LƯỢC KHẢO PHẬT GIÁO QUẢNG BÌNH TỪ KHI DU NHẬP CHO ĐẾN HIỆN NAY
Thích Phương Đạt
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ cách đây trên 26 thế kỷ. Với một nền triết lý, đạo đức và đuòng lối tu tập chứng ngộ siêu việt, Phật giáo đã truyền bá ra khắp thế giới. Phật giáo cũng được truyền bá vào Việt Nam khá sớm. Theo những cứ liệu lịch sử, thì Phật giáo đến với nước ta khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch và Quảng Bình vùng đất cực nam nước Âu lạc thời bấy giờ cũng có thời gian du nhập như vậy, chúng ta có thể suy luận ra điều đó vì Phật giáo đến Việt Nam đầu tiên bằng đường biển, và Quảng Bình là vùng đất địa đầu nước ta tính theo đường biển thời bấy giờ,
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu chuyên biệt, một nghiên cứu tổng thể về Phật giáo Quảng Bình. Các bài viết về Phật giáo Quảng Bình thường chỉ mang tính chuyên khảo về một số di tích, hoặc từng lĩnh vực cụ thể mà thôi. Trong tương lai, cần phải có một cuộc nghiên cứu để viết lại lịch sử Phật giáo Quảng Bình .
Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình tôi xin có tham luận “ Lược khảo Phật giáo Quảng Bình từ khi du nhập cho đến hiện nay”. Vì thời gian tìm hiểu nghiên cứu thực địa còn ít, nên bài viết chỉ dựa vào các bài viết của các nhà nghiên cứu khác, nên bài viết gọi là lược khảo mà thôi.
- Vị trí địa lý của Quảng Bình qua cá thời kỳ lịch sử.
Quảng Bình là một vùng đất đầy biến động trong lịch sử dựng nước Việt Nam. Quảng Bình là một dải đát hẹp thuộc miền Trung nước ta là một tỉnh có nhiều thời kỳ chia ra rồi sát nhập vào nước Việt Nam. Theo “ Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, thì xưa là đất Việt Thường, Đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, Khu Liên một người bản địa nổi lên giết quan đô hộ, xưng làm vua, gọi tên nước là Sinhapara, sử nhà Hán gọi là nước Lâm Ấp, địa giới từ Hoành Sơn đến hết Bạch Mã, giáp với Đà Nẵng ngày nay. Sử cổ Trung quốc là Lương Thư cho biết khoảng thập niên 220-230 con cháu Khu Liên có gửi phái bộ đến Quảng Đông triều cống.
Năm 248, khởi nghĩa Bà Triệu, Đông Ngô cho Lục Dận sang Giao Châu dẹp loạn, đánh tới Khu Lật ( Huế ngày nay), năm 260 Lâm Ấp, bị mất trở về lại với Tượng Quận, Năm 270, cháu ngoại Khu Liên là Phạm Hùng lên làm vua, lãnh thổ mở rộng đến thành Khu Túc ( Bắc sông Gianh ngày nay),Nước Lâm Ấp trải bốn triều đại là Khu Liên (192-336), triều đại Phạm Dật (336-420), triều đại Phạm Dương Mại (420-530), triều đại Rudravarm (529-605) thì bị nhà Tùy chinh phục, nước Lâm Ấp diệt vong. Lâm ấp trở về với Nhật Nam. Điều đáng nói trong thời kỳ này là Lâm Ấp lấy chữ Phạn ( Sanskrit) làm ngôn ngữ chính và cả ngôn ngữ ngoại giao mà Hán thư có nhắc đến. Thể chế chính trị, do sự cố vấn của người Ấn và các sư Ấn nên theo chế độ Quân chủ phân quyền khác với chế độ Quân chủ tập m của Trung Quốc.
Vị vua cuối cùng của Lâm Ấp chạy về vùng Trà Kiệu lập một quốc ấp biệt lập và duy trì đến năm 757 thì vững mạnh, tiếp tục lập quốc mở rộng lãnh thổ, lập nên nước Champa ( Campapura) mà sử Trung hoa gọi là Chiêm Thành, lãnh thổ từ Hoành Sơn đến Bình Thuận. Quảng Bình lại thuộc Chiêm Thành từ đó.
Năm 1069, Vua Lý Thánh Tông với bộ tướng Lý Thường Kiệt thân chinh đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước đó là Chế Củ và nhiều tướng sĩ. Chế Củ xin dâng đất chuộc mạng, cắt ba châu là Bố chính, Địa Lý, Ma linh trả về cho Đại Việt, Quảng Bình lại thuộc Đại Việt. Sau đó Chiêm Thành chiếm lại đất ấy. Mãi đến năm 1301, nhân chuyến tuần du của Phật hoàng Trần Nhân Tông về phương Nam đòi lại ba châu đó. Mãi đến năm 1363, niên hiệu Đại Trị thứ tư vua Trần Duệ Tông mới có tri phủ của nước Đại Việt đầu tiên tại Quảng Bình , và Quảng Bình mới chính thức sát nhập vào nước Việt Nam cho đến ngày nay.
- Phật giáo du nhập vào Quảng Bình
Phật giáo du nhập vào Quảng Bình từ rất sớm, nhưng như trên đã nói, vùng đất Quảng Bình có nhiều biến động về lịch sử, cho nên Phật giáo ở Quảng Bình cũng có nhiều lần du nhập, trải qua nhiều thế kỷ, và cũng có nhiều con đường du nhập khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trai, thì có năm con đường du nhập của Phật giáo vào Quảng Bình, tuy nhiên theo tôi có bốn con đường chính Phật giáo du nhập vào Quảng Bình như sau:
- Đầu tiên, Phật giáo du nhập vào đường biển vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, mà hiện nay còn nhiều di chỉ còn tồn tại.
- Phật giáo du nhập vào Quảng Bình từ Trung Quốc, trong thời kỳ đô hộ nước ta, rồi tái du nhập vào thời kỳ đầu chúa Nguyễn
- Phật giáo từ Đại Việt do vua Trần Nhân Tông truyền bá
- Và cuối cùng là Phật giáo du nhập từ Lào cho các vùng núi phía Tây Quảng Bình mà hiện nay còn di tích.
- Phật giáo du nhập bằng dường biển
Các nhà sử học Phật giáo đều thống nhất là Phật giáo du nhập vào Việt Nam đầu tiên là từ Ấn Độ theo đường biển. Trong những chuyến hải hành của các thuyền buôn từ Ấn Độ đến Trung Quốc, những chủ thuyền buôn này thường mời các nhà sư đi theo thuyền để cầu nguyện. Trên đường đi, suốt cả một năm dài các nhà sư Ấn thường dừng chân và truyền bá Phật giáo. Từ đó, các trung tâm Phật giáo hình thành. Sớm nhất là trung tâm Phật giáo Luy Lâu ( Thuận Thành, Bắc Ninh). Từ đây chúng ta cũng có thể suy ra, Phật giáo Quảng Bình cũng có thời gian du nhập như thế, vì ít ra Quảng Bình là địa đầu của nước ta tính theo lộ trình hải hành. Niên đại cụ thể thì ít ra trước năm 192, vì lúc Khu Liên lập quốc năm đó thì lấy chữ Phạn làm ngôn ngữ chính, và tổ chức chính quyền theo Ấn Độ, chứng tỏ văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng sâu rộng tại nơi này. Phật giáo cũng là tôn giáo chính ở đây.
-
- Phật giáo du nhập vào Quảng Bình từ Trung Quốc
Do những biến động lịch sử, Quảng Bình là nơi giao thoa của hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Quốc cho nên Phật giáo từ Trung Quốc cũng lan truyền đến Quảng Bình trong thời kỳ đô hộ Đại Việt, mà cụ thể là vùng Nhật Nam, nơi có lúc Quảng Bình là trực thuộc quận này.
-
- Dòng thiền Trúc Lâm: theo ngài Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng được truyền bá rộng rãi và trải dài cho đến thời Lê Trung Hưng, mà những chùa chiền ở phía Bắc Quảng Bình còn lưu dấu
- Phật giáo du nhập từ Lào
Vùng đất phía Tây Quảng Bình là vùng núi non hiểm trở, đây là vùng đất cư trú của người Nguồn ( người Việt cổ), họ chống lại ách đô hộ của Trung Quốc nên lánh nạn lên đây. Vì ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, lại gần gũi và giao lưu với nước Lào thường xuyên, nên có những người sang Lào xuất gia về quê hương lập chùa tu tập và hoằng pháp, nên Phật giáo nơi đây chịu ảnh hưởng Phật giáo Lào. Tín ngưỡng thờ Pụt, thác Pụt, và chùa Bụt là những bằng chứng xác thực nhất.
- Những giai đoạn phát triển của Phật giáo Quảng Bình
Từ khi du nhập cho đến ngày nay, Phật giáo Quảng Bình đã có những giai đoạn phát triển hoàng kim, có những giai đoạn trầm lắng, nhưng thời kỳ nào cũng xuất hiện nhiều vị danh tăng, những kiến trúc nổi tiếng mà đến nay còn lưu dấu. Phật giáo Quảng Bình có thể chia ra 5 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn Phật giáo Lâm Ấp – Chăm pa: kéo dài tới 1171 năm (từ 192 1363)
- Giai đoạn Phật giáo Trần – Lê
- Giai đoạn Phật giáo thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh cho đến cuối triều Nguyễn
- Giai đoạn 1954-2009
- Giai đoạn 2009nay
- Giai đoạn Phật giáo Lâm Ấp –Chăm pa
Thời kỳ này kéo dài hơn một thiên niên kỷ, nên cũng là thời kỳ có nhiều dấu tích nhất trong lịch sử Phật giáo Quảng Bình. Như trên có nói, khi Khu Liên lập nên quốc gia Lâm Ấp, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ấn Độ, và nền văn hóa ấy được mang đến từ các thương gia và các nhà sư Ấn, cho nên Phật giáo cũng đã phát triển bên cạnh Saman giáo (Bái vật giáo) bản địa. Phật giáo thời kỳ này là Phật giáo nguyên thủy ( Thevarada). Chúng ta có thể khẳng định như vậy vì Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, chưa có thời gian phát triển và truyền bá ra ngoài. Hơn nữa, những di chỉ còn lại như tượng Phật, bi kí còn lại tại Quảng Bình cũng còn dấu tích của Phật giáo nguyên thủy. Theo sử liệu, Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào thời Chăm pa.
Thời kỳ Chăm pa, các vua đầu triều theo cả Phật giáo nguyên thủy lẫn Ấn Độ giáo, nhưng đến triều đại vua Indravarman II (năm 875) ông chính thức theo Phật giáo Đại thừa, xây dựng tu viện Đồng Dương ở Thăng Bình, Quảng Nam. Phật giáo Đại thừa ( Mahayana) cũng phát triển rực rỡ ở Quảng Bình .
Theo những nghiên cứu mới đây của các tác giả trong tạp chí Liễu Quán, thì Phật giáo từ Lào truyền vào phía Tây Quảng Bình cũng vào thời kỳ này.
Phật giáo Trung Quốc cũng truyền bá mạnh trong thời kỳ này, ở Quảng Bình xuất hiện nhiều vị danh tăng xuất hiện, vừa đi sang Ấn Độ học tập, chiêm bái, vừa được mời sang cung vua nhà Đường thuyết pháp, chứng tỏ Phật giáo Quảng Bình phát triển rực rỡ như thế nào.
Mặc dù trải qua nhiều cuộc can qua trong suốt chiều dài lịch sử mà Quảng Bình là chiến trường chính, nhưng những biến động đó cũng không xóa nhòa hết tất cả mhwmgx di tích lịch sử, chùa chiền, và những vị danh tăng của Phật giáo Quảng Bình trong thời kỳ này. Chúng ta có thể ghi lại những di chỉ đó qua quá trình khảo cứu của các nhà nghiên cứu nổi tiếng.
- Những di tích còn sót lại:
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Trai, Quảng Bình hiện còn hai trung tâm Phật giáo lớn ở Quảng Bình mà ông gọi là hai thành phố chùa tháp gồm: nhiều chùa tháp,hang động chùa ở phía bắc Quảng Bình và khu tháp chùa ở khu vực hai huyện Quảng Ninh - Lệ Thủy.
- Những di chỉ còn tồn tại ở phía bắc Quảng Bình:
Tượng Phật ở Quảng Khê ( Bố trạch), với y che kín hai vai, phía sau có hào quang, giống với tượng Phật Ấn Độ thế kỷ IV-VI.
Tấm bia ở Ròon (sông Di Luân), còn 41 chữ Phạn, tán thán Bồ tát Quán Thế Âm ( Avalokitesvara) và khu đất mà vua Indravarman II cúng cho một Phật viện, chứng tỏ có một Phật viện lớn ở gần đó.
Đặc biệt, chùa hang Phong Nha là một di tích Phật giáo lớn ở Quảng Bình, năm 1899, linh mục Cadirier người Pháp khi thám hiểm hang động Phong Nha đã phát hiện ba bệ thờ bằng gạch Chăm, và 97 ký tự chữ Phạn – Chăm cổ, một số tượng Phật nhỏ bằng đất nung. Ông chỉ đọc được chữ namo carada arahart. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì carada là đệ tử của ngài Xá Lợi Phất. Câu trên có nghĩa “ Quy ngưỡng bậc A la hán Carada”. Một học giả người Pháp khác tên Favi, vào đầu thế kỷ XX đã đọc thêm chữ Capimala, mà Capimala là tổ thứ 13 của Thiền tông, là bổn sư của ngài Long Thọ.
Bi kí Lạc Sơn (thuộc xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa) trong động Lạc Sơn khắc tới 40 kí tự nhưng chưa đọc được.
Bi kí ở Bắc Hà ( Quảng Trach) có 41 ký tự chưa đọc được.
Cổng chùa làng Lý Hòa còn ba chữ Phạn dịch nghã là Vĩnh Sơn tự.
Người Nguồn ở Tây Quảng Bình cũng tiếp nhận Phật giáo nguyên thủy từ Lào sang từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, và duy trì thờ Pụt cho đến thế kỷ thứ VI sau Tây lịch, họ cũng xây chùa Hoằng Pháp tại Dân Hóa, Minh Hóa và lèn thờ Bụt ở lèn Bụt, các lễ hội ở lèn Bụt vẫn duy trì cho đến nay.
- Những di tích tháp ở phía nam Quảng Bình :
Phía nam Quảng Bình còn một quần thể tháp Phật khá nhiều, năm 1927, các nhà nghiên cứu người Pháp ở viện Viễn Đông Bác cổ đã ghi nhận như sau:
Tháp Trung Quán, ở huyện Quảng Ninh, được xây bằng gạch, mỗi cạnh đáy rộng 7,1 mét. Dưới đáy có đặt con rùa vàng dài 4cm, hai mảnh vàng hình hoa sen, và 10 viên đá quý.
Cách đó 5km, có tháp Đại Hữu thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cũng có cụm 3 tháp nhỏ. Mỗi cạnh tháp rộng 5,5 m, xây bằng gạch Chăm có trét bằng nhựa cây. Đặc biệt, ở tháp Đại Hữu phát hiện tượng Avalokitesvara ( Quán Thế Âm) rất sắc nét, hiện trưng bày ở viện bảo tàng Chăm, Đà Nẵng, được thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia đợt 2 năm 2013.
Cụm tháp Mỹ Đức ( xã Sơ Thủy, huyện Lệ Thủy) cũng có 3 tháp nhỏ, chiều rộng mỗi cạnh đáy là 5,5 mét. Khai quật ở đây có nhiều tượng Phật, Bồ tát. Nhưng chỉ có một tương Phật bằng đồng thau cao 0,44m là có giá trị nghệ thuật còn các tượng nhỏ thì thô xấu.
- Những vị danh Tăng Quảng Bình trong thời kỳ này.
Phật giáo đã đến Quảng Bình từ rất sớm, hệ thống chùa tháp xuất hiện khá dày đặc so với mật độ dân cư thời đó. Như vậy suốt chiều dài lịch sử các số liệu về chùa chiền, tín đồ, tu sĩ không có một ghi chép nào. Với những lợi thế riêng biệt của vùng đất Quảng Bình như là điểm giao lư hai nền văn hóa lơn là Trung Quốc và Ấn Độ, lại lấy ngôn ngữ chính là Phạn văn, nên chắc chắn ở đây xuất hiện nhiều vị danh tăng trong thời kỳ đầu. Tuy nhiên, vì không có sử liệu riêng biệt, việc tìm ra tên tuổi những vị này là việc vô cùng khó khăn. Ngay như việc nơi này dùng Phạn văn để giao dịch, địa giới của quốc gia cũng chỉ dựa vào sử cổ Trung Quốc như: Thủy kinh chú thời Tam Quốc , Lương Thư để biết.
May mắn là có những vị danh Tăng sức học uyên thâm, có sự chứng ngộ đặc sắc được mời sang cung vua của Trung Quốc giảng kinh, có giao lưu với các thi nhân nổi tiếng đời Đường nên họ có thơ ca tụng. Từ nguồn này chúng ta biết được một số vị.
Nguồn thứ hai mà chúng ta có được là qua tác phẩm “ Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện” của Nghĩa Tịnh. Nghĩa Tịnh đã ghi chép một số vị Tăng Sĩ Nhật Nam mà Ngài gặp trên đường đi sang Ấn Độ.
Qua tác phẩm “ Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang, chúng ta có thể nêu tên một số vị sau:
Những vị cao Tăng chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, mà Nguyễn Lang đã dẫn ở thì có :
- Pháp sư Phụng Đình, người được thi sĩ Dương Cự Nguyên, sống cuối thế kỷ thứ bảy có bài thơ tiễn Pháp sư về nước sau khi được vua Đương mời sang giảng kinh cho vua. Vị này chúng ta chỉ biết là người Giao Châu
- Pháp sư Duy Giám, giảng kinh xong về nước, thi sĩ Giả Đảo cũng có bài thơ tiễn
- Thiền sư Vô Ngại, ở quận Nhật Nam, khi thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ đầu thế kỷ thứ tám, có qua Việt Nam chơi có gặp Ngài. Ông xưng là Vô Ngại thượng sĩ, là hóa thân của Phật, xin làm đệ tử và tỏ ý tiếc vì chưa hiểu sâu Phật pháp để đàm đạo với Ngài.
-
- Còn một vị thiền sư không rõ tên mà thi sĩ Trương Tịch đời Đường, gọi là Nhật Nam tăng, tu ở núi quận Nhật Nam, mà không biết núi nào.
Trong bốn vị ở trên, không có vị nào được ghi trong cuốn Thiền Uyển tập anh, một cuốn sử Phật giáo Việt Nam thời kỳ đó, cho nên chúng ta có thể đặt nghi vấn rằng các Ngài này không thuộc hệ thống truyền thừa ở miền Bắc, cho nên chắc rằng họ ở vùng miền Trung và có thể hoằng pháp tại Quảng Bình .
Một nguồn tư liệu có tư ngài Nghĩa Tịnh ghi lại, khi ở Ấn Độ, Ngài có gặp một số vị Tăng Việt Nam. Các vị này giỏi Phạn ngữ lẫn Hán ngữ, ngoài tên bằng tiếng Việt các Ngài có Pháp hiệu tiếng Phạn, lại không có tên trong Thiền Uyển tập anh, cho nên chúng ta có thể coi các Ngài là người ở Quảng Bình cũng được. Sáu vị Tăng qua du học Ấn cuối thế kỷ thứ bảy đầu thế kỷ thứ tám. Đó là các vị:
-
- Pháp sư Vận Kỳ giỏi cả Phạn lẫn Hán, ngài Nghĩa Tịnh có gặp ở Ấn, lúc đó ngài Vân Kỳ khoảng 30 tuổi, sau đó được thiền sư Hội Ninh người Trung Quốc nhờ mang bộ kinh Đại Niết Bàn đã dịch sang tiếng Hán về cho vua Đường. ngài Vận Kỳ có mang đến.
- Pháp sư Giải Thoát Thiên dịch nghĩa của tên Moksadeva, từng tham bái Bồ Đề đạo tràng. Ngài mất khoảng 25 tuổi
- Pháp sư Đại Thừa Đăng tên này cũng dịch nghìa pháp hiệu tiêng Phạn là Mahayanapradipa, cũng vân du học đạo, đi qua Trung Quốc xin thọ giới với ngài Huyền Trang sau đó đi Srilanka, Ấn Độ và học tập không ngừng và Ngài có thể chú giải các luận thư bằng Phạn ngữ. Ngài mất ở chùa Panirvana, Ấn Độ lúc hơn 60 tuổi.
Ngoài ra còn có hai vị nữa mà chúng ta chắc chắn không phải ở Quảng Bình . đó là những vị danh Tăng mà chúng ta có thể biết qua các sử liệu ghi chép , còn nhiều vị nữa mà chúng ta chưa biết. Như trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có viết: “ Các bậc cao Tăng nước ta không phải it, trong khoảng thuộc Tấn, thuộc Đường, tất nhiên có nhiều điều đáng ghi chép, nhưng ghi chép còn thiếu sót”
-
- Giai đoạn Phật giáo Quảng Bình thời Trần- Lê
Như chúng ta đã biết trước, năm 1069, vua Lý Thánh Tông đánh Chăm pa bắt vua Chế Củ nước ấy, Chế Củ phải dâng 3 châu là Địa lý, Bố chính và Ma linh để chuộc mạng, vua Lý chuẩn y cho. Mặc dù nhận được ba châu ấy, nhưng nhà Lý vẫn chưa di đan vào vùng Quảng Bình. Chỉ có ba người di dân vào làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương, Quảng Trạch là con cháu nhà Lý sau này đổi thành họ Nguyễn là còn được ghi chép vào thần phả của làng. Họ cũng lập chùa thờ Phật gọi là chùa Linh Tiên. Còn phần đất ba châu cũng bị Chăm pa chiếm lại.
Sau chuyến tuần du phương Nam của Phật hoàng Trần Nhân Tông, năm 1301, ba châu sau đó được trả về cho Đại Việt vào năm 1305. Dù chuyến đi của Phật hoàng khá ngắn ngủi (8 tháng) nhưng Ngài đã lập nên am Tri Kiến ở Mỹ Thủy, Lệ Thủy. Và tư tưởng “ Hòa quang đồng trần” (Ở đời vui Đạo) của Phật giáo Trúc Lâm ảnh hưởng cực sâu rộng trong Phật giáo Quảng Bình.
Phải đến năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông kéo quân vào đánh Chăm pa, chiếm lại phần lớn phần đất phía bắc của nước này, Chăm pa suy yếu thì vùng đất này mới thưc thụ trở thành đất Đại Việt. Để giữ đất vùng ấy, nhà Lê di dân ồ ạt vào vùng đất mới. Lập ấp, xây làng, tạo chùa, khắc tượng, người Việt định hình trên đất Quảng Bình .
Đa số các nhà Nho học như Lê Quát, Trương Hán Siêu đều lên tiếng phê phán Phật giáo, vì Nho học gần như giữ vị thế độc tôn trong giai đoạn này. Từ đó, nhiều học giả cho rằng Phật giáo đã suy đồi thời Lê. Tuy nhiên, sự thật không phải thế, mà Phật giáo Việt Nam đi từ chỗ Phật giáo tri thức chuyển sang Phật giáo đại chúng, đi từ nghiên cứu tu tập sang tín ngưỡng và nghi lễ. Do cần một số lượng lớn nhân đinh di dân vào vùng đất mới, mà số lượng tăng chúng quá đông, ít học nên nhà Lê phải tổ chức nhiều cuộc thi về Phật giáo để thanh lọc và bắt hoàn tục những vị sư tu tập vì hoàn cảnh.
Vì những lí do trên, Phật giáo Quảng Bình thời nhà Lê phát triển rực rỡ nhất- phát triển đến độ có thể thay thế Phật giáo trong thời Chăm pa. Việc di dân lập ấp,sau khi định cư người dân lập chùa để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, rồi rước sư ở phía Bắc vào trú trì. Hàng loạt ngôi chùa mọc lên ở phía bắc Quảng Bình. Chúng ta chưa thể thống kê hết những ngôi chùa thời kỳ này, vì một số đã bị phá hủy trong các cuộc chiến, nhưng có thể kể ra các ngôi chùa còn sót lại cho đến ngày nay như:
Ở huyện Quảng Trạch có các ngôi chùa: chùa Cảnh Phúc ở Cảnh Dương xây dựng đầu thế kỷ XVII, chùa Thọ Sơn ở xã Quảng Đông xây dựng đầu triều Lê, chùa Phúc Kiều ở xã Quảng Tùng xây dựng thế kỷ XV, chùa Phúc Sơn ở xã Quảng Phú xây dựng 1549.
Ở huyện Tuyên Hóa có các chùa : chùa Linh Sơn ở xã Tiến Hóa xây dựng năm 1471, chùa Ngọa Cương ở xã Cảnh Hóa xây dựng đầu thế kỷ XVI, chùa An Quốc ở xã Mai Hóa xây dựng năm 1633
Ở thị xã Ba Đồn có các chùa: chùa Cảnh Tiên ở phường Quảng Thuận xây dựng năm 1472, chùa Vĩnh Tu ở phường Quảng Minh xây dựng năm 1475, chùa Xuân Thủy ở xã Quảng Thủy xây dựng đầu thời Lê.
Ở huyện Bố Trạch có các ngôi chùa: chùa Quan Âm ở xã Thanh Trạch xây dựng năm 1473, chùa Thanh Quan ở xã Thanh Trạch xây dựng năm 1556
Và nhiều chùa chỉ còn là phế tích chưa thống kê được.
Thời kỳ này các di dân cũng về lại quê hương mời các nhà sư vào trú trì. Chúng ta chỉ biết được các vị sư còn được thờ ở các chùa còn nguyên vẹn, và từ đó chúng ta biết được dòng thiền Trí Bản Đột Không đi vào trú trì được 10 đời còn bài vị thờ ở chùa An Quốc, xã Mai Hóa gồm:
Đời 34, ngài Chánh Quang Đà Lâm, đời 35 có hai ngài: Như Quý, Như Bá, đời 36 có Tính Lương, Tính Minh, đời 37 có Hải Lưu, Hải Long và kéo dài đến đời thứ 44.
Cho nên có thể nói là Phật giáo Quảng Bình thời này phát triển rực rỡ.
-
- Phật giáo Quảng Bình thời Trịnh Nguyễn phân tranh và thời Nguyễn
Sở dĩ chúng tôi không gom giai đoạn lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh vào thời Lê vì hoàn cảnh đặc biệt của Quảng Bình. Đây là ranh giới chia cắt đất nước ra hai miền Nam Bắc suốt gần 200 năm. Đây cũng là bãi chiến trường khốc liệt nhất, xảy ra liên miên của sự giành giật đất đai của hai thế lực Trịnh – Nguyễn. Nhưng nhìn chung, Quảng Bình gần như là vùng đất của chúa Nguyễn nên chúng tôi gom giai đoạn này vào thời nhà Nguyễn sau này.
Không phải kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đât Thuận Hóa (1558) thì gọi là thời Trịnh Nguyễn phân tranh, mà thật ra đến năm 1627 khi Trịnh Tráng dẫn binh vào đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì thế cục Trịnh Nguyễn phân tranh xảy ra. Hai bên lấy sông Gianh ( Linh Giang) làm ranh giới chia cắt đất nước.
Sau thời kỳ xây dựng chùa chiền thời kỳ đầu nhà Lê, mà các chùa chiền của Phật giáo Quảng Bình xây dựng dọc hai bờ sông Gianh, thì sau khi chia ranh giới, Phật giáo lại tiếp tục phát triển về phía Nam Quảng Bình. Do nhu cầu tâm linh, cùng các lễ cầu an cho gia đình đồng bào vào định cư, cũng như cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong các ngôi chùa lại được tiếp tục xây dựng. Các vị công thần đời đầu của Chúa Nguyễn như Nguyễn Hữu Tiến,Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục xây chùa ở phía nam sông Gianh, nhất là vùng sông Nhật Lệ. Các ngôi chùa lớn có thể kể tên như: Chùa Cảnh Tiên, tại ấp Tráng Tiệp, xã Võ Ninh (nay là xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) do Nguyễn Hữu Dật xây nửa cuối thế kỷ XVII. Chùa Kim Phong trên núi Đầu Mâu, xây dựng năm 1701. Chùa Linh Sơn ở thôn Đại Phúc, xã Vạn Ninh do Nguyễn Hữu Cảnh xây cuối thế kỷ XVII, và các chùa như chùa Kim Nại, chùa Tân Ninh, chùa Quảng Xá…
Phải nói rằng, chùa chiền được xây dựng thời Trịnh Nguyễn phân tranh khá nhiều, được sắc phong dưới triều vua Lê cũng khá nhiều.
Tuy nhiên, phải nói thật rằng, vì cách trở giang sơn, vì đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng là chủ yếu, nên Phật giáo Quảng Bình ở giai đoạn này mang tính quần chúng là chủ yếu, hình như vắng hẳn Phật giáo trí thức. Như Nguyễn Hữu Dật được xưng là Bồ tát trong dân gian và cả trong các văn bản! Các vị sư thời kỳ này cũng đa phần theo lời hiệu triệu của Nguyễn Hữu Cảnh di dân vào miền Nam để theo di dân vào khai phá vùng đất mới. Số ở lại Quảng Bình phần nhiều là nửa tăng nửa tục, chỉ có một vị Sư tên Ân Khả sáng lập chùa Kim Phong là được nhắc tên.
Đến thời vua Quang Trung, chùa chiền bị tàn phá rất nhiều.
Sau khi Nguyễn Ánh đánh đổ triều Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long ( 1802), thống nhất đất nước, đóng đô ở Huế, thì Phật giáo Quảng Bình tiếp tục duy trì như cũ. Các chùa chiền được trùng tu to lớn hơn, có ba ngôi chùa được gọi là quốc tự là Chùa Kính Thiên (sau đổi là Hoằng Phúc), chùa Cảnh Tiên, chùa Linh Quang ở Dinh Ngói, Lý Trạch, Bố Trạch (hiện nay không còn). Ngoài ra các ngôi chùa nhỏ cũng được xây thêm, và gần như làng nào cũng có chùa trên đất Quảng Bình .
Các vị Tăng cũng được phân bổ vào Nam theo vùng đất mới, nên Quảng Bình cũng vắng hẳn Tăng. Danh Tăng thời này có các vị như ngài Đắc Ân làm Tăng cang chùa Quốc Ân ở Huế, ngài Đắc Quang làm trụ trì quốc tự Linh Mụ. Các thiền phái Nguyên Thiều, Liễu Quán cũng được truyền thừa ở đây. Nhiều giới đàn, các trường Hạ cũng tiếp tục duy trì.
Khi phong trào chấn hưng Phật giáo khoảng đầu thập niên 30 thế kỷ XX, Phật giáo Quảng Bình cũng được chấn hưng. Trường Bồ Đề được thành lập tại chùa Phật Học tại Đồng Hới, Tăng sĩ cũng khá đông, có chương trình học bài bản, và chỉ đào tạo cấp học trung đẳng sau đó gửi vào Huế học Đại học và đào tạo được một số danh Tăng như Ngài Trí Quang cũng học ở trường này.
-
- Phật giáo Quảng Bình giai đoạn 1954-2009
Giai đoạn này Phật giáo Quảng Bình là thành viên của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Ngài Hồng Tuyên là ủy viên trung ương hội, và là chi hội trưởng Phật giáo Quảng Bình. Còn nhiều vị Tăng trẻ, sau khi chia cắt đất nước đã ở lại miền Nam và trở thanh rường cột của Phật giáo. Có thể kể một vài vị nổi tiếng như : ngài Trí Quang, ngài Tuệ Sỹ, ngài Minh Tuệ, ngài Thiện Hạnh…
-
- Phật giáo Quảng Bình từ 2009 đến nay
Từ khi giáo hội Phật giáo tỉnh thành lập đến nay đã 10 năm từ con số 0 đến nay đang phát triển mạnh đúng chánh pháp.
Phật giáo Quảng Bình đi lên từ con số 0, gần 60 năm vắng bóng Phật giáo, chỉ 10 Phật giáo phát triển như hiện nay là thành quả lớn. Văn phòng giáo hội, chùa Đại Giác xây trên vùng đất trũng sâu từ 2,8 đến 3, 5m, tiền bạc thiếu, phật tử chỉ vào chục người mà xây thành ngôi chùa lớn như hiện nay là sự nổ lực của Phật giáo Quảng Bình.
Giáo hội Phật giáo các huyện thành lập như huyện Lệ Thủy, Huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch
Phật tử quy y tại chùa Đại Giác các chùa huyên rất đông nói lên sự Phát triển Phật giáo Quảng Bình
Phật giáo Quảng Bình đang đi đúng chánh pháp: Giáo hội Phật giáo tỉnh, huyện quan tâm đến thiền, quan tâm cầu siêu.. Quan tâm đến thế hệ tuôi trẻ ở các trường. Các ngôi chùa Văn phòng một số các Giáo hội có lư hương trước chùa thắp chung là chủ yêu.
Các ngôi chùa quan tâm về sinh thái. Ngôi chùa Quảng Xá sẻ là trung tâm du lịch tâm linh sinh thái lý tưởng trên diện tích có thể lên 6 ha có rừng bần 13 ha, rất nhiều cây xanh, mới 4 năm mà ngôi chùa phủ trùm cây xanh bên dòng sông và nhánh sông Kiến Giang.
- Thay lời kết
Bài lược khảo dựa vào nững sử liệu từ nhiều nguồn khác nhau, và những sử liệu này được những nhà sử học có uy tín từ xưa đến nay ghi chép lại. Mặc dù chưa đầy đủ nhưng ít nhất đã phác thảo những đường nét cơ bản về Phật giáo Quảng Bình từ thời du nhập cho đến ngày nay. Bức tranh về Phật giáo tại Quảng Bình thật là phong phú về màu sắc. Phật giáo tại Quảng Bình không những đặc sắc về con đường du nhập, đặc sắc về hệ phái tu tập, đặc sắc về truyền thừa mà còn đăc sắc về văn hóa vật thể Phật giáo nữa. Dù địa giới hành chính biến động từ chủ thể này sang chủ thể quóc gia khác nhưng dòng chẩy Phật giáo vẫn tuôn trào gần hai thiên niên kỷ .
Với những thành tựu của mười năm thành lập GHPGVN tỉnh Quảng Bình, chúng ta hy vọng sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống hai ngàn năm của Phật giáo Quảng Bình nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Đại Giác, PL.2563- DL 2019
Tài liệu tham khảo
- Đại Nam Nhất Thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Hoàng Văn Lâu dịch, nxb Lao Động, 2012
- Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, nxb Văn Học, 2010.
- Ô châu cận lục, Dương Văn An, Nguyễn Khắc Thuần dịch, nxb Giáo Dục Việt Nam, 2008
- Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu, Phạm Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, nhiều người dịch, nxb Văn Hóa.
- Kiến Văn tiểu lục, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trọng Điềm dịch, nxb Trẻ 2012
- Thủy kinh chú sớ, nhiều tác giả thời Tam Quốc, Nguyễn Bá Mão dịch, nxb Thuận Hóa, 2005
- Phật giáo Quảng Bình xưa và nay, Nguyễn Ngọc Trai, nxb Nghệ An,2018.
- Nước Lâm Ấp, Wikipedia
- Nước Chăm pa, Wikipedia mở.