BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ QUÁ TRÌNH CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO TẠI QUẢNG BÌNH
TS. Dương Thanh Mừng*
- Những nhân tố tác động đến sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo ở Quảng Bình
Trong các nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã dẫn luận nhiều nguyên nhân khác nhau thúc đẩy sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin được điểm lại một vài nhân tố cơ bản có tác động trực tiếp đến sự hình thành công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Quảng Bình như sau:
Nhân tố đầu tiên cần phải đề cập đến chính là những biến động chung của tình hình thời cuộc lúc bấy giờ. Sau khi dập tắt được ngọn lửa của phong trào Cần Vương, thực dân Pháp từng bước triển khai các chương trình khai thác thuộc địa có quy mô lớn. Và để thu được những kết quả khả quan, nhiều chủ trương, chính sách đã được chính quyền thuộc địa triển khai thực hiện. Riêng đối với đời sống tín ngưỡng và tôn giáo của quần chúng nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp thi hành nhiều chính sách khác nhau. Đối với Công giáo, thực dân Pháp đã nâng đỡ và tạo điều kiện cho tôn giáo này phát triển bởi đây chính là cơ sở để những người đi xâm lược thực hành đức tin, cũng như để đền đáp công ơn đối với các Giáo sĩ Thừa sai đã từng giúp đỡ Pháp trong công cuộc chinh phục xứ Đông Dương; mặt khác, thực dân Pháp cũng muốn thông qua vai trò của Công giáo để tạo nên một sự nhất quán về mặt đức tin, tư tưởng trong xã hội Việt Nam. Còn đối với Phật giáo, ban đầu, thực dân Pháp tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của tôn giáo này bằng việc bắt buộc các tăng ni, Phật tử phải có “giấy chứng nhận thầy chùa” và phải tiến hành kê khai tài sản trong các tổ đình, tự viện226. Tuy nhiên, đến đầu những năm 30 của thế kỉ XX, trước sức ép ngày càng lên cao của các phong trào đấu tranh chính trị, phong trào cách mạng và cả yêu cầu của một số tổ chức như Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Nghiên cứu Phật giáo Tiểu thừa tại bản xứ cùng một số nhà nghiên cứu đến từ phương Tây, chính quyền thực dân Pháp đã buộc phải có những sự nới lỏng hơn trong cách quản lí đối với Phật giáo.

- Khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Khu vực III.
226 Xem thêm Schecter Jerrold (1967), The New Face of Buddha: Buddhism and Political Power in Southeast Asia, Publisher: Coward-McCann, New York, pp.145-211.
Đây chính là thời điểm thuận lợi để công cuộc chấn hưng Phật giáo được hình thành ở Việt Nam cũng như ở Quảng Bình.
Nhân tố tiếp theo bắt nguồn từ nguyên nhân nội tại của Phật giáo Quảng Bình. Sau thời gian phát triển đến đỉnh cao ở hai triều đại Lí - Trần, Phật giáo Việt Nam bắt đầu có những biểu hiện tụt dốc và đến đầu thế kỉ XX thì rơi vào khủng hoảng và suy yếu một cách trầm trọng. Rất nhiều vấn đề đã nảy sinh đối với Phật giáo Quảng Bình trong giai đoạn này như: Thực trạng dốt và hư, tăng đồ thất học diễn ra phổ biến trong tăng chúng, hay là tình trạng biệt lập môn đình, tăng già không giữ được quy cũ chốn thiền môn227... Đó là chưa kể đến sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh như: Đất nước đang nằm dưới thống trị của chủ nghĩa thực dân - phong kiến, rồi tình trạng hiếp đáp của cường hào, địa chủ ở những vùng thôn quê... Chúng ta sẽ cảm nhận được vấn đề này qua sự bộc bạch của Thanh An rằng: “Một người xuất gia vì hoàn cảnh trói buộc, ngày tháng chỉ lo việc sinh kế, nào có được mấy thì giờ rảnh để nghiên cứu giáo lí. Mỗi năm được vài tháng đi học hạ, đi học phải vận lương đi ăn, nếu gặp cảnh chùa nghèo túng thì dù có muốn đi học cũng không lấy lương đâu mà đi học. Vị nào chưa ở chùa thì đi học không có lương, đã có chùa thì hoàn cảnh bó buộc như trên, các tăng ni phần nhiều không ra phạm vi ấy cả... Ngoài việc sinh nhai còn phải hết sức lấy lòng dân, lo sửa sang vào chùa cho tố bảo, lo theo lệ làng cho đầy đủ, được năm ba mẫu ruộng để đèn hương cúng Phật hàng năm, tiền thuế ruộng, tiền sương túc chưa chắc đã thừa. Thế mà đến kì thượng nguyên hay dỗ tổ phải làm cỗ chay, cỗ mặn thiết đãi làng, không thì phải sỏ lợn (đầu lợn) hay xôi gà theo tục nếu không thì khăn gói gió đưa, sư phải tìm phương xa lánh”228. Dù có nhiều bằng chứng cho thấy, Phật giáo đã có mặt tại Quảng Bình từ rất sớm, tuy nhiên, vùng đất này chưa phải là kinh đô của Phật giáo. Nói như vậy để thấy được rằng, đội ngũ tăng ni, Phật tử ở Quảng Bình ở vào giai đoạn này còn rất mõng, thêm vào đó là chính sách chia để trị của thực dân Pháp đã làm cho sức mạnh đoàn thể của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Quảng Bình nói riêng ngày càng trở nên suy yếu. Đề cập đến vấn đề này, hòa thượng Trí Quang đã viết rằng: “Một ngôi nhà chung là của ba anh em đồng cha mẹ, nhưng ngăn ra ba gian cho ba người con thì tự nhiên ba anh em phải phân li và ai lo phần nấy. Ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phải phân li chỉ vì sự phân chia ba kì bộ Trung, Nam, Bắc”229. Đứng trước bối cảnh như vậy đã đặt ra yêu cầu cải tổ đối với Phật giáo Quảng Bình nhằm thích ứng với những biến động chung của

![]()
227 Xem thêm Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội.
228 Thanh An (1936), “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo”, Đuốc Tuệ, số 41, tr.4-5.
229 Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục, Tập 1, Tổng hội Tăng già Trung Phần xuất bản, Huế, tr.329.
đất nước và thời đại. Chấn hưng, cải cách là một biện pháp thực sự cần thiết đối với Phật giáo Quảng Bình lúc này. Và để thực hiện được chí nguyện đó, Phật giáo Quảng Bình cần thêm một nhân tố/tiền đề tiếp theo.
Nhân tố thứ ba là sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Năm 1931, với sự ra đời Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học ở miền Nam đã chính thức mở đầu cho công cuộc chấn hưng Phật giáo trong cả nước. Theo sau miền Nam, tại miền Trung vào năm 1932, Hội An Nam Phật học được thành lập tại Huế và đến năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kì cũng được thành lập. Chúng ta cần phải lưu ý rằng, trong bối cảnh đương thời, để tổ chức các hội đoàn cũng như triển khai các hoạt động một cách hợp pháp theo đúng nghĩa của nó thì đó quả là những công đoạn cực kì khó khăn và gian nan. Đơn cử như việc vận động để đi đến thành lập Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học. Nhu cầu này đã được đặt ra từ năm 1927 và các tăng ni, Phật tử đã rất nhiều lần gửi đơn lên quan Giám đốc việc nước và việc bổn xứ là Striedter, Đốc lí thành phố Sài Gòn là Béziat, Văn phòng của thống đốc Nam Kì Jean-Félix Khrautheimer, cũng như Toàn quyền Đông Dương Pasquier. Tuy nhiên, với rất nhiều lí do như nhân sự chưa đảm bảo (một số người có liên quan đến các phong trào đấu tranh kháng Pháp), thời điểm chưa thích hợp, hay điều lệ quy tắc hoạt động chưa đúng, thực dân Pháp đã tìm cách khước từ các yêu cầu này. Phải đến 5 năm sau, khi nhận thấy sự cần thiết cần phải quy tụ các lực lượng quần chúng đứng về phía mình, Thống đốc Nam Kì mới đặt bút phê duyệt cho phép các tăng ni, Phật tử được thực hiện nhu cầu chấn hưng Phật giáo. Nói như vậy để chúng ta thấy được rằng, việc thành lập một tổ chức Phật giáo độc lập ở Quảng Bình lúc này là thực sự rất khó. Do đó, khi Hội An Nam Phật học được thành lập và cho phép hoạt động ở khu vực Trung Kì thì đã tạo ra thời cơ thực sự cần thiết cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Quảng Bình được hình thành.
- Một số hoạt động chấn hưng Phật giáo tiêu biểu tại Quảng Bình
Để đảm báo tính chính danh, hợp pháp cho các hoạt động chấn hưng, cải cách và đồng thời, để tránh sự kiểm tra/kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, yêu cầu đặt ra trước tiên cho các tăng ni, Phật tử ở Quảng Bình lúc này là phải xây dựng được một hệ thống tổ chức. Sau khi xin được giấy phép thành lập và hoạt động (1932), thì đến ngày 10/8/1936, chính quyền thực dân Pháp ban hành Nghị định Số 394-S, chính thức công nhận tư cách pháp nhân của Hội An Nam Phật học230. Đây chính là cơ hội thuận lợi để các tăng ni, Phật tử ở Quảng Bình hiện thực hóa tâm nguyện chấn hưng

![]()
230 Hội An Nam Phật học (1936), “Tư cách pháp nhân”, Nguyệt san Viên Âm, số 21, tr.58.
Phật giáo của mình. Tháng 8/1936, Hòa thượng Hồng Tuyên đã cùng với các vị như Tứ Thông, Tứ Ý, Tứ Trí và cư sĩ Huỳnh Tăng Khiêm vào Huế gặp gỡ các thành viên như: Hòa thượng Giác Tiên, quốc sư Phước Huệ, cư sĩ Lê Đình Thám, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân,... để bàn định về việc thành lập chi nhánh của Hội An Nam Phật học ở Quảng Bình. Sau khi đã thống nhất được ý kiến, các thành viên trong ban vận động đã làm đơn gửi Khâm sứ Trung Kì xin phê duyệt. Kết quả là ngày 23/8/1936, văn phòng Khâm sứ Trung Kì có công văn gửi Hội An Nam Phật học về việc cho phép các tăng năng, Phật tử tại Quảng Bình được thành lập chi nhánh tại Đồng Hới, an danh là: An Nam Phật học hội/Quảng Bình Tỉnh hội. Ông Huỳnh Tăng Khiêm được bầu làm Tỉnh Hội trưởng đầu tiên. Do chưa có đủ kinh phí xây dựng hội quán nên trụ sở hoạt động của Tỉnh hội tạm thời đặt tại từ đường cũ của nhà ông Khiêm231. Nhằm sớm đưa hoạt động chấn hưng đi vào khuôn khổ và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Hội quán Trung ương, ngày 18/12/1938, Tỉnh hội Quảng Bình tổ chức nhóm họp hội đồng thường niên. Trong đại hội lần này, Ban Trị sự của Tỉnh hội Quảng Bình được kiện toàn như sau: Hội trưởng Nguyễn Văn Quy, Hội phó Đặng Hữu Kỉ, Cố vấn Đạo hạnh là hòa thượng Sùng Phước, Cố vấn Trị sự Đinh Hi, Thư kí Hoàng Mạnh Châm cùng phó là Hoàng Đài, Thủ quỹ là Lê Huy Tiên cùng phó là Trần Lương, Kiểm soát là Nguyễn Liên, Nguyễn Văn Soạn, Huỳnh Vân. Hội viên của Tỉnh hội được phân định thành 6 hạng là: Hội viên Danh dự (chức này được trao cho quan chủ tỉnh Quảng Bình), Sáng lập, Ân nghĩa, Tán trợ, Vĩnh viễn và Thường trợ. Trụ sở của Tỉnh hội lúc này được đặt chính thức tại chùa Phật học (Đồng hới). Bên cạnh đó, đại hội còn thành lập một Tiểu ban để chăm lo cho các hoạt động Phật sự tại Chi hội Lệ Thủy. Ông Lê Tử Oanh được giao nhiệm vụ làm Trưởng tiểu ban này. Theo thống kê của Ban Trị sự thì tính đến năm 1938, Hội An Nam Phật học đã thành lập được chi nhánh ở các tỉnh thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. “Trong các Tỉnh hội có Chi hội hay Chi giảng đường: Nha Trang có Chi hội Tỉnh thành, Ninh Hòa và Vạn Giã; Quy Nhơn có Chi hội Tam Quan và sắp lập Chi hội Phú Phong; Huế có Chi giảng đường Túy Vân, Quảng Trị có Chi giảng đường Tân Trại, Quảng Bình đang lập Chi giảng đường Hiển Vinh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)”232.
231 Hội An Nam Phật học (1936), “Việc hội”, Nguyệt san Viên Âm, số 21, tr.62-63.
232 Hội An Nam Phật học (1938), “Bài diễn văn đọc trong lúc khai mạc Tổng hội đồng ngày 14/8/1938”,
Nguyệt san Viên Âm, số 32, tr.40-46.
Năm 1935, Hội An Nam Phật học thành lập Ban Đồng Ấu. Mục đích là đưa đạo Phật đến gần hơn với các tầng lớp thanh, thiếu niên, thông qua đó, để giáo dục và hình thành nhân cách cho các em dựa trên nền tảng tư tưởng của Phật giáo. Tại Quảng Bình, sau khi đã thành lập được Tỉnh hội, các thành viên cũng đã tích cực hưởng ứng chủ trương này của Hội An Nam Phật học. Cư sĩ Lê Thanh Cảnh - Hội viên Sáng lập của Hội An Nam Phật học cùng với cư sĩ Huỳnh Tăng Khiêm là hai nhân vật đi tiên phong trong hoạt động này. Tuy nhiên, việc thành lập các Ban Đồng Ấu ở Quảng Bình lại không diễn ra thuận lợi như ở Huế. Nguyên nhân chính là do nhiều Phật tử còn tỏ ra nghi ngại với các hoạt động mới này. Do đó, cư sĩ Huỳnh Tăng Khiêm đã chuyển hướng sang việc thành lập một tổ chức quen thuộc hơn với quần chúng là các Gia đình Hướng đạo. Năm 1936, Gia đình Hướng đạo đầu tiên được thành lập ở Đồng Hới. Ông Astier - Chủ Thương chánh Quảng Khê được bầu làm Gia trưởng và Huỳnh Tăng Khiêm giữ chức phó, cùng các thành viên như Demay chủ hãng rượu Sica ở Đồng Hới, Hồng Lô Tự Khanh (Phán sự Tòa sứ Đồng Hới), Nguyễn Tô Điềm (Đốc học), Nguyễn Trung Thầm (thương gia), Đốc Điềm233. Mục đích của việc thành lập Gia đình Hướng đạo là huấn luyện các em về phương diện nhân cách, trí thức (Bi, Trí, Dũng), công nghệ và xã hội (thực nghiệp) để giúp các em nên người. Công tác huấn luyện của Gia đình Hướng đạo tập trung vào 2 phương diện: Về tinh thần, mở mang trí tuệ của các đoàn sinh bằng cách tập cho các em tự mình quan sát, học tập; tập cho các em tính tự chủ, tự mình rèn luyện bản thân để trở nên mạnh mẽ. Về thực tế, trang bị cho các em những kĩ năng cơ bản của cuộc sống, giúp cho các em biết cách tham gia các hoạt động như dựng trại, nhóm bếp, nấu nướng...234. Cư sĩ Huỳnh Tăng Khiêm cho biết thêm rằng, để các em sau này lớn lên và trở thành những người công dân tốt, điều quan trọng nhất là phải giáo dục nhân cách, lối sống cho các em. Và việc lấy tư tưởng Phật giáo làm nền tảng căn bản cho các sinh hoạt của Gia đình sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong việc hình thành những đức tính từ bi và lương thiện.
Cùng với việc xây dựng các đoàn thể thanh thiếu niên Phật giáo, các tăng ni, Phật tử ở Quảng Bình cũng đã tích cực tham gia cải cách những hạn chế mà tôn giáo này đang gặp phải. Trong đó, hai vấn đề lớn nhất được đặt ra đó chính là việc cải tổ phương thức tu tập, sinh hoạt truyền thống của tăng già và đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo hầu tạo dựng đội tăng tài làm rường cột cho Phật giáo Quảng Bình sau này. Theo tinh thần chung của Ban Trị sự Hội An Nam Phật học thì: “Những công

![]()
233 Lê Thanh Cảnh (1936), “Gia đình Hướng đạo Quảng Bình”, Tràng An báo, số 125, tr.5-6.
234 “Một trường đào luyện thanh niên: Hướng đạo đoàn” (1936), báo Ngày Nay, số 23, ra ngày 30/8, tr.187-188.
việc sửa sang lại sơn môn cho chỉnh tề, khỏi kẻ giả dối xen vào là những công việc hay, ai là tín đồ Phật tử cũng phải hết sức bảo hộ, giúp đỡ cho mau thành, để cho cái tinh thần trong sạch, sáng suốt của Phật giáo hoàn toàn được phát hiện”235. Do đó, để cải tổ cách thức sinh hoạt trước đây, Tỉnh hội Quảng Bình đã áp dụng quy tắc thiền môn với 4 điều khoản của Hội An Nam Phật học là: Quy điều tột nặng, quy điều nặng, quy điều hơi nặng và quy điều nhẹ. Theo đó, các tăng ni, Phật tử nếu vi phạm giới luật hoặc gây ra các lỗi lầm làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Tổ đình nơi mình cư trú hoặc của Tỉnh hội thì Ban Trị sự Tỉnh sẽ họp để đánh giá mức độ vi phạm và đưa ra những biện pháp xử lí thích hợp. Trong đó, hình thức xử lí nặng nhất được Hội đồng giám luật (Hội đồng này sẽ do Hội quán Trung ương suy cử từ các bậc tăng già có giới hạnh tinh nghiêm, đạo luật tinh thông) đưa ra là việc tẩn xuất khỏi sơn môn và mức độ nhẹ nhất là sám hối trước Tam Bảo.
Về giáo dục, Tỉnh hội Quảng Bình đã tích cực kêu gọi các tăng ni, Phật tử tham gia tu học để cải thiện nguồn tri thức. Lúc đầu, do chưa có những cơ sở đào tạo thật sự bài bản (theo chương trình mới) nên một mặt, Tỉnh hội đã tiến hành lựa chọn các tăng ni, Phật tử có thành tích tu tập và đạo hạnh tốt để gửi vào đào tạo tại các Phật học đường ở Huế như: Phật học đường Báo Quốc, Phật học đường Tây Thiên, Trúc Lâm...; mặt khác, tích cực vận động kinh phí, hình thành đội ngũ giảng sư để chuẩn bị cho việc thành lập Phật học đường. Có thể nói rằng, quá trình vận động, cải cách nền giáo dục Phật giáo ở Quảng Bình lúc này gắn với công lao và vai trò rất lớn của hòa thượng Hồng Tuyên (1887 - 1968). Từ năm 1920, sau khi chùa Phổ Minh được xây dựng thì ngôi tổ đình này đã nhanh chóng trở thành trung tâm đào tạo tăng tài của Phật giáo Quảng Bình. Tuy nhiên, như đã đề cập, cách thức đào tạo tăng tài của Phật giáo Quảng Bình lúc này vẫn dừng lại ở các Khóa hạ, Trường Hương chứ chưa phải là những cơ sở đào tạo theo lối tân học như các tổ chức Phật giáo đương thời. Hình thức đào tạo theo kiểu nối ngôi này cũng đã nhanh chóng bộc lộ những hạn chế của nó, và do đó, hòa thượng Hồng Tuyên đã cùng với các môn đệ của mình đứng ra vận động để thành lập một cơ sở đào tạo tăng tài mới. Năm 1939, Phật học đường Phổ Minh chính thức được thành lập. Chúng tôi rất tiếc là chưa có những thông tin thực sự cụ thể về chương trình đào tạo cũng như cách thức hoạt động của Phật học đường này. Song với sự ra đời của Phật học đường Phổ Minh đã tạo nên những tiền đề rất quan trọng đối với nền giáo dục Phật giáo Quảng Bình trong giai đoạn cận hiện đại, nhất là khi nền giáo dục tân học đang có xu hướng chiếm lĩnh vai trò chủ đạo trong

![]()
235 Hội An Nam Phật học (1935), “Chỉnh đốn tăng già”, Nguyệt san Viên Âm, số 14, tr.49-51.
hầu hết các lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội. Giáo dục Phật giáo Quảng Bình lúc này cũng không phải là ngoại lệ, nó cần phải có sự cải tổ và điều đó được thể hiện qua việc xây dựng một chương trình, một cơ sở đào tạo mới, có tình hiện đại và khác với cách thức đào tạo truyền thống trước đây. Và sự ra đời của Phật học đường Phổ Minh đã đáp ứng được các điều kiện này. Nhóm tác giả Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liên cũng đã có nhận định rằng: Ngôi Tổ đình với gần 100 tuổi này (ý là chùa Phổ Minh) một thời từng là trung tâm Phật học nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, là nơi xuất thân của nhiều bậc cao tăng đạo hạnh có những đóng góp quan trọng cho sự hưng thịnh của Phật giáo nước nhà nói chung, Phật giáo Quảng Bình nói riêng trong những thập niên 50, 60 của thế kỉ XX. Một trong những môn đệ xuất sắc nhất của ngài Hồng Tuyên và đồng thời cũng là một danh tăng lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam chính là hòa thượng Thích Trí Quang đã từng có thời gian tu học tại Phật học đường này. Không những góp phần đào tạo tăng tài, hòa thượng Hồng Tuyên cũng đã tổ chức quy y, thọ kí cho hàng trăm tăng, tín đồ khắp nơi trong tỉnh, nhất là tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Đội ngũ tín đồ này cũng chính là những hội viên rất nhiệt thành đối với các hoạt động chấn hưng cải cách Phật giáo của Tỉnh hội Quảng Bình.
Tính đến tháng 6/1940, số lượng hội viên của Tỉnh hội Quảng Bình đã có 906 người. Đây là một con số khá ấn tượng so với số lượng hội viên của các Tỉnh hội khác ở khu vực miền Trung như: Thanh Hóa 294 người, Thừa Thiên Huế 827 người, Đà Nẵng 360 người, Quảng Nam gần 1.000 người, Quảng Ngãi 2.819 người, Bình Định 860 người, Bình Thuận 509 người, Ninh Thuận có gần 700 người236. Điều này cho thấy, hoạt động chấn hưng Phật giáo tại Quảng Bình đã thực sự thu hút được sự quan tâm, tán trợ của nhiều giai tầng trong xã hội. Bên cạnh đó, nhiều học tăng sau khi hoàn thành xong các chương trình đào tạo tại Huế đã quay trở về Quảng Bình để hỗ trợ công cuộc chấn hưng Phật giáo. Ngày 5/12/1940, Tỉnh hội Quảng Bình tổ chức đại hội thường niên. Theo báo cáo trình đại hội thì công cuộc chấn hưng Phật giáo đang có những tiến bộ rất mau chóng; các Chi hội và Khuôn hội, các Ban hộ niệm đã được thành lập ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa; mùa An cư Kiết hạ trong năm này đã có rất nhiều tăng già tham gia, lễ Hạ lạp đã được tiến hành trong bầu không khí trang nghiêm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nhân lực và tài chính nhưng Ban Trị sự Tỉnh hội cũng đã cố gắng tổ chức nhiều lễ hội, nghi lễ Phật giáo với sự tham gia của đông đảo quần chúng; Ban Trị sự tỉnh hội cũng thường xuyên mời các vị giảng sự đến từ hội quán trung ương tham gia thuyết pháp cho các hội

![]()
236 Hội An Nam Phật học (1940), “Tin tức”, Nguyệt san Viên Âm, số 38, tr.30-31.
viên và thiện tín, như hòa thượng Đôn Hậu giảng về “Thế nào mới gọi là người học Phật”, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám giảng về “Lịch sử đức Phật Thích Ca”, “Mục đích, tôn chỉ của Hội An Nam Phật học”... Ban Trị sự của Tỉnh hội cũng đã được bầu lại như sau: Hội trưởng Nguyễn Văn Quy, Hội phó Đinh Hi, Thư kí Hoàng Mạnh Châm cùng phó Thư kí là Hoàng Đài, Thủ quỹ là Quách Tố Ẩm cùng phó là Hoàng Hoa, Cố vấn Đạo hạnh Hòa thượng Hồng Tuyên, Cố vấn Cư sĩ là Bùi Chương, Kiểm soát Nguyễn Liễn, Đặng Treo, Phạm Xuân Triển, Hoàng Diệm237.
Cùng với việc tham gia chấn hưng Phật giáo ở Quảng Bình, một số tăng ni, Phật tử cũng đã tích cực hưởng ứng công cuộc chấn hưng Phật giáo tại các địa phương khác ở Trung Kì. Như việc thamg gia vào Ban Chứng minh và Ban Hộ niệm của Hội Phật học Đà Thành ở Đà Nẵng. Tổ chức này được phép thành lập theo Nghị định số 1057 ngày 14/5/1935 của Khâm sứ Trung Kì là Maurice Fernand Graffeuil. Hội quán đóng tại chùa Phổ Thiên, đường Đỗ Hữu Vị. Về cơ cấu tổ chức được chia thành 2 ban. Ban Chứng minh gồm các Hòa thượng: Huệ Giác, Tâm Khoan, Huệ Minh, Huệ Đường và Pháp sư Giác Viên (Huế); Đại sư Minh Lung, Trần Văn Hoán (Nghệ An); Đại sư Mặc Túc, Viên Hải (Thanh Hóa); Hòa thượng Chí Bảo, Viên Minh, Chí Thạnh, Chánh Nhơn, Chí Mẫn, Cao Minh, (Bình Định); Hòa thượng Pháp Ngữ (Phú Yên); Hòa thượng Thiện Quang, Phước Huệ (Khánh Hòa); Hòa thượng Huệ Đạo (Ninh Thuận); Hòa thượng Hoằng Thạc, Diệu Quang (Quảng Ngãi). Ban Hộ niệm của Hội đã mời các vị hòa thượng khắp miền Trung tham dự. Cụ thể như: Thanh Hóa có Hòa thượng Thanh Tuyền, Thanh Vinh; Nghệ An có Trần Thanh Duyện, Phạm Thanh Tư; Hà Tĩnh có Thanh Liên; Quảng Bình có chư vị Tứ Thông, Tứ Ý, Tứ Trí, Nhật Chấn; Quảng Trị có Giác Thổ, Từ Nhơn; Huế có Phổ Tịnh, Đắc Quang, Hưng Nghĩa, Giác Hải, Hưng Chánh, Quảng Tu...; Quảng Ngãi có Trí Hưng, Diệu Nguyên, Huệ Hải; Bình Định có Hoằng Thông, Huệ Chiếu; Phú Yên có Nguyên Quế, Từ Pháp; Khánh Hòa có Tín Thành, Chơn Nguyên, Quảng Đức, Bảo Liên, Phổ Hiện...; Ninh Thuận có Bảo Hiền, Trí Thắng; Bình Thuận có Phước Quang, Phước Nhân...238.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, các hoạt động chấn hưng Phật giáo đã tạm thời ngưng trệ, thay vào đó là sự xuất hiện của các tổ chức Phật giáo Cứu quốc và của các tăng ni, Phật tử trong những cương vị khác nhau. Lúc này Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Quảng Bình cũng đã được thành lập. Hòa thượng Trí Quang được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Quảng Bình... Nhiều ngôi chùa đã tham gia nơi nuôi nấng, chở che cho cán bộ cách mạng. Như Chùa Phổ Minh được

![]()
237 Hội An Nam Phật học (1941), “Tin tức”, Nguyệt san Viên Âm, số 45, tr.29-30.
238 Hội Phật học Đà Thành (1937), “Ban Chứng minh của bản chí”, Tam Bảo Tạp chí, số 5, tr.2-6.
xem là chỉ đỏ của nhiều cán bộ ở Quảng Bình lúc bấy giờ. Nhờ sự hỗ trợ của chùa này mà nhiều cán bộ trong quá trình hoạt động cách mạng đã thoát khỏi sự truy xét của quân đội Pháp. Đơn cử như việc Bí thư Thị ủy Đồng Hới là Nguyễn Đức Đẳng trong một lần tham gia cuộc họp tại chùa đã bị phát hiện. Trước sự bao vây, lục soát của quân đội Pháp, hòa thượng Hồng Tuyên và các đệ tử đã kịp thời “hóa trang” cho Nguyễn Đức Đẳng để ông trở thành một môn đệ của nhà chùa đang ngồi tụng kinh, niệm Phật. Chính nhờ vậy mà Bí thư Thị ủy đã thoát nạn239. Chùa An Xá ở xã Lộc Thủy, Lệ Thủy cũng là một địa chỉ đỏ để các cán bộ cách mạng của tỉnh họp bàn chuẩn bị cho cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh (2/7/1945). Hay chùa Vĩnh Phúc ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa đã trở thành nơi thành lập chi bộ của Mặt trận Việt Minh để lãnh đạo quần chúng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngôi chùa này còn là cơ sở để thực hiện phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ cho quần chúng trong địa phương...
Những đóng góp thầm lặng và “không tiếng súng” của các tăng ni, Phật tử ở Quảng Bình đã góp phần vào những thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng. Để rồi, khi đất nước và quê hương được giải phóng, các tăng ni, Phật tử lại tiếp tục thực hiện chí nguyện chấn hưng, cải cách Đạo pháp của mình trong một môi trường tự chủ và độc lập hơn. Theo hòa thượng Thích Hải Ấn thì: “Từ năm 1948 đến 1951, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Quảng Bình phát triển mạnh, Chùa Phổ Minh được chọn làm nơi đặt trụ sở của Chi hội Phật giáo và Hội Phật học Quảng Bình”240. Cũng trong khoảng thời gian này, Sơn môn Tăng già Quảng Bình được thành lập; nhiều chùa, nhiều tịnh thất ở các xã, phường đã được trùng tu, khắc phục những hậu quả do chiến tranh gây ra. Tháng 8/1948, Phật học đường Phổ Minh đi vào hoạt động trở lại. Ban Trị sự Tỉnh hội cũng đã cố gắng kết nối lại với các hội viên để duy trì nhịp điệu cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Đến đầu năm 1950, với sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo trong cả nước đã đặt ra những yêu cầu bức thiết về sự thống nhất các tổ chức Phật giáo ở các địa phương và khu vực. Trên cơ sở đó, sau khi các Gia đình Phật hóa phổ đã được hợp nhất và đổi tên thành Gia đình Phật tử Việt Nam (4/1951) thì Tổng Hội Phật giáo Việt Nam cũng chính thức được thành lập (5/1951) trên cơ sở sự đồng tâm, nhất trí của 6 tập đoàn tăng già và cư sĩ ở cả ba miền đất nước. Cũng trong năm 1951, Sơn môn Tăng già Huế đã cùng với Ban Trị sự Phật

![]()
239 Dẫn theo Phạm Ngọc Hiên (2010), “Chùa Phổ Minh: Những nét văn hóa và lịch sử”, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 5, tr.79-81.
240 Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2011), Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr.470.
giáo ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Ninh Thuận tổ chức họp tại chùa Từ Đàm (Huế) để thành lập Sơn môn Tăng già Trung Việt và suy tôn Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Pháp chủ, Thượng toạ Thích Mật Hiển làm Trị sự trưởng. Trụ sở của Sơn môn Tăng già Trung Phần đặt tại chùa Từ Quang (Huế).
Như vậy, với sự ra đời của Gia đình Phật tử Việt Nam, Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng như Sơn môn Tăng già Trung Việt đã chính thức khép lại giai đoạn một của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Quảng Bình nói riêng cũng như cả nước nói chung. Với những thành quả đã thu nhận được từ trong quá trình chấn hưng, Phật giáo Quảng Bình đã có thêm những hành trang và tiền đề mới để tiếp tục tiến bước vào một giai đoạn tiếp theo, cũng như hỗ trợ đắc lực cho các tăng ni, Phật tử tại miền Nam trong cuộc đấu tranh để giữ vững sự vẽn toàn của Đạo pháp và cả trong cuộc kháng chiến chống Mĩ để bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do cho đất nước.
Tài liệu tham khảo
- Thanh An (1936), “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo”, Đuốc Tuệ, số 4
- Lê Thanh Cảnh (1936), “Gia đình Hướng đạo Quảng Bình”, Tràng An báo, số 125.
- Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2011), Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
- Phạm Ngọc Hiên (2010), “Chùa Phổ Minh: Những nét văn hóa và lịch sử”,
Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 5.
- Hội An Nam Phật học (1935), “Chỉnh đốn tăng già”, Nguyệt san Viên Âm, số 14.
- Hội An Nam Phật học (1936), “Tư cách pháp nhân”, Nguyệt san Viên Âm, số 21.
- Hội An Nam Phật học (1936), “Việc hội”, Nguyệt san Viên Âm, số 21.
- Hội An Nam Phật học (1938), “Bài diễn văn đọc trong lúc khai mạc Tổng hội đồng ngày 14/8/1938”, Nguyệt san Viên Âm, số 32.
- Hội An Nam Phật học (1940), “Tin tức”, Nguyệt san Viên Âm, số 38.
- Hội An Nam Phật học (1941), “Tin tức”, Nguyệt san Viên Âm, số 45.
- Hội Phật học Đà Thành (1937), “Ban Chứng minh của bản chí”, Tam Bảo Tạp chí, số 5.
- Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, Hà
Nội.
- “Một trường đào luyện thanh niên: Hướng đạo đoàn” (1936), báo Ngày
Nay, số 23, ra ngày 30/8.
- Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục, Tập 1, Tổng hội Tăng già Trung Phần xuất bản, Huế.
- Schecter Jerrold (1967), The New Face of Buddha: Buddhism and Political Power in Southeast Asia, Publisher: Coward-McCann, New York.