũ), thân tượng cao 0,52m, chân đế tượng rộng 0,60m, dày 0,35m, vai tượng rộng 0,285m, dày 0,13m; chân tượng buông thõng xuống, hai bàn chân đặt cân đối với độ rộng giữa hai chân là 0,40m; hai tay duỗi đặt trên 2 đầu gối, trong tay trái cầm cuốn sổ và tay phải cầm bút (đây là hai vị giữ và ghi chép sổ sanh và sổ tử). Đầu tượng đội mũ phốc đầu, mặt trước mũ có trang trí hai phù điêu mặt trời lửa, vành mũ (phía trước) có phù điêu hình mặt trời lửa và hai con rồng chầu vào. Thân tượng khoác cẩm bào (triều bào), từ vành cổ xuống ngực áo có trang trí phù điêu ngọc như ý, hai bên có phù điêu rồng chầu; vạt áo trước bụng có trang trí phù điêu “Long mã phụ thọ”; lưng có thắt đai ngọc rũ xuống, trên đai có trang trí hoa văn.
Về kỹ thuật và chất liệu tạo tượng: Thoạt nhìn, cứ ngỡ 3 pho tượng này được chế tác bằng kỹ thuật đất nung, cốt tre327. Nhưng thực tế, cả 3 pho tượng đều được đúc bằng đồng với kỹ thuật rót đồng rất tinh xảo, biểu hiện rõ nhất qua dấu tích còn lưu lại trên đầu tượng của hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu. Qua khảo sát thực tế cho thấy, từ phần vai tượng trở lên, tượng được đúc bằng lớp đồng rất mỏng, chỉ khoảng từ 1,5mm đến 2mm, có cảm giác như người ta chỉ áp lá đồng vào cốt tượng; từ vai tượng trở xuống có phần dày hơn, khoảng từ 2mm đến 8mm; lại có những bộ phận đồng được rót đúc đặc như ở chân và tay. Để xử lý được vấn đề này chứng tỏ kỹ thuật đúc đồng cực cao, đạt đến độ tinh xảo gần như hoàn mỹ, mà cho đến nay kỹ thuật hiện đại cũng khó mà giải quyết thấu đáo được. Chúng tôi tạm hình dung quy trình chế tác tượng như sau: sau khi đã rót đồng đúc xong cốt tượng, có lẽ người ta lại phải gia công thêm một lần nữa bằng việc chỉnh sửa, dùng vôi để tô đắp các chi tiết bị lỗi do đồng không chảy đến, như ở đỉnh vai, ở các ngón tay…, sau đó dùng sơn sống để hoàn thiện khuôn mặt, tạo màu, và công đoạn cuối cùng là sơn son thếp vàng tượng.
Dựa vào kỹ thuật chế tác, độ phân hóa của đồng qua thời gian, cùng với việc người ta đặt những đồng tiền yểm tâm tượng, chúng ta có thể nhận định: cả ba pho tượng này có niên đại sớm hơn thời Nguyễn, rất có thể rơi vào khoảng thời Hậu Lê, khi hệ thống tượng Phật, tượng Thánh ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về chất

![]()
327 Đây là loại tượng đất được tạo tác theo quy trình: nắn cốt tre tạo hình bên trong để giữ vững cũng như kết nối phần đầu, thân và tay, chân tượng. Tiếp đến nhào nặn đất sét có trộn trấu, xỉ than thật nhuyễn rồi đổ lên cốt tre tạo hình chính cho pho tượng, sau đó dùng đất sét vàng để làm láng bề mặt tượng bên ngoài. Khi hình cốt của tượng đã thành hình, người ta đem nung chín rồi sau đó diễn tả các chi tiết hoa văn, sắc phục… bằng vôi. Sau khi lớp vôi này khô, người thợ phủ lên một lớp sơn sống để tạo màu cũng như để sơn son thếp vàng tượng
liệu lẫn nghệ thuật tạo hình, đặc biệt việc thờ loại hình tượng Ngọc Hoàng tại các ngôi chùa ở miền Bắc lại khá thịnh hành vào thời đó.
-
-
- Tượng Hộ pháp
Tượng Hộ pháp được tạc bằng gỗ theo thế đứng trên bệ, mang dáng hình võ tướng, đầu đội mũ kim khôi, thân mặc giáp trụ hình rồng, tay trái chắp trước ngực, tay phải đỡ binh khí gác qua vai, chân đi ủng, hai chân đứng so le như bước tới. Tượng cao 1,22m (tính cả đế 0,12m), đầu tượng cao 0,23m, vai rộng 0,33m, phần hông dày 0,26m. Đế tượng hình chữ nhật, có chiều dài 0,50m, rộng 0,42m, cao 0,12m (hiện đang thờ tại khu nhà tạm trong khuôn viên chùa Hoằng Phúc hiện nay).
-
-
- Tượng Giám Trai Sứ Giả
Nhiều ý kiến cho là tượng Quan Thánh, nhưng qua quan sát chúng tôi nhận thấy có lẽ đây là tượng Giám Trai Sứ Giả. Tượng được tạc bằng gỗ theo thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ buộc khăn, chính giữa ngực có một nút thắt, một tay để trên đầu gối, một tay cầm sách, hai chân thu hẳn vào trong phần ngai ngồi và tà áo che nên không thấy rõ. Tượng cao 1m (tính cả đế 0,10m), rộng 0,40m; phần đầu cao 0,21m, vai rộng 0,24m. Bệ tượng hình dáng lục giác với mỗi cạnh 0,22m, cao 0,10m (hiện đang thờ tại khu nhà tạm trong khuôn viên chùa Hoằng Phúc hiện nay).
-
- Một số pháp bảo khác
- Tòa Cửu long
Tòa Cửu Long là biểu tượng ý nghĩa và sinh động nhất về truyền thuyết Đản sinh của Đức Phật Thích Ca. Theo đó, khi Ngài đản sanh có 9 con rồng phun nước thơm để tắm cho Ngài, xung quanh còn có các vị Đế Thích, Phạm Thiên cùng các thiên thần ca ngợi, tán thán. Trong lịch sử, phải đến thế kỷ XVII mới thấy xuất hiện tòa Cửu Long được thờ trong chùa để biểu thị cho sự Đản sanh của Đức Phật. Và tòa Cửu Long được đánh giá là cổ nhất ở nước ta hiện nay chính là tòa Cửu Long hiện được lưu giữ tại chùa Keo (Thái Bình). Về sau, các ngôi cổ tự khác cũng có phụng thờ tòa Cửu Long, nhưng càng về sau kỹ thuật chế tác và nghệ thuật tạo hình tòa Cửu Long ngày càng đa dạng với nghệ thuật chạm trổ cao hơn, ngoài biểu tượng 9 con rồng còn có phối cảnh Đế Thích, Phạm Thiên xưng tụng, trổi nhạc hòa ca.
Tòa Cửu Long hiện còn ở chùa Hoằng Phúc là một bảo vật quý, mặc dù so với các tòa Cửu Long khác nó được chế tác một cách đơn giản hơn, nhưng lại được đánh giá cao về mặt kỹ thuật, nghệ thuật tạo hình cũng như ý nghĩa biểu hiện.
Tòa được kết cấu làm hai phần, phần đế và phần thân. Phần đế hình khối tròn, chất liệu gỗ, được chạm trổ và tạo hình như một long ngai, có đường kính 32cm, cao 20cm (vành lưng phía sau cao 33cm). Trên mặt đế có 2 lỗ mộng nhỏ nằm sát hai bên thành, dùng để khớp nối với phần thân Cửu Long. Chính giữa mặt đế được khoét một hình vuông, có cạnh 10cm, sâu 2cm, là nơi để tôn trí tượng Đức Phật đản sanh (tượng Đản sanh hiện không còn). Phần thân Cửu Long được chế tác bằng đồng, có hình elip cong vươn ra phía trước như chiếc bảo cái, được sơn son thếp vàng. Chiều cao tính từ mặt đế lên đến đỉnh đầu rồng 62,5cm, chiều rộng tính từ hai điểm mở rộng nhất ở giữa là 56cm. Trên hình elip được bố trí 9 đầu rồng, mỗi đầu rồng đều lộ rõ hai chân trước, đuôi nối kết với nhau liên hoàn bằng các vân mây. Đầu rồng chính được bố trí ở vị trí cao nhất trên hình cung elip, có dáng vẻ uy dũng, đầu mập hơn so với thân, mắt lộ ra ngoài, miệng rộng, mũi sư tử, trán vồ nhô cao, đầu nhô hẳn ra trước tạo thành một bảo cái che bức tượng Đản sanh phía dưới, trên đầu có hai sừng ôm lấy vầng mây phía sau. Tám đầu rồng còn lại được bố trí đối xứng nhau ở hai bên tạo thành hình thân quang.
-
-
- Tòa sen
Chất liệu gỗ, sơn son. Hiện chùa chỉ còn giữ được một tòa sen nguyên vẹn, có đường kính 55cm, cao 20cm (hiện được sử dụng để tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca tại nhà tạm trong khuôn viên chùa Hoằng Phúc hiện nay) và một tòa sen chỉ còn lại ¼ (được bảo quản tại trụ sở UBND xã Mỹ Thủy). Đây có thể là những tòa sen còn lại của hệ thống tượng Phật cổ ở chùa Hoằng Phúc trước đây. Qua khảo sát cho thấy, kết cấu của các tòa sen không phải được làm liền khối mà được lắp ghép từ các phần khác nhau, kết nối với nhau bằng các chốt mộng.
-
-
- Đại hồng chung, hoành phi, câu đối
Tại kho bảo quản của UBND xã Mỹ Thủy, tại thời điểm đoàn chúng tôi khảo sát, còn lưu giữ một quả đại hồng chung chùa Hoằng Phúc được chú đúc năm Minh Mạng thứ 20 [1839]. Bên cạnh đó còn lưu giữ phần khung của một bức hoành phi cổ (lòng bức hoành không còn), chất liệu gỗ, dài 1,37m, rộng 0,62m, dày 0,055m, được chạm trổ hình long ẩn vân chầu đao lửa rất sinh động. Có lẽ đây là phần khung của một bức hoành cổ trước đây của chùa Hoằng Phúc còn lại.
Đối liễn hiện chỉ còn một bức, chất liệu gỗ, dài 1,64m, rộng 0,22m, dày 2cm. Phần dưới câu đối đã mục nát nhiều nên mất đi một số chữ. Nội dung câu đối hiện chỉ còn lại 8 chữ: “Trang lĩnh đối linh đài thường văn cổ…” và dòng lạc khoản ghi: “Khải Định tam niên, Mậu Ngọ… tượng cẩm kim” (được làm vào năm Khải Định thứ 3 [1918]).
Ngoài ra, vào thời điểm đoàn chúng tôi khảo sát, tại nhà tạm ở chùa Hoằng Phúc còn thờ một cặp hạc cổ bằng gỗ, cao 70cm, chạm trổ rất đẹp, dáng vẻ thanh thoát; và tại kho bảo quản của UBND xã Mỹ Thủy còn lưu giữ một bức hoành phi bằng gỗ có khắc 3 đại tự: “Thiếu Lâm tự” với hai dòng lạc khoản bị mối xông thiếu mất thông tin: “Khải Định ngũ…”, “Đệ tử Lễ bộ thượng…”328 và một bài vị ghi: “Phụng vị thập phương quá cố liệt vị nhất thiết thần chánh đẳng chư hương linh tọa vị”. Cùng với các hiện vật khác, bức hoành phi cũng được cho là chuyển từ chùa Hoằng Phúc lên. Có lẽ chính vì nội dung bức hoành này đề “Thiếu Lâm tự” nên nhiều người cho rằng, ngôi chùa này còn có tên là chùa Thiếu Lâm (?). Tuy nhiên, chưa thấy sử liệu nào xác thực điều này.
- Lời kết
Kể từ khi Quảng Bình chính thức sáp nhập về Đại Việt năm 1069, những lớp người Việt đến định cư trên vùng đất này đã mang theo cả truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của mình đến gieo hạt, ươm mầm trên vùng đất mới, và tất nhiên, chỗ dựa tâm linh gần gũi và thiết thân nhất đối với họ chính là Phật giáo. Đó là lý do vì sao trong suốt hành trình Nam tiến, người Việt đi đến đâu việc đầu tiên đối với họ là lập chùa, thờ Phật. Chùa Phật được dựng lên trên vùng đất mới vừa là hình ảnh nhắc nhớ về quê hương nguồn cội, vừa là nhân tố có tính tương đồng giúp họ nhanh chóng hòa nhập, kết nối với văn hóa, tín ngưỡng của cư dân bản xứ.
So với miền Thuận Quảng, Quảng Bình là vùng đất biên viễn cực Nam và được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt sớm hơn cả 200 năm (từ 1069 đến 1306), theo đó các ngôi cổ tự của người Việt hiện diện trên mảnh đất này dĩ nhiên cũng có trước các ngôi chùa được xây dựng ở miền Thuận Quảng hàng mấy thế kỷ. Điều đó đã góp phần lý giải vì sao tại vùng đất này có sự hiện diện, chồng xếp lên nhau của các hệ tượng, pháp khí Phật giáo đa nguồn gốc, đa phong cách, đa chất liệu, và không ít trong số đó được chế tác với kỹ thuật, nghệ thuật mang phong cách tiền Nguyễn.
Có thể nhận thấy, những ngôi cổ tự thời các chúa Nguyễn trên đất Quảng Bình nói chung và chùa Hoằng Phúc nói riêng đã có một bề dày lịch sử tồn tại qua hàng thế kỷ, trở thành nơi quy tụ tâm linh, sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng dân cư. Các ngôi cổ tự này, do vậy đã lưu giữ được nhiều pháp bảo quý hiếm, mang nhiều phong cách nghệ thuật, đặc trưng văn hóa của nhiều triều đại khác nhau. Điều này được thấy rõ qua hệ thống hiện vật còn lưu lại tại chùa Hoằng Phúc: đa dạng về chủng loại, mang nhiều phong cách nghệ thuật cùng kỹ thuật chế tác khác nhau. Chính điều này đã đặt ra nhiều giả thiết, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu và thẩm định kỹ hơn để có thể xác định được niên đại ra đời của các hiện vật, nhất là bộ tượng Ngọc Hoàng và tòa Cửu Long hiện còn của cổ tự Hoằng Phúc.
Với bề dày lịch sử hơn 700 năm, chùa Hoằng Phúc hiện đang được đầu tư xây dựng lại với quy mô lớn. Thiết nghĩ, việc nghiên cứu sâu hơn để tìm ra những lời giải

![]()
328 Theo chúng tôi, bức hoành này có lẽ do Lễ bộ Thượng thư trí sự Huỳnh Côn (1850 - 1925) quê ở làng Trung Bính thuộc tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, nay thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình dâng cúng chùa.
chân xác từ những bảo vật hiện tồn chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa đối với việc trùng tu, phục dựng, dù chỉ phần nào, diện mạo của ngôi cổ tự này. Chúng tôi mong rằng, sau khi chùa mới hoàn thành, cần có một không gian trưng bày các hiện vật pháp bảo này để vừa có nơi cho mọi người đến chiêm bái, vừa là phương cách để bảo tồn, quản lý các bảo vật và đó cũng là lời tri ân đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp cho mảnh đất này.