- DẪN NHẬP
Đạo đức là khuôn phép xây dựng nên đời sống an vui cho xã hội loài người. Chúng ta thấy rằng, trong xã hội ngày nay, các ngành khoa học phát triển vượt bậc mang đến cho con người sự hưởng thụ tối đa về vật chất. Nhưng bên cạnh sự phát triển đó, giá trị đạo đức lại có chiều hướng tụt giảm, dẫn đến các tệ nạn như: tội phạm, đồi trụy, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, chiến tranh… Tình trạng này làm mất cân bằng giữa các giá trị văn hóa tinh thần và các tư tưởng không lành mạnh khiến cho xã hội ngày càng thiếu đi mô hình đạo đức mẫu mực. Vấn đề này ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương lai của thế hệ mai sau.
Đặc điểm chung của nhân loại là luôn khao khát hạnh phúc. Từ thời xưa cho đến bây giờ, từ Đông sang Tây, con người không ngừng khám phá con đường hạnh phúc trên lĩnh vực tâm linh. Và các tôn giáo hình thành bắt nguồn từ các cuộc khai phá tâm linh này. Các tôn giáo đó luôn quy hướng đời sống của các tín đồ theo con đường đạo đức của vị giáo chủ. Là một tôn giáo lớn trên thế giới, từ ngày xuất hiện đến nay, Phật giáo luôn lấy đạo đức nhân bản làm kim chỉ nam trong con đường hoằng hóa của mình. Hầu như Phật giáo truyền đến đâu đều hướng dẫn đạo đức cho mọi người từ thế gian cho đến xuất thế gian trên phương tiện tùy duyên nhập thế. Đất nước Việt Nam
đã tiếp nhận Phật giáo một cách trọn vẹn từ bước đầu du nhập trên
2.000 năm qua. Trong sự phân hóa đa dạng của mình, Phật giáo tại Việt Nam có mặt trong các truyền thống tu tập khác nhau. Tất cả đều kết nối với nhau một cách hài hoà trong lòng dân tộc dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc lịch sử.
Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo tại miền Nam nước Việt, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã góp phần làm sống lại ánh sáng Phật pháp qua nếp sống thanh cao của người Khất sĩ. Trải qua 10 năm tu tập và hành đạo, Ngài đã đúc kết tinh hoa dựa trên sở tu, sở chứng của mình, viết thành bộ Chơn lý làm cơ sở tu tập cho hàng đệ tử về sau.
Với đề tài “Cách dùng từ trong một số quyển Chơn lý”, người viết phân tích giá trị ý nghĩa ở một số từ ngữ đặc biệt được Tổ sư sử dụng. Đây là văn phong mang tính chất đại chúng phù hợp với trình độ các tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ. Dù vậy, các từ ngữ này mang nghĩa lý phù hợp và tương đồng với kinh sách đương đại. Đây là gia tài pháp bảo mà Tổ sư để lại cho môn nhân, Tăng Ni, Phật tử đời đời noi dấu.
- NỘI DUNG
-
- Khái quát đề tài
Ngôn từ được sử dụng trong bộ Chơn lý thuộc văn phong xưa của Nam Bộ. Văn phong này phù hợp với lớp bình dân và phương ngữ được sử dụng trong rất nhiều trường hợp. Đây là nét đặc biệt góp phần tạo nên bản chất rất riêng của Hệ phái Khất sĩ.
Tuy nhiên, dù khác lạ nhưng những từ ngữ này lại diễn tả Phật pháp hết sức sống động và tương đồng với hầu hết các bản kinh văn, sách Phật học đương đại. Dựa trên sự hiểu biết và sở chứng của mình, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang sử dụng ngôn từ đơn giản dễ hiểu để diễn giải Phật pháp cho người địa phương dễ nắm bắt và qua đó có thể nhận ra đúng chơn lý như Ngài muốn truyền đạt.
Từ những quyển tiểu luận riêng rẽ được kết tập trọn bộ Chơn lý
gồm 69 quyển, trong đó nếu xét trên phương diện triết học ngôn ngữ thì nghĩa lý của nó sâu sắc vô cùng. Tuy nhiên, Đức Tổ sư không đứng trên lập trường phân giải triết học của ngôn ngữ mà chỉ đơn giản là dùng ngôn từ gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội để thể hiện kiến giải của mình. Và đơn giản hơn, chúng ta gọi đây là việc “dạy đạo”.
Đề tài “Cách dùng từ trong một số quyển Chơn lý” không đặt nặng tính triết học hay phân tích ngữ pháp trong cách dùng từ mà chỉ đưa ra giá trị tu tập, ý nghĩa trong các lời dạy và bài học nhận thức trong các từ ngữ đặc biệt của Đức Tổ sư. Do đó, bài viết này không phải chuyên sâu vào vấn đề học thuật hay khảo cứu, cho nên các trích dẫn chủ yếu dựa vào bộ Chơn lý mà thôi.
-
- Từ ngữ “cái biết”
Từ “cái biết” được Tổ sư sử dụng trong rất nhiều quyển Chơn lý của Ngài. Đây là một từ ngữ mang phong cách rất riêng nhưng xét về nghĩa lý lại không hề xa lạ với Phật pháp. Từ ngữ này được phân tích rõ ràng nhất trong quyển Chơn lý “Khất sĩ”.
Nội dung quyển Chơn lý này nói về bản chất của người Khất sĩ là thanh cao, là nếp sống phạm hạnh của bậc Thánh. Để hành trì con đường này, người xuất gia phải thực hiện hai phép xin: xin vật chất nuôi thân, xin tinh thần nuôi trí. Thực hành đường lối đó, chúng sanh từ chưa biết sẽ đến biết và cái biết sẽ hoàn toàn viên mãn.
Người tu hành là trở về với chính tự tâm của mình. Theo lời Phật dạy, tâm mỗi người hoàn toàn sáng suốt, bởi vô minh che lấp nên chưa được khai mở. Vô minh là không sáng suốt, là u mê tối tăm, lầm đường lạc lối. Chúng bao phủ tuệ giác làm cho chúng sanh không có sự hiểu biết đúng như thật. Do đó, tu hành là xóa tan màn vô minh để đến với sự hiểu biết chân thật. Sự hiểu biết này trong Phật giáo có nhiều cách gọi khác nhau như: Phật tánh, Như Lai tạng, Bản lai diện mục, Chân không diệu hữu, Niết-bàn diệu tâm…
Trên những cơ sở đó, Tổ sư đã phân tích về “cái biết” rằng: “Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết
sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ. Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết. Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới, làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sanh đây là căn thân và chủ thức (là người nhận biết). Cho nên cái biết chủ cần phải sống, lớn, ăn, vui, yên, và còn mãi mãi. Chính biết là ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ trụ. Chính chơn lý hay triết lý mới là môn học thật tế, ích lợi đi ngay đến Niết-bàn, kêu là đạo: Là sự học không hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy”1.
Lối phân tích từ ngữ “cái biết” của Tổ sư đi theo một lộ trình nhất quán từ thấp lên cao: “từ chưa biết, đến biết và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ”. Đây là lộ trình rất chính xác đối với đời sống của một con người. Sinh ra trên cuộc đời, bất kỳ người nào cũng chưa thể có sự hiểu biết ngay được. Do vậy, cần phải qua một quá trình khôn lớn, được nuôi dạy từ gia đình đến trường lớp, từ đó kiến thức qua kinh nghiệm sống và học hành mới mỗi ngày mỗi già dặn, cộng thêm tư chất thông minh và tinh thần tìm cầu học hỏi cũng như khả năng tiếp nhận khác nhau nơi mỗi con người. Như vậy, từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, con người đã tuân theo lộ trình nhất quán là từ chưa biết đến hiểu biết. Bởi thế, Tổ sư dạy: “Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết”.
Đứng về góc độ tâm thức, chúng sanh vốn bị mê mờ trong vòng luân hồi sanh tử. Do không đầy đủ sự hiểu biết nên cứ phải sa đọa trầm luân. Nếu chúng sanh ấy đầy đủ thuận duyên quay về nương tựa Tam Bảo, phát tâm tu hành, trí tuệ sẽ mở khai, liễu ngộ các pháp thiện và ác. Nhất là hiểu biết về con đường đoạn trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp và hướng đến giải thoát rốt ráo. Đây cũng là con đường chung mà tất cả chúng sanh nên lấy làm mục tiêu để bẻ gãy bánh xe sinh tử. Tất cả đều tựu trung trong “cái biết”: “Chính biết là
1. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập I, “Khất sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 259.
ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ trụ. Chính chơn lý hay triết lý mới là môn học thật tế, ích lợi đi ngay đến Niết-bàn, kêu là đạo: Là sự học không hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy”.
- Từ ngữ “vi trùng”
Từ ngữ này được sử dụng trong quyển Chơn lý 43 “Xứ thiên đường”.
Nội dung quyển Chơn lý này được Tổ sư triển khai ý pháp qua mô hình của một cảnh giới chư thiên. Ở nơi đó, mọi người đều có đạo đức và sự hiểu biết đúng chân lý. Bản chất xấu xa hay tốt đẹp ở xứ này được sử dụng qua từ ngữ vi trùng. Cuối cùng, khi phân giải mọi nghĩa lý mô hình chuẩn mực, Tổ sư hướng chúng ta quay lại nơi tự thân mình. Ngài khai ngộ cho chúng ta biết rằng mô hình đó không phải bên ngoài mà trong thân mình đã có đầy đủ.
Về từ ngữ “vi trùng” thực chất chỉ là ngôn ngữ ẩn dụ cho con người từ xác thân vật chất đến tinh thần hay tâm thức. Ngài dạy rằng:
“Chúng ta đây, mỗi người đều có thân thể, thân thể ấy, tức là một khối vi trùng: vi trùng thấy, vi trùng nghe, vi trùng hửi, vi trùng nếm, vi trùng rờ, vi trùng tưởng, vi trùng nữ, vi trùng nam, vi trùng đen, vi trùng trắng v.v… đủ thứ vi trùng đang tranh đấu”.
Từ ngữ vi trùng nghĩa đen là những sinh vật nhỏ bé chỉ có thể thấy được qua kính hiển vi được phát hiện vào năm 1683. Ở đây, rõ ràng Tổ sư không nói đến nghiên cứu y khoa để nói về bệnh tật hay cách điều trị bệnh do vi trùng gây ra. Ngài chỉ dùng từ ngữ dễ hiểu nhất để giúp mọi người hiểu được ý pháp mà Ngài muốn nói.
Thân thể con người được hoà hợp bởi tứ đại, trong đó lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều là các thành tố tạo nên con người. Đức Tổ sư dùng vi trùng thấy để chỉ cho sự thấy của nhãn căn, vi trùng nghe để chỉ sự nghe của nhĩ căn, vi trùng hửi để chỉ sự ngửi của tỷ căn và vi trùng nếm để chỉ sự nếm của thiệt căn. Trên phương diện Duy thức học, đây được xem là Tiền ngũ thức, tức là ngũ căn. Chức năng của tiền ngũ thức tương đương với chức năng của năm cảm
giác của tâm lý học hiện đại: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.
Vi trùng, theo ý pháp của Tổ sư, còn được hiểu là sự tác ý. Nếu tác ý nào mạnh thì tác ý đó làm chủ và sẽ dẫn dắt thân và miệng theo chúng. Đây được gọi là hành nghiệp hay sự tạo tác nghiệp: “Ví như vi trùng đi thắng, thì nó lôi chưn đi; vi trùng nói thắng nó bắt nói; vi trùng nữ thắng là người nam móng dục tâm, biến thành nữ; vi trùng nam thắng, là người nữ móng dục tâm, biến thành nam; vi trùng tham sân si, làm cho ham muốn, giận hờn mê muội…”.
Sau khi dùng từ ngữ vi trùng để cho mọi người dễ hiểu về xác thân tứ đại, ngũ căn, hành nghiệp... Tổ sư đã triển khai ý pháp Bát- nhã tánh không qua pháp quán lý Duyên khởi. Ngài dạy: “Như thế thì thân thể vi trùng phối hợp của chúng ta đây vốn không có cái ta chủ tể, và không bền vững, bởi sự tranh đấu của vi trùng. Chúng ta đang ăn uống vi trùng, đi đứng trên vi trùng, không cái có nào chẳng phải là vi trùng sống, hay giác trùng cả”. Cái ta thật sự là pháp tánh bên trong mỗi con người: “Cái sức mạnh của chúng nó kêu là linh, các pháp của chúng nó gọi là thần. Thế nên trong võ trụ, hay trong mỗi thể đều có ba cái: sống, biết, linh là chủ tể. Ba cái ấy làm ta, chớ xác thân không phải có thật”.
Cuối cùng, con đường đi đến giải thoát là phải phân định được pháp nào giả duyên, vô thường thay đổi và pháp nào là cái ta chắc thật vững bền. Vi trùng ở đây trở thành pháp tu cụ thể để đi đến sự giác ngộ rốt ráo, còn gọi là giác trùng. Tổ sư dạy rằng: “Vậy thì chỉ có chúng sanh hay sẽ là Phật đối với chơn lý thôi, vì nó là chủ tể, chớ vạn vật là sự lầm nhận, còn các pháp là sự tranh đấu không bền, không phải có thật. Các thứ vi trùng tranh đấu xưng ta, giành cái ta làm chủ, mà tự xưng tên gọi pháp, ví như vi trùng thương, vi trùng nhơn, vi trùng phải, vi trùng tự cao, v.v… chúng nó hằng giành choán xưng vương, nhưng bởi tánh không định, nên không yên vững đặng, mà hầu hết đều gọi là vi trùng nhỏ, vi trùng vô ích, không dùng được của sự chọn lọc, nên cũng gọi là vi trùng chết yểu. Mà chỉ có vi trùng định, chơn như, giác ngộ, là sống tồn tại vĩnh viễn còn hoài, thắng tất cả bằng tự nhiên, hạnh phúc
an lạc, nên gọi là ta, có ta, vua chủ sống được. Cái ta ấy tức là vi trùng giác hay Phật”.
- Từ ngữ “ông”, “cha”, “con”, “cháu”
Các danh từ “ông”, “cha”, “con”, “cháu” được sử dụng trong quyển Chơn lý 44 “Vị hung thần”2. Quyển này được miêu tả qua đoạn đối thoại giữa vị hung thần vấn nạn một vị Tỳ-kheo và vị ấy đã dùng pháp lý giảng dạy khai thị cho vị hung thần giác ngộ.
-
- Ý nghĩa từ “ông”
- Tổ sư xác nhận danh từ “ông” là nghĩa lý biểu trưng cho các bậc giác ngộ như chư Phật và Bồ-tát. Các Ngài xuất hiện nơi cõi đời để giáo hóa chúng sanh. Các Ngài là lớp trên cùng, cao tột cho chúng sanh ngưỡng vọng.
“Cảnh giới của bậc ông là định, yên lặng chơn như, tâm thật, trong sạch yên lặng, sáng suốt không không, yên nghỉ nín lặng, trang nghiêm đằm thắm, từ bi đức hạnh, hỷ xả trí huệ, hiền lành trầm tĩnh, và giác ngộ. Ông ấy phải là bản dạng, dắt đường cho trẻ nhỏ đi sau đang lạc lầm chết khổ; cùng sự chỉ bảo cho người học hỏi sưu tầm. Ông ấy đã phải đến lớp tuổi cần chỉ giác ngộ cho người, ông phải là ông thầy hướng đạo, dắt nhơn loại đến chốn thảnh thơi ngơi nghỉ. Ông là ông thầy giáo đi dạy đạo khắp nơi, không nhận tiền lương bổn”.
- Xét về phương diện tâm, thì bậc ông, tâm đã trở nên hoàn toàn sáng suốt. Tâm này hợp nhất với chư Phật, Bồ-tát vượt lên trên mọi tri kiến thế gian và hiểu biết trọn vẹn hơn mọi loài chúng sanh.
“Tâm ông là phải trọn sáng trọn lành, chơn chánh ngay thật, lớn to tròn trịa. Ông chỉ phải còn tâm, có tâm không mà thôi. Người ta kêu gọi tiếng ông, là vì lớp tuổi đó cái tâm đã hoàn toàn cứng chắc, tốt đẹp thành tựu. Cái tâm ấy tức là chúa tể của tất cả chúng sanh, vạn vật các pháp, do chúng sanh vạn vật các pháp un đúc tạo thành. Cái tâm ấy là vị quân tử, là đức tánh quý báu nhất đời. Cái tâm ấy là chủ tể sự thành công, sống đời, toàn giác, linh thiêng lắm, vì nó không còn tham sân si
2. Sđd, tập II, “Vị hung thần”.
nhỏ hẹp vậy”.
- Để được trở thành bậc ông, hành giả phải làm chủ được lục căn khi tiếp xúc lục trần.
“Ông già: mắt chẳng phải ngó xem xa gần, lỗ tai chẳng phải nghe tiếng lớn nhỏ, mũi chẳng phải hửi mùi thơm thúi, lưỡi chẳng phải nếm vị ngọt chua, thân chẳng phải còn động chạm sạch dơ, ý chẳng phải lo nhớ muốn tính”.
- Địa vị này là nấc thang cuối cùng, là chỗ hướng về của mọi người phát tâm tu hành giải thoát.
“Mà trong đời, kẻ nào đã sớm có cái tâm hột ông già ấy là ông ấy chỉ còn có sự lặng trơ thôi, đâu còn phân biệt cái khen chê, lợi hại, khổ vui, làm nói, đến đi, có không, còn mất, chết sống! Nghĩa là đâu có cái chi xen vào đựng chứa, ở trong cái tâm ông cứng đặc ấy được, thì trách sao lời nói việc làm của ông chẳng phải là chỉ đem lại cho cái mục đích chánh định, chơn như, trơ lặng của người quân tử, Phật, sống trong cái thật, không không làm giác ngộ, giải thoát những sở chấp, vượt ra ngoài cái có có. Do đó mới có tiếng ông, người ta gọi đặt ra, tên ông này, lớp này vốn sẵn có mãi nơi đời, nào ai há lấy, bỏ chi được sao?”
-
- Ý nghĩa từ “cha”
- Từ “cha” là nghĩa biểu trưng cho đạo lý sống ở đời của người biết sống vì lợi ích cho người khác. “Cha” được Tổ sư sánh như hàng chư Thiên sống bằng trí hiểu biết cao hơn người thế gian. Chính vì vậy, đạo lý sống của bậc này cũng cao thượng hơn những chúng sanh khác.
“Cha là đạo lý của kẻ hy sinh, lợi tha xả kỷ. Cha là tên gọi của kẻ không ta không mình, là sự san sẻ thịt máu xương da, tô đắp cho các chúng sanh vạn vật. Cha là kẻ sanh con, là người lớn, cái lớn của thanh cao quảng đại, không không, trùm chứa trọn lành, trong sạch lớp trên. Cha tức là Trời, là thức trí, trí huệ, sống cho mình bằng trí. Trí là ta, thân là người, vật chất của cải cái có, cái tốt cái vui hay khéo lạ nơi sự vật, là của người, chớ không phải ở nơi mình nữa. Cái tiếng cha, đạo
làm cha, giáo lý bậc cha, tư cách người cha, bổn phận cha, tên cha là phải sống cho kẻ khác, làm nói cho người, nhớ tính lo nghĩ cho người, phải không còn tư riêng nhỏ hẹp”.
- Bổn phận làm “cha”, Tổ sư phân định thành hai phương diện cụ thể:
“Trong tiếng cha có đến hai bổn phận: vừa là phải nói làm nuôi mục đích của tên ông, vừa là phải tế độ cho tiếng con lớp dưới. Nghĩa là cái thiện phải nuôi giữ đạo đức chơn như, phải đến với đạo đức chơn như, cũng như cái ruột trí phải nuôi tâm hột, người lớn phải nuôi ông già, để mình tập lần theo cái dấu chưn ông già ấy. Và còn phải thương xót lại cái ác quấy trẻ con dại dột, mà cất nhắc chúng nó đem lên, để khi mình bước đến lên ông già, thì tiếng con kia sẽ trở thành cha, noi gương kia ủng hộ lại. Như thế tức là sự kéo níu, dắt nương lẫn nhau để đi lên tới hết”.
-
- Ý nghĩa từ “con”
Danh từ “con” mang pháp ý con người sống với bản năng của xã hội thuần túy. Trong đó, sự đấu tranh hơn thua dựa trên vật chất là chủ yếu.
“Tiếng con cũng là một đạo luật, tên con là chỉ rõ danh từ của pháp nhỏ nhít cỏn con, cái thiện cái trí nhỏ hẹp của hạng người tự độ tự kỷ, cái thiện cái ác bằng nhau. Đạo lý của con là ác, hạnh phúc của cải của con phải là món ăn sự mặc chỗ ở, vật chất đua tranh, mạnh được yếu thua, chết rồi là hết, vỏ trái thúi rồi là tiêu, thân mất đi không còn tâm trí, không có cái chi về sau cả thảy vậy”.
Dưới cái nhìn Tâm lý học, Đức Tổ sư đã dạy rất chính xác về tính cách và tâm lý của những con người trong lứa tuổi thanh niên. Lứa tuổi này không phải nhỏ nhưng chưa phải lớn. Do đó, đi vào xã hội còn non kinh nghiệm và chưa có cách ứng xử trưởng thành.
“Con thì chưa bao giờ rảnh rang, dòm ngó kinh nghiệm, thấy xa sự bền dài. Tuổi ấy ai cũng háo thắng thèm thuồng, khoe hay thích khen, bên ngoài trước mặt, tìm kiếm những cái lạ mới, cái tham nhiều”.
Tổ đã dạy về đạo lý của kẻ làm con như sau:
“Nhưng dầu nó thiếu trí đến đâu, chớ con đường của nó cũng ích lợi cho kẻ sau, và nó sẽ tiến lên bước trước. Cũng như cái trái non, nó không bao giờ cố gượng sức lớn già của nó được, nếu nó không phải thúi rụng. Đạo lý của con rất phải cho nó, kìa một em bé kia mà ít ăn như một ông già, thì tại sao chúng ta cho là bịnh, nó ít ngủ là người ta khuyên dỗ, tại sao nó chẳng giống ông già người lớn, và tại sao nó không làm việc nặng nề sức lực được? Thế mới biết: tên con là hột giống yếu nhỏ còn non, tiểu nhơn chẳng sánh được đại nhân quân tử. Đúng như thế, con nhỏ ai chẳng lo ăn là cần, và nào ai nhận được rằng có sống mới có ăn, có thiện có chơn, có sống có vui thì ăn mới được. Và ở trong đời, ta nhịn đói một buổi không sao, chớ tham ác thì trong một giờ phải chết khổ sớm vậy”.
-
- Ý nghĩa từ “cháu”
Từ ngữ “cháu” được Tổ sư phân tích qua các tính từ và từ láy rất đỗi văn chương mang ý nghĩa vô cùng thâm thúy. Ở đây, Tổ sư không chỉ trích con nít là sai, mà chỉ dùng hình ảnh con nít để chỉ cho căn cơ thấp kém của một số người.
“Tiếng cháu là sự nhỏ nhít lệu ệu để chỉ những đứa bé mới sanh, chỉ biết uống ăn cười khóc co ngoe ỏng ẻo. Tên cháu là chỉ rõ sự nhu nhuyễn lỏng bỏng như một cái nụ trái, mới mọc vượt giữa bông hoa, nó chưa có thành nên hình tượng cái chi rõ rệt. Cháu chắt chít, là sự thun co, ngo ngoe, nó cũng chưa biết thân của nó là ra sao nữa. Nó chỉ biết ăn chơi ngủ thức bấy nhiêu thôi, cháu chắt chít là sự vô dụng, vì tất cả đều lo cho nó, bố thí cho nó, mà nó chẳng biết chi cả, chết sống tự nơi người khác do nhơn duyên cảnh ngộ, chớ nó không có chủ tể chi hết. Đời của nó chỉ như cây non cỏ nhỏ, không còn ai biết nó ra gì, ai cũng lo cho nó, nó báo hại người ta lại còn thêm sự nhõng nhẽo làm nư hờn giận, điệu bộ ẻo lả khó cho người ta dỗ ngọt”.
Tổ sư đưa ra nhận định về ý pháp của danh từ “cháu” hay con nít như sau:
“Giáo lý của nó là con sâu con trong nhơn loại; đạo lý của nó là
ác quấy, giận hờn, ganh ghét, đố kỵ. Nó mê hoặc cả người ta mà không tự hiểu biết ra chi cả, nó là một con vật rất nhỏ nhít được người ta tha thứ mà nuôi sống mỗi ngày. Nó làm cho người ta vì xót thương cái khờ dại mà tưng tiu săn sóc. Bổn phận của cháu phải là nhỏ nhít hơn hết. Và như thế là cẩu thả hơn hết, tệ mạt hơn hết, ở trong đời người ta gọi tiếng cháu là một con vật, chớ chưa phải người vì chưa phải là có được hột giống nhơn người chi nữa”.
Như vậy, bốn bậc này là tượng trưng cho bốn hạng bậc và bốn đạo lý sống ở đời. Tổ sư đã dạy như sau:
“Vậy thì loài người có bốn bậc, bốn giáo lý, bốn đạo, bốn tên gọi: Từ ông đến cha, đến con, đến cháu; cũng là một con đường có bốn chặng từ thấp tiến lên cao, từ thú đến người, đến trời, đến Phật; hay cũng là từ ác đến thiện, đến huệ, đến chơn. Phật thì chơn như và trí huệ, Trời thì trí huệ và thiện lành, người là thiện lành và ác quấy, thú là ác quấy và khờ dại. Phật, Trời, người, thú là ông, cha, con, cháu, và món ăn là chơn như, trí huệ, thiện lành, ác dữ. Trong bốn lớp ấy chia ra làm hai hạng là quân tử và tiểu nhơn”.
Rõ ràng, những lời của Đức Tổ sư dạy bảo trong quyển Chơn lý này là bốn hạng bậc của quá trình tiến hóa trong tâm thức giác ngộ của con người. Ban đầu từ “cháu” là pháp ác đến “con” là pháp thiện, đến “cha” là huệ, cuối cùng đến “ông” là giác chơn. Đây là con đường tiến hóa của chúng sanh từ thấp lên cao, từ ác đến thiện và đến sự giác ngộ hoàn toàn.
- KẾT LUẬN
Từ ngữ là sự giao tiếp không thể thiếu trong đời sống con người. Từ ngữ trong nói năng hay viết lách đều có chức năng truyền tải thông tin của người nói - viết đến người nghe - đọc hướng đến sự rõ ràng chính xác. Trong việc hoằng pháp lợi sinh, từ ngữ được sử dụng trong thuyết giảng và trước tác kinh sách đều vô cùng quan trọng. Phật pháp muôn trùng, nghĩa lý lại vô biên nên chỉ cần sai một từ là có thể gây nguy hại cho cả một đời tu tập. Bên cạnh đó, ý pháp trên các từ ngữ mà chư Phật, chư Tổ để lại trong kinh văn hay các trước
tác của các Ngài đều vô cùng uyên áo. Điều này được gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Từ những nghĩa lý trên, việc tìm hiểu cách dùng từ trong kinh văn và các trước tác là công việc có giá trị và rất quan trọng.
Các từ ngữ mà Đức Tổ sư đã sử dụng mang nhiều ý nghĩa thâm thúy vô cùng. Ngài sử dụng ngôn từ của chính người bình dân địa phương để diễn tả Phật pháp vừa gần gũi lại vừa sâu sắc. Điều này đã mang lại thành công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam trong thời đại lúc bấy giờ và còn mở ra con đường tu học đúng đắn theo Đức Phật ngày nào.
Bộ Chơn lý của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang là cơ sở nhận thức, lý luận, tu tập và hành đạo của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong Hệ phái. Đây là kim chỉ nam cho sự nối truyền tông môn Khất sĩ. Tuy nhiên, để hiểu lời Tổ dạy một cách thấu đáo thì cần phải dụng công. Với đề tài này, người viết chỉ trình bày phần cảm nhận của mình dựa trên sở học và sở tu còn rất nông cạn, thậm chí còn sai lầm trong nhận thức về cách diễn đạt và sử dụng từ ngữ của Tổ sư. Chúng con xin thành tâm đảnh lễ sám hối trước Đức Tổ sư và chư Đức Thầy trước những sai sót đó, cúi mong Đức Tổ sư thùy từ chứng giám. Và chúng con thành tâm đảnh lễ chư Tôn đức Tăng Ni, cúi mong quý Ngài chứng minh cho kiến giải còn hạn hẹp của chúng con qua đề tài này và chỉ dạy thêm cho chúng con được mở mang tầm nhận thức.